Nguyễn Đức Cảnh, một trong những lãnh tụ cách mạng tiền bối của Đảng, chiến sỹ cách mạng kiên trung, đồng thời là một nhà báo lớn của Đảng. Quá trình dấn thân vào hoạt động cách mạng, trải qua hoạt động thực tiễn trong phong trào quần chúng, đã giúp Nguyễn Đức Cảnh thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước và tôi luyện cho ông bản lĩnh của người làm báo
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, nay là Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, giữa lúc nước mất, nhà tan, nhân dân lao động sống cuộc đời nô lệ, lầm than, cùng với truyền thống yêu nước, cần cù, chịu khó lao động của quê hương Thái Bình đã hun đúc nên lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và nung nấu quyết tâm đấu tranh cách mạng, giải phóng quê hương, đất nước của người thanh niên Nguyễn Đức Cảnh.
Năm 1926, sau khi bị đuổi học khỏi Trường Thành Chung, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội, làm việc tại Hiệu ảnh Hưng Ký, rồi dạy học tại Trường tư thục Công Ích. Trải qua nhiều công việc, trong đó có việc làm thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân (sau là nhà in Mạc Đình Tư) - chính môi trường này vừa giúp Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện gần gũi với tầng lớp công nhân, lao động vừa có hiểu biết thêm về in ấn, bài vở... giúp ích nhiều cho hoạt động báo chí của ông sau này.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, nên ngay khi được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân.
Tỉnh bộ Hải Phòng cho ra đời báo Sao Đỏ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách. Ông còn chỉ đạo Đoàn Thanh niên ra tờ báo Tia lửa để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cộng sản trong thanh niên, hướng thanh niên vào con đường đấu tranh cách mạng.
Khi phụ trách báo Lao Động và Tạp chí Công hội đỏ, Nguyễn Đức Cảnh đã viết nhiều bài tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi quần chúng vùng lên đấu tranh.
Báo Lao động số 4 ra ngày 1/11/1929, mang dấu ấn của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh đã phân tích sâu sắc tình thế hiện thời:
“Hiện bây giờ đế quốc chủ nghĩa đang ra sức bóc lột vô sản giai cấp, đày đọa dân cày nghèo, chúng nó đang sửa sang súng ống, tăng thêm quân đội, sắp sửa bắt hàng nghìn hàng vạn anh em đi chết cho nó ở chốn chiến trường để làm giàu cho một tụi tư bản…”[1]
Từ việc trình bày cho công nhân thấy rõ tình thế khẩn cấp của thời kỳ này là thời kỳ vô sản giai cấp và đế quốc chủ nghĩa đã sống chết tranh đấu với nhau rồi, qua bài báo, Nguyễn Đức Cảnh cũng chỉ rõ cho quần chúng nhân dân nhận thức rõ chỉ có “Đảng Cộng sản mới hết sức hy sinh đi trước để dẫn đạo cho vô sản giai cấp và dân cày nghèo và mọi người lao khổ làm cách mệnh đánh đổ đế quốc chủ nghĩa ở Đông Dương mà thôi.”[2].
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Ảnh tư liệu)
Tiếng nói của báo chí, sự tuyên truyền, vận động của thực tế vô sản hóa của các chiến sỹ cộng sản, đã góp phần thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Cẩm Phả, Thái Bình, Nam Định...
Tháng 1/1930, Nguyễn Đức Cảnh cùng Ban Tuyên truyền của Đảng xuất bản cuốn “Sự nghiệp cách mạng của V.I.Lê-nin”. Cuốn sách in bằng thạch, khổ 12 x16 cm; bìa trong cuốn sách in hình V.I.Lê-nin do Nguyễn Đức Cảnh vẽ. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên viết về V.I.Lê-nin được ấn hành tại Việt Nam. Mục đích của Ban Tuyên truyền và Nguyễn Đức Cảnh khi xuất bản cuốn sách là nhằm tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ về vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng vô sản:
“Chủ nghĩa cách mạng trên thế giới bây giờ rất nhiều, duy chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa chân chính hơn cả, là chủ nghĩa thật có thể mưu sự sung sướng cho thợ thuyền, dân cày và tất cả các người bị bóc lột đè nén; chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới làm cho xã hội khỏi phải chia ra từng giai cấp, giai cấp nọ áp bức giai cấp kia; chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới làm cho loài người khỏi sự khổ sở do sự áp bức người với người mà ra; chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới làm cho cách mạng vô sản thành công được.”[3]
Đầu năm 1930, một sự kiện quan trọng khẳng định bút lực dồi dào của Nguyễn Đức Cảnh. Với giọng văn chính luận, hóm hỉnh và sắc bén, lập luận lô gích và đanh thép ông đã “bút chiến” quyết liệt với Kơrôtême, viên Đốc ký Hải Phòng vì đã tuyên truyền xuyên tạc, vu khống chủ nghĩa cộng sản.
Kơrôtême cho rằng, chủ nghĩa cộng sản không thích hợp với văn hóa phương Đông và nêu ra rất nhiều luận điểm mập mờ, lòe bịp.
Lúc này khi làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đã cho in ngay tác phẩm với tiêu đề là “Trả lời Kơrôtême” nhằm lột trần bộ mặt nham hiểm và thủ đoạn lừa bịp của Kơrôtême, đồng thời qua đó giúp cho công nhân, nhân dân lao động Hải Phòng, Khu mỏ Hồng Quảng hiểu rõ hơn bản chất của thực dân đế quốc và củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng.
Bài trả lời của ông đã được nhân dân khắp nơi đón đọc và dư luận bàn tán sôi nổi, trở thành một sinh hoạt chính trị sôi nổi. Ngòi bút Nguyễn Đức Cảnh luôn luôn thường trực tinh thần chiến đấu không khoan nhượng chống kẻ thù.
Từ tháng 10/1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương điều động vào tăng cường cho lãnh đạo Đảng bộ Trung Kỳ, tham gia lãnh đạo phong trào Xôviết Nghệ-Tĩnh.
Với cương vị Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn, Nguyễn Đức Cảnh vượt qua mọi sự kiểm soát báo chí gắt gao của kẻ thù, viết nhiều tài liệu phục vụ trực tiếp phong trào cách mạng.
Ngoài việc tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cho cơ sở, Nguyễn Đức Cảnh còn chỉ đạo thành lập nhiều tờ báo ở Nghệ-Tĩnh và trực tiếp phụ trách báo “Người lao khổ”, báo “Tiến lên” của Xứ ủy.
Báo Người lao khổ, một tờ báo tiêu biểu trong cao trào Xôviết Nghệ-Tĩnh (Ảnh tư liệu)
Để tránh sự lùng sục của kẻ thù, Nguyễn Đức Cảnh phải sống trong buồng kín, phải chọc mái rạ lấy ánh sáng viết bài, ban đêm không được thắp đèn, chỉ đốt sáp ngồi làm việc. Những bài báo sắc sảo, giàu tính chiến đấu và nhiệt huyết cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh có tác dụng mạnh mẽ trong quần chúng công nông.
Là người phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí của Đảng ở miền Trung, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, hệ thống báo Đảng từ tỉnh đến huyện đã phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Bảo tàng Xôviết Nghệ-Tĩnh, từ tháng 10/1930 đến tháng 4/1931, khi Nguyễn Đức Cảnh hoạt động ở đây, số đầu báo đã lên tới 28 tờ. Nổi bật là những tờ: Người lao khổ, Lao khổ, Chuông vô sản, Công nông binh, Chỉ đạo, Vô sản, Đấu tranh, Bôn sơ vích, Bước tới..., Huyện ủy Hưng Nguyên có báo Sản nghiệp, Nam Đàn có báo Giác ngộ, Thanh Chương có báo Tia sáng, Lao động, Nghi Lộc có báo Tiếng gọi, Đức Thọ có báo Cổ động, Cẩm Xuyên có báo Bước tới.v.v.. Nguyễn Đức Cảnh vừa lãnh đạo phong trào, vừa viết báo tuyên truyền, vừa hướng dẫn viết bài, kỹ thuật ấn loát.
Những ngày cuối cùng trong nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội), mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, sức lực giảm sút, nhưng tinh thần yêu nước, lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với dân không hề suy giảm. Ngòi bút Nguyễn Đức Cảnh vẫn tràn đầy tinh thần trách nhiệm, chính trong song sắt ngục tù đó đã tiếp thêm sức mạnh, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết báo chí để ông dồn toàn bộ tâm lực viết lên tác phẩm vô giá Công nhân vận động, để lại cho Đảng, cho phong trào công nhân: “Trong những ngày ở xà lim án chém ở Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tập trung sự hiểu biết của mình để viết cuốn Công nhân vận động nhằm báo cáo lại với Đảng tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh.”[4]
Ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp thi hành án tử hình tại Hải Phòng. Người chiến sĩ cộng sản đã cống hiến cuộc đời của mình cho cách mạng và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, học tập nhà cách mạng, nhà báo Nguyễn Đức Cảnh, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, giúp nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Do đó, cần tuyên truyền những tấm gương báo chí mẫu mực, những thế hệ cầm bút đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh,…để giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và phong cách báo chí cách mạng cho đội ngũ những người làm báo.
Người làm báo như chiến sỹ cách mạng tiên phong, trong bất kỳ tình huống nào, không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí.
Huệ Dương
[1] Báo Lao động- cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Bắc Kỳ, số 4. ra ngày 1/11/1929, tr 1, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
[2] Báo Lao động- cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Bắc Kỳ, số 4 ra ngày 1/11/1929, tr 2.
[3] Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương: Sự nghiệp cách mạng của Lênin, xuất bản năm 1930. Tài liệu lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
[4] Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội -Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 123.