Pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với tư cách là một bộ phận của hệ thống pháp luật nói chung được phát triển liên tục, trong đó những quy định về quyền của trẻ em cũng ngày càng được ghi nhận toàn diện, cụ thể và sát thực hơn.
Hoạt động vui chơi, giải trí là một trong những nhu cầu văn hóa cơ bản của con người, đặc biệt, nó rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, giúp trẻ lập lại thế cân bằng tâm – sinh lý, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển về các mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm, ý chí và cảm xúc thẩm mỹ. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh hoạt động vui chơi giải trí ảnh hưởng mạnh đến sự hình thành nhân cách của trẻ em. Thông qua hoạt động vui chơi, giải trí, trẻ em bộc lộ nhu cầu, năng lực của bản thân đồng thời tiếp nhận được tri thức về tự nhiên, xã hội, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa, ...
Nét ngộ nghĩnh đáng yêu của các cô cậu nhóc trong một bản làng xa xôi của Sơn La. Ảnh: VOV
Ngay từ Hiến pháp năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), quyền của trẻ em đã được ghi nhận, đó là quyền được chăm sóc, quyền được giáo dục... Tiếp đó, đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 các quyền của trẻ em được tiếp tục được ghi nhận và phát triển.
Ngày 05/04/2016, tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật trẻ em. Luật này thay thế Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Trong đó, quyền vui chơi giải trí của trẻ em đã được các nhà lập pháp quan tâm. Điều 17 của Luật ghi rõ quyền vui chơi giải trí của trẻ em: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi”.
Tháng 6 hàng năm được xác định là “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm “thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.” (Điều 11 – Luật trẻ em năm 2016).
Luật pháp quốc tế về quyền trẻ em (UNCRC) cũng quan tâm tới quyền được vui chơi giải trí của trẻ em. Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em được chia thành 4 nhóm: Quyền sống còn, Quyền phát triển, Quyền bảo vệ và Quyền tham gia. Trong đó, quyền vui chơi giải trí được qui định tại Điều 31 “Quyền được nghỉ ngơi và giải trí” và Điều 32 “Quyền được tham gia các hoạt động văn hóa” thuộc nhóm thứ hai - Quyền phát triển.
Rõ ràng, từ góc độ luật pháp, từ góc độ văn hóa, tâm sinh lý,... đều thừa nhận vai trò quan trọng của hoạt động vui chơi, giải trí trong đời sống của trẻ em. Tuy nhiên, trong thực tế, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, quyền vui chơi giải trí của trẻ còn bị xem nhẹ.
Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động vui chơi, giải trí đối với trẻ em. Một số phụ huynh chỉ quan tâm tới việc học hành của con, ép con học triền miên, khiến trẻ không có thời gian để vui chơi. Bên cạnh đó lại có những bậc phụ huynh để cho trẻ tự do lựa chọn trò chơi, đồ chơi. Nhiều trẻ ngồi lì vài giờ đồng hồ trước máy thu hình, máy vi tính, điện thoại thông minh để xem hoặc chơi trò chơi. Đa phần khách hàng của những cửa hàng trò chơi điện tử hiện nay là trẻ em. Điều này dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các diễn đàn xã hội, nhiều người đã lên tiếng về tình trạng trẻ em “không có tuổi thơ”, “bị đánh cắp tuổi thơ” vì sức ép học hành. Một số trẻ em không chịu nổi áp lực học hành, thi cử mà thiếu thời gian nghỉ ngơi, giải trí nên đã có những hành vi tiêu cực. Hoặc cũng có những trường hợp do được thả nổi trong việc lựa chọn hình thức giải trí, nhiều trẻ em đã mất phương hướng khi sa vào thế giới ảo trên internet, bỏ bê việc học hành, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật.
Niềm vui của những đứa trẻ miền sơn cước. Ảnh: VOV
Về phía xã hội, mặc dù thời gian gần đây, các cấp các ngành đã có cố gắng trong việc đưa Luật trẻ em vào cuộc sống, hoạt động vui chơi giải trí của trẻ đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều điều đáng nói. Cơ sở vật chất dành cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của trẻ em còn hết sức hạn chế. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, 100% số đơn vị cấp tỉnh có cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi hoặc trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi; 30% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi. Tuy nhiên trong thực tế, số lượng thiết chế văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi hiện nay rất khiêm tốn, chỉ đạt một phần nhỏ so với Quy hoạch. Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 124 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi (trong đó có 25 thiết chế cấp tỉnh; 99 thiết chế cấp huyện)[1]. Càng xuống cơ sở, trẻ em có nhu cầu tham gia các hoạt động nhiều hơn, nhưng thiết chế văn hóa rất thiếu. Nhiều sân chơi của trẻ bị chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác. Những đồ chơi bạo lực vẫn được bày bán công khai trên thị trường. Những kênh Youtube, Tick Tock, ... dành cho trẻ em có nội dung độc hại vẫn tràn lan trên mạng Internet. Vai trò của nhà trường, đoàn đội trong việc tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em nhiều lúc, nhiều nơi còn mờ nhạt...
Để bảo đảm, tạo điều kiện cho quyền vui chơi, giải trí của các em được thực hiện đồng thời khắc phục những hạn chế nêu trên, thiết nghĩ, cần tập trung vào một số vấn đề then chốt nhất. Đầu tiên, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em. Cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, kiện toàn hệ thống thiết chế nhà văn hóa, sân chơi cho trẻ em cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật dành cho đối tượng đặc biệt này. Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chính sách ưu tiên trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh (trẻ em theo Luật là từ 16 tuổi trở xuống).
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em; bảo đảm điều kiện, thời gian, thời điểm thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong quy hoạch các khu đô thị, cần đưa việc xây dựng các thiết chế vui chơi, giải trí cho trẻ em trở thành một trong các điều kiện bắt buộc để các Dự án xây dựng đô thị được phê duyệt.
Cô bé chăn trâu trên đỉnh “Sừng trời” Khau Phạ. Ảnh: VOV
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí; khuyến khích sáng tạo, sản xuất đồ chơi, trò chơi cho trẻ em bảo đảm an toàn, lành mạnh, mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Song song với đó, động viên, khuyến khích các gia đình trong việc dành thời gian và hình thức vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và điều kiện của trẻ.
Ngoài ra, ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường từ bậc mầm non đến trung học phổ thông quan tâm đến việc định hướng, tổ chức, phổ biến các hình thức giải trí, các trò chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trẻ em là tương lai của đất nước. Để có một tương lai tươi sáng, trẻ em cần sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển về mọi mặt: thể lực, trí tuệ, tình cảm, xúc cảm thẩm mỹ...,. Chúng ta đã có một hành lang pháp lý thuận lợi về quyền trẻ em, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp, các ngành và toàn xã hội hiểu và đưa luật vào cuộc sống như thế nào. Trong đó, quyền vui chơi, giải trí của trẻ em cần phải được coi trọng và thực thi như các quyền khác.
[1] https://tuoitre.vn/sap-nhap-nha-thieu-nhi-nen-hay-khong-20210227
Lâm Minh Khuê