Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 4, thời điểm người dân chuẩn bị cho những kế hoạch nghỉ lễ, đi du lịch cũng như tận hưởng quãng thời gian yên bình sau khi đợt dịch thứ 3 đã tạm lắng xuống. Đợt dịch lần này mang đến những biến chủng virus mới nguy hiểm hơn rất nhiều, và thực tế đang gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Cuộc chiến với Covid lại tiếp diễn, như tiếp tục thử thách tinh thần và ý chí của con người Việt Nam.
Sự lạc quan của các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hôm nay, tổng số ca nhiễm Covid ở Việt Nam đã lên tới hơn 46 nghìn, trong đó số ca tử vong là 225, có hàng nghìn ca mắc mới trong những ngày gần đây. Đã có 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội. Đợt dịch này một lần nữa đẩy nhiều lao động vào cảnh thất nghiệp, đẩy người nghèo vào chỗ khốn cùng của sinh kế, nhiều cơ sở sử dụng lao động buộc phải sa thải nhân công hoặc ngừng hoạt động, gây ra muôn vàn khó khăn cho đời sống nhân dân. Đại dịch Covid-19 kéo dài và ngày càng phức tạp, khiến cho Chính phủ và người dân Việt Nam luôn phải giữ vững tinh thần chống dịch, đồng thời chủ động linh hoạt ứng phó với những diễn biến khó lường của đại dịch. Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ trị giá 26 nghìn tỷ đồng, với mục tiêu giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép, tạo kỳ vọng rất lớn sẽ tiếp sức cho người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.
Đây là gói cứu trợ tiếp nối gói 62 nghìn tỷ đồng lần trước, gói hỗ trợ lần này trao cho địa phương quyết định để tăng cường sự linh hoạt và kịp thời trong việc giúp đỡ tối đa cho tất cả lao động tự do đang có mặt trên địa bàn mình, kết nối dữ liệu để quận/huyện khác không cấp trùng. Nếu người lao động di chuyển sang tỉnh khác, nơi họ tới vẫn áp dụng giãn cách, phong toả sẽ tiếp tục cấp hỗ trợ.
Gói hỗ trợ lần này tiếp tục thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đối với những tầng lớp cần sự hỗ trợ nhất trong xã hội, với quyết tâm lớn “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến Covid. Đây là gói hỗ trợ với đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh đang diễn ra. So với gói hỗ trợ lần một (năm 2020), gói hỗ trợ lần này được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác[1].
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Việc ban hành một quyết sách không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo điều kiện, tiền đề để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống có hiệu quả. Do vậy, một điểm nổi bật của Nghị quyết 68 là quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, yêu cầu phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương[2].
Nghị quyết đã nêu bật được trọng tâm công việc cần giải quyết trong thời điểm hiện nay, đặt sự an toàn về sinh mạng, bảo đảm về sức khỏe, hỗ trợ về sinh kế của nhân dân lên hàng đầu. Trong đợt dịch lần thứ 4, những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ càng được cụ thể hóa, bám sát thực tiễn và thể hiện tinh thần kiên quyết đẩy lùi dịch bệnh, tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Mục tiêu thống nhất của Chính phủ trong thời gian tới là: Quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố và các tỉnh trong thời gian sớm nhất. Chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm tối thiểu, thiết yếu, không để xáo trộn lớn đời sống nhân dân; điều trị tích cực, cứu chữa người mắc bệnh Covid-19, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể các trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong)[3].
Có thể nói, trong mọi giai đoạn đã qua của cuộc chiến Covid-19, Việt Nam đã chiến đấu bằng cả hệ thống chính trị với sự đồng lòng tuyệt đối của nhân dân. Chính phủ với người dân thể hiện sự nhất quán sâu sắc từ những chính sách kịp thời và nhân văn cho đến những hoạt động chống dịch đầy ắp nghĩa tình của cộng đồng. Chặng đường phía trước còn đầy khó khăn, nhưng những chính sách lần này của Chính phủ mang đến rất nhiều niềm tin và sự kỳ vọng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn cho nhân dân cả nước quyết tâm vượt qua đại dịch.
[1,2] Theo chinhphu.vn
[3] Thông báo 181/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Xuân Yến