Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử dân tộc Việt Nam đã có những biến động vô cùng quan trọng về cơ cấu xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa. Việc giao lưu, tiếp biến mạnh mẽ với các nền văn minh trên thế giới đã mang đến một diện mạo mới cho xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Trong nước xuất hiện một lớp người mới – những nhà tư sản dân tộc. Họ nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật phương Tây, học được công nghệ quản lý, cách thức làm ăn buôn bán, mạnh dạn kinh doanh các ngành nghề khác nhau và trở nên giàu có. Một trong những nhà tư sản dân tộc dám kinh doanh một lĩnh vực vô cùng mới mẻ ở Việt Nam và đã thành công, đó chính là ông Nguyễn Đình Khánh với nghề kinh doanh nhiếp ảnh.
Ảnh viện Khánh Ký và những thợ ảnh người Lai Xá tại Sài Gòn năm 1924. Ảnh tư liệu
Xin trở lại một chút về lịch sử ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1865, ông Đặng Huy Trứ, nguyên là một vị quan dưới triều vua Tự Đức, khi đi công cán sáng Trung Hoa đã mua một bộ máy chụp và rửa ảnh. Ông thuê một người Hoa là Dương Khải Trí về Hà Nội mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường vào ngày 14 – 3 – 1869. Đây là hiệu ảnh đầu tiên của người Việt mở tại Việt Nam. Việc này cũng được chính Đặng Huy Trứ ghi lại trong bộ sách “Đặng Hoàng trung văn” hiện còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia. Tuy nhiên hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường chỉ tồn tại được 4 năm rồi phải đóng cửa.
Nếu như ông Đặng Huy Trứ được ghi nhận là người đầu tiên mở hiệu ảnh tại Việt Nam thì ông Nguyễn Đình Khánh được đánh giá là người có công phát triển nghề ảnh trong nước.
Ông Nguyễn Đình Khánh tên thật là Nguyễn Văn Xuân, lấy hiệu là Khánh Ký, quê ở làng Lai Xá, tổng Kim Thi, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), con ông Nguyễn Hữu Phong và bà Phan Thị Tít. Cha mẹ mất sớm, năm 1890, ở tuổi 16, ông Khánh một thân một mình ra Hà Nội. Ông có người chú tên là Nguyễn Văn Tạo làm nghề nấu ăn cho hiệu ảnh Du Chương của một người Trung Quốc ở phố Hàng Bồ. Được chú xin vào làm chân giúp việc tại hiệu ảnh, Nguyễn Đình Khánh nhanh chóng bộc lộ niềm say mê với nghề nhiếp ảnh. Nhận thấy sự thông minh, khéo léo của chàng trai trẻ, ông chủ hiệu ảnh nhận dạy nghề cho Nguyễn Đình Khánh. Chỉ sau hai năm học nghề, Nguyễn Đình Khánh đã đủ tự tin để mở một cửa hiệu riêng ở phố Hàng Da lấy tên là Khánh Ký.
Tay nghề nhiếp ảnh của Khánh Ký nổi tiếng khắp đất kinh kỳ. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, ông mở thêm hiệu ảnh ở Hà Nội và Nam Định. Bên cạnh việc mở rộng địa bàn kinh doanh, Nguyễn Đình Khánh rất chú trọng tới việc đào tạo nghề. Ông nhận nhiều người vào học việc trong các hiệu ảnh của ông, đặc biệt là những người đồng hương Lai Xá. Có thể nói, Nguyễn Đình Khánh đã truyền sự đam mê nghề ảnh cho những người đồng hương của ông. Cho đến bây giờ, người Lai Xá vẫn còn nhớ những bí quyết của nghề ảnh như chọn góc chụp sao cho đẹp, rửa nước ảnh sao cho sáng, chỉnh ảnh sao cho nét… mà ông Khánh Ký đã truyền dạy cho họ. Họ tôn ông làm ông tổ nghề của làng.
Nguyễn Đình Khánh tức Khánh Ký (1874 – 1946) – ông tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh tư liệu
Cảm phục sự thông minh và năng khiếu nhiếp ảnh của ông Nguyễn Đình Khánh, một công chức Pháp là ông Dinnillac đã giúp ông Khánh sang Pháp học để nâng cao tay nghề. Năm 1910, ông Khánh bán lại các hiệu ảnh ở Hà Nội và Nam Định để đến Paris. Cũng có tài liệu nói rằng do tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị lộ nên ông Nguyễn Đình Khánh phải sang Pháp để lánh nạn. Nhưng dù lý do gì đi chăng nữa, việc ông Nguyễn Đình Khánh sang Paris để học thêm về nghề ảnh cũng đã thể hiện sự cầu thị và quyết tâm của ông trong việc nắm bắt các kỹ nghệ của nghề nhiếp ảnh.
Năm 1913, ông đang làm cho hiệu ảnh Gerchem ở đường Proni thì có cuộc thi chụp ảnh chân dung tân tổng thống Pháp Raymond Poincaré. Nguyễn Đình Khánh tham gia và bức ảnh của ông được đánh giá là đẹp nhất, được chọn để đăng lên trang bìa của hoạ báo Illustration. Nhờ đó, tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng. ít lâu sau, ông mở một hiệu ảnh tại Paris, tại đại lộ Malesherbe. Theo tài liệu của mật thám Pháp, ông Khánh Ký còn mở cửa hiệu nhiếp ảnh tại Frankfurt và Mainz (Đức). Ngoài ra ông còn mở quán ăn ở Tarbes (Pháp)… Sau đó, do hải quan Pháp gây khó dễ, việc làm ăn của ông trở nên khó khăn. Tháng 7 năm 1921, Nguyễn Đình Khánh quyết định trở về nước, đem theo 400 kg hàng ảnh.
Trở về nước, Nguyễn Đình Khánh tiếp tục kinh doanh nghề ảnh. Ông mở hiệu ảnh, kiêm buôn bán máy ảnh và dạy nghề ở Hải Phòng, Sài Gòn và Hà Nội. Việc kinh doanh nghề ảnh của ông ngày càng phát đạt. Ông còn sang Trung Quốc mở hiệu ảnh ở tỉnh Quảng Châu. Cũng giống như thời kỳ trước, ông tiếp tục giúp đỡ những người đồng hương của mình bằng việc truyền nghề ảnh cho họ. Đại đa số thợ ảnh trong cửa hiệu của ông là người Lai Xá. Một số học trò khác của ông mở cửa hiệu riêng. Thời kỳ này trên toàn quốc có tới gần 20 hiệu ảnh của người Lai Xá. Tính đến giữa thế kỷ XX, toàn quốc có khoảng 2000 người Lai Xá làm ảnh tại hơn 150 cửa hiệu, với các thương hiệu có liên quan đến “Khánh Ký” và “Lai Xá” như: An Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Mỹ Lai, Kim Lai, Tân Lai… Đặc điểm chung của các hiệu ảnh này là lớn nhất, đặt ở vị trí đẹp nhất và đông khách nhất.
Nguyễn Đình Khánh đã học nghề ảnh – một thành tựu của văn minh phương Tây từ người nước ngoài và đạt đến trình độ tay nghề cao, đồng thời phát triển nhiếp ảnh theo hướng kinh doanh dịch vụ cả trong và ngoài nước, điều này cho thấy sự thông minh và năng khiếu kinh doanh của ông. Không dừng lại ở thị trường nhiếp ảnh, Nguyễn Đình Khánh còn mở rộng ngành nghề kinh doanh của mình. Trong thời gian làm nghề ảnh tại Sài Gòn, nhận thấy tiềm năng của thị trường ruộng đất ở Nam kỳ, ông đã chớp lấy thời cơ. Ông đã phát triển gia sản của mình bằng việc mua bán ruộng đất, bản thân ông tự xưng là nhà kinh doanh nông nghiệp. Ngày 23 tháng 5 năm 1946, ông Nguyễn Đình Khánh đột ngột qua đời tại Paris.
Một trong những tác phẩm nhiếp ảnh của Nguyễn Đình Khánh. Ảnh tư liệu.
Không chỉ là một nhà nhiếp ảnh tài ba, một nhà kinh doanh thành đạt, ông Nguyễn Đình Khánh còn là một người yêu nước, hăng hái tham gia ủng hộ cho các chí sĩ cách mạng, tham gia các hoạt động để giành độc lập cho đất nước.
Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Đình Khánh đã giúp đỡ tích cực cho các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Phan Châu Dật (con cụ Phan Chu Trinh)… Chính ông là người dạy Phan Chu Trinh nghề chấm sửa ảnh, vẽ truyền thần và vẽ phóng ảnh chân dung. Cũng chính ông là người đã dạy nghề ảnh cho người thanh niên Nguyễn Ái Quốc – sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyễn Đình Khánh còn là người tài trợ cho nhóm các nhà yêu nước Việt Nam ở nhà số 6 Villa des Gobelins. Năm 1912, khi Hội đồng bào thân ái ra đời, ông được chọn làm thủ quỹ của hội. Cuối năm 1915, Khánh Ký có nhờ ông Guyer giới thiệu để trình với Bộ Thuộc địa một đề án đào tạo nghề kỹ thuật cho con em người Việt. Nội dung chính của bản đề án là xin phép Chính phủ Pháp cho các gia đình người Việt Nam trả tiền để gửi con đến học nghề tại các nhà máy ở Pháp, còn việc ăn ở sẽ do Khánh Ký trông nom. Bộ thuộc địa đã đánh giá “Đồ án này có vẻ của Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường” nên đã bác bỏ. Ngày 13/3/1916, Nguyễn Đình Khánh lại gửi thư đến Thanh tra thuộc địa ở Bộ, xin gặp để đề nghị mở hiệu ăn cho người Việt ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Đề nghị của ông một lần nữa lại bị từ chối. Do quan hệ mật thiết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc cho nên Nguyễn Đình Khánh bị mật thám Pháp theo dõi sát sao. Lý lịch và các hoạt động của ông được mật thám Pháp ghi lại trong hồ sơ mang ký hiệu SLO TFOM XU/3.
Năm 1932, sau một chuyến đi thăm Nhật Bản, Nguyễn Đình Khánh tích cực cổ động phong trào đi du lịch sang Nhật với giả rẻ. Mục đích chính của việc du lịch này là học tập cách thức làm ăn của người Nhật. Ngay sau đó, ông đã bị bắt với tội danh liên hệ với Cường Để, phục vụ cho mưu đồ của Nhật. Sau khi nộp tiền bảo lãnh, ông được tha.
Ngày 8 tháng 5 năm 1934, Nguyễn Đình Khánh lại sang Pháp thuê in một bản đề án bằng tiếng Pháp có nhan đề “Phác thảo kế hoạch chấn hưng Đông Dương”. Trong đó ông kêu gọi các nhà giàu bỏ tiền ra chuộc lại đất nước. Riêng ông tình nguyện đóng góp toàn bộ tài sản của mình. Hành động của ông đã làm cho Chính quyền thực dân Pháp tức giận. Ngày 13 tháng 9 năm 1935, khi ông đang ở Pháp thì Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ Thuộc địa một bức điện và một tập hồ sơ yêu cầu “dẫn độ về Sài Gòn Khánh Ký đang trú tại 11 Blainville Paris để giải quyết vấn đề phá sản”. Nhưng sau đó, mọi việc rơi vào im lặng. Nguyễn Đình Khánh tiếp tục sống ở Paris cho đến khi qua đời. Có một chi tiết hết sức đáng lưu ý là trước khi Khánh Ký qua đời, ông bày tỏ tâm nguyện được trở về nước. Tháng 5 năm 1946, ông gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đề đạt nguyện vọng của mình. Nhận được thư của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý định giúp đỡ ông trở về nước. Nhưng không may, ông đã qua đời trước khi Hồ Chí Minh sang Pháp chỉ vài ngày. Trong chuyến đi Pháp lần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tuỳ tùng đã đến viếng mộ Khánh Ký.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp hương viếng mộ cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký). Ảnh tư liệu.
Sách Bách khoa thư Việt Nam có vinh danh bốn nhân vật được xem là có ảnh hưởng quan trọng đối với nghề nhiếp ảnh Việt Nam, một trong bốn người đó chính là ông Nguyễn Đình Khánh, tức Khánh Ký. Cho đến ngày hôm nay, người dân làng Lai Xá vẫn tiếp tục nghề ảnh do ông truyền dạy. Câu lạc bộ nhiếp ảnh mang tên ông vẫn hoạt động sôi nổi. Để tưởng nhớ ông tổ nghề Nguyễn Đình Khánh cũng như để lưu giữ, giới thiệu truyền thống của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, dân làng đã đóng góp và xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Bảo tàng được khánh thành vào tháng 5/2017, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày ông Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh đầu tiên. Cái tài, cái tâm của ông với quê hương, đất nước vẫn còn mãi trong ký ức của mỗi người Lai Xá và những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong lịch sử dân tộc, ông là một doanh nhân thành đạt và một người Việt Nam yêu nước.
Lâm Minh Khuê