Giữa trập trùng núi rừng, những mái nhà rông hiện lên sừng sững, như tạc vào nền trời biểu tượng vĩnh hằng của sức sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Di sản ấy là một tác phẩm nghệ thuật lớn, hội tụ của điêu khắc, hội họa, trang trí, kiến tạo nên không gian được bao phủ bởi hồn thiêng từ sức mạnh của cộng đồng, phản ánh bức tranh kiêu hãnh của tộc người.
Nhà rông Tây Nguyên trước hết là một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo. Vị trí xây dựng nhà rông thường được đặt ở trung tâm cộng đồng, được già làng cùng những nhân vật tiêu biểu nhất trong làng hội bàn và quyết định, đồng thời tuân thủ theo những nghi thức trang trọng. Vị trí nhà rông đảm bảo phải là nơi thoáng mát, cao ráo, hợp với không gian của nắng, gió để có điều kiện tự nhiên tốt nhất. Nhà rông được đặt ở nơi tiện lợi cho người dân lui tới, có thể quan sát thấy từ mọi ngả đường lân cận. Khu đất xung quanh nhà rông cũng là nơi sinh hoạt chung nên cần rộng rãi và tập hợp được toàn bộ số lượng dân làng.
“Vũ điệu cồng chiêng và múa xoang” rộn rã quanh ánh lửa phía trước sân nhà rông Kon K’ri. Ảnh: vnexpress
Vật liệu truyền thống để xây dựng nhà rông là gỗ, được khai thác từ rừng và lựa chọn kỹ lưỡng. Việc đi lấy gỗ cũng mang màu sắc nghi thức, khi trước 9 ngày, già làng lựa chọn 9 người tháo vát, làm lễ cúng đợi đến trước khi xuất phát 3 ngày. Trong thời gian lễ 6 ngày, các thành viên tiếp tục chọn thêm 2 người có sức khỏe để cùng đoàn đi lấy gỗ. Hành trình vào rừng lấy gỗ cũng kéo dài 9 ngày. Đoàn người mang theo lương thực và vật dụng cần thiết, khi tìm được khu vực có gỗ quý, cả đoàn sẽ dừng lại để thợ cả chọn cây và đi vòng quanh làm nghi thức trước khi chặt cây. Họ khai thác được bốn cây lớn tương ứng với bốn cột góc cho nhà rông thì về làng, đến tháng Mười âm lịch thì bắt đầu làm nghi lễ và tiến hành dựng nhà.
Nhà rông tạo ấn tượng mạnh mẽ về thị giác bởi sự uy nghi. Nhà thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15 – 16m (một số nơi chỉ cao 7 – 8m). Toàn bộ vật liệu của nhà rông Tây Nguyên là gỗ, chắp nối bằng cách chặt đẽo và buộc bằng mây, lạt tre chứ không dùng đến sắt thép. Nóc nhà 2 mái với chỏm đầu dốc có một đôi sừng, gắn dọc theo là một dải trang trí họa tiết. Sàn nhà thường được ghép bằng những tấm đan thưa tre lồ ô, nứa hoặc cây giang, tạo cảm giác thoáng và sạch sẽ. Trên vách có hoa văn trang trí xanh đỏ, treo sứng trâu, chạm khắc trên cột. Trước nhà bắc cầu thang đi lên thường đẽo 7 – 9 bậc, đầu được trang trí một số hình tượng đặc trưng. Nhà rông Tây Nguyên thường có hai loại là nhà rông trống, có mai to lớn cao chót vót và nhà rông mái có kích cỡ nhỏ và thấp hơn, được trang trí đơn giản hơn.
Một già làng đang hướng dẫn cho hai đứa trẻ dùng nhạc cụ truyền thống. Ảnh: vnexpress
Màu sắc thần thoại bao phủ lên vì kèo và nhiều chi tiết trên nhà rông bằng những hoa văn rực rỡ, những hình tượng các nhân vật, thú vật, những hình chạm khắc mô tả cuộc sống cùng nhiều vật dụng thờ phụng. Đặc trưng nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời, như tăng thêm phần rạng rỡ và kỳ vĩ cho toàn bộ nhà. Có lẽ chỉ qua một ánh nhìn, người ta có thể phần nào mường tượng được mức độ giàu có và ý chí mạnh mẽ của buôn làng qua quy mô từng mái nhà rông.
Nhà rông đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. Nhắc đến nhà rông là nhắc đến con người, thiên nhiên của các dân tộc nơi đây, gắn liền với các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, những hoạt động tâm linh và biết bao giá trị truyền thống.
Nhà rông không phải là nơi cứ trú đơn thuần, mà ở đó cất giữ và lưu truyền tài sản vật chất và tinh thần của cả buôn làng. Trong nhà rông trưng bày rất nhiều cồng, chiêng, trống, vũ khí là những hiện vật truyền thống gắn với cuộc sống xây dựng, bảo vệ và đấu tranh trong lịch sử tộc người, là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng của mỗi người dân làng từ khi còn nhỏ đến khi về già, với bếp lửa, rượu cần và những truyện thần thoại được kể hằng đêm.
Với sức quy tụ mang tính biểu tượng, nhà rông được quan niệm là nơi linh thiêng, nơi thần linh che chở cho buôn làng. Bởi xét về ý nghĩa tâm linh, mỗi nhà rông được xây dựng lên là kết tính của mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân làng, là thành quả vinh quang và kiêu hãnh. Tất cả những giá trị ấy được lan tỏa tới toàn cộng đồng bằng các lễ hội dân gian, những nghi thức tâm linh và các hoạt động văn hóa, chính trị của người dân.
Nhà rông là sự kết nối, vừa là đích đến lại vừa là cõi nguyên sơ nhất trong thế giới tâm linh của tộc người. Đối với người dân nơi đây, một ngôi làng bắt buộc phải có nhà rông, nếu không có nhà rông thì làng chưa được coi là làng thực sự, chưa xứng đáng là một làng với ý nghĩa cao nhất. Bởi họ quan niệm rằng, không có nhà rông thì những nhóm nhà rời rạc thiếu đi cái hồn, những người trú ngụ ở những nhà đó cũng chỉ là những con người vô hồn lạc lõng. Những người này chỉ có thể tự hào là người làng một khi họ được linh hồn nhà rông thổi hồn vào.
Nhà rông Kon K’ri nhìn từ trong ra ngoài. Ảnh: vnexpress
Nhà rông là một biểu trưng văn hóa nằm trong mối quan hệ giữa tộc người và bản làng. Hình tượng nhà rông như lưỡi rìu khổng lồ vươn lên bầu trời thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, chế ngự sức mạnh của nắng, gió và bão tố, giương cao tinh thần thượng võ, uy nghi kiêu hãnh giữa không gian và thời gian. Những giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hòa quyện vào không gian nhà rông. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng nổi bật với bếp lửa bập bùng, những hàng rượu cần đều tăm tắp, những âm thanh trầm hùng của cồng chiêng, những hàng người dập dìu vòng quanh với vũ điệu núi rừng, rạng rỡ và phiêu bồng cùng trời đất.
Nhà rông có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Tây Nguyên, là niềm kiêu hãnh mang bản sắc cuộc sống con người giữa đại ngàn hùng vĩ. Nhà rông như một thiết chế văn hóa cổ truyền, qua hàng thế kỷ vẫn bảo tồn ý thức văn hóa của nhiều thế hệ nơi đây. Trải qua những biến thiên của lịch sử, cái hồn của nhà rông đã bắt gặp đời sống hiện đại, những vật liệu từ rừng khan hiếm giờ đã được thay thế một phần bởi bê tông và sắt thép. Dáng vẻ nhà rông hiện đại liệu có còn bao bọc cho hồn thiêng của nhà rông xưa, hay hồn thiêng ấy cũng biến đổi theo thời đại, có lẽ sẽ là một mối suy tư lớn của cả cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Trần Thơ