Ngành Ngân hàng ra đời ngày 6/5/1951 trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược. 70 năm qua, ngành Ngân hàng đã có những bước trưởng thành vượt bậc, xứng đáng là "huyết mạch" của nền kinh tế. Nói về lịch sử ngành Ngân hàng, không thể quên vai trò của "Anh cả" Nguyễn Lương Bằng, cũng là "Người anh cả" của ngành Ngân hàng Việt Nam, với cương vị Tổng giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh công tác kinh tế, tài chính để phục vụ kháng chiến và cải thiện một bước đời sống của nhân dân. Chính sách cụ thể là đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực hành giảm chi bằng cách giảm biên chế, tiết kiệm, sửa đổi các chế độ thuế khóa cho hợp lý, định ra thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, phát triển mậu dịch quốc doanh, thành lập ngân hàng. Cùng với việc kiện toàn bộ máy và chế độ công tác của ngành tài chính, Chính phủ quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm nhiệm vụ phát hành giấy bạc ngân hàng, quản lý tiền tệ và thi hành chính sách tín dụng, nhằm mục đích phát triển kinh tế, tăng nguồn thu tài chính, trên cơ sở đó phấn đấu chấm dứt tình trạng lạm phát giấy bạc.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngân hàng trong xây dựng và phát triển kinh tế, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL, thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và Sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Phát huy những thành tích và kinh nghiệm lãnh đạo trong công tác kinh tế, tài chính, trên cương vị Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình vào việc xây dựng bộ máy tổ chức và hoạt động của Ngân hàng. Trong buổi họp mặt cán bộ Ngân hàng Trung ương và tại Hội nghị thành lập các ngân hàng địa phương, đồng chí đã phát biểu những lời chân tình: “Tôi được giao nhiệm vụ rất nặng nề; tôi làm việc được là nhờ có các đồng chí cố vấn, nhờ toàn thể anh chị em cán bộ trong ngành. Chúng ta phải cố gắng học tập nghiệp vụ và tăng cường rèn luyện đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Bác Hồ đã dạy. Chúng ta tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết Trung ương, địa phương, trong ngành, làm việc theo đường lối quần chúng, dựa vào dân, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thì khó khăn sẽ khắc phục được, và nhất định chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”[1]
Những năm đầu mới bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chính phủ chủ trương phát hành tiền Việt Nam (tiền tài chính) nhằm xây dựng nền tiền tệ độc lập. Hoạt động ngân hàng đã bắt đầu manh nha với tổ chức tín dụng đầu tiên là Nha Tín dụng sản xuất, nhằm hỗ trợ vốn giúp nhân dân lao động phát triển sản xuất, phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc; đồng thời tìm cách chiếm lĩnh thị trường tiền tệ và phản công, đấu tranh thắng lợi với thực dân Pháp trên mặt trận kinh tế, tiền tệ.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ngày 12/5/1951, giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam loại 20 đồng và 50 đồng lần đầu tiên ra đời thay tiền tài chính. Việc phát hành tiền Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể nhân dân. Trong giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng với cương vị lãnh đạo và toàn thể cán bộ Ngân hàng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ để đấu tranh có hiệu quả với thực dân Pháp trên mặt trận kinh tế và bước đầu xây dựng, hình thành các nghiệp vụ tiền tệ tín dụng ngân hàng kiểu mới của một quốc gia độc lập.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết bài “Ngân hàng quốc gia Việt Nam phục vụ quyền lợi nhân dân” đăng trên báo Nhân Dân, số 9 ra ngày 20/5/1951. Mở đầu bài viết, đồng chí nêu rõ: Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành lập để cùng các bộ phận kinh tế, tài chính khác đẩy mạnh kinh tế phát triển, bảo đảm cung cấp và cải thiện dân sinh. Tiếp đó, đồng chí nhấn mạnh vai trò và tính chất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một trong những bộ phận chủ yếu của bộ máy kinh tế và cũng là một trong những bộ phận quan trọng của chính quyền. Ngân hàng thúc đẩy kinh tế phát triển tức là góp phần vào việc củng cố chính quyền nhân dân. Đồng chí cũng chỉ rõ: Ngân hàng Quốc gia Việt Nam khác hẳn với ngân hàng đế quốc. Ngân hàng quốc gia Việt Nam thành lập là để mưu lợi ích cho nhân dân, còn ngân hàng đế quốc chỉ nhằm mục đích bóc lột nhân dân và mưu lợi ích cho một nhóm tư bản. Về nhiệm vụ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí xác định: Quản lý tiền tệ đã phát hành ra, điều hòa lưu thông tiền tệ, làm cho hàng hóa lưu thông, giá cả ổn định, làm cho sản xuất phát triển, sinh hoạt của nhân dân tăng tiến.
Đồng chí nêu rõ 5 nhiệm vụ cơ bản của Ngân hàng là:
Những nhiệm vụ cụ thể của Ngân hàng nêu trên nhằm mục đích thực hiện chính sách kinh tế, tài chính của Chính phủ phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh. Từ những nhiệm vụ đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng khẳng định: Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là ngân hàng của nhân dân, phục vụ quyền lợi nhân dân Việt Nam. Đồng chí cũng cho rằng bước đầu, nhất là trong hoàn cảnh kháng chiến, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trở lực. Một mình Ngân hàng không thể làm nổi nhiệm vụ nặng nề trên, mà cần có sự cộng tác của các ngành, các cấp, cần có có sự ủng hộ và góp sức của nhân dân. Đối với nhân dân, sự góp sức có hiệu quả nhất là ra sức tăng gia sản xuất. Chỉ có đẩy mạnh tăng gia sản xuất mới bảo đảm được cung cấp, điều hòa giá cả và làm tăng giá trị giấy bạc Việt Nam.
Ngày 20/7/1951, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Đồng chí lên kế hoạch cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất và giúp công thương nghiệp mở mang kinh doanh, giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chính, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thứ hai từ phải sang) tại dự buổi lễ gặp mặt các đại biểu
ngành Ngân hàng toàn quốc, ngày 8/5/1976 (Ảnh tư liệu)
Nhằm xây dựng nền móng tổ chức vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lựa chọn một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng về phẩm chất chính trị, tư tưởng, thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đã qua rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng để đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ngân hàng ở Trung ương và các khu, tỉnh. Đồng thời, tích cực mở các lớp huấn luyện về chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, để anh chị em nắm vững đường lối, chính sách kinh tế, tài chính, ngân hàng của Đảng và Chính phủ. Giáo viên là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng.
Để Ngân hàng đi vào hoạt động thuận lợi và có hiệu quả, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành xây dựng cơ sở vật chất như kho, phương tiện… nhằm bảo quản tiền bạc và tránh được những hoạt động phá hoại của địch. Đồng chí đã đi khảo sát và xây dựng một nhà kho ở núi Nà Khoang (huyện Nguyên Bình) để làm kho chứa tiền, chuẩn bị cho việc phát hành đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, đồng chí còn xây dựng các chế độ công tác để quản lý chặt chẽ, nghiêm túc hoạt động ngân hàng như kho quỹ, tín dụng kế toán, thanh toán…
Nhờ có hệ thống tổ chức vững chắc, thông suốt từ Trung ương tới các khu, tỉnh, mà ngay từ buổi đầu, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã bảo đảm được sự thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, tác phong công tác. Đó là một yếu tố cơ bản bảo đảm cho việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh được những biểu hiện lệch lạc, gây thiệt hại cho kinh tế, tài chính và đời sống của nhân dân. Nhờ có đội ngũ cán bộ trung kiên, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có trình độ chuyên môn vững vàng, ngành ngân hàng đã nhanh chóng trưởng thành và có năng lực hoàn thành các nhiệm vụ công tác mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Đối với cán bộ, đảng viên nói chung, đặc biệt là cán bộ, đảng viên làm công tác tài chính, ngân hàng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong các bài viết cũng như các bài giảng, bài phát biểu luôn nhấn mạnh: Bên cạnh việc tu dưỡng lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thì cần phải coi trọng vấn đề đạo đức, lối sống. Tách rời vấn đề đạo đức, lối sống ra khỏi vấn đề đấu tranh cách mạng, đấu tranh chính trị là một sai lầm. Qua thực tiễn, đồng chí cho rằng: Có một số cán bộ, đảng viên ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống tư sản và các lối sống phi vô sản khác, điều đó đã gây tác hại không chỉ cho Đảng, cho cách mạng, mà còn cho cả bản thân họ nữa. Một số biểu hiện tiêu cực như tham ô, công tư nhập nhằng, kèn cựa, địa vị, tự phụ, suy bì…, đồng chí cho rằng, nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện đó là lập trường giai cấp, quan điểm chính trị chưa vững vàng chưa đúng đắn; việc giáo dục, quản lý cán bộ ở đơn vị còn thiếu chặt chẽ; đặc biệt còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí đề nghị cán bộ tài chính, ngân hàng cần học tập thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “hãy nhiệt tình lao vào mọi công tác cách mạng ở khắp nơi mà Đảng và nhân dân cần đến, thực sự cùng với quần chúng phấn đấu và hy sinh vừa thiết thực sống đời sống cách mạng, vừa tự rèn luyện lối sống cách mạng cần cù, giản dị, tiết kiệm, trong sạch và lành mạnh”.[2]
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng về thăm quê hương Thanh Miện năm 1976 (Ảnh tư liệu)
Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách Tổng Giám đốc Ngân hàng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp cho việc xây dựng quan hệ đối ngoại cho ngành ngân hàng Việt Nam. Năm 1951, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, đồng chí vẫn cố gắng lên kế hoạch và dẫn đầu một phái đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang Trung Quốc để đàm phán về vấn đề kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, trao đổi vấn đề buôn bán hai bên và vấn đề hối đoái tiền tệ; đặt thương điếm của ta tại Hồng Kông và mua bán những thứ cần thiết gửi về nước. Phái đoàn do đồng chí dẫn đầu bao gồm các đại biểu về kinh tế, ngoại giao và công an đi tham quan và làm việc tại Quảng Đông, Quảng Tây, Nam Ninh, Hồng Kông và Bắc Kinh. Đoàn đã gặp và làm việc với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tại Bắc Kinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt đoàn Việt Nam làm việc với đồng chí Lưu Thiếu Kỳ là người chịu trách nhiệm về việc viện trợ cho Việt Nam.
Mặc dù thời gian phụ trách Ngân hàng không lâu, nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần quan trọng trong việc gây dựng cơ sở ban đầu vững chắc cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Đồng chí đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động và trưởng thành của ngành Ngân hàng; đã tạo lập được một truyền thống tốt đẹp của ngành về sự thống nhất chính trị tư tưởng, sự trung thành với đường lối của Đảng, về ý thức tổ chức kỷ luật, về tinh thần tôn trọng, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Đạt được những thành tích đó là do đồng chí luôn thấm nhuần sâu sắc đạo đức và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và nêu cao tinh thần phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đồng chí thực sự là một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Vui Thảo
[1] Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.243
[2] Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.388