Được tung ra phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng nhiều toán biệt kích không biết trước được rằng chúng đã rơi vào cái bẫy giăng sẵn của quân và dân miền Bắc và phải nhận kết cục cay đắng
Từ năm 1961, Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh bằng gián điệp, biệt kích chống phá miền Bắc.
Các toán biệt kích liên tục được tung ra miền Bắc, cùng với đó là việc tiếp tế lương thực thực phẩm vũ khí và các đồ dùng khác cho các nhóm biệt kích hoạt động lâu dài sâu trong các địa phương miền Bắc.
Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác cao, quân và dân miền Bắc, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và quân sự địa phương đã sớm đón lõng, bắt và tiêu diệt những toán biệt kích ngay khi chúng vừa đặt chân vào lãnh thổ miền Bắc, hạn chế thấp nhất những hoạt động phá hoạin nắm tình hình của địch.
Tương kế tựu kế, Bộ Công an đã sử dụng những toán biệt kích bị bắt tiếp tục liên lạc về trung tâm chỉ huy của địch ở miền Nam để địch gửi hàng hóa, vũ khí cũng như các toán biệt kích mới ra miền Bắc.
Dưới đây là một số toán biệt kích tiêu biểu mà Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn tung ra phá hoại miền Bắc đã bị quân và dân miền Bắc đón lõng, bắt giữ hoặc tiêu diệt.
Đêm 27/5/1961, Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam đưa toán biệt kích đầu tiên nhảy dù xuống điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, Châu Phù Yên, tỉnh Nghĩa Lộ.
Do có sự chuẩn bị về mọi mặt sẵn sàng đối phó với âm mưu và hoạt động của địch, nên chỉ sau 4 ngày, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng quân và dân trong tỉnh đã bắt toàn bộ toán gián điệp, biệt kích, gồm 4 tên, mang mật danh CASTOR, thu toàn bộ điện đài, vũ khí và các phương tiện hoạt động của chúng.
Bộ Công an đã thành lập chuyên án PY27, sử dụng toán biệt kích CASTOR cho việc "câu nhử" chính quyền Sài Gòn tiếp tục gửi hàng tiếp viện và các toán biệt kích tiếp theo ra miền Bắc. Toán CASTOR đã tồn tại và hoạt động nhiều năm, gửi nhiều thông tin về trung tâm chỉ huy ở miền Nam, do đó Sài Gòn tiếp tục gửi hàng hóa và các toán biệt tích khác ra miền Bắc.
Sang năm 1962, lực lượng Công an đã nỗ lực đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản cách mạng và đã thu được những kết quả to lớn.
21:00 ngày 16/05/1962, toán gián điệp biệt kích TOURBILOW. gồm 8 tên. nhảy dù xuống bãi thả ở Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La đã bị quân và dân miền Bắc bố trí lực lượng bắt gọn. Đây là toán biệt kích có nhiệm vụ phá hoại các mục tiêu chủ yếu trên cơ sở nguồn tin do toán CASTOR cung cấp theo kế hoạch chuyên án PY27 của ta đề ra.
Mặc dù toán TOURBILOW chỉ là toán có nhiệm vụ phá hoại, nhưng qua nghiên cứu nhận thấy khả năng tiếp tục khống chế, câu nhử thêm người vũ khí, phương tiện hoạt động của địch, Bộ Công an đã quyết định lập chuyên án đấu tranh bí mật với kẻ địch thông qua toán gián điệp biệt kích này, lấy ví số KS16.
Ngày 17/7/1962, lực lượng chống biệt kích đã lập thêm chuyên án LH17, với toán biệt tích mang tên REMUS. Toán này đã nhảy dù xuống Huổi Lại (Lào), sau đó vượt biên giới sang Việt Nam hoạt động phá hoại với mục tiêu phát hiện và đánh phá các mục tiêu giao thông trên tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên sang vùng giải phóng của Lào, trinh sát và phá hoại sân bay Điện Biên...
Sau gần 6 năm đấu tranh, chuyên án LH17 kết thúc thắng lợi, ta bảo vệ được địa bàn có nhiều mục tiêu quân sự quan trọng, "câu nhử" và bắt gọn 5 toán gián điệp biệt kích khác gồm 15 tên, đón 17 lần tiếp tế của địch, thu 128 kiện hàng gồm 35 súng các loại 37 hỏa tiễn, gần 1 tấn thuốc nổ 7 bộ điện đài một số radio bán dẫn, máy nghe trộm điện thoại...
Ngày 31/5/1962, quân và dân ta bắt giữ tên biệt kích Lê Văn Hùng tại Nghệ An, được tung vào hoạt động tại miền Bắc bằng đường biển.
Hàng tâm lý chiến thu được của lực lượng biệt kích xâm nhập miền Bắc (Ảnh: Bảo tàng Công an Hà Nội)
Từ năm 1961, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng Hòa thành lập lực lượng “người nhái”, còn gọi là "biệt hải" (biệt kích đường biển), trực thuộc Phòng 45 Liên đội quan sát số 1.
Nhiệm vụ của lực lượng này là giám sát vùng biển, các đảo ở miền Bắc phá hoại các chướng ngại vật trên sông, biển, dọn đường cho lực lượng gián điệp, biệt kích xâm nhập và tìm cách ngăn chặn sự vận chuyển chi viện cách mạng miền Nam bằng đường biển.
Ngày 29/6/1962, xuất phát từ căn cứ hải quân Mỹ Khê, Đà Nẵng, toán “người nhái” gồm hai tên thuộc Liên đội quan sát số 1 dùng thuyền đánh cá vượt giới tuyến xâm nhập hải phận miền Bắc. Khi vào đến cửa Gianh, chúng cho thuyền neo lại, rồi dùng hai xuồng cao su, mỗi xuồng chở một tên bơi vào cảng sông Gianh, Quảng Bình. Đến gần căn cứ hải quân của ta tại đây, “người nhái” địch lặn xuống sông gài mìn có nam châm phá tàu của ta.
Lực lượng Hải quân nhân dân kịp thời phát hiện, dùng sào đẩy được quả mìn khỏi vỏ tàu. Mìn nổ làm tàu bị hư hỏng nhẹ và một lính biệt kích người nhái của địch thiệt mạng. Công an nhân dân vũ trang đồn Thanh Khê phối hợp với bộ đội hải quân khẩn trương dùng tàu truy đuổi tàu địch. Đến gần vùng biển gần vĩ tuyến 17, phát hiện tàu địch, ta dùng tàu đâm ngang làm cho tàu địch bị vỡ, ta bắt sống 11 thủy thủ tàu địch và một lính biệt kích. Bộ Công an đã cử cán bộ phối hợp với công an Quảng Bình khai thác toán thủy thủ và biệt kích này, thu được những tin tức quan trọng về căn cứ “người nhái” của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ Khê về biên chế tổ chức phạm vi hoạt động trên biển, nhất là những toán biệt kích chuẩn bị được tung ra miền Bắc bằng đường biển.
23:00 ngày 7/6/1963, máy bay địch thả một toán gián điệp biệt kích xuống địa bàn giáp ranh hai xã Khánh Cường và Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngay sau khi phát hiện máy bay địch, quân và dân địa phương đã nhanh chóng bao vây, truy lùng toán gián điệp, biệt kích. Sau 35 phút truy kích, quân và dân ta đã bắt gọn toán biệt kích mang tên TELLUS, gồm bốn tên, do Nguyễn Văn Ngô chỉ huy, thu giữ bốn kiện hàng. Qua khai thác, ta biết bọn gián điệp, biệt kích này đều là người Ninh Bình di cư vào Nam từ những năm trước đây. Chúng nhận nhiệm vụ của địch ra miền bắc gây cơ sở thu thập tin tức tình báo nhằm chống phá lâu dài. Chúng khai nhận cùng chuyến bay có toán BART gồm 5 tên đã nhảy dù xuống một địa điểm thuộc tỉnh Thanh Hóa. Hai toán biệt kích sẽ liên lạc với nhau để phối hợp hoạt động.
Nhằm vạch trần âm mưu thâm độc của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, đồng thời đề cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu của quân và dân ta, tháng 9 /1963, Tỉnh ủy Ninh Bình đã quyết định đưa ra xét xử công khai và triển lãm lưu động vụ gián điệp, biệt kích bị bắt tại Yên Khánh.
Tháng 4/1963, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa thành lập thêm trung tâm huấn luyện gián điệp biệt kích ở Long Thành, Biên Hòa. Trong tháng 6 năm 1963, chúng dồn dập tung các toán BICASSINEL (6 tên), BELL (4 tên), DAUPHINE (5 tên), MIDAS (8 tên), NIKE (6 tên), xuống các địa điểm thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa Ninh Bình, Nghệ An. Ngày 3/7/1963, toán HADILEY, gồm 8 tên, nhảy dù xuống Hà Tĩnh.
Tất cả các toán gián điệp biệt kích đều bị bắt. qua thẩm vấn, ta biết bọn chúng xâm nhập miền Bắc trong thời gian này có nhiệm vụ tập trung đánh phá các tuyến đường giao thông chiến lược, cầu cống, kho tàng, phương tiện liên lạc và vận tải, hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và Lào.
Lời kêu gọi của UBHC tỉnh Bắc Kạn kêu gọi biệt kích ra đầu hàng (Ảnh tư liệu)
Đến cuối năm 1963, hơn 30 vụ gián điệp biệt kích đã được đưa ra xét xử công khai có tác dụng tuyên truyền rộng rãi ở trong nước và quốc tế, tác động mạnh vào hàng ngũ kẻ thù, làm cho chúng hoang mang lo sợ. Một số tên gián điệp, biệt kích còn đang hoạt động ở miền Bắc đã ra đầu hàng. Toán BOONE, gồm 9 tên, nhảy dù xuống Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An, sau 5 ngày có 7 tên ra hàng, 2 tên chết.
Sáng ngày 9/7/1963, hai bố con ông Pòng, người Thượng, đi rừng làm gỗ, khi đến đoạn giữa Khe Tàu và Khe Tiện, thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì phát hiện một toán người lạ mang theo vũ khí đang đi theo bờ suối xuống chân đồi.
Nghi là gián điệp, biệt kích, ông Pòng đã về báo cáo với công an xã Vĩnh Hà. Nhận được tin, công an xã đã nhanh chóng huy động một số dân quân tổ chức truy lùng, đồng thời cử người báo cáo lên Ban chỉ huy phòng chống gián điệp, biệt kích.
Tới địa điểm, tổ truy lùng phát hiện nhiều dấu chân mới lội qua suối đi về phía đường mòn. Lực lượng truy tìm phán đoán hướng đi, rồi chia làm ba nhóm, theo đường mòn và hai bên suối để truy tìm. Nhóm truy lùng đã phát hiện 5 tên biệt kích đang ngồi nghỉ dưới chân đồi, bất ngờ tiến công, cả 5 tên biệt kích xin đầu hàng.
Nhận được tin báo có gián điệp, biệt kích ở xã Vĩnh Hà, công an Vĩnh Linh nhanh chóng tổ chức lực lượng đi truy lùng thu được 3 kiện hàng ở gần núi Móng Gà. Khai thác những tên gián điệp, biệt kích bị bắt, ta biết toán của chúng mang tên JACKSON, gồm các tên Bùi Nghĩa, toán trưởng, Nguyễn Tô, toán phó, Trần Văn Do, truyền tin, Hà Văn Khoa và Hoàng Tân, toán viên. Bọn chúng được tuyển mộ từ năm 1961, huấn luyện tại chi nhánh Sở khai thác địa hình Thừa Thiên - Huế. Theo kế hoạch, toán này nhảy dù xuống tọa độ 670-785 gần núi Móng Gà, sau đó, chúng tiếp cận đường giao thông để do thám, điều tra về kho tàng và lưu lượng xe qua cầu Long Đại, Mỹ L,ệ Mỹ Cương, Lệ Kỳ, phà Quán Hàu để chỉ điểm cho máy bay tới bắn phá, đồng thời tìm cách xây dựng cơ sở để hoạt động lâu dài.
Tiếp đó, ngày 11/8 /1963, ta bố trí lực lượng đón bắt 2 tên biệt kích nhảy dù xuống Lai Châu theo kế hoạch của chuyên án LH17. Đây là 2 lính biệt kích tăng cường cho toán REMUS. Khai thác những tên này, ta biết cùng chuyến với hai tên này còn có một toán 8 tên đã được thả dù xuống trước. Sau khi xác định tọa độ, Bộ Công an thông báo cho cấp ủy địa phương tổ chức lực lượng phối hợp truy lùng toán gián điệp, biệt kích này.
Ngày 24/8/1963, công an nhân dân vũ trang và dân quân xã Mường Sai, huyện Sông Mã, Sơn La phát hiện bao vây và bắt được 7 tên biệt kích. Ngày 10/9, ta phát hiện và bắn chết tên cuối cùng của toán. Qua khai thác những tên bị bắt, ta biết toán này mang tên EASY, được chia làm hai nhóm, một nhóm gồm 3 tên người dân tộc Thái, quê ở Lai Châu và một nhóm gồm 5 tên đều là người Hmông. Bọn chúng được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở căn cứ an toàn điều tra thu thập tin tức tổ chức phá hoại gây chiến tranh tâm lý. Sau khi thâm nhập miền Bắc, nhóm , biệt kích người Thái tìm đến Sốp Cộp và nhóm người H'mông tìm đến Huổi Niếng, Sơn La để gây cơ sở trong số họ hàng và tầng lớp trên dân tộc với ý đồ xây dựng lực lượng ngầm ở khu vực này.
Nắm được ý đồ của địch, ngày 4/9/1963, Bộ Công an quyết định thành lập chuyên án EASY với bí số SM21. Để gây lòng tin với Trung tâm chỉ huy ở miền Nam, ta đã cho biệt kích xây dựng một số cơ sở là người Hmông, trong đó có một tên là con nuôi của trùm phỉ Vàng Pao và cho phá hoại một số mục tiêu theo yêu cầu của trung tâm chỉ huy ở miền Nam.
Thực hiện kế hoạch câu nhử, đến cuối tháng 4 /1964, ta đã đón nhận thêm 150 súng trường và ngày 18/7, ta đón lõng, bắt gọn toán biệt kích PISCES, gồm 6 tên, trong đó có tên Vàng Chư là em họ của Vàng Pao.
Đối phó với việc Trung tâm chỉ huy muốn rút một bộ phận của Toán EASY về miền Nam để kiểm tra, Ban chuyên án chỉ đạo cho toán này đưa ra những khó khăn, nhằm tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian trở về, từ đó ta tiếp tục câu nhử một số toán gián điệp, biệt kích khác.
Tuy nhiên, do mất cảnh giác trong công tác bảo vệ, 2 đồng chí Công an vũ trang và 1 đồng chí cơ yếu của ta bị 2 tên biệt kích của toàn EASY cướp vũ khí bắn chết rồi chạy trốn. Lực lượng công an, quân sự tổ chức truy lùng và tiêu diệt 2 tên này. Ngày 27/5/1964, Bộ Công an quyết định kết thúc chuyên án SM 21.
Trong quá trình thực hiện chuyên án SM 21, ta đã giành thế chủ động, bảo vệ được địa bàn từ Thuận Châu đến Sông Mã (Sơn La), câu nhử và bắt 4 toán gián điệp, biệt kích khác gồm 23 tến, đón 26 chuyến tiếp tế của địch, thu 202 kiện hàng gồm nhiều loại vũ khí, chất nổ, trong đó có 73 rốc két, 1 súng cối 60 mm.
Ngày 27/6/1964, toán biệt kích mang mật danh EAGLE nhảy dù xuống Đá Bờ, xã Tấn Đạo,, huyện Sơn Động, tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay) gồm 6 tên, bị bắt. Bộ Công an lập chuyên an đấu tranh bí số ĐT 28. Từ thông tin của toán EAGLE, ddichjd dã cho máy bay 6 lần thả 36 kiện hàng, chủ yếu là thuốc nổ, vũ khí, máy vô tuyến điện và thuộc chữa bệnh ra miền Bắc, Chuyên án hoạt động đến năm 1969 thì Trung tâm chỉ huy ở miền Nam có ý định rút toán EAGLE về. Ngày 29/11/1969 chuyên án kết thúc.
Tính đến ngày 5/8/1964, quân và dân miền Bắc đã bắt, tiêu diệt 61 toán gián điệp, biệt kích, gồm 407 tên, trong đó có 41 toán xâm nhập đường không, 17 toán xâm nhập đường biển, 3 toán xâm nhập qua biên giới Lào và vùng giới tuyến Quảng Trị, làm thất bại một bước quan trọng âm mưu “đánh cộng sản ngay trong lòng cộng sản” của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.
Bình Nguyễn