Năm 1941, cục diện cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã có những thay đổi căn bản với việc tham chiến của Liên Xô và Mỹ. Nếu việc phát xít Đức tiến công Liên Xô ngày 22/6/1941 được coi là một sai lầm chiến lược của Hít le, thì việc Nhật Bản tiến công Trân Châu Cảng đã chọc giận gã khổng lồ Hoa Kỳ cũng đã làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Châu Á-Thái Bình Dương
Bối cảnh tình hình
Năm 1940, sau khi Nhật Bản đưa quân vào Đông Dương, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nhật Bản đã xấu đi ngiêm trọng. Philippines, một quốc gia dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ bị Nhật Bản đe dọa. Căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam bị Nhật chiếm đóng có thể trở thành nơi xuất phát để Nhật Bản tiến công Philippines.
Trước sự bành trướng của Nhật Bản tại châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ trả đũa bằng việc tịch thu tài sản của Nhật tại Hoa Kỳ và cấm vận tàu Nhật đi qua kênh đào Panama. Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh chống Nhật nếu Nhật Bản tiếp tục mở rộng khu vực chiếm đóng ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là việc xâm chiếm các vùng lãnh thổ do Mỹ bảo hộ.
Trước lời đe dọa của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc đối đầu.
Vị trí đầu tiên mà Nhật Bản có thể tiến công Hoa Kỳ chính là quần đảo Hawaii, nơi có Trân Châu cảng.
Nhật Bản đã đàm phán nhiều tháng với Hoa Kỳ, muốn Hoa Kỳ chấm dứt cấm vận kinh tế, trong khi Hoa Kỳ muốn Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, từ bỏ hiệp ước Tam Cường ký với Đức và Ý. Tuy nhiên, không bên nào chịu nhượng bộ. Chiến tranh Hoa Kỳ-Nhật Bản xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngày 24/9/1941, Nhật Bản bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu sơ bộ về Trân Châu cảng. Theo đó, Trân Châu cảng được người Nhật chia thành 5 khu vực tính toán số lượng tàu chiến trong mỗi khu vực.
Hoạt động do thám này của Nhật Bản đã bị tình báo Hoa Kỳ bắt được. Tuy nhiên sự chậm trễ trong việc chuyển và giải mã thông tin khiến cho thông tin về việc Nhật thu thập tình báo về Trân Châu cảng không được coi trọng, mặc dù mật điện của tình báo Nhật Bản đã được giải mã.
Người Mỹ, mặc dù rất cảnh giác, đã bỏ qua tin tức tình báo đặc biệt quan trọng này.
Ngày 3/11/1941, Nhật Bản quyết định tiến công Trân Châu cảng.
Hạm đội liên hợp Nhật Bản nhận được lệnh tối mật trong thời gian ba mươi tư ngày, tức đến ngày mùng 7 tháng 12, phải tiến công Trân Châu cảng của Hoa Kỳ trên quần đảo Hawaii. Hạm đội của Nhật cũng được lệnh tiến công một số mục tiêu tại Malaysia, Indonesia và Philippines.
Ngày 26/11/1941, hạm đội Nhật Bản lên đường đến Trân Châu cảng.
Giới lãnh đạo Hoa Kỳ dự đoán Nhật Bản sẽ tiến công trả đũa nhưng không biết là Nhật sẽ tiến công ở đâu.
Đồng thời, mặc dù biết rằng cuộc chiến tranh với Nhật Bản sẽ khó tránh khỏi, nhưng giới lãnh đạo Hoa Kỳ luôn âm thầm chờ đợi người Nhật sẽ là bên tiến công trước.
Tướng Yamamoto Isoroku, kiến trúc sư trưởng trận tiến công
Trân Châu cảng
Tiến công
Cuộc đàm phán Mỹ-Nhật vừa đổ vỡ, 7 giờ 55 phút ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tiến công Trân Châu cảng.
Hơn 350 máy bay Nhật Bản cất cánh từ các tàu sân bay đã tiến công hạm đội của Hoa Kỳ và các mục tiêu trên đất liền.
Trên đường bay vào mục tiêu, các máy bay Nhật bản có bị radar phát hiện, nhưng cùng thời điểm đó, theo kế hoạch, Trân Châu Cảng cũng đón 1 đoàn máy bay B 17 của không quân Hoa Kỳ đến căn cứ, nên lực lượng cảnh giới Hoa Kỳ không quá quan tâm đến đoàn máy bay của Nhật, không phát lệnh báo động. Máy bay Nhật giành được yếu tố bất ngờ, hầu như không gặp phải sự kháng cự nào.
Trong đợt tiến công đầu tiên, 180 máy bay Nhật tiến công các sân bay đang đầy ắp những máy bay đỗ trên đường băng, các kho chứa nhiên liệu, đồng thời ném bom, thả thủy lôi lên các con tàu đang neo đậu trong cảng.
Nhiều quân nhân Mỹ còn đang ngủ sau một đêm cuối tuần chơi bời thỏa sức. Số khác đang thực hiện các hoạt động thư giãn, dã ngoại. Không có ai trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Ngay trong 5 phút đầu tiên, các chiến hạm của Hoa Kỳ đã bị thiệt hại nặng nề, trong đó thiệt hại lớn nhất thuộc về con tàu USS Arizona. Một quả bom rơi trúng kho bom đạn của con tàu khiến nó nổ tung và nhanh chóng chìm xuống đáy biển với hơn 1.000 thủy thủ.
90 phút sau, hơn 170 máy bay Nhật Bản tiến công Trân Châu cảng đợt thứ hai. Mục tiêu vẫn là các con tàu đang ngập chìm trong khói lửa trên cảng cũng như các sân bay và kho tàng trên đảo.
Lần này, lực lượng Hoa Kỳ đã chủ động chống trả, nên gây ra một số thiệt hại cho Nhật với khoảng 50 máy bay bị bắn hạ, một số tàu ngầm loại nhỏ bị tiêu diệt.
Sau hai đợt tiến công, gần 20 tàu chiến Mỹ bị chìm hoặc hư hại, hơn 300 máy bay bị phá hủy, 2.400 quân nhân và dân thường thiệt mạng, hơn 1.100 người bị thương.
Đợt tiến công thứ ba đã được dự tính, nhưng cuối cùng đã được đình lại, vì yếu tố bất ngờ không còn nữa.
Điều may mắn cho hạm đội của Hoa Kỳ là 3 tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương đều không có mặt tại Trân Châu cảng vào thời điểm bị tiến công, cho nên mặc dù bị thiệt hại nặng, Hoa Kỳ, với nòng cốt là 3 tàu sân bay này, đã nhanh chóng khôi phục được lực lượng và tiến hành các cuộc tiến công trả đũa. Đồng thời, nhiều kho chứa dầu kho vũ khí và xưởng sửa chữa vũ khí của Hoa Kỳ trên đảo không bị thiệt hại quá nặng.
Tàu USS Arizona bị đánh chìm (Ảnh: Wikipedia).
Hệ quả
Ngay sau khi tin Trân Châu cảng bị tiến công, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ra trước Quộc hội tuyên chến với Nhật. Ông nói “Hôm qua, ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941, một ngày đen tối, Hoa Kỳ đã bị lực lượng Hải quân và không quân của đế quốc Nhật Bản tiến công bất ngờ. Dù phải mất bao lâu để vượt qua cuộc xâm lược được tính toán từ trước này, người dân Mỹ với niềm tin chính nghĩa, sẽ giành chiến thắng tuyệt đối”.
Để trả đũa, ngày 14/01/1942, Tổng thống Roosevelt chuẩn bị giam giữ người Mỹ gốc Nhật. Hoa Kỳ lo ngại những người Mỹ gốc Nhật sẽ tiếp tục thực hiện các hành động phá hoại đối với các mục tiêu quốc phòng và phi quốc phòng của Hoa Kỳ. Tuyên bố số 2537 của Tổng thống Hoa Kỳ cho phép bắt bớ và giam giữ những người nước ngoài đến từ các nước thù địch xâm phạm các khu vực bị hạn chế như các bến cảng, các nhà máy, các mục tiêu quân sự trong thời gian chiến tranh. Tổng thốngTổng thống Mỹ cũng ký Sắc lệnh số 9066 của Bộ Chiến tranh, đưa tất cả người Mỹ gốc Nhật vào các trại giam giữ tập trung.
Ngày 18/3/1942, Cơ quan tái định cư thời chiến được thành lập tại Hoa Kỳ với mục đích bắt giam tất cả những người gốc Nhật, hạn chế các hoạt động làm ăn kinh tế và hoạt động phá hoại của họ và đưa họ trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc.
Trước đó ngày 19/2/1942, Tổng thống Hoa Kỳ đã ra lệnh tất cả các công dân Đức, Ý, Nhật Bản cũng như người Mỹ gốc Nhật bị cấm tới các khu vực được coi là nhạy cảm về mặt quân sự.
Đến tháng 6/1942, hơn 110.000 người Mỹ gốc Nhật ở bờ Tây nước Mỹ đã được chuyển đến các trại tập trung do quân đội Hoa Kỳ xây dựng.
Đến ngày 17/12/1944, Hoa Kỳ mới chấm dứt việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật.
Mặc dù giành chiến thắng và gây sốc cho Hoa Kỳ trong trận tiến công Trân Châu cảng, nhưng trận tiến công đã buộc Hoa Kỳ phải tham chiến và sức mạnh quân sự vô địch của Nhật Bản từ đây bị không còn như trước. Mặc dù đã chiếm được những khu vực rộng lớn tại Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Nhật Bản bắt đầu phải đương đầu với những khó khăn.
Đô đốc Isoroku Yamamoto, kiến trúc sư trưởng trận tiến công Trân Châu cảng đã viết trong cuốn hồi ký của ông: “Tôi sợ tất cả những điều chúng ta đã làm sẽ đánh thức gã khổng lồ và lấp đầy nó bằng sự quyết tâm kinh khủng”.
Thực tế sau này đã diễn ra đúng như vậy. Hạm đội Hoa Kỳ hồi phục nhanh hơn dự kiến và chỉ 6 tháng sau đó, Hoa Kỳ đáp trả khiến Nhật hứng chịu thất bại đau đớn tại trận Midway. Hơn thế nữa, trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, Hoa Kỳ đã ném 2 quả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật, làm hàng trăm nghìn người Nhật thiệt mạng.
Gã khổng lồ Hoa Kỳ đã bị chọc giận và số phận quân phiệt Nhật Bản đã được định đoạt kể từ trận Trân Châu cảng.
Lê Minh