Cụ Nguyễn Văn Tố được biết đến nhiều hơn trên cương vị Trưởng BanThường trực Quốc hội với những đóng góp to lớn cho Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay việc cụ bị bắt và bị sát hại trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông của Thực dân Pháp năm 1947. Tuy nhiên, những đóng góp của Nguyễn Văn Tố nhiều hơn thế, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám
Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889, trong một gia đình Nho giáo, tại huyện Thọ Xương cũ (Hà Nội), nay là số nhà 78, phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Từ ngày 1/7/1906, ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và sớm trở thành một học giả uyên bác, là người chủ chốt trong nhiều lĩnh vực của EFEO, được đồng nghiệp người Pháp, người Việt nể phục. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho Việt Nam.
Người đề lại một nguồn tài liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc
Từ năm 1906 đến trước Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã dày công nghiên cứu, khai thác các nguồn tư liệu quý; công bố một loạt bài khảo cứu về văn hóa dân tộc, văn học, lịch sử cổ trung đại bằng tiếng Pháp, tiếng Việt trên các báo, tạp chí uy tín, tiêu biểu như: Kỷ yếu của Trường Viễn Đông Bác cổ, các báo Avenir du Tonkin (Tương lai của xứ Bắc Kỳ - xuất bản tại Hà Nội), Courrier d΄Hai Phong (Thư tín Hải Phòng - xuất bản ở Hải Phòng). Trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ, ông đăng nhiều bài về văn hóa Việt Nam như “Cây cỏ trong nghệ thuật Việt Nam”, “Chùa Việt Nam”, “Gốm Đại La”; “Ngôi chùa An Nam” (1941); “Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam” (1942), “Tôn giáo nước Nam” (1943); “Đồ thờ của ta”; “Lịch sử Hồ Tây”, “Gốc tích thành Huế”; “Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa”, “Phép quân điền của nước ta” (1945)....
Nguyễn Văn Tố còn là cây bút chủ lực các báo và tạp chí nổi tiếng như: Nam Phong, Đông Thanh, Trí Tri, Tri Tân… Trên tập san của Hội Trí Tri, Nguyễn Văn Tố đăng nhiều bài về chủ đề lịch sử, địa lý Đông Dương, khảo cổ học, văn học: “Tiền sử Bắc Kỳ”, “Nguồn gốc về chữ Quốc ngữ”, “Sử học và Khảo cổ học Việt Nam”, “Mô hình ngôi nhà bằng đất nung tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh”, “Tế là lễ hội ở đình thế kỷ 17”, “Bắc Kỳ vào thế kỷ 17”.... Ngoài ra, ông còn dịch các tác phẩm văn học bằng tiếng Pháp sang chữ quốc ngữ và ngược lại để xuất bản sách. Trên tạp chí Tri Tân, ông đăng bài đều đặn từ số 1 đến số 212[1].
Ngoài ra, Nguyễn Văn Tố còn đi sâu khảo sát đặc điểm các vùng văn hóa thông qua việc biên soạn các bài: Văn hóa phương Đông (1932), Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam (1933), Văn hóa Đông Dương (1943), Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (1944)…
Nghiên cứu và phê bình văn học cũng là một mảng đề tài mà học giả Nguyễn Văn Tố quan tâm. Ông sưu tập, dịch và giới thiệu các tác giả, tác phẩm Hán Nôm ra chữ Quốc ngữ: Sự tích Ôn Như Hầu, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Thơ xuân đời Hồng Đức, Thơ Hồng Đức bổ chính, Thơ vịnh sử đời Hồng Đức, Hoa tiên, …Các văn phẩm của Lê Thánh Tông (1442-1497), Trịnh Căn (1633-1709), Lê Quý Đôn (1726-1784), Đặng Đức Siêu (1750- 1810), Nguyễn Huy Lượng (1758-1808), Nguyễn Khuyến (1835-1909)… cũng được Nguyễn Văn Tố giới thiệu rộng rãi. Đặc biệt, ác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du (1765-1820) được Nguyễn Văn Tố khảo cứu trong tương quan với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc)…
Cụ Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên trái) được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm
Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội (Ảnh tư liệu)
Để xác định được văn bản cổ nhất, tư liệu đáng tin cậy nhất, Nguyễn Văn Tố đã dày công nghiên cứu, vận dụng phương pháp văn bản học để rà soát, đối chiếu, so sánh các văn bản cổ. Ông giới thiệu nhiều nguồn sử liệu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch, trong đó có thư tịch cổ Việt Nam và nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc làm cơ sở tranh luận với các nhà sử học Pháp ở Đông Dương để đính chính nhiều nghi vấn lịch sử, làm sáng tỏ chân lý một cách khách quan, khoa học. Trong công trình “Sử ta so với sử Tàu”, các vấn đề về lịch sử đều được ông khảo cứu bằng cách đối chiếu các nguồn sử liệu khác nhau và đưa ra những ý kiến riêng. Thông qua khảo cứu, tranh luận với nhà nghiên cứu người Pháp Henri Maspéro, ông đã phản đối ý kiến phủ nhận nhà Tiền Lý, đồng thời chứng minh sự tồn tại của một chính quyền tự chủ cùng các vua triều Tiền Lý từ năm 541 đến năm 602[2].
Bên cạnh những đóng góp trên, Nguyễn Văn Tố còn ghi chép, biên soạn sách sử học: “Đại Nam dật sử”, “Sử ta so với sử Tàu”, “Phép quân điền của nước ta”, “Những ông Nghè triều Lê".
“Đại Nam dật sử” và “Sử ta so với sử Tàu” được ông nghiên cứu, biên soạn một cách công phu. Trong những công trình này, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện khá rõ quan điểm nghiên cứu sử học tiến bộ và khoa học: “Sử học cũng như khoa học, không chú ý làm sách cho dày, chỉ cốt tìm được nhiều điều mới, xưa nay chưa ai nói đến, hoặc chứa những chữ của người trước chép sai. Nếu kê cứu đâu ra đấy, thì tự khắc có người hội ý lại, để dọn thành sách phổ thông. Lúc bấy giờ mới làm sách dày, mới gọi là tổng hợp, trước kia còn là phân tích”[3].
Quan điểm trên của ông cho thấy, muốn có được một công trình sử học giá trị, việc quan trọng đầu tiên, không thể thiếu là khâu tra cứu, thu thập, xác minh tư liệu và cuối cùng là “tổng hợp” (biên soạn) thành các công trình khoa học.
Không chỉ có quan điểm nghiên cứu sử học tiến bộ, khoa học, Nguyễn Văn Tố còn đưa ra quan niệm mới về nguồn sử liệu và nhận thức lịch sử “Kể đại cương từ các đời vua, thì những quyển sử Nam xuất bản từ trước đến giờ, cũng có thể gọi là tạm đủ. Nhưng xét đến sự sinh hoạt của dân chúng, việc tuyển lính, cách thi học trò, sự giao thiệp với các nước láng giềng….thì hãy còn thiếu nhiều lắm. Phải tìm lâu thì may mới thấy, mà sử liệu không những ở văn thư, còn ở các đồ cổ tích nữa”.[4]
Quan điểm trên chỉ rõ: lịch sử không phải chỉ viết về “các đời vua” mà cần phải viết cả về sinh hoạt, đời sống của nhân dân, việc thi cử, quan hệ ngoại giao… Nói cách khác, lịch sử là đa dạng, gồm đầy đủ các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để giúp cho khâu tổng hợp, biên soạn một công trình lịch sử đạt kết quả tốt, Nguyễn Văn Tố cũng chỉ ra rằng, cần phải có sự đối chiếu, so sánh cẩn thận giữa các tư liệu lịch sử[5].
Những bài viết, tác phẩm của Nguyễn Văn Tố nêu trên, trong chừng mực nhất định, không chỉ có ý nghĩa phản ánh lịch sử, văn hóa dân tộc và Đông Dương thời kỳ đó, giúp cho nhân dân hiểu được lịch sử, văn hóa dân tộc mình, mà còn là một nguồn tài liệu quý phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Một trong những người sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, góp phần quan trọng phát triển nền giáo dục Việt Nam, nâng cao dân trí
Nguyễn Văn Tố tham gia họp bàn, quyết định thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ cùng với Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và các nhân sĩ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim…. ông được bầu làm Hội trưởng Ban Trị sự lâm thời. Ngày 8/4/1938, ông gửi đơn lên Thống sứ Bắc Kỳ xin lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ngày 8/4/1938, đơn của ông được Thống sứ Bắc Kỳ ra quyết định số 3622-A phê duyệt.
Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập, do Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, trụ sở của Hội chính là trụ sở của Hội Trí Tri, tại 59 Hàng Quạt, Hà Nội. Mục đích của Hội là: “Dạy cho người Việt Nam biết đọc, biết viết và giúp cho họ thâu thái những kiến văn thường thức cần cho cuộc sống mới”, tiến tới xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Dưới sự điều hành của ông, Hội Truyền bá Quốc ngữ tổ chức các cuộc diễn thuyết, xuất bản sách, lập thư viện bình dân để phổ biến kiến thức cho nhân dân. Phương châm của Hội là: những người đã được Hội dạy chữ phải dạy lại cho những người thất học xung quanh mình.
Quang cảnh Lễ thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ 5-1938 (Ảnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Những năm 1940-1941, với bầu nhiệt huyết và nỗ lực của ông cùng các trí thức tân học, Hội Truyền bá Quốc ngữ nhanh chóng phát triển thêm nhiều chi nhánh ở cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam và sau đó phát triển thành Tổng Hội[6]. Mặc dù mới thành lập, thời gian hoạt động chưa thật dài (từ cuối năm 1938 đến năm 1944), lại chịu sự kiểm soát khát ngặt nghèo của Nhật-Pháp nhưng phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ vẫn phát triển sâu rộng, nâng tổng số hội viên lên hàng chục nghìn người. Tính đến năm 1944, Hội đã giúp cho trên 5 vạn người thất học thoát khỏi nạn mù chữ[7]. Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ đã góp phần nâng cao dân trí, tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào đấu tranh giành chính quyền trong những năm 1939-1945.
Sự miệt mài nghiên cứu, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc và bầu nhiệt huyết trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ của Nguyễn Văn Tố trong bối cảnh đất nước bị nô dịch, giá trị văn hóa dân tộc bị coi thường thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, ý thức đấu tranh chống áp bức, nô dịch về văn hóa; tinh thần bảo vệ nền văn hóa dân tộc của ông. Việc tích cực viết bài, đăng bài và qua nội dung sâu sắc của các bài viết cũng ẩn chứa niềm mong mỏi, khơi dậy tinh thần yêu nước, chống Pháp trong nhân dân của Nguyễn Văn Tố.
Xuân Nguyễn
[1] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam Dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 1997, tr.6
[2] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Sđd, tr.7
[3]Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Sđd, tr. 421
[4]Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Sđd, tr. 421
[5] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Sđd, tr. 422
[6] Từ năm 1940 đến năm 1944, Hội đã mở thêm 20 chi nhánh ở các tỉnh Bắc kỳ, 06 chi nhánh ở Trung kỳ và 01 chi nhánh ở Nam kỳ