Ngày 23/11/2021, tại kỳ họp lần thứ 41 của Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), ở thủ đô Paris, Pháp đã thông qua Quyết định về việc trong năm 2022, UNESCO sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm ngày sinh/ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh vẽ đề tài: Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, bà Sương Nguyệt Anh ghi chép. Ảnh: tuoitre
Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu là một trong sáu danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh (Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương). Đây là sự ghi nhận những đóng góp to lớn, những giá trị tốt đẹp của nhà văn hóa, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc - Nguyễn Đình Chiểu. Có nhiều cách nói để tôn vinh ông, riêng tôi rất ấn tượng với câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Hình tượng ngôi sao sáng ấy như càng làm nổi bật hơn tâm sáng, đức sáng, trí sáng của một nhà thơ mù đất phương Nam ở thế kỷ XIX.
UNESCO khẳng định, “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam; tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Đây chính là sự vinh danh đặc biệt dành cho danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, bởi đây cũng chính là sứ mệnh mà UNESCO đang nỗ lực thực hiện. Từ đầu thế kỷ XXI, UNESCO cho rằng, kỹ năng tự học là một trong những kỹ năng sống mà con người không thể thiếu, và cần tiến hành suốt đời trong thời đại ngày nay. Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định việc học tập suốt đời là một nhu cầu cấp bách, UNESCO còn thành lập Viện Học tập suốt đời và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Nước ta đã hưởng ứng chủ trương Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của UNESCO lần đầu tiên vào năm 2011. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đều có sự chỉ đạo tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” vào tuần đầu của tháng 10 hằng năm.
Nguyễn Đình Chiểu thực sự là tấm gương tiểu biểu của dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới về tinh thần “vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời”. Cuộc đời nhà thơ trải qua nhiều biến cố đau thương, mất mát, song điều đó lại chính là môi trường để ông bộc lộ sáng rõ những phẩm chất cao đẹp. Từ khi 11 tuổi, cuộc sống của ông vốn là con một thư lại ở dinh Tổng trấn Gia Định đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An năm 1833 của Tả quân là Lê Văn Khôi. Cha con ông phải chạy ra Huế, cha ông bị cách hết mọi chức vụ. Cha ông đã gửi ông ở lại Huế ăn học trong gia đình người bạn để vào Nam với vợ con. Ông phải sống và học xa gia đình tại Huế 7 năm, đến 18 tuổi mới trở về Gia Định.
Sau khi đỗ Tú tài, năm 25 tuổi ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Tuy nhiên, tháng 12 năm 1848, mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về, vì khóc thương mẹ, vì vất vả và thời tiết khắc nghiệt nên ông bị ốm nặng, dù được chữa trị nhưng mắt bị mù. Con đường công danh dang dở, sau đó vị hôn thê lại bội ước, gia cảnh sa sút… Bao nhiêu mộng ước của một nhà Nho chân chính “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” tưởng như tan vỡ khi trở thành người mù lòa.
Dù vậy, giữa nghịch cảnh, ông đã quyết chí vươn lên, dành tâm huyết và trí tuệ để tạo dựng sự nghiệp của một nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc nổi danh khắp đất Nam Bộ. Không để uổng công bao năm dùi mài kinh sử, ông trở thành “Đồ Chiểu” tài năng, đức độ, được nhân dân khắp vùng quý mến. Ông không ngừng tìm tòi, học hỏi để bốc thuốc chữa bệnh cứu người, trở thành lương y tinh thông y lý của dân tộc, của phương Đông. Đặc biệt, sự thành công nhất của ông chính là lĩnh vực sáng tác văn chương để “chở đạo, sửa đời và dạy người” (Lê Chí Dũng). Có thể khẳng định, với sự nỗ lực, với những đóng góp lớn lao, Nguyễn Đình Chiểu đã thực sự trở thành tấm gương sáng: tàn nhưng không phế.
Cùng với sự vươn lên đạt tới thành công trong nghịch cảnh, Nguyễn Đình Chiểu được người dân nhiều thế hệ cùng đất Nam Bộ hết sức tôn kính còn chính ở nhân cách con người. Ở ông, có sự thống nhất khá trọn vẹn giữa con người thật trong cuộc đời với đạo đức, lý tưởng và hành động trong văn chương. Ông mang những đặc trưng tiêu biểu về tính cách, cách nghĩ, cách làm của một kẻ sĩ Nam Bộ. Đó là con người sống bộc trực, thẳng thắn, xem trọng hành động, nghĩ sao nói vậy, đã nói là làm. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chính là truyện thơ Lục Vân Tiên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là một trong những kiệt tác văn chương ở Việt Nam, có giá trị quan trọng và tầm ảnh hưởng sâu rộng, “đó là điều ngoài Truyện Kiều ra, ít tác phẩm nào có được” (Đoàn Lê Giang).
Đặc biệt, từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông tích cực sáng tác thơ văn để thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân, để dùng làm vũ khí tấn công quân giặc. Những câu thơ thể hiện tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa, được nhân dân truyền tụng rộng rãi như “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”… có rất nhiều trong thơ văn ông.
Không chỉ trong thơ văn, thực tế cuộc sống ông cũng không chấp nhận chung sống với giặc, nơi nào bị giặc chiếm đất thì ông và gia đình bỏ đi đến nơi chưa bị chiếm (còn gọi là phong trào “tỵ địa”): năm 1859 Pháp chiếm thành Gia Định, ông chuyển về sống ở quê vợ - Cần Giuộc; năm 1862, sau Hòa ước Nhâm Tuất, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông chạy về Ba Tri, Bến Tre; năm 1867, 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ cũng bị Pháp chiếm, ông không còn biết đi đâu nên ở lại đây cho đến khi qua đời (năm 1888). Thực dân Pháp biết uy tín của ông trong nhân dân rất lớn, nên nhiều lần tìm cách mua chuộc, hứa hẹn chữa mắt và cuộc sống giàu sang, sung sướng cho ông. Nhưng ông luôn khảng khái từ chối, bất hợp tác.
Nói chung, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Hiếm có danh nhân nào ở Việt Nam hay tầm thế giới mà thể hiện tinh thần vượt qua nghịch cảnh để vươn tới thành công như ông. Dù bị mù nhưng ông luôn nỗ lực và đã được người đời ghi nhận công lao to lớn trên cả 3 lĩnh vực: thơ văn, thầy giáo, thầy thuốc. Đặc biệt, tấm gương sáng về nhân cách của người trí thức trong bối cảnh mất nước càng khiến đời sau khâm phục và ngưỡng mộ. Nhân cách con người cùng với những đóng góp của ông trong nhiều lĩnh vực đã khẳng định ông là một tượng đài văn hóa tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ, của dân tộc Việt Nam.
Anh Vũ