Gần đây, vấn đề nhân quyền được nhắc đến nhiều và đôi khi nó là cái cớ để quốc gia này can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Nhân nghiên cứu lại bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2/9/1945, chúng ta thử bàn thêm vấn đề này xem sao
Nhiều người nói rằng, nhân quyền cao hơn chủ quyền. Ý nói rằng, vấn đề nhân quyền cực kỳ quan trọng, ai và nước nào mà vi phạm nhân quyền thì có thể đem quân đến xử lý không cần có sự được nước đó cho phép.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại cuộc mít tinh của nhân dân ở Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 (dẫn ý chứ không phải trích dẫn đúng nguyên văn). Hai bản tuyên ngôn này đều nêu lên điểm chung có tính phổ quát toàn nhân loại: Tạo hóa (nói cách khác là Trời) đã tạo ra cho mỗi người quyền tự nhiên, trong đó quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, có quyền bình đẳng về quyền lợi (Đương nhiên, tuyên bố của Mỹ, của Pháp là một chuyện, còn thực tế có thực hiện đúng theo tuyên bố đó hay không lại là một chuyện khác).
Ngoài chuyện lý lẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành chính quyền lập nên chế độ chính trị mới là hợp với tinh thần phổ quát toàn nhân loại thì Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý tưởng sáng tạo hơn so với hai bản tuyên ngôn đó ở 2 điểm:
1. Trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, chữ men tiếng Anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay bằng people (mọi người). Thay như thế, tôi hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tránh được sự hạn chế trong quan điểm làm chủ về chính trị của Mỹ và nhiều nước phương Tây chỉ chú trọng đối với đàn ông, chứ chưa cho phụ nữ quyền ứng cử và bầu cử vào cơ quan quyền lực nhà nước.
2. Điều đặc biệt ở đây tôi muốn nhấn mạnh là ở chỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh “suy rộng ra” thật lý thú: “Suy rộng ra…tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy là, quyền con người phải được đặt dưới quyền của dân tộc. Nếu dân tộc bị mất độc lập, mất tự do thì đừng có nói đến quyền con người. Điều lôgic này nói lên độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người.
Bản Tuyên ngôn độc lập được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đương nhiên, để phát huy quyền con người thì còn phải tiến hành thêm một vế nữa. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết thì giải phóng xã hội và giải phóng con người lại là những điều kiện bảo đảm vững chắc nhất cho độc lập dân tộc. Nếu giải phóng dân tộc rồi mà con người vẫn không được giải phóng thì giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội là không có ý nghĩa tích cực gì. Điều lôgíc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”; rằng, “chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì; dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Vậy nên, giành độc lập dân tộc rồi thì phải tiếp tục tiến tới giải phóng con người mới đích thị là mục tiêu cuối cùng về quyền con người.
Để bảo đảm và phát huy quyền con người với cái đích như thế thì trước hết phải giải phóng dân tộc – đó là quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và, tôi cho đây mới là giá trị phổ quát toàn nhân loại mà Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã nêu.
Xem thế thì chúng ta khẳng định một cách chắc chắn rằng: Nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền. Ai đó nói rằng, nhân quyền cao hơn chủ quyền thì đó là một cách nói – cách nói đó chỉ là như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có đầy đủ các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Quang Thắng