Ngày nay nhìn lại, sự trì trệ của kinh tế nông nghiệp Việt Nam (1958- 1988), một phần do hạn chế lịch sử, do điều kiện khách quan, nhưng chủ yếu là những sai lầm, khuyết điểm chủ quan trong quá trình tiến hành phong trào hợp tác hóa. Sự trì trệ đó cuối cùng chấm dứt bằng Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp
Nhận thức và quan niệm giản đơn về chủ nghĩa xã hội trong quá trình tiến hành hợp tác hóa
Chúng ta đã đồng nhất khái niệm hợp tác hóa với tập thể hóa, lấy công hữu hóa tư liệu sản xuất là mục tiêu cải tạo. Nhận thức và quan niệm đó đã đi đến áp dụng một mô hình hợp tác xã tập thể hóa đồng nhất trong cả nước.
Xét về các nấc thang tiến hóa, người nông dân nước ta đã bị cùm trói trong phương thức sản xuất phong kiến lạc hậu trong nhiều thế kỷ. Thực hiện những chủ trương của Đảng, vừa giải phóng thành người nông dân tự do, họ liền bị lệ thuộc vào hình thức tổ chức mới mà đặc trưng của nó là tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất và sức lao động, với hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể (Nghị quyết Trung ương 5 tháng 7/1961). Các thành phần kinh tế khác bị xóa bỏ và phân biệt đối xử. Hệ thống quản lý mang nặng tính chất hành chính quan liêu, tập trung bao cấp, phân phối hiện vật trực tiếp. Như vậy, trên thực tế là chưa chú trọng đầy đủ đến việc tạo ra tiền đề cho quá trình hợp tác hóa trong thời kỳ quá độ.
Với quan niệm đó, khi xây dựng hợp tác xã, đã tiến hành tập thể hóa tư liệu sản xuất một cách tràn lan, từ ruộng đất, trâu bò, nông cụ, vườn cây, ao cá, đưa vào quản lý tập trung điều hành thống nhất, sử dụng kém hiệu quả, đã làm cho năng suất, hiệu quả thấp, sản xuất chậm phát triển. Tuy đã tiến hành nhiều đợt củng cố, nhiều cuộc vận động, nhưng các khuyết tật về quản lý trong các hợp tác xã bộc lộ từ đầu và trải qua nhiều thập kỷ, có lúc lên lúc xuống, xong lãnh đạo không kịp thời tổng kết một cách khoa học nhằm rút ra những kết luận cần thiết để chỉ đạo phong trào, do đó mà những yếu kém không được khắc phục.
Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc thù, đối tượng sản xuất là sinh vật, thiên nhiên nhiệt đới đầy biến động, đòi hỏi phải có hình thức tổ chức sản xuất và các cơ chế quản lý gắn người lao động với đất đai, với cây trồng, vật nuôi, với sản phẩm cuối cùng. Xong chúng ta lại vận dụng hình thức tổ chức sản xuất và quản lý công, vận dụng kiểu tổ chức công trường thủ công, nhằm đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, chúng ta lại tạo ra những công xã nông thôn với chế độ cấp phát, giao nộp, đã làm bộc lộ những rõ những bất hợp lý của nó.
Nước nhà thống nhất, lẽ ra phải tổng kết thực tiễn nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm hợp tác hóa ở miền Bắc để chỉ đạo phong trào hợp tác hóa ở miền Nam với hình thức bước đi phù hợp, nhưng chúng ta đã đem mô hình hợp tác xã ở miền Bắc áp đặt vào Nam Bộ và thất bại ngay trong bước làm thí điểm. Trải qua những năm cải tạo nông nghiệp Nam Bộ, đã bộc lộ rõ ràng hợp tác hóa theo mô hình cũ là đối lập với sản xuất hàng hóa, với lưu thông, với thị trường sản xuất, với các dịch vụ vào ra, làm cản trở các bước tiến hợp quy luật của nền nông nghiệp hàng hóa. Tiến trình hợp tác hóa ở Nam Bộ đã gặp nhiều khó khăn, trắc trở, để lại nhiều hậu quả phức tạp. Mặc dù năm 1985, đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa ở hình thức tập đoàn sản xuất và một số hợp tác xã thí điểm, nhưng trên thực tế mang nặng tính hình thức, nảy sinh nhiều tiêu cực, quảng đại nông dân không thực sự đồng tình.
Nông dân giao nộp sản phẩm rau màu cho Nhà nước (Ảnh tư liệu)
Đặc điểm địa lý tự nhiên kinh tế xã hội nước ta rất đa dạng, trình độ lực lượng sản xuất rất khác nhau giữa các vùng miền. Song, trong quá trình hợp tác hóa, đã lấy một hình mẫu chung, một cơ chế quản lý chung cho tất cả các vùng. Ở miền núi còn phổ biến là nền sản xuất lệ thuộc vào tự nhiên, địa hình chia cắt phức tạp, công cụ thô sơ, trình độ cán bộ quản lý còn thấp. Về mặt xã hội, miền núi là vùng có nhiều dân tộc và tập quán riêng, nhiều vùng còn ở trình độ nhà dài, đại gia đình, nhưng cũng đã đưa đồng bào đi vào làm ăn tập thể theo mô hình hợp tác xã vùng đồng bằng, sản xuất lúa nước, mà ở đây chỉ sản xuất lúa nước trên các vùng ruộng bậc thang, khe rộc nhỏ hẹp. Trong khi đó, mặt hết sức quan trọng là quyền làm chủ kinh tế của đồng bào dân tộc đối với đồi rừng không được thiết lập, các nông trường, lâm trường bao chiếm đất đai lớn, đối lập với lợi ích của đồng bào địa phương, đã làm cho tài nguyên đồi rừng ngày càng cạn kiệt, đời sống đồng bào ngày thêm khó khăn.
Ở miền biển, nghề cá là một nghề gắn liền sản xuất chế biến lưu thông, có nhiều đặc điểm riêng biệt, cũng tiến hành hợp tác hóa theo hình mẫu hợp tác xã nông nghiệp. Việc tập thể hóa tàu thuyền, ngư lưới cụ, sử dụng kém hiệu quả, đời sống ngư dân khó khăn, kinh tế thủy sản càng ngày càng rơi vào trạng thái suy thoái, những năm 1979-1980, hợp tác xã nghề cá cũng không thành công.
Sở dĩ như vậy một mặt do hạn chế lịch sử, nhưng cái chính là chúng ta đã coi nhẹ công tác nghiên cứu lý luận nói chung và lý luận về hợp tác hóa nông nghiệp nói riêng, coi nhẹ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một cách trung thực, khách quan, còn mang nặng bệnh hình thức chủ nghĩa, bệnh khái quát điển hình, không tính đến hiệu quả thực tế. Việc áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài cũng thiếu tính sáng tạo, nhiều khi rơi vào giáo điều, máy móc.
Thiết lập mô hình tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý không phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất, với đặc điểm sản xuất nông nghiệp và tâm lý, nguyện vọng của người nông dân
Xuất phát từ quan niệm xây dựng hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có tính chất xã hội chủ nghĩa với trình độ cao thấp được biểu hiện ở mức độ tập thể hóa tư liệu sản xuất của hộ nông dân. Cách làm đó thực chất là tách người lao động khỏi tư liệu sản xuất, xóa bỏ vai trò kinh tế hộ nông dân, hòa đồng các hộ vốn có đặc điểm về điều kiện kinh tế rất khác nhau trở thành một đơn vị sản xuất mang tính cộng đồng, dưới sự điều khiển của Ban quản trị. Hệ quả của chủ trương tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất không tính đến trình độ của lực lượng sản xuất, loại tư liệu sản xuất, không xuất phát từ yêu cầu và hiệu quả kinh tế, không tính tới tâm lý nông dân, đã dẫn đến một thực trạng là tư liệu sản xuất được sử dụng ngày càng kém hiệu quả, hư hao, thất thoát và cuối cùng dẫn tới sự thờ ơ của nông dân với tư liệu sản xuất chung và ruộng đất hợp tác xã.
Trong các quan hệ ruộng đất đã không xác lập rõ quyền năng quản lý của Nhà nước và giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân. Sở hữu tập thể về ruộng đất trên thực chất là tập trung quyền định đoạt ruộng đất vào Ban quản trị (Ban quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất). Điều đó dẫn đến tình trạng quản lý ruộng đất lỏng lẻo, nhiều tiêu cực, luật pháp không có hiệu lực, quyền làm chủ về kinh tế của nông dân với ruộng đất không được thực hiện. Rốt cuộc là ruộng đất, đồi rừng, mặt nước không có chủ cụ thể, vô chủ, sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bị bỏ hoang hóa.
Giao nộp, vận chuyển lúa tại đồng bằng Nam Bộ (Ảnh tư liệu)
Về tổ chức sản xuất và quản lý của mô hình hợp tác xã là nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất từng cây từng con ngành nghề cụ thể, chỉ tiêu cung ứng vật tư tiền vốn... hợp tác xã quản lý thống nhất. Quan hệ hợp tác xã với Nhà nước là cấp phát, giao nộp, quan hệ hợp tác xã với xã viên là làm công, lấy điểm, phân phối hiện vật trực tiếp. Kiểu tổ chức sản xuất và quản lý đó đã không sử dụng các quan hệ hàng hóa tiền tệ, thị trường, làm cho các hợp tác xã nông nghiệp duy trì kinh tế hiện vật, tự cấp tự túc. Khi tổ chức sản xuất nông nghiệp theo công đoạn chuyên môn hóa, đội chuyên, thực chất là tách người lao động với tính gắn bó của nghề nông, với sản phẩm cuối cùng, đó là nguyên nhân quan trọng làm cho xã viên không gắn bó với kinh tế tập thể.
Ứng với cách tổ chức sản xuất nêu trên là một hệ thống quản lý nhiều tầng, nhiều lớp, ngày càng phình to thành một bộ máy quan liêu gián tiếp cồng kềnh, là mảnh đất cho những hiện tượng tiêu cực ngày càng phát sinh, phát triển, cơ sở kinh tế cho sự mất dân chủ trong nông thôn xuất hiện.
Từ kiểu tổ chức sản xuất và quản lý nói trên tất yếu chế độ phân phối trong các hợp tác xã là phân phối theo công điểm dẫn đến tình trạng người lao động chỉ quan tâm đến công điểm không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả và sản phẩm cuối cùng. Mặt khác, chế độ phân phối hợp tác xã được thực hiện trên nguyên tắc trừ rồi chia, kết quả sản xuất các hợp tác xã ngày càng kém hiệu quả nên, sau khi đã trừ thuế, quỹ chi phí sản xuất, chi phí quản lý gián tiếp, phần còn lại để chia là rất nhỏ bé, giá trị ngày công thấp, nhiều nơi công âm.
Mặt khác, do quan niệm hợp tác xã phải đảm nhiệm cả chức năng xã hội, nên một phần quan trọng sản phẩm hợp tác xã làm ra phải để trợ cấp cho mọi đối tượng chính sách, phân phối bình quân và bao cấp tràn lan, xã viên lại chịu nhiều khoản đóng góp, làm cho lợi ích người lao động bị vi phạm ngày càng thêm nghiêm trọng, động lực người lao động bị triệt tiêu.
Cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp về thực chất là cơ chế chỉ huy hành chính kinh tế hiện vật trực tiếp
Cơ chế quản lý đó đã tác động đến các hợp tác xã nông nghiệp trên nhiều mặt
- Nhà nước giao chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất, kế hoạch vật tư, tiền vốn, chỉ tiêu trích lập quỹ và chỉ tiêu giao nộp sản phẩm theo giá Nhà nước quy định.
- Các cơ quan Nhà nước mà trực tiếp là cấp huyện duyệt kế hoạch sản xuất, duyệt ngày gieo mạ, ngày cấy, duyệt kế hoạch phân phối, duyệt lựa chọn nhân sự vào Ban quản lý hợp tác xã, mọi công việc của các xã phải được huyện phê duyệt mới được thi hành.
- Việc thực hiện các chính sách xã hội đặc biệt là chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, chính sách hậu phương quân đội là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của toàn dân, nhưng các hợp tác xã đã phải gánh vác như một nghĩa vụ riêng của nông dân trong một thời gian dài, địa phương nào có nhiều người phục vụ cho cuộc kháng chiến thì ở đó người lao động phải đóng góp nặng nề hơn.
- Hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng và tồn tại trong một cơ chế quản lý vĩ mô như vậy đã làm cho nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, cùng có lợi, hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, đã không được thực hiện, hợp tác xã đã biến thành một tổ chức kinh tế bị Nhà nước hóa trên thực chất.
Tổ chức chỉ đạo thực hiện nóng vội, chủ quan, áp đặt về mô hình cơ chế quản lý, vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc trong quá trình xây dựng và hoạt động của hợp tác xã
Đáng chú ý là nhìn lại quá trình xây dựng hợp tác xã theo kiểu tập thể hóa triệt để sức lao động và tư liệu sản xuất của nông dân việc tổ chức thực hiện thường dẫn đến xu hướng tả khuynh như dùng các biện pháp áp đặt, ép nông dân vào hợp tác xã, tập thể hóa tư liệu sản xuất, việc nóng vội đưa hợp tác xã lên quy mô lớn, việc điều chỉnh cào bằng ruộng đất, việc thực hiện các chính sách phân phối hiện vật lưu thông...
Qua tổng kết phong trào hợp tác hóa trong phạm vi cả nước, vấn đề rút ra là nhiều khuyết tật của phong trào hợp tác hóa đã bộc lộ từ đầu, đã lặp đi lặp lại nhiều thời kỳ, những khuyết tật đó đã được phát hiện, đã được nhiều chỉ thị, nghị quyết ghi nhận và phê phán như quản lý yếu kém, mất dân chủ, để tham ô, lãng phí, lực lượng sản xuất chậm phát triển... Nhưng việc đề ra giải pháp khắc phục lại thường thiên về giáo dục tư tưởng, chấn chỉnh tổ chức, các giải pháp kinh tế đề ra thường không phù hợp với cuộc sống, thực tiễn nông dân không phấn khởi và tích cực thực hiện hiệu quả chủ trương, tình hình các hợp tác xã chậm chuyển biến, đây chính là nguyên nhân chỉ đạo thực hiện chủ quan, nóng vội, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan.
Trên chặng đường ba thập kỷ của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp (1958-1988), nông dân đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời những mặt chưa được, không được, thậm chí vấp váp, sai lầm, trái quy luật, không phù hợp với thực tiễn và những nguyên nhân của nó là những bài học sâu sắc, góp phần đổi mới chế độ kinh tế hợp tác ở nông thôn, mở ra từ Nghị quyết 10 Bộ Chính trị năm 1988 Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.
Thái Trần