Sáu mươi sáu năm trước, trong không khí vui mừng, phấn khởi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ tích cực chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô được tốt đẹp. Trước sự kiện trọng đại của lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị đứng đầu Chính phủ kháng chiến, thể hiện sự sắc sảo và tầm nhìn xa, trông rộng của mình trong những lời dạy đối với lực lượng vũ trang ngày về tiếp quản Thủ đô
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, nềm vui sướng đến bất ngờ dù biết rằng ngày chiến thắng sẽ đến. Trong niềm vui mừng, phấn khởi, chúng ta cũng phải đương đầu với bao bỡ ngỡ, khó khăn, từ lãnh đạo cuộc kháng chiến, chuyển sang tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay Pháp và chính quyền quốc gia. Chính vì thế, công tác tiếp quản Thủ đô được Đảng và Chính phủ kháng chiến dày công chuẩn bị. Trong quá trình đó, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ chiến sĩ và nhân dân từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô nói riêng và đồng bào Hà Nội nói chung có ý nghĩa hết sức to lớn.
Ngay từ khi cuộc kháng chiến sắp đến bến bờ thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã ban hành những chính sách về tiếp quản các vùng giải phóng. Tuy nhiên, tiếp quản một thành phố lớn như Hà Nội không thể không chuẩn bị chu đáo, cả về chính trị tư tưởng, cả về tổ chức lực lượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn bộ đội về tiếp quản Thủ đô tại Đền Hùng (Ảnh tư liệu)
Ngày 5-9-1954, trong bài nói chuyện với các lực lượng về tiếp quản thủ đô, trong đó có lực lượng công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: phải đặc biệt chú ý vấn đề đạo đức, nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong kháng chiến lực lượng công an, bộ đội đã được rèn luyện thử thách nhiều về tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm….Kháng chiến qua rồi, vượt qua rồi bom đạn kẻ thù, nhưng giờ đây, về nơi phồn hoa đô hội, những viên “đạn bọc đường” mới thực sự nguy hiểm với người cán bộ, chiến sĩ công an. Sở dĩ Người căn dặn rất kỹ vấn đề này vì qua 9 năm kháng chiến gian khổ nơi rừng núi, nay chuyển sang hoà bình xây dựng, về nơi phồn hoa đô hội, rất dễ phát sinh tư tưởng nghỉ ngơi, hưởng lạc cho bõ những ngày gian khổ. Cuộc sống vật chất nơi đô thành dễ làm loá mắt người cán bộ đã từng sống thiếu thốn trăm bề trong kháng chiến.
Trong bộn bề công việc của ngày tiếp quản, vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến đầu tiên và nhấn mạnh là giữ gìn trật tự an ninh. Người nêu rõ: “trật tự an ninh tốt thì mọi người mới an cư lạc nghiệp” và “việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự an ninh”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra yêu cầu từ hai phía.
Đối với lực lượng công an, bộ đội, cảnh sát, công cụ chuyên chính của cách mạng, Người nêu rõ: “giữ gìn trật tự an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này “bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”.
Về phía nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích của bản thân mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”.
Trong công tác giữ gìn trật tự an ninh, cũng như các công tác khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ, đoàn kết giữa cán bộ chiến sĩ, giữa cán bộ, chiến sĩ công an và nhân dân... đồng thời Người nhắc nhở các lực lượng tham gia tiếp quản phải tránh tư tưởng chủ quan, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh”.
Như vậy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào dân, lấy dân làm gốc để bảo vệ trật tự an ninh. Đó chính là xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Những tư tưởng của Người đặt cơ sở cho việc thực hiện công tác bảo vệ trật tự an ninh của Thủ đô cũng như cả nước trong những năm qua.
Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về (Ảnh tư liệu)
Sở dĩ vấn đề trật tự, an ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên hàng đầu vì thực tế phức tạp khi tiếp quản Thủ đô. Trong lúc giao thời, dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, an ninh, trật tự khó bảo đảm. Nhưng quan trọng hơn là âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Phải rút khỏi Hà Nội, các thế lực thù địch ra sức phá hoại với âm mưu để lại một di sản đổ nát, tình trạng vô chính phủ. Chúng phá hoại các cơ sở kinh tế-xã hội, kích động di cư vào Nam… Trong tháng 9-1954, địch đã thực hiện một số hoạt động phá hoại như nổ mìn chùa Một Cột, tháo dỡ máy móc các nhà máy điện, cơ sở bưu điện…. Sau ngày tiếp quản, Hà Nội còn 23 đảng phái chính trị phản động lớn, nhỏ và một số hội đoàn của chế độ cũ lén lút hoạt động, xuyên tạc chính sách của Đảng và Chính phủ. Các cơ quan tình báo Pháp, Mỹ tăng cường hoạt động, thu thập tin tức, phá hoại cơ sở vật chất, kích động di cư…Hậu quả chế độ cũ còn nặng nề. Thành phố còn gần 2 vạn gái điếm, 2.000 tiệm hút, hơn 1.000 tên lưu manh hoạt động thường xuyên, 1.200 người hành khất, trên 20.000 trẻ lang thang, 300 người làm nghề bói toán, 77.000 người thất nghiệp, hàng nghìn sĩ quan, binh lính nguỵ…Các phần tử lưu manh, phản động đã gây ra một số vụ nổ lựu đạn, xé khẩu hiệu, gây rối trật tự an ninh ở trụ sở công an số 16 phố Sinh Từ (Nay là phố Nguyễn Khuyến), Bộ Thương binh Xã hội, ở Tầm Xá, Thượng Cát (ngoại thành Hà Nội)…
Trước tình hình đó, lực lượng công an nhân dân, nòng cốt phong trào giữ gìn trật tự an ninh đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Từ ngày 2 đến ngày 5-9-1954, lực lượng công an vũ trang gồm 158 cán bộ, chiến sĩ cùng các đội hành chính trật tự gồm 422 cán bộ nhân viên vào tiếp quản. Ngày 8-10, một đơn vị cảnh vệ 214 cán bộ, chiến sĩ vào thành phố. Ta nhanh chóng tiếp quản các cơ sở như Sở mật thám, Sở cảnh sát, trại giam Hoả Lò…. Cán bộ, chiến sĩ tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong trong hoàn cảnh mới, mưu trí, sáng tạo, đặc biệt là dựa vào nhân dân đấu tranh chống phá các loại tội phạm chính trị, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội …Qua công tác đăng ký trình diện kết hợp với công tác trinh sát và phát động quần chúng, lực lượng công an đã nắm được 12.000 đối tượng, trong đó có 230 sĩ quan, 2.840 hạ sĩ quan nguỵ quân, hơn 7.800 ngụy quyền, đặc biệt trong đó có 452 tên làm trong các cơ quan gián điệp, mật vụ, 416 tên chỉ điểm. Lực lượng công an đã bắt và trừng trị những phần tử phản cách mạng, lưu manh côn đồ phá hoại hiện hành và cùng các lực lượng khác vận động được hơn 3.600 đồng bào từ các tỉnh và trên 700 gia đình ở Hà Nội từ bỏ ý định di cư vào Nam. Những hoạt động đó của lực lượng công an, cảnh sát góp phần đập tan nhiều âm mưu của các thế lực phản động, bảo đảm cho Thủ đô bình yên, ổn định, nhanh chóng đi vào khôi phục và xây dựng chế độ mới.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa không chỉ bó hẹp trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô. Càng suy nghĩ, chúng ta càng thấy trong đó chứa đựng những tư tưởng lớn về nhiều lĩnh vực. Đoàn kết là cơ sở của mọi thành công; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là tiền đề cho mọi hoạt động kinh tế - văn hoá -xã hội, có ổn định mới có tăng trưởng và phát triển; giữ vững và không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng; xây dựng kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, công an trong tình hình mới; dựa vào dân để giải quyết mọi vấn đề …. Những lời dạy đó còn vang mãi và trong mỗi bước chuyển của lịch sử cũng như trong đời sống kinh tế-xã hội của Thủ đô hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy ở đó bí quyết của thành công.
Bình Nguyễn