Trong di sản đồ sộ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta đến hôm nay, những tác phẩm đề cập trực tiếp đến cao trào cách mạng 1930-1931 không nhiều, chỉ khoảng 9-10 tác phẩm, nhưng đó là những tài liệu vô cùng quý báu. Qua đó, chúng ta có thể tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Nghệ- Tĩnh nói riêng. Đồng thời, chúng ta có thể hiểu được tấm lòng của người chiến sĩ cộng sản, của người con xa quê tìm đường cứu nước gần 20 năm, luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, đất nước.
Mặc dù hoạt động cách mạng nơi xứ người đất khách, Nguyễn Ái Quốc nắm chắc tình hình kinh tế – xã hội của quê nhà. Báo cáo của Nguyễn ái Quốc ngày 19-2-1931 cho biết: Nghệ An có 3 phủ, 6 huyện, 942 làng với số dân 614.000 người. Hà Tĩnh có 2 phủ, 6 huyện, 601 làng với dân số 405.000 người. Người thương đến cả những người dân của hai tỉnh (120.000 người) phải đóng thuế thân cho chế độ thực dân, phong kiến, một thứ thuế đã làm bao gia đình Việt Nam khốn đốn.
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ các nhân dân của nhân dân Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp tập trung, tăng cường bộ máy đàn áp, tiến hành khủng bố trắng phong trào. Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi chặt chẽ các hoạt động đó như việc tăng thêm quân viễn chinh Pháp vào Việt Nam, sử dụng lực lượng binh lính lê dương đàn áp nhân dân, tăng cường xây dựng binh lính người bản xứ, xây dựng đồn binh, ban hành lệnh thiết quân luật ở những địa phương diễn ra phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Nguyễn Ái Quốc tố cáo trước dư luận những thủ đoạn khủng bố trắng tàn bạo của thực dân Pháp như đốt nhà, triệt phá làng mạc, cho máy bay ném bom tàn sát các đoàn biểu tình, bỏ thuốc độc xuống giếng nước… Người dẫn chứng những số liệu cụ thể về số nhà bị đốt, số người bị tàn sát ở những địa phương như vụ máy bay ném bom xuống đoàn biểu tình tại Hưng Nguyên làm gần 200 nông dân chết và bị thương; vụ giặc tàn sát cùng lúc 103 người tại Thanh Chương; thống kê trong 7 cuộc biểu tình tại Nghệ An có 393 người bị giết …
Đồng thời, Người tố cáo trước dư luận những thủ đoạn thâm hiểm, những trò bịp bợm của thực dân, phong kiến tổ chức những cuộc biểu tình phản cách mạng ở Vinh, trong đó tiến hành những thủ đoạn mị dân như “lễ rước cờ vàng" và nhận “thẻ quy thuận”, nhằm đánh vào tâm lý yếu đuối của một bộ phận quần chúng, đang dao động và khiếp sợ chính sách khủng bố trắng.
Cùng với việc bắn giết, đốt phá, thực dân Pháp và tay sai đã bắt bớ, giam cầm hàng nghìn đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước. Theo dõi chặt chẽ số người bị bắt, tù đày, Nguyễn Ái Quốc đưa ra con số: đến tháng 12- 1930, có 1.359 tù chính trị bị tra tấn tại nhà tù Vinh; trong tháng 1-1931, riêng tại Nghệ An có 900 đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắt tù đày. Những số liệu cụ thể đó góp phần minh chứng cho chính sách khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp.
Về những nguyên nhân nổ ra cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ-Tĩnh, Nguyễn Ái Quốc phân tích, làm rõ.
Trước hết là do chính sách áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân phong kiến. Người viết: “Sự bóc lột vô nhân đạo của chủ nghĩa tư bản ở thuộc địa làm cho những người công nhân sống trong những điều kiện không chịu nổi. Sự tập trung rất lớn các đất đai vào tay người Pháp và giai cấp địa chủ bản xứ khiến cho tình cảnh của trung nông và bần nông tồi tệ đi. Sự mất mùa liên tiếp và giá sinh hoạt cao gia tăng sự khốn cùng và sự đau khổ của quần chúng lao động. Tất cả điều này khơi sâu thêm mâu thuẫn giã những kẻ áp bức và bóc lột với người bị áp bức và bị bóc lột, và làm cho tinh thần đấu tranh của những người sau này sâu sắc"
Về khách quan, Nghệ - Tĩnh là hai trong số những tỉnh nghèo nhất nước. “Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có, ở đây thường xảy ra lụt, bão, do đó nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở. Sưu thuế nặng nề và nạn áp bức xã hội và chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cùng cực hơn". Nghèo đói không buộc nhân dân Nghệ -Tĩnh phải đứng lên làm cách mạng. Nhưng nghèo đói trong cảnh bị áp bức, bóc lột, đè nén đến cùng cực thì không có con đường nào khác phải vùng lên đấu tranh chống lại chính quyền thực dân, phong kiến.
Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh vùng dậy đấu tranh chống thực dân, phong kiến
(Tranh cổ động - Bảo tàng Xô viết Nghệ -Tĩnh)
Trước khi có Đảng, nhân dân Nghệ – Tĩnh đã có truyền thống cách mạng kiên cường đấu tranh chống các thế lực xâm lược và ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm giữ ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, truyền thống đó càng được khơi dậy và phát huy.
Người theo sát quá trình xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ và các tổ chức cách mạng trong tỉnh và xác định đó cũng là một trong những lý do làm cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nghệ An hết sức mạnh mẽ. Nguyễn Ái Quốc cho biết, từ 1-5 đến 1-10 ở Trung Kỳ đã có 35.000 nông dân vào tổ chức Nông hội, đến ngày 19-2-1931, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 60.000 nông dân đã vào tổ chức Nông hội. Đến tháng 4-1931, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Người, Nghệ An có 959 đảng viên, 104 chi bộ, 31.678 hội viên nông hội và hàng nghìn hội viên các tổ chức quần chúng của thanh niên, phụ nữ, công nhân.
Phong trào đấu tranh của quần chúng công nông, đặc biệt là việc thành lập các Xôviết ở Nghệ An và Hà Tĩnh được Nguyễn Ái Quốc theo dõi sát sao. Tuy ở xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm mọi cách nắm bắt tình hình trong nước, góp ý với Ban lãnh đạo Đảng về xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, lãnh đạo chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng; đồng thời, liên tiếp gửi các báo cáo đề nghị Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản quan tâm và giúp đỡ phong trào cách mạng Đông Dương.
Không trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng trong nước, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi Quốc tế Cộng sản và các tổ chức quốc tế khác như quốc tế công hội đỏ, Quốc tế nông dân, Quốc tế cứu tế đỏ… lên tiếng ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương, ngăn chặn bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp. Trong thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ngày 29-9-1930, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu.
Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản tháng 4-1931, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “ Tôi sẽ đề nghị thêm rằng Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho tất cả các tổ chức cách mạng của chúng ta tham gia với khẩu hiệu “Bảo vệ Đông Dương” …Đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức cách mạng khác sẽ tăng cường hơn nữa việc bảo vệ phong trào cách mạng ở Đông Dương.
Nguyễn Ái Quốc kêu gọi giai cấp công nhân và giai cấp nông dân toàn thế giới ủng hộ cách mạng Việt Nam: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới ! những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp”. “Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới- đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy”.
Nguyễn Ái Quốc thực sự trở thành cầu nối cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Qua các báo cáo của Người, Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc Quốc tế Cộng sản, các Đảng Cộng sản và nhân dân tiến bộ thế giới hiểu rõ hơn về Đảng Cộng sản Đông Dương, về quy mô tổ chức, khả năng, các hình thức và phương pháp đấu tranh của phong trào cách mạng Việt Nam, về tội ác của đế quốc pháp tại Đông Dương, từ đó kịp thời động viên, cổ vũ và đề ra những chủ trương, biện pháp cần thiết để chỉ đạo, uốn nắn phong trào và giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là cơ sở để tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản diễn ra từ ngày 25/3 đến 13/4/1931, vấn đề Đông Dương và phong trào cách mạng Đông Dương được đưa ra trao đổi và thống nhất đề nghị Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (1935) thông qua Nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản.
Cũng chính vì những hoạt động tích cực đó, thực dân Pháp không phải không có lý khi cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người chỉ đạo phong trào từ xa, phải chịu một phần trách nhiệm trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ trong nước, nên ra sức lùng bắt Người.
Tự hào với truyền thống quê hương, Nguyễn Ái Quốc ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ- Tĩnh: “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”[…]. Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh….tuyên truyền của chính phủ, báo chí…đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh”.
Nhưng mặt khác, Người không đồng tình với một số vấn đề về tổ chức, về đường lối, phương pháp đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Nghệ- Tĩnh. Phân tích tình hình, với trình độ lý luận cao, Nguyễn Ái Quốc cho rằng phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh nổ ra chưa có thời cơ cách mạng. Phong trào đấu tranh của quần chúng công nông, đặc biệt là việc thành lập các Xôviết ở Nghệ An và Hà Tĩnh được Nguyễn Ái Quốc theo dõi sát sao. Trước diễn biến phong trào đã đi quá xa với những chủ trương ban đầu, Người luôn băn khoăn: “ Hiện nay phong trào cách mạng đang lên mạnh, phải tránh sao cho vô sản khỏi phạm những sai lầm có thể đưa cách mạng đến thất bại”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc phê phán những khuyết điểm đang diễn ra trong phong trào cách mạng. Người nêu rõ: “ Đường lối chung của cách mạng nông dân nhằm:
-Tập hợp, tổ chức trung, bần nông và kích động họ đấu tranh giành lấy chủ quyền cho nhân dân;
-Chứ không phải để tiến hành một cuộc khởi nghĩa địa phương (khởi nghĩa có nghĩa là nổi dậy giành chính quyền)”.
Lúc này, “Đánh vào giai cấp thống trị, đánh vào địa chủ và tư sản tức là chúng ta phải kích động nông dân đấu tranh phản đối thu thuế, phản đối chế độ phát canh, phản đối những quy tắc, luật lệ của tư sản…v..v và phải kết hợp đấu tranh kinh tế và chính trị”.
Cũng trong báo cáo này, Người phê phán việc tổ chức nông hội với nguyên tắc không rõ ràng, phát triển hội viên chậm, công tác tuyên truyền giải thích kém…. Người nhấn mạnh và nhiều lần nhắc nhở việc thành lập đội tự vệ nông dân để bảo vệ phong trào. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý phải chống quan điểm sai lầm cho rằng “ tay không làm sao mà đấu tranh được” hoặc “không nên gây ra một cuộc chiến tranh nhỏ” và nhắc nhở các hoạt động tự vệ tránh đi theo xu hướng “khủng bố”.
Một góc Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An hôm nay
(Ảnh báo Nghệ An)
Có thể nói, mặc dù không trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng trong cao trào cách mạng1931-1931, hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với hiểm nguy rình rập, nhưng trí tuệ, tâm hồn và tình cảm của người con xứ Nghệ luôn hướng về quê hương, đất nước, dõi theo từng bước tiến của phong trào, làm tất cả những gì có thể để góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng ở quê hương. Cao trao cách mạng 1930-1931 với đỉnh điểm là Xôviết Nghệ Tĩnh cuối cùng thất bại, nhưng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn như Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đó là lần đầu tiên nhân dân ta nắm chính quyền ở địa phương và bắt đầu thi hành những chính sách dân chủ, tuy mới làm được trong một phạm vi nhỏ hẹp.
Xôviết Nghệ An bị thất bại, nhưng đã có ảnh hưởng lớn. Tinh thần anh dũng của nó luôn luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng, và nó đã mở đường cho thắng lợi về sau”.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục thắp sáng truyền thống anh dũng của quê hương và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, lớn lao cho Nguyễn Ái Quốc trên bước đường hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc.
Bình Nguyễn