Các thế lực thù địch hiện đang đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, trong các lĩnh vực chống phá, chúng chú trọng “mũi tiến công” vào tư tưởng, văn học - nghệ thuật. Vì vậy, việc nhận diện đối tượng, phương thức chống phá để nâng cao hiệu quả đấu tranh là rất cần thiết.
Thời gian qua, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong các lĩnh vực chống phá, chúng xác định tư tưởng, văn học - nghệ thuật là “mũi tiến công” quan trọng nhằm thay thế hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa bằng hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Về điều này, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nhấn mạnh trong sách 1999 - Chiến thắng không cần chiến tranh viết năm 1988, rằng: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”[1]. Trong đó, chúng mong muốn “khoét sâu” vào văn học - nghệ thuật bởi lĩnh vực này “là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”[2].
Trong lĩnh vực tư tưởng, văn học - nghệ thuật, các nhà hoạt động chính trị, lý luận cực đoan theo ý thức hệ tư bản chủ nghĩa ở nước ngoài thường đứng sau để hậu thuẫn, tài trợ; còn đối tượng trực tiếp chống phá chủ yếu là một bộ phận người Việt Nam sống ở nước ngoài và một số đối tượng ở trong nước có tư tưởng lệch lạc, thậm chí là các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Một bộ phận nhỏ người Việt ở nước ngoài có tư tưởng thù hằn cách mạng, hình thành các tổ chức phản động lưu vong. Thậm chí, đó còn là “miền đất hứa” của một số trí thức, văn nghệ sĩ cơ hội, bất mãn, “trở cờ” trong nước với hy vọng sẽ được bảo lãnh.
Theo thống kê hiện có khoảng 400 tổ chức, hội, nhóm hoạt động ở nước ngoài nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam như: “Đảng Việt Tân”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Hội chuyên gia Việt Nam”, “Phong trào yểm trợ tự do và dân chủ cho Việt Nam”, “Đảng Dân chủ Việt Nam thế kỷ XXI”[3]… Bên cạnh đó là nhiều đối tượng được các tổ chức, các thế lực bảo lãnh định cư ở nước ngoài…
Bên cạnh các đối tượng trực diện chống phá từ nước ngoài, các thế lực thù địch còn khuyến khích, cổ súy các đối tượng ở trong nước thân với chế độ Mỹ - ngụy Sài Gòn từ trước hoặc các đối tượng bất mãn, vọng ngoại… Nguy hiểm hơn, chúng tìm cách lôi kéo một số đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ “thay lòng đổi dạ” để chống phá từ bên trong. Đây là vấn đề hết sức phức tạp mà Đảng và Nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các đối tượng suy thoái, biến chất có biểu hiện xa rời Đảng, chống đối Đảng và cuối cùng trở thành kênh phát ngôn sai trái cho các thế lực thù địch.
Các thế lực thù địch thực hiện tổng hợp các phương thức chống phá một cách liên tục, tinh vi theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm gây mất niềm tin trong nhân dân, gây dao động về tư tưởng, rệu rã về tinh thần…. Chúng tập trung vào thời điểm Đảng và Nhà nước tổ chức các sự kiện lớn như đại hội Đảng, bầu cử, thông qua các luật, các ngày lễ lớn; tập trung xoáy sâu vào các sai phạm của cán bộ, đảng viên; lợi dụng những sự cố về môi trường, thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là liên quan đến đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây) để kích động dư luận… Với phương châm, “Chi 1 đôla cho tuyên truyền bằng chi 5 đôla cho quân sự” (cựu Tổng thống Mỹ D. Eisenhower) chúng đã tiếp tay, nuôi dưỡng “ở nước ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng in-tơ-nét, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta”[4].
Đặc biệt, trong bối cảnh mạng Internet phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm sai trái, thù địch thông qua mạng xã hội (nhất là Facebook), các clip trên Youtube, các blog cá nhân, các nhóm online… Chúng lợi dụng triệt để Internet để lôi kéo sự quan tâm của xã hội; để kêu gọi nước ngoài ủng hộ; để tập hợp lực lượng biểu tình trái pháp luật...
Trong thời gian qua, một số văn nghệ sĩ đã vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”, hoặc tự lập một số nhóm văn nghệ như “Tổ chức phóng viên không biên giới”… có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng hoặc chủ trương “hợp lưu” với các nhóm văn học có nhiều hoạt động chống phá ở hải ngoại[5]. Một số ấn phẩm dưới dạng sách văn học có nội dung phản động, bôi đen về Đảng, Nhà nước, Quân đội; vu cáo về tự do, dân chủ… có thể kể tên như: “Những thiên đường mù”, “Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký”, “Chính đề Việt Nam”, “Cánh đồng Sênh”…
Trước sự chống phá thường xuyên, tinh vi, quyết liệt đó, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh nhằm làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Việc nhận diện rõ các đối tượng và phương thức chống phá của chúng trên lĩnh vực tư tưởng, văn học - nghệ thuật là hết sức quan trọng, cần thiết để đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay.
---------------
[1] Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.481.
[2] Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, https://thuvienphapluat.vn/
[3] Nguyễn Bá Dương (2017), “Bình mới rượu cũ” của chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.54-54.
[4] Tùng Lâm (2020), Đấu tranh với các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, https://www.tapchicongsan.org.vn/, ngày 01/8/2020.
[5] Hội đồng Lý luận Trung ương (2017), Sđd, tr.474-475.
Anh Vũ