Năm 1987, trên báo Nhân dân xuất hiện những bài viết lạ cả về tên bài báo cũng như tác giả của nó. Đó là loạt bài báo “Những việc cần làm ngay” với bút danh N.V.L, làm độc giả xôn xao. Về sau, người ta mới biết đó là bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ngay sau Đại hội VI của Đảng, với bút danh N.V.L, ông đã có viết 31 bài viết ngắn, đăng trên trang nhất với mục “Những việc cần làm ngay” của báo Nhân dân. Từ đây, cuộc đấu tranh chống tiêu cực được khởi xướng và dần trở thành một phong trào rộng lớn trong xã hội.
Chống tiêu cực là chủ đề “nóng”
31 bài viết ngắn với 31 câu chuyện đề cập tới nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục, nổi bật với ba chủ điểm sau:
Một là, đấu tranh chống tiêu cực. Chống tiêu cực là chủ đề nổi bật trong trùm 31 bài viết của tác giả N.V.L, những bất cập trong sản xuất kinh doanh, sản xuất và buôn bán hàng giả, nhập hàng xa xỉ, nhập những hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được, nhiều tầng nấc trong phân phối, lưu thông, chồng chéo trong quản lý, phân bổ vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, lãng phí...
Vấn đề này được đề cập trong 26/31 bài viết. Tác giả lồng ghép tuyên truyền, lan tỏa những gương sáng tạo điển hình nhằm nhân rộng cái tốt, đẩy lùi cái xấu, nêu ra vai trò của thanh niên, báo chí, các cấp các ngành trong chống tiêu cực. Đồng thời, tác giả đã đề xuất những giải pháp để chống tiêu cực hiệu quả và khẳng định muốn chống tiêu cực hiệu quả cần xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính công khai, dân chủ, “phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực”[1].
Hai là, giải quyết những bất cập tồn tại trong lĩnh vực giáo dục. Tại thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho mùa khai giảng năm học mới 1987-1988, nhiều vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục như hàng vạn đơn xin thôi việc, cơ sở vật chất, sách giáo khoa thiếu thốn, đời sống giáo viên khó khăn. Đồng thời, tác giả đã đề xuất những giải pháp để khắc phục những tồn tại này, yêu cầu sự chung tay của các cấp, các ngành, tránh “khoán trắng” cho ngành giáo dục. Từ đó, tác giả khẳng định một vấn đề có tính vĩ mô: “phải gắn các kế hoạch phát triển kinh tế với việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội”[2]. Khắc phục những tồn tại trong ngành giáo dục là câu chuyện luôn mang tính thời sự, cả xã hội quan tâm, nhất là trong điều kiện đổi mới của đất nước hiện nay.
Ba là, khẳng định vai trò của báo chí, báo chí cách mạng trong đấu tranh chống tiêu cực. Xuất phát từ vị trí, vai trò của báo chí cách mạng từ trong chiến tranh cách mạng đến hòa bình xây dựng đất nước đều phát huy hiệu quả ưu việt của báo chí. Nhà báo là người “đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp, xóa dần bóng tối”[3]. Báo chí lan tỏa phong trào chống tiêu cực để hạn chế cái xấu, đồng thời phát hiện và ủng hộ những nhân tố mới nhằm thúc đẩy cái tốt, đẩy lùi cái xấu, đó là tính hai mặt.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tác giả những bài báo có tên "Những việc cần làm ngay"
Báo chí là vũ khí sắc bén trong đấu tranh chống tiêu cực
Thông điệp được truyền tải qua 31 bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh chính là sự khẳng định vai trò của báo chí, đặc biệt là báo chí cách mạng trong đấu tranh chống tiêu cực, chống thói hư, tật xấu, lan tỏa cái tốt, cái tích cực làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Nhà báo là người đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối”[4].
“Tờ báo phải là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Trong đó, báo Đảng có vai trò trung gian, nối Đảng với dân, vậy báo “phải viết sao để thể hiện câu “Ý Đảng, lòng dân”, “Dân tin Đảng, Đảng tin dân”, “Dân làm theo Đảng, Đảng sát với dân”” [5].
Những ai viết báo? Là cán bộ từ trung ương đến cơ sở, là đồng bào trong và ngoài Đảng, “dân hoặc người đảng viên, cán bộ gần dân, hiểu dân, viết ra những ý, những bài thể hiện được ý của dân, để hoặc là đề đạt nguyện vọng của dân với Đảng, với Nhà nước, hoặc là lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước hay của ngay một số nhân dân với mục đích khuyên răn nhau làm điều phải”[6].
Nội dung viết báo là gì? Các bài viết không chỉ tuyên tuyền, phổ biến chủ trương chính sách của nhà nước mà còn cần “có nhiều tin tức nói về các hoạt động tốt, thậm chí chưa tốt”, “phải rút ra được những bài học ngắn gọn, nhưng bổ ích. Nên mở rộng mục “người thật, việc thật”, “người tốt, việc tốt”, “việc không nên làm”, “Văn phong nên sinh động, tránh khô khan”[7].
Phẩm chất cần có của nhà báo ngoài năng lực văn chương, “điều lớn nhất phải có “tấm lòng”. Tấm lòng trong trắng, tha thiết, hăng say để qua các bài báo của mình mà “Dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân”, tấm lòng cương trực: yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án”[8].
Bút tích của đồng chí Nguyễn Văn Linh
Sức sống của “những việc cần làm ngay”
Một phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” đã phát triển rộng khắp.
“Chỉ vài ngày sau, dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục:
- Nhiều bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao.
- Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cùng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp ủy, ủy ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt đảng và đem truy tố trước pháp luật.
- Báo, đài đã nhiệt tình góp thêm những tiếng nói lành mạnh, nhắc nhở mọi người: cần đưa nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy.
- Nhiều đồng chí về hưu, nhiều cán bộ, nhân dân hoặc viết thư thẳng cho N.V.L., hoặc viết cho báo đài, vừa hưởng ứng, vừa góp nhiều ý kiến hay đáng chú ý để tiếp làm”[9].
Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong, Đại đoàn kết, Tuần tin tức, Tuần tin Thanh niên, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Sài Gòn giải phóng, Tuổi trẻ... đã tích cực đấu tranh chống tiêu cực”[10].
Cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực do đồng chí Nguyễn Văn Linh khởi xướng từ chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân hơn 35 năm trước đã trở thành một phong trào rộng khắp.
Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, những chỉ dẫn của đồng chí N.V.L tiếp tục khẳng định tính thời sự, tính đúng đắn hơn bao giờ hết, góp phần đổi mới đất nước thành công, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trần Hà
_________________
[1], [9] Nguyễn Văn Linh (1987), Những việc cần làm ngay, Bài số 14, https://nhandan.vn.
[2] Nguyễn Văn Linh (1987), Những việc cần làm ngay, Bài số 15, https://nhandan.vn.
[3], [4], [5], [6], [7], [8] Nguyễn Văn Linh (1987), Những việc cần làm ngay, Bài số 12, https://nhandan.vn
[10] Nguyễn Văn Linh (1989), Những việc cần làm ngay, Bài số 25, https://nhandan.vn .