Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ sớm trở thành nhà cách mạng xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn. Đó là kết quả của tấm gương một chiến sĩ cộng sản luôn tự học, tự rèn để có thể đảm đương trách nhiệm lãnh đạo Đảng trong những năm tháng quyết định của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Say mê học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Nguyễn Văn Cừ khi còn nhỏ là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn. Điều kiện gia đình khó khăn, Anh được bố mẹ gửi nhờ ông ngoại – cụ Tú Ba, một nhà Nho yêu nước nuôi dạy. Nhận thấy ở Nguyễn Văn Cừ có trí thông minh, nhanh nhẹn, năm 1922, cụ Tú Ba đã quyết định cho anh đi học chữ quốc ngữ ở phủ Từ Sơn. Trong ba năm học ở trường phủ Từ Sơn, Nguyễn Văn Cừ luôn có lối suy nghĩ độc lập, thích tìm tòi, học hỏi, ham khám phá và tìm hiểu các kiến thức không chỉ trong trường học mà cả sách, truyện phương Đông và phương Tây (Tam quốc chí, Thủy hử, Những người khốn khổ…), ... Chính vì vậy, Anh luôn giành được điểm cao trong học tập[1].
Năm 1925, Nguyễn Văn Cừ thi đỗ Sơ đẳng tiểu học và được gia đình cho lên học Trường kiêm bị Pháp – Việt ở tỉnh lỵ Bắc Ninh.
Mùa Hè năm 1925, Nguyễn Văn Cừ tốt nghiệp loại ưu và được cấp bằng tiểu học Pháp-Việt. Anh vừa dạy học, vừa tự ôn luyện sách vở với mong muốn tiếp tục theo học bậc trung học.
Năm 15 tuổi (1927), Nguyễn Văn Cừ thi vào trường Bưởi ở Hà Nội, đỗ loại giỏi, được cấp học bổng toàn phần. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất, Nguyễn Văn Cừ say sưa, miệt mài học tập, rèn luyện nên luôn là học sinh xuất sắc nhất lớp.
Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được các hội viên của tổ chức cách mạng ở Trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp vào “hội kín”. Từ đó, Nguyễn Văn Cừ có điều kiện đọc khá nhiều tài liệu, sách, báo của Hội do Nguyễn Ái Quốc biên soạn như Đường Kách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Thanh niên…. Anh dần hiểu được ngày càng sâu sắc hơn, những tư tưởng lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các tác phẩm. Tư tưởng Hồ Chí Minh từng bước thấm sâu vào trí tuệ, trái tim của người thanh niên trẻ Nguyễn Văn Cừ, giúp anh lý giải được nhiều vấn đề về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Cảnh khai thác than cực khổ của những người công nhân tại vùng mỏ Quảng Ninh, nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa (Ảnh tư liệu)
Không ngừng học tập, rèn luyện trong thực tiễn hoạt động cách mạng
Theo chủ trương của tổ chức, Nguyễn Văn Cừ đi “vô sản hoá” ở vùng than Đông Bắc. Từ đây bắt đầu một thời kỳ mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.
Đồng chí “hoá thân” từ một thanh niên học sinh yêu nước có hoài bão lớn, nặng nợ với non sông, thành người cộng sản chân chính, nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Không được học tập bài bản qua các trường lớp như nhiều đồng chí khác, nhưng bằng thực tiễn cuộc sống và đấu tranh của giai cấp công nhân, vừa tự học tập, vừa rèn luyện, vừa tổ chức và tham gia vào phong trào đấu tranh của công nhân vùng mỏ, Nguyễn Văn Cừ đã từng bước trưởng thành.
Hằng ngày đồng chí cùng ăn, cùng ở với anh em thợ trong các túp lều lụp xụp; lao động cực khổ, cùng phu cuốc mỏ làm việc từ 13 đến 14 giờ trong các hầm than đầy bụi bặm. Chính từ thực tế vất vả, lam lũ và khổ đau của những người phu mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhận thức được một vấn đề hết sức sâu sắc: “lao động chính là trường học, giai cấp công nhân là người thầy dạy của mình”[2]; đồng thời, nhận biết khả năng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí đã vận động họ đứng lên làm cách mạng, lập ra tổ chức chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại mỏ Vàng Danh.
Khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời (6/1929), Nguyễn Văn Cừ là một trong những người đầu tiên được kết nạp vào tổ chức Đảng. Đồng chí góp phần lớn vào thúc đẩy hoạt động của các cơ sở Đảng, phong trào của công nhân vùng mỏ than Đông Bắc nói chung, Cẩm Phả- Cửa Ông và mỏ than Mạo Khê nói riêng ngày càng lớn mạnh và trưởng thành.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng. Đồng chí đã không ngừng học hỏi tự nâng cao trình độ lý luận của cá nhân và cách thức tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức Đảng cũng như thúc đẩy phong trào cách mạng.
Chỉ trong thời gian hai năm “vô sản hoá”, dù khi đó trình độ lý luận còn hạn chế, song với tinh thần tự học, tự rèn trong thực tiễn, từ một học sinh yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ.
Không ngừng học tập lý luận, rèn luyện bản lĩnh và ý chí cách mạng
Tháng 2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt, giam giữ, đày ải qua các nhà lao từ Hòn Gai, Hải Phòng, Hỏa Lò, rồi bị kết án “phát lưu chung thân” và đày ra Côn Đảo.
Chính trong những ngày đen tối trong lao tù đế quốc, đồng chí cùng những người bạn tù - các chiến sỹ cách mạng kiên cường như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Trần Phú, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)… đã “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", thành nơi trui rèn ý chí, nghị lực và bản lĩnh cách mạng.
Tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội (từ tháng 4 đến 5/1931), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nghiền ngẫm, thuộc lòng bản Luận cương chánh trị của Đảng và tìm mọi cách tuyên truyền cho những tù nhân khác.
Tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí luôn bận rộn với việc tự học tập, tự nghiên cứu lý luận, nâng cao trình độ bản thân, đồng thời cùng Ban lãnh đạo Banh 2 tổ chức các lớp học tập văn hóa, nghiên cứu lý luận cho tù nhân.
Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương, Đặng Châu Tuệ… dịch một số cuốn sách nổi tiếng của các lãnh tụ vô sản thế giới như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; Chống Đuyrinh; Tư bản; Làm gì?; Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin; … để phục vụ việc học tập.
"Tự chỉ trích"- tác phẩm mang đậm dấu ấn thể hiện tư duy lý luận xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Cừ (Ảnh tư liệu)
Sau khi tham gia học tập, nghiên cứu chương trình lý luận cơ bản, Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hà Huy Giáp… tham gia lớp dành cho những người có trình độ lý luận cao.
Trong học tập, Nguyễn Văn Cừ thường lật đi, lật lại để tìm ra bản chất của vấn đề nhằm hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc hơn. Vốn là người trưởng thành từ thực tiễn, đồng chí thường lấy thí dụ thực tiễn để minh hoạ làm sáng tỏ vấn đề và thuyết phục người nghe.
Đồng chí Đặng Châu Tuệ kể lại: “Những đồng chí học giỏi là Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Bình Lém, Đen. Qua thảo luận, thấy các đồng chí đó vượt trội hẳn lên về nhận thức lý luận, thì tự nhiên tôi cảm thấy các đồng chí đó cũng là thầy dạy của mình. Đồng chí Cừ giỏi nhất, đồng chí Lê Duẩn giỏi thứ hai, đồng chí Mười Cúc cũng giỏi”[3]
Hai tờ báo Ý kiến chung và Người tù đỏ ra đời. Nguyễn Văn Cừ trở thành cây bút chủ lực của hai tờ báo này, nhiều vấn đề lý luận đã được phân tích dưới những góc độ thực tế, dễ hiểu, thấm nhanh vào nhận thức của mọi người.
Cùng với việc học tập, nghiên cứu lý luận, Nguyễn Văn Cừ và Ban lãnh đạo Banh 2 còn tổ chức cho tù chính trị trong Banh học tập các môn văn hoá, như: lịch sử, địa lý, văn hoá, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc).
Mặc dù bị tra tấn, đày ải, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn không ngừng học tập và được coi là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự học trong số các tù chính trị ở Côn Đảo.
Trong những năm bị giam cầm ở nhà ngục Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự rèn luyện và trưởng thành nhanh chóng cả về lý luận và thực tiễn để khi ra tù, đồng chí trở thành nhà lý luận sắc sảo, người lãnh đạo tài năng của Đảng.
Tháng 11/1936, sau hơn 5 năm bị lưu đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều đồng chí được ra tù, trở về đất liền. Đồng chí lao ngay vào cuộc chiến đấu mới trong phong trào cách mạng 1936-1939, lãnh đạo, chỉ đạo việc khôi phục hệ thống tổ chức Đảng tại Bắc Kỳ.
Tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi.
Đồng chí Lê Duẩn lý giải: “Về tuổi đời anh Cừ tuy kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi, nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Anh là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức trong sáng, được mọi người kính phục”[4]
Ngày 18/01/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí ra xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định khi đồng chí mới 29 tuổi đời.
Tham gia hoạt động cách mạng và hi sinh khi còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho các thế hệ trẻ ngày nay một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự rèn luyện vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Minh Đức
[1] Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 31-34
[2] Nguyễn Văn Cừ: Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 101.
[3] Nguyễn Văn Cừ: Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Sđd, tr .278 - 279
[4] Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Sđd, tr 125