Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo chính trị, quân sự tiêu biểu của Đảng, dân tộc và quân đội. Nổi tiếng với phong trào thi đua Gió Đại Phong trong sản xuất nông nghiệp miền Bắc, khi được điều động trở lại quân đội và cử vào chiến trường miền Nam, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân của Đảng, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ
Đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, làm cơ sở xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ
Đến thời điểm cuối năm 1964, nhận thấy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ bị thất bại hoàn toàn trước sự tiến công mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, Hoa Kỳ tính toán thay đổi chiến lược, mong giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn trên chiến trường miền Nam.
Trước những diễn biến mới của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị và một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ huy các trận đánh lớn cho chiến trường miền Nam, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương lên đường vào chiến trường miền Nam[1]. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị quyết định giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và làm Chính ủy Quân ủy Miền[2], phụ trách chung về lãnh đạo chính trị[3].
Trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, một trong hai tướng lĩnh cao nhất của quân đội, trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ý thức sâu sắc trọng trách mà Đảng và Chủ tịch Hồ chí Minh ủy thác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các đồng chí trước khi lên đường vào Nam công tác: đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi[4].
Với nhãn quan chiến lược sâu sắc, sâu sát thực tiễn chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện sớm bước chuyển chiến lược của Mỹ, từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (từ ngày 2/12/1964 đến 3/1/1965) ngay sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam là tiến công ấp chiến lược Bình Giã ở Đông Sài Gòn, góp phần đánh “gãy xương sống” quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường miền Nam, năm 1965 (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương nhận định: “Chiến thắng Bình Giã đánh dấu sự thất bại căn bản của chiến lược chiến tranh đặc biệt”[5].
Đây là thời điểm bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh. Ở giai đoạn cuối chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, nếu ta chỉ phát triển chiến tranh du kích, thì không thể giành thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, thời điểm này đã coi trọng xây dựng các quả đấm chủ lực, cùng Bộ Tư lệnh Miền tiếp tục chỉ đạo mở các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài… đánh bại từng chiến đoàn quân ngụy, cùng với kết quả phá rã hàng nghìn “ấp chiến lược”, đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Xây dựng quyết tâm và tìm cách đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu, tổng kết cách đánh Mỹ từ thực tiễn chiến trường
Tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” là bước leo thang chiến tranh cao nhất của Hoa Kỳ trong chiến trang Việt Nam.
Trước đối tượng tác chiến mới là quân Mỹ, vấn đề cốt tử đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là Việt Nam có đương đầu được với quân Mỹ không? Ta có chuyển sang phòng ngự không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào? Đây là bài toán hóc búa chưa có lời giải, vì ta hiểu Mỹ về bản chất, sức mạnh vật chất, nhưng cách đánh, chiến thuật của quân đội Mỹ như thế nào, sở trường ra sao là một ẩn số. Có hiện tượng một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỏ ra hoang mang, dao động; tư tưởng co thủ xuất hiện.
Trên chiến trường, yêu cầu thống nhất nhận thức, thông suốt tư tưởng, lựa chọn đúng phương thức tác chiến chiến lược… là yêu cầu, trách nhiệm đặt ra đối với vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền đã chỉ đạo và tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công, đánh thắng quân Mỹ ngay những trận đầu. Trong thời gian này, có chỉ huy đơn vị nêu ý kiến “Xin Quân ủy miền cho các phương châm tác chiến”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trả lời: “Phương châm tác chiến nó nằm ở mặt trận ấy, các cậu ra đó mà lấy”[6].
Đứng trước tình thế vô cùng khó khăn thử thách đó, những câu nói của Đại tướng đã tạo nên sức mạnh to lớn: “Mỹ tuy giàu nhưng không mạnh, Mỹ binh hùng tướng mạnh mà lại yếu. Ta có cách đánh của ta. Mỹ ăn bằng muỗng và nĩa, ta phải bắt chúng ăn bằng bát và đũa, hãy nắm thắt lưng địch mà đánh”[7].
Song song với xây dựng lực lượng, tạo thế trên chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo quyết tâm tìm ra cách đánh quân Mỹ, coi đây là vấn đề then chốt nhất để đánh thắng địch trên chiến trường.
Trong trận đầu ra quân diệt Mỹ (25-26 /5/1965), lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam đã tiêu diệt một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ tại Núi Thành. Thắng lợi của trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là trận đánh thắng Mỹ đầu tiên ở miền Nam, mở ra khả năng lực lượng vũ trang địa phương được huấn luyện tốt có thể diệt đơn vị quân chiến đấu Mỹ. Thắng lợi Núi Thành cho thấy kinh nghiệm đầu tiên là trước một kẻ thù mạnh, ta phải có tinh thần dám đánh, quyết tâm đánh Mỹ và tìm ra cách thắng Mỹ của quân và dân ta; là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công.
Chiến thắng Núi Thành, và tiếp đó là Vạn Tường (8-1965), khẳng định niềm tin và quyết tâm và khả năng đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân và dân ta, cổ vũ phong trào diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Khu V từ thực tế chiến đấu của lực lượng vũ trang với khẩu lệnh “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định đây không còn là cách đánh của trung đoàn 1 Quân khu V, mà là cách đánh của toàn Miền, toàn quân, là chiến thuật của từ chiến tranh nhân dân “bám thắt lưng địch mà đánh”.
Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng nhanh chóng lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập các “vành đai diệt Mỹ” - thế trận chiến tranh nhân dân vây hãm và tiến công địch ngay tại căn cứ chỉ huy, căn cứ hậu cần và căn cứ xuất phát hành quân của lục quân, không quân, hải quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, tựu trung nhất là tư tưởng chỉ đạo “ở gần và đánh gần”. Những khẩu hiệu “Vành đai diệt Mỹ” “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “10 kinh nghiệm đánh Mỹ ở Củ Chi” được phổ biến kịp thời và rộng rãi.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi tình hình chiến sự ở miền Nam với
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hà Nội, đầu tháng 7/1967 (Ảnh tư liệu)
Đại tướng đã phát huy sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta để đề ra cách đánh sáng tạo “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” (đánh gần), qua đó, tổng kết kinh nghiệm, nâng lên thành phương châm chỉ đạo tác chiến trên chiến trường miền Nam. Đó chính là tư tưởng “ở gần đánh gần” mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người lãnh đạo với tác phong gần dân, sát dân, sát người lính đã tổng kết.
Chính ủy Quân ủy Miền đã chỉ đạo tổ chức Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất tại khu căn cứ Tây Ninh (2/5 đến 6/5/1965). Tại Đại hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương nêu quyết tâm Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ[8]. Đây là chủ trương bám sát thực tiễn, có căn cứ: trước hết phải có quyết tâm dám đánh, quyết thắng, từ đó trong quá trình chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ mới phát hiện được điểm mạnh, yếu của chúng, sở trường, hạn chế của ta, để tìm ra cách đánh hiệu quả nhất.
Quân và dân ta đã hạn chế tối đa sức mạnh cuả vũ khí tối tân, phương tiện chiến tranh hiện đại, lối đánh dựa vào công hiệu của vũ khí hỏa lực, buộc quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hòa rơi vào thế bị động đối phó, phải đánh theo cách đánh mà chúng không có sở trường.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rút ra những vấn đề mang tính lí luận: “Mỹ vào miền Nam Việt Nam trong thế bị động, thế thua, do đó ta cứ tiếp tục tiến công, chỉ có tiến công mới tiếp tục giữ được thế chủ động và tiếp tục làm cho Mỹ - ngụy bị động, suy yếu”[9]. Từ thực tế của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, Đại tướng đã khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo một số vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự mà tư tưởng cơ bản là tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công[10].
Những quan điểm của đồng chí Bí thư Trung ương Cục được Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3/1965), Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (12/1965) hoàn toàn nhất trí. Đảng xác định chúng ta không chuyển sang phòng ngự mà với tư tưởng cách mạng tiến công, tiếp tục tiến công, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng cho cách mạng miềm Nam, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Thành Lộc
[1] Cùng vào miền Nam đợt này có Thiếu tướng Trần Độ, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Đại tá Hoàng Cầm và nhiều cán bộ trung, cao cấp.
[2] Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. CTQG, H.2008, tr.571; Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam: 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. QĐND, H.2004, tr.228.
[3] Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam: Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tập 2 (1955-1975), Nxb. QĐND, H. 2010, tr.272.
[4] Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh , Nxb. QĐND, H.1995, tr.187.
[5] Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam: Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tập 2 (1955-1975), Nxb. QĐND, H. 2010, tr.275.
[6] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb. QĐ ND, H. 1997, bài của Trung tướng Trần Độ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên chiến trường miền Nam, tr.92.
[7] Bài của Mười Xúp: Những mẩu chuyện nhỏ về anh Sáu Di trong những ngày công tác với anh ở chiến trương B2, in trong Vị tướng khởi nguồn Gió Đại Phong, Nxb. Thời đại, 2012, tr. 95.
[8] Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập IV, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb. CTQG, H. 1999, tr.40.
[9] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb. QĐND, H.2009, tr.35.
[10] Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb. QĐ ND, H. 1997, bài của Thượng tướng Lê Khả Phiêu: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà lãnh đạo mẫu mực và tài năng, tr. 28