Một trong những nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng là đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Phụ trách xây dựng phong trào cách mạng Trung Kỳ, đồng chí là “linh hồn” của cao trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng-cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh
Nhận lãnh trách nhiệm xây dựng cơ sở cách mạng tại Trung Kỳ
Nguyễn Phong Sắc là Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội, là người tham gia sáng lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước (vào ngày 7/3/1929 tại 5D Hàm Long-Hà Nội) và là một thành viên sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên.
Ngày 21/7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung được phân công vào miền Trung với nhiệm vụ nặng nề xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ.
Tại đấy, Nguyễn Phong Sắc đi “vô sản hóa” để tìm hiểu, nắm vững các tổ chức, lực lượng cách mạng ở Vinh-Bến Thủy, ở Nghệ-Tĩnh và Trung Kỳ. Khi đã nắm vững tình hình, Nguyễn Phong Sắc liên lạc với Tỉnh bộ Thanh niên Nghệ An và lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, tổ chức cho Kỳ bộ ra báo Bônsơvích, in truyền đơn, in Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng lưu hành bí mật trong các cơ sở cách mạng vừa được tổ chức.
Nguyễn Phong Sắc trực tiếp gặp gỡ thành viên của các chi bộ Thanh niên, Tân Việt và giải thích cho họ hiểu về Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ vận động họ gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Nhiều đảng viên Tân Việt Đảng xin vào Đông Dương Cộng sản Đảng, các chi bộ Thanh niên chuyển thành chi bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng. Khi hệ thống tổ chức của Đông Dương Cộng sản Đảng phát triển mạnh ở Nghệ-Tĩnh, Nguyễn Phong Sắc tiếp tục xây dựng tổ chức đảng ở các tỉnh miền Trung khác và một số tỉnh ở Lào.
Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam và được giao tiếp tục phụ trách Trung Kỳ.
Lúc này, ở Trung Kỳ có hai hệ thống tổ chức đảng: Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Ban lãnh đạo Kỳ bộ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam với Ban lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ, lập ra Địa bộ phận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ do đồng chí làm Bí thư. Đến tháng 3/1930, một hệ thống tổ chức thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ, từ Địa bộ phận Trung ương tới các Tỉnh bộ, Thành bộ, huyện bộ, thị bộ, xã bộ… đã hoàn tất.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc
Cùng với xây dựng Đảng về tổ chức, Nguyễn Phong Sắc còn đặc biệt chú ý vấn đề bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên. Bí thư Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo Kỳ bộ ra báo Người Lao Khổ và trực tiếp định hướng công tác tư tưởng, công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của các cơ sở đảng. Nguyễn Phong Sắc trực tiếp truyền đạt các văn kiện được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản việt Nam cho các tổ chức đảng của Kỳ bộ.
Hội nghị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở Hồng Kông (Trung Quốc) bầu đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí tiếp tục được Đảng phân công phụ trách Trung Kỳ.
Hội nghị đã đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và quy định cấp Xứ ủy trong tổ chức của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã nhanh chóng hoàn tất tổ chức Đảng của Xứ bộ Trung Kỳ theo tinh thần của Hội nghị tháng 10/1930.
Đi liền với công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lãnh đạo xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng rộng lớn, mạnh mẽ.
Thực hiện chủ trưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng, cũng như chủ trưởng của Tổng Công hội đỏ miền Bắc, tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Nghệ An; thảo luận và thông qua chương trình điều lệ và bầu Ban Chấp hành.
Cũng vào tháng 10/1929, tại huyện Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo Hội nghị cán bộ thành lập Tổng Nông hội đỏ Nghệ An.
Sau một thời gian giác ngộ, vận động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã lập được một chi bộ cộng sản ở trường Quốc học Vinh. Đầu tháng 11/1929, Nguyễn Phong Sắc thành lập Tổng Sinh hội đỏ Nghệ An và cho xuất bản báo XíchSinh và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tờ báo này.
Từ kinh nghiệm thành lập và hoạt động của các tổ chức quần chúng cách mạng ở Nghệ An, đồng chí đã chỉ đạo và cử cán bộ tới các tỉnh khác xây dựng và tổ chức hoạt động của các tổ chức quần chúng cách mạng.
“Linh hồn” của cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh
Khi đã xây dựng, củng cố được hệ thống tổ chức đảng từ Địa bộ phận Trung ương đến tỉnh bộ, huyện bộ, tổng bộ, xã bộ và các tổ chức cách mạng của quần chúng như Công hội, Nông hội, Sinh hội, Thanh niên, Phụ nữ…, ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì cuộc họp của lãnh đạo Kỳ bộ Trung Kỳ và Tỉnh bộ Nghệ An, Vinh-Bến Thủy, thông qua kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, nhằm đòi những quyền lợi thiết thực cho công nhân và nông dân.
Sáng 1/5/1930, hơn 1.200 nông dân Hưng Nguyên và Nghi Lộc hàng ngũ chỉnh tề theo các ngả đường đã định kéo về Vinh phối hợp cùng công nhân các nhà máy, khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy kết thành một cuộc biểu tình tuần hành khổng lồ. Mặc dù là cuộc biểu tình hòa bình, nhưng thực dân Pháp vẫn đàn áp đẫm máu làm 7 người chết, 18 người bị thương.
Ngày 1/5/1930, còn có hàng chục cuộc biểu tình đấu tranh của công nông khắp Nghệ An-Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung.
Cuộc biểu tình của 3.000 nông dân làng Hạnh Lâm huyện Thanh Chương đòi lại ruộng đất bị Ký Viễn chiếm đoạt. Lực lượng biểu tình đã đập phá đồn điền của Ký Viễn và bị đàn áp đẫm máu.
Tranh minh họa một cuộc đấu tranh trong Cao trào Xô viêt Nghệ-Tĩnh năm 1930-1931
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc nghiêm khắc phê bình Chi bộ Hạnh Lâm đã để cho quần chúng manh động và rất lo lắng trước tình hình quần chúng ở Hạnh Lâm bị khủng bố, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần quần chúng, chỉ đạo rút kinh nghiệm và tổ chức tiếp tục đấu tranh.
Cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của công nông Vinh-Bến Thủy, Nghi Lộc, Hưng Nguyên đã là sự khởi đầu, “đứng đầu dậy trước” để rồi “Thanh Chương tiếp bước đứng lên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”.
Liên tục từ 1/5/1930 đến cuối năm 1930 là những cuộc đấu tranh của quần chúng công nông khắp Nghệ-Tĩnh đã hợp thành những lớp “sóng thần” "cuốn trôi" chính quyền địch ở một số làng xã và các huyện, từ đó hình thành một kiểu chính quyền hoàn toàn mới là “chính quyền Xôviết”. Cao trào Xôviết Nghệ-Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng cả nước năm 1930. Đúng như nhận định của Đảng Cộng sản Việt Nam: Xôviết Nghệ-Tĩnh “thật là một sự thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ-Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước nữa”.
Hy sinh thân mình cho Tổ quốc
Trước phong trào cách mạng Việt Nam bùng phát mạnh mẽ, thực dân Pháp đã “khủng bố trắng”, quyết dìm phong trào cách mạng trong biển máu.Tháng 12/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì Hội nghị cán bộ (mở rộng) Địa bộ phận Trung ương Trung Kỳ để quán triệt văn kiện Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng (10/1930), đồng thời kiểm điểm sự lãnh đạo của Chấp ủy Trung Kỳ, đánh giá và nhận định tình hình phong trào cách mạng Trung Kỳ trước cuộc “khủng bố trắng” của địch.
Hội nghị chủ trương tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi và chống chính sách “khủng bố trắng” của địch; duy trì chi bộ đảng và các hội quần chúng; củng cố các đội tự vệ đỏ; lập các ban huấn luyện để đào tạo cán bộ cho Đảng.
Xôviết Nghệ-Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng; là mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử vẻ vang của Đảng, của cách mạng nước ta.
Cao trào trào cách mạng Xô viết Nghệ-Tĩnh gắn liền với hoạt động tích cực của Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc.
Chiều 3/5/1931, Nguyễn Phong Sắc sa vào bẫy mật thám Pháp.
Bị thực dân Pháp giam cầm tra tấn hết sức dã man, chết đi sống lại nhiều lần, song Nguyễn Phong Sắc vẫn một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân.
Những mật thám Pháp khét tiếng không thể hiểu nổi Nguyễn Phong Sắc, một con người mảnh khảnh, dáng nho nhã, đã từng là viên chức của Sở Tài chính Đông Dương lại chịu đựng được những trận đòn tra khảo khủng khiếp nhất để bảo toàn phẩm chất, khí tiết của người cộng sản.
Bất lực trước ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, thực dân Pháp đã đưa Nguyễn Phong Sắc từ Sở mật thám Vinh đến đồn Song Lộc, Nghi Lộc, Nghệ An và xử bắn anh vào lúc 5 giờ sáng ngày 25/5/1931.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc dù ngắn ngủi (1902-1931), hy sinh khi tuổi ngoài đôi mươi, nhưng tấm gương của người trí thức cộng sản thế hệ đầu tiên, kiên trung, mẫu mực, tận tụy vì dân, vì nước để lại cho thế hệ mai sau những trang sử vẻ vang, tự hào.
Huệ Dương