Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bộn bề trăm công ngàn việc của chế độ mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho chế độ dân chủ cộng hòa
Khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm cho tổng tuyển cử thành công
Để bảo đảm tính hợp pháp cho chính quyền dân chủ cộng hòa mới thành lập sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký nhiều sắc lệnh liên quan đến cuộc tổng tuyển cử.
Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử. Bản Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định: "trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội" (Điều 1); "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường" (Điều 2); "Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập" (Điều 5); "Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập" (Điều 6)[1].
Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh số 34-SL, ngày 20-9-1945, thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Sắc lệnh số 39-SL, ngày 26-9-1945, về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới[2].
Tiếp đến, Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 ấn định thể lệ tổng tuyển cử - văn bản có tính tổng thể tương đương với các Pháp lệnh và Luật về bầu cử sau này - quy định ngày mở cuộc tổng tuyển cử là 23 tháng 12 năm 1945 (Đ. 1); quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật, tuyên bố quyền bầu cử và ứng cử của tất cả các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, trừ những người không kiểm soát được năng lực hành vi, người phạm tội đang thụ án mà không được hưởng đại xá của Chính phủ; quy định đơn vị bầu cử là các tỉnh và sáu thành phố lớn Hà Nôi, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gò-Chợ Lớn cũng đứng riêng làm đơn vị tuyển cử như các tỉnh, ấn định số đại biểu được bầu cử tại tỉnh, thành phố (tổng cộng 329 đại biểu); quy định cách lập danh sách ứng cử (do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố lập nên), danh sách bầu cử (do Uỷ ban nhân dân làng hay khu phố lập); quy định cách thức bầu cử, cách thức điểm phiếu, cách thức tính kết quả bầu cử. Phải có một phần tư (1/4) số cử tri toàn tỉnh (trong thành phố) có đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Nếu không sẽ có cuộc bầu cử thứ hai. Những người ứng cử phải được trên một nửa số phiếu bầu hợp lệ thì mới được trúng cử. Kèm theo Sắc lệnh này là Bảng ấn định số đại biểu các tỉnh và thành phố được bầu.
Nhân dân Hà Nội cổ động cho ngày tổng tuyển cử (Ảnh tư liệu)
Sắc lệnh số 71-SL, ngày 2-12-1945, bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử: Vì hoàn cảnh giao thông khó khăn, người ứng cử có thể gửi ngay đơn cho Ủy ban nhân dân nơi mình cư trú và yêu cầu ủy ban điện cho Ủy ban nhân dân nơi mình xin ứng cử, đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do Ủy ban nhân dân nơi mình cư trú chuyển sau cho Ủy ban nhân dân nơi mình ứng cử[3]. Sắc lệnh số 72-SL, cùng ngày 2-12-1945, quy định bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu. Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 76-S, quyết định dời thời gian bầu cử từ ngày 23 tháng 12 năm 1945 đến ngày 6 tháng 1 năm 1946[4].
Chỉ trong môt thời gian rất ngắn, với cố gắng cao độ của Chính phủ và nhân dân, công tác chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử đã được hoàn tất, sẵn sàng cho cử tri nước Việt Nam độc lập lần đầu tiên thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Ngày 06-01-1946- Ngày hội của cử tri cả nước
Cách mạng tháng Tám đã thực sự maang lại những quyền cơ bản cho người dân Việt Nam sau bao nhiêu năm đắm chìm trong nô lệ. Lần đầu tiên, người dân cả nước được thực hiện quyền dân chủ của mình. Ngày 06-01-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công trên cả nước.
Đại biểu tham gia ứng cử rất đông, vận động bầu cử khá phổ biến như theo báo Đại Đoàn kết: Người ứng cử đông. Tỉnh miền núi xa xôi, ít nhất cũng có ngoài 20 ứng cử viên, tỉnh Hưng Yên có 40 ứng cử viên, Hà Nội có 74 ứng cử viên. Đoàn Hà Nội có 6 đại biểu Quốc hội, trong đó có 2 ứng cử viên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Duy Hưng. Địa phương nào cũng có nhiều người tự ứng cử. Những cuộc tiếp xúc rộng rãi diễn ra hết sức sôi nổi ở mọi nơi trong khung cảnh thực sự tự do và dân chủ giữa các cử tri và người ra ứng cử. Tranh cử là phổ biến vì chỉ tranh cử mới có thể chọn lựa người tài đức, có khi là nhóm hai, ba ứng cử viên tổ chức riêng một cuộc tiếp xúc để trình bày chương trình hành động của mình, thậm chí có nơi chỉ một ứng cử viên cũng tự lực bố trí nơi họp đủ chỗ để tiếp xúc cử tri[5].
Do lúc đó, hơn 90% dân số Việt Nam chưa biết chữ, nên để giúp cử tri thực hiện được quyền bầu cử, Điều số 38, Sắc lệnh số 51 quy định: Những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì ngày bầu cử, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử cử ra, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm điểm. Khi lập xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật[6].
Ngay trong ngày bỏ phiếu vẫn có các sự việc xảy ra: Trong ngày tổng tuyển cử, một số phần tử Việt Nam Quốc dân đảng mang vũ khí đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ. Người dân Ngũ Xã phải chuyển sang khu phố Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu[7].
Tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nơi thực dân Pháp đang mở rộng khu vực chiếm đóng, để có thể thực hiện quyền công dân của mình, nhiều khi lá phiếu phải đổi bằng máu. Chiến sự vẫn tiếp tục lan rộng. Quân đội Pháp ở các khu vực chiếm đóng Sài Gòn- Chợ Lớn, Tân An tiến công người đi bầu cử. Máy bay Pháp ném bom khu vực bầu cử ở Mỹ Tho, Khánh Hòa[8].
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, bất chấp sự kềm kẹp, khủng bố gắt gao của thực dân Pháp và tay sai, hàng trăm cán bộ Việt Minh đã chia nhau đi các ngã, vào từng khu phố lập danh sách cử tri và vận động đồng bào tham gia bỏ phiếu đông đảo. Không có phòng bỏ phiếu cố định cho mỗi khu phố nhưng ở khu phố nào, kể cả các khu phố trung tâm, đều có cán bộ chiến sĩ đem thùng phiếu tới nhà, tới ngõ cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm thùng phiếu như vậy. Ở những vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, cử tri phấn khởi đi bỏ phiếu với tỉ lệ rất cao (Bạc Liêu 90,77%, Sa Đéc 93,54%...)[9].
Tại Tân An, mặc dù thực dân Pháp cho máy bay bắn phá địa điểm quần chúng bỏ phiếu làm 14 người chết và nhiều người bị thương, nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm, vậy mà có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu[10]. Đồng bào ai cũng muốn tận tay mình bỏ phiếu để xây dựng nền dân chủ Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình (Ảnh tư liệu)
Tại các tỉnh thành khác của Nam Bộ, bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của kẻ thù, cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp. Với kết quả là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh thành Nam Bộ bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề… khác nhau. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là “lá phiếu máu” vì nó thẫm đẫm máu của những cán bộ, chiến sĩ và cử tri đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng. Cán bộ ban tổ chức bầu cử đã ngã xuống để bảo vệ những thùng phiếu và những cử tri của mình. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 42 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử, trong đó, có Nguyễn Văn Tư, cán bộ Tổng Công đoàn[11].
Cuộc tổng tuyển cử thành công. Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, trung bình là 85%, nhiều nơi đạt 95%. Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối. Ứng cử tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất: 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm 87%, có 10 đại biểu là phụ nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số. Tổng tuyển cử thắng lợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời.
Thắng lợi Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của nhân dân ta vào Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, cho thấy tinh thần yêu nước vô bờ bến, tinh thần trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước của nhân dân Việt Nam. Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện chồng chất khó khăn, nhưng thực tiễn đã khẳng định nhân dân ta kiên quyết ủng hộ tổng tuyển cử, hăng hái tham gia tổng tuyển cử, hy sinh cho tổng tuyển cử, sáng suốt trong bầu cử. Tổng tuyển cử là thể hiện lòng yêu nước, là kháng chiến kiến quốc, là xây dựng chế độ mới.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta thực sự là một cuộc động viên chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của nhân dân ta, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của Chính phủ ta, đồng thời làm tăng thêm uy tín quốc tế của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Song Nguyên
[1] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.1, tr. 34
[2] Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang, Lê Văn Giạng, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Hữu Tiến, Tâm Kính. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.1, tr. 34-35
[3] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr. 35
[4] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr. 42
[5] Thái Duy: Mãi mãi ghi nhớ Quốc hội khóa I, Báo Đại Đoàn kết, ngày 17-5-2011, Dẫn theo https://web.archive.org/web/20131019135045/http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1427&Chitiet=30238&Style=1
[6] Xem Sắc lệnh số 51, ngày 17 tháng 10 năm 1945,
[7] Theo báo Cứu quốc, số ngày 7-1-1946
[8] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr. 57-59
[9] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Sđd, t.1, tr. 59
[10] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Sđd,t.1, tr. 58
[11] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946-1960), Sđd, t.1, tr. 58