Nhã nhạc Cung đình Huế của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại vào ngày 7/11/2003. Sự kiện này được công bố trong một buổi lễ long trọng nhân kỳ họp toàn thể lần thứ 32 của Ðại hội đồng UNESCO tại Paris. Nhã nhạc chính là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là kiệt tác nhân loại.
Ðể có được sự tôn vinh cao quý này Nhã nhạc đã phải vượt qua gần 200 hồ sơ ứng cử ở vòng loại để bước vào vòng chung khảo gồm có 56 hồ sơ đã được Hội đồng Âm nhạc Truyền thống Quốc tế, Hội đồng Khoa học Xã hội Nhân văn và Triết học Quốc tế, Hiệp hội Múa rối Quốc tế, Học viện Sân khấu Quốc tế và Hội đồng các Bảo tàng quốc tế là các tổ chức phi chính phủ thẩm định và thông qua. Hồ sơ ứng cử của Việt Nam do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản Văn hóa), Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị từ tháng 04 năm 2002, thể hiện quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong việc khẳng định, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của đất nước.
Hội đồng thẩm định của UNESCO đã đánh giá là Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam mang ý nghĩa “âm nhạc tao nhã”, trong những thể loại âm nhạc đã được phát triển tại Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc mang tầm quốc gia”. Tuy vậy, Nhã nhạc chứa đựng rất nhiều yếu tố của âm nhạc dân gian, không ngừng hấp thu và lan tỏa giá trị.
Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất vào thời nhà Nguyễn. Theo các nhà khoa học, Nhã nhạc Cung đình Huế là một sự kế thừa, kể từ khi những dàn nhạc - trong đó có mặt nhiều nhạc khí cung đình - xuất hiện dưới dạng tác phẩm chạm nổi trên các bệ đá kê cột chùa thời Lý, thế kỉ XI-XII, đến lúc ông vua cuối cùng triều Nguyễn thoái vị vào giữa thế kỷ XX. Nhã là thể loại âm nhạc được trình diễn vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo, trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Ngoài chức năng như một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh và các vua chúa thời phong kiến, Nhã nhạc cũng truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam. Di sản độc đáo và quý giá này không bị mất đi cùng với vương triều của nó bởi nó được bảo tồn và phát huy ở cộng đồng làng xã, nhã nhạc đã đi từ cùng đình đến dân gian. Điều này cũng xuất phát từ sự giao thoa hai chiều giữa âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Ít nhiều yếu tố về nguồn gốc và cách phân chia nhóm nhạc cụ hòa tấu từ đầu thế kỷ XIX trong dàn nhạc cung đình ở Huế được phản ánh trong quy tắc của nhiều nghi thức cúng đình tại các làng xã của người Việt ở Bắc Bộ từ nhiều thế kỷ trước đây. Về giá trị nghệ thuật, Nhã nhạc với một số hình thức còn tồn tại trong các lễ hội ngày nay vẫn đem lại cho âm nhạc Việt Nam đương đại một nguồn cảm hứng bất tận.
Nét đẹp của Nhã nhạc thể hiện ở hệ thống nhạc khí được chế tác công phu, chạm cần khéo hơn nhạc khí dùng trong dân gian. Các nhạc khí dùng trong cung đình lại có đầy đủ các âm sắc: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng da, tiếng khánh, tiếng đồng… Về độ cao, có tiếng trầm của dây đàn tì bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo. Trang phục của nhạc công và vũ công lộng lẫy trang trọng, nhạc kết hợp với múa cung đình, hòa quyện tạo nên hiệu ứng âm thanh và hình ảnh, vừa trang nghiêm gợi nét cổ xưa, vừa thanh tao mang đậm tính thẩm mỹ nghệ thuật.
Nhã nhạc ngày nay, với dàn nhạc, bài bản, ca chương, vũ khúc có thể được trình diễn với các hình thức khác nhau trong các dịp như: Festival Huế, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, âm nhạc thính phòng, trong các nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ khách du lịch, biểu diễn phục vụ nhân dân trong các cuộc đại lễ hoặc tết cổ truyền dân tộc... Chính bởi Nhã nhạc đã trở về với nhân dân nên có điều kiện và không gian diễn tấu phong phú hơn rất nhiều so với trước, giá trị nghệ thuật của nó cũng sẽ được giữ gìn, trường tồn và không ngừng được phát huy.
Có thể coi Nhã nhạc là một nét tinh hoa vô cùng quý báu còn lưu lại của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, và thể hiện rằng cho dù thời cuộc đổi rời, lịch sử sang trang, nhưng mạch nguồn văn hóa dân tộc không bao giờ đứt gãy và trở thành điểm tựa cố kết giữa các thế hệ.
Nhã nhạc góp vào giá trị văn hóa truyền thống giống như dòng chảy tâm linh, nuôi dưỡng tâm hồn giống nòi và ghi dấu ấn tinh thần đậm nét trong đời sống cộng đồng người Việt Nam. Đó cũng là tài sản vô giá, là sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong thời đại ngày nay. Sự ghi danh của UNESCO không đơn giản chỉ là thừa nhận giá trị của một vài yếu tố của di sản phi vật thể mà đòi hỏi chúng ta phải cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm phát huy và bảo vệ các kiệt tác được ghi danh.
Di sản của cha ông ta để lại từ xưa là báu vật của chúng ta hôm nay, cũng chính là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này… Với những giá trị nghệ thuật, lịch sử to lớn, Nhã nhạc Huế đã, đang và sẽ tiếp tục được tôn vinh theo thời gian.
Minh Vũ