Những năm đầu thế kỷ XX, tầng lớp nhân sĩ, trí thức đã thấy được tính ưu việt, sự phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với văn hóa và con người Việt Nam, tìm mọi biện pháp, cách thức để cổ vũ, truyền bá tới nhân dân. Chữ Quốc ngữ từng bước ảnh hưởng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội, trở thành phương tiện chính thống để người Việt biểu hiện tình cảm và tư tưởng. Trong số những nhân vật đóng góp quan trọng cho sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ là Cụ Nguyễn Văn Tố- một trí thức tiêu biểu, tiên phong cổ vũ phong trào học và sử dụng chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX.
Vài nét về sự ra đời của Hội Truyền bá Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ được linh mục Alexandre de Rhodes- người Pháp đưa vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, tới đầu thế kỷ XX, đã trở thành chữ viết của quốc gia Việt Nam. Để thứ chữ này trở thành chữ viết được hoàn chỉnh chính thống như ngày nay, phải kể đến công lao đóng góp to lớn của lớp trí thức đầu thế kỷ XX như các học giả Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Tố...
Năm 1907, các nhà Duy tân trong Đông Kinh nghĩa thục xuất bản Đại Nam đồng văn nhật báo, sau này đổi thành Đăng cổ tùng báo. được in bằng hai thứ chữ, chữ Hán do Đào Nguyên Phổ phụ trách, chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Số đầu tiên báo đăng bài “Người An nam nên biết chữ An nam” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh để tuyên truyền, cổ vũ việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Sự ra đời của tờ Đăng cổ tùng báo khởi đầu cho cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đúng như nhận xét: “Nhìn tổng quát diễn biến của cuộc cách mạng chữ viết kéo dài 10 năm. Bắt đầu từ năm 1907 kết thúc năm 1917. Tính mốc 1907 là năm tờ Đăng cổ tùng báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút ra đời”[1]
Năm 1913, tờ Đông Dương tạp chí được xuất bản, dưới sự tài trợ của chính quyền thuộc địa Pháp. Tờ tạp chí ra hằng tuần, có sự tham gia công tác của nhiều cây bút xuất sắc du học Tây về như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn. Đông Dương tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết bàn luận về cái hay, cái đẹp, cái lợi ích của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm, qua đó khuyến khích nhân dân Việt Nam theo học.
Cùng với chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố trở thành một trong cây bút chủ lực của Tạp chí và cũng là người góp công lớn trong việc cổ vũ nhân dân học, sử dụng chữ Quốc ngữ trên “Đông Dương tạp chí”.
Với mục tiêu trên, Đông Dương tạp chí đã đăng các bài có nội dung phê phán những hạn chế của chữ Hán, chữ Nôm và lối học khoa cử, qua đó bàn về tính tiện ích của chữ Quốc ngữ, về cách in ấn, cách thống nhất trong khi nói và viết, hay những bài viết về sự cần thiết phải tiếp nhận chữ Quốc ngữ của nhân dân Việt Nam.
Cụ Nguyễn Văn Tố
Đông Dương tạp chí cổ vũ việc học chữ Quốc ngữ bắt đầu từ cách đánh vần, viết chính tả, cách phát âm, tư thế ngồi viết… Những bài luận bàn về chữ Quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí của các học giả, đặc biệt của Nguyễn Văn Tố, góp phần tích cực vào tiến trình cổ vũ, phổ biến và xác lập vị trí chủ đạo của chữ Quốc ngữ trong xã hội Việt Nam; làm nhiệm vụ dạy chữ Quốc ngữ cho người dân, hoàn thiện văn phạm và hệ thống chữ Quốc ngữ, bên cạnh việc thực hiện chức năng báo chí. Vận động, cổ vũ nhân dân lao động thất học nhanh chóng học lấy chữ Quốc ngữ để nâng cao sự hiểu, mở mang trí tuệ, học điều tiến bộ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Tiếp đó, những năm 1935-1937, báo chí tiến bộ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đã nhiều lần nêu lên sự cần thiết phải lập một Hội chống mù chữ, vừa để mang ánh sáng văn hóa, vừa để vận động giác ngộ quần chúng lao động. Các nhân sĩ, trí thức đã bàn bạc việc thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học, nâng cao dân trí, dự thảo bản điều lệ Hội và đề cử một ban trị sự lâm thời. Theo đó, đầu năm 1938, theo đề nghị của đồng chí Trường-Chinh, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Nhiệm vụ này được giao cho đồng chí Trần Huy Liệu, chủ bút báo Tin tức và ông Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, là những giáo sư dạy Trường Tư thục Thăng Long. Năm 1938, tình hình trong nước có thuận lợi do Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm quyền, Chính phủ Pháp áp dụng chính sách “nới lỏng” ở các nước thuộc địa. Trước tình hình đó, một số nhân sĩ trí thức ở miền Bắc đã vận động thành lập Hội nhằm chống nạn thất học cho người dân. Hội có nhiệm vụ phổ biến chữ quốc ngữ nhanh chóng đến với quần chúng.
Ông Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), hiệu là Ứng Hòe, là nhà trí thức, nhà hoạt động xã hội, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại Hà Nội. Ðương thời, ông được coi là một trong bốn nhà trí thức Tây học xuất sắc lúc bấy giờ. Ông cũng là nhà sử học, có nhiều trang viết về sử học. Khi còn làm việc tại Học viện Viễn Ðông bác cổ, Nguyễn Văn Tố có điều kiện viết bài, khảo cứu, giới thiệu truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam bằng tiếng Pháp đăng trên nhiều tạp chí uy tín. Nguyễn Văn Tố đã từng giữ chức Hội trưởng Hội Trí Tri, là chuyên viên văn học cổ Việt Nam ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, giúp việc cho Hội trưởng, rồi Tổng Hội trưởng là luật sư Vũ Đình Hòe (1912 - 2011), dạy học tại Trường tư thục Thăng Long. Ngày 8/4/1938, Nguyễn Văn Tố đã đưa đề nghị Thống sứ Bắc kỳ cho thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ nhằm chống nạn thất học cho người dân Việt Nam. Tiếp đó, tối ngày 25/5/1938, ông cùng các cộng sự tổ chức một cuộc diễn thuyết lớn, trọng thể, tại Hội quán thể thao, cổ động cho Hội truyền bá quốc ngữ. Báo Trung Nam Tân Văn, số ra ngày 28/5/1938 viết: “Mới khoảng 8 giờ rưỡi tối hội quán phố Charles Culier đã đông nghẹt người. Dưới hàng chục ngọn đèn mấy trăm nến, sân quần vợt Hội C.S.A đông đặc những người. Số người đông quá…, ông Phan Thanh, giáo sư trường Thăng Long, nói tiếng Pháp bằng một giọng rất hùng hồn khúc chiết về sự truyền bá chữ quốc ngữ cho dân ta và bài trừ nạn thất học ở xã hội Việt Nam”[2]. Để dạy cho người bình dân lao động mù chữ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, phải thành lập một tổ chức. Theo Nguyễn Văn Tố cũng như những người cùng chí hướng, muốn phổ biến chữ quốc ngữ, muốn canh tân, phát triển đất nước, thì việc nâng cao dân trí, mở mang sự hiểu biết cho nhân dân là điều kiện tiên quyết nhất, quan trọng nhất. Muốn giáo dục nhân dân, mở mang sự hiểu biết cho nhân dân thì chữ quốc ngữ chính là lợi khí, là phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện. Bởi, chữ quốc ngữ vừa dễ học, dễ nhớ; vừa phù hợp với văn hóa và tâm lý của người Việt Nam.
Quang cảnh Lễ thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, tháng 5/1938 (Ảnh tư liệu)
Ngày 29/7/1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ chính thức được thành lập theo Quyết định số 3622-A của Thống sứ Bắc Kỳ[3]. Từ đây, Hội được công nhận hợp pháp. Giới nhân sĩ, thân hào, trí thức Hà Thành thời ấy đã đồng tình tôn phong “chọn mặt gửi vàng” người đứng đầu Hội Truyền bá Quốc ngữ là học giả Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) - vị Hội trưởng đầu tiên và cũng là Tổng Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, một người có uy tín lớn lao trong lòng quần chúng Hà Thành, được xếp hạng ngôi thứ của giới cầm bút nổi tiếng, thể hiện bằng phương ngữ: “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn”.
Thành viên Ban Trị sự Hội năm 1938, ngoài Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng), có Bùi Kỷ và Tôn Thất Bình (Hội phó) ; Phan Thanh (thư ký), Phạm Hữu Chương và Quản Xuân Nam (phó thư ký), Đặng Thai Mai (thủ quỹ), Nguyễn Văn Lô và Võ Nguyên Giáp (phó thủ quỹ) ; các cố vấn Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và Lê Thước[4]. Tạp chí Thanh Nghị do ông Vũ Đình Hòe chủ trương ủng hộ mạnh mẽ phong trào.Tờ báo là tiếng nói chính thức cổ động và vận động đồng bào tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ và rủ nhau đi học chữ Quốc ngữ. Hội được thành lập với mục đích truyền bá chữ Quốc ngữ để người dân biết đọc biết viết từ đó có thể dễ dàng tiếp cận các điều thường thức cần thiết cho cuộc sống hiện đại. Hội hoạt động theo quy định tại Sắc lệnh ngày 21/02/1933 về các hội phi tôn giáo ở Đông Dương. Hội quán đặt ở số 59 phố Hàng Quạt, Hà Nội. Hội Truyền bá Quốc ngữ quyết định lấy ngày 25/5/1938 làm ngày thành lập chính thức. Kể từ giữa năm 1938, một Ban vận động thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời, đầu năm 1939, Hội chính thức đi vào hoạt động.
Nguyễn Văn Tố với sự phát triển Tổng hội khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam
Từ thời điểm đáng ghi nhớ đầu năm 1939 trở về sau đó, việc truyền bá quốc ngữ trở thành như một cao trào lan tỏa nhanh chóng đến khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Từ việc tiến hành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, rồi nâng cấp lên trở thành Tổng hội chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng gần 2 năm.
Mọi việc tổ chức, sinh hoạt của Hội cùng việc thành lập chi nhánh tại các tỉnh thành lớn ở trong nước từ Bắc chí Nam, đều do ông Nguyễn Hữu Đang, được Cụ Nguyễn Văn Tố trao quyền thực hiện chủ trương của Hội phát triển nhanh và năng động. Bước thứ nhất, đào tạo nhân sự chủ lực là giáo viên đứng lớp, “tổ chức những buổi thuyết giảng để huấn luyện giáo viên về kỹ thuật dạy chữ quốc ngữ cho có kết quả nhanh chóng, lại đẩy người ta đi học các lớp học buổi tối thật đều đặn đúng giờ, mưa gió bão bùng không quản ngại, lại khích lệ lòng hào hiệp quân tử để anh chị em từ chối không lấy một đồng xu tiền thù lao nào, còn bỏ thêm tiền nhà ra làm việc nghĩa là khác nữa…”[5] Bước thứ hai, là quyết tâm thực hiện cho kỳ được khát vọng và hoài bão của dân tộc Việt.
Phong trào học chữ Quốc ngữ phát triển bằng nhiều cách thức linh hoạt: “tổ chức những ban cổ động đi vào khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố để kêu gọi người đi học, từ những ông bà già năm sáu chục tuổi đến những em nhỏ sáu bảy tuổi học mỗi khóa chỉ ba tháng biết viết biết đọc mà bút giấy đều do hội cung cấp cả, không tốn kém đồng xu nào…tổ chức những ban khánh tiết đi quyên tiền những nhà giàu có trong thành phố, hoặc bán vé xem hát, chiếu bóng, ca vũ nhạc, do ban tổ chức để lấy tiền cho hội chi phí vào việc dạy học”[6].
[1] Hoàng Tiến: Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội 2003, tr. 83.
[2] Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.1227-1228.
[3] Tuần báo Đông Dương, số 77, ra ngày 19/02/1942.
[4] MHN-2865, TTLTQGI
[5] Văn học sử thời kháng Pháp, Lê Văn Siêu, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, tr. 375.
[6] Văn học sử thời kháng Pháp, Lê Văn Siêu, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, tr. 375.