Với quan điểm đúng đắn về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí nguyễn Chí Thanh đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta
Bề dày hoạt động cách mạng
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/ 1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thanh niên của ông là những tích ngày cực tham gia hoạt động cách mạng, vào tù, ra khám.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Nguyễn Vịnh được ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ngày 14/8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Nguyễn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương[1] với tên mới là Nguyễn Chí Thanh.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thàng công, ngày 31/8/1945, tại Hội nghị đại biểu của 19 tỉnh thành Trung Kỳ ở Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ[2].
Tháng 6/1947, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) quyết định thành lập Phân khu Bình-Trị- Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Phân khu ủy.
Tháng 5/1948, tại Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Liên Khu IV, đồng chí được bầu làm Bí thư Liên Khu ủy IV.
Tháng 7/1950, đồng chí được Trung ương điều động bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ II (1951) và Đại hội lần thứ III (1960) của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và được Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Năm 1959, Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng. Năm 1961, đồng chí được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Tháng 9/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều động trở lại quân đội, được phân công giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam[3].
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất ngày 6/7/1967 tại Hà Nội do một cơn nhồi máu cơ tim khi ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp to lớn đối sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là những đóng góp trong công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960 (Ảnh tư liệu)Quan điểm đúng đắn về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội
Tại Hội nghị cán bộ tỉnh Thừa Thiên, ngày 25/3/1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã nêu ra quan điểm nổi tiếng khi cho rằng: “mất đất chưa phải là mất nước, chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”[4].
Quan điểm này không chỉ được phổ biến, quán triệt sâu sắc ở tỉnh Thừa Thiên mà ở cả trong vùng Bình-Trị-Thiên khói lửa, đặc biệt là từ sau khi Phân khu Bình-Trị-Thiên được thành lập (tháng 6/1947).
Với những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến ở Liên Khu IV nói chung ở Phân khu Bình-Trị-Thiên nói riêng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều động bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp lãng đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đánh bại đội quân nhà nghề của Pháp, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thắng lợi này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người có công trong việc tăng cường, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội, xây dựng nền nếp công tác đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong những năm 1954-1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng chí có nhiều bài nói, bài viết khẳng định Đảng là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo quân đội.
Đồng chí viết: "Ai đứng ra thành lập quân đội ta? Ai đem đường lối chính trị và tư tưởng vô sản giáo dục cho quân đội ta? Ai đem chiến lược, chiến thuật, chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân giáo dục cho quân đội ta? Ai vận động được đông đảo nhân dân tham gia quân đội và ủng hộ quân đội ta một cách nhiệt tình như thế? Ai kêu gọi được sự viện trợ đầy nhiệt tình của phe xã hội chủ nghĩa và sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta của nhân dân thế giới? - Đảng ta và chỉ có Đảng ta mới làm được như vậy. Vì thế quân đội trước kia, bây giờ cũng như sau này phải biểu hiện lòng trung thành của mình vối Đảng: nghiêm chỉnh, triệt để chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Tuyệt đối phục tùng Đảng, đoàn kết keo sơn, gắn bó chung quanh Trung ương Đảng. Đảng ta chỉ có thể đạt được thắng lợi khi mà nhân dân hết lòng ủng hộ Đảng, khi mà quân đội dốc toàn tâm toàn ý ra chấp hành nghị quyết của Đảng". Đồng chí khẳng định quan điểm: "Quân đội ta là quân đội của Đảng và thực tiễn cũng đã khẳng định điều đó. Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta đã chủ trương Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng cho quân đội là phi đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội"[5].
Đồng chí yêu cầu: "Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng quân đội. Trong việc xây dựng Đảng lại phải nắm vững những điểm mới về tư tưởng và chính trị tức cũng là phải lấy việc xây dựng về tư tưởng và chính trị là máu chốt nhất, trong đó việc rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng cho đảng viên làm cho đảng viên rắn như thép, vượt qua mọi thử thách của cách mạng là quan trọng bậc nhất”[6]
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi tình hình với Thiếu tướng Chu Huy Mân
trước khi ông vào chiến trường miền Nam, năm 1964 (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng: trong quân đội, trước hết phải chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị để quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân: “Lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác của mọi hoạt động quân sự”[7].
Đồng chí nêu ra 7 nguyên tắc đối với công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội[8]:
Một là, Đảng phải nắm chắc quân đội thì mới có quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền... Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo quân đội cho một ai.
Hai là, Quân đội phải là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, "đi dân nhớ, ở dân thương", phải xử lý tốt mối quan hệ cơ bản: Với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù...
Ba là, về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp, nhưng tư tưởng thì không được phép.
Bốn là, về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức nhưng không được thành phần chủ nghĩa. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị.
Năm là, công tác chính trị là lính hồn của quân đội. Toàn bộ hoạt động của nó là để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng. Nó là công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội.
Sáu là, đi đúng đường lốĩ quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng.
Bảy là, công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của quân đội, có thế mới phát huy tác dụng tốt, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng.
Những nguyên tắc này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh không ngừng, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Đánh giá về những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu cho rằng: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân ta. Đồng chí đã thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện một đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao”[9].
“Đồng chí Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc chỉ đạo, xây dựng chế độ và công tác đảng ủy trong quân đội ta, thường xuyên quan tâm đến củng cố và kiện toàn chế độ này, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Xác lập chế độ đảng ủy để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong bộ đội và định rõ chế độ thủ trưỏng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của đảng ủy”[10].
Hải Đăng
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, t.1, q.1, tr.686 và 688
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh- Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-1954), Sđd, tr.667
[3] Xem: Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t. II (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 267
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên- Huế: Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế, tập I (1930- 1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.245
[5] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 311-312.
[6] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.13-14
[7] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr.40
[8]Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr.13
[9] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr.43
[10] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh, Sđd, tr.44