Hình thái đấu tranh giành chính quyền tháng Tám năm 1945 phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Vậy những cuộc khởi nghĩa từng phần nào diễn ra sớm nhất trong cao trào tiền khởi nghĩa ?
Chủ trương khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa được Đảng Cộng sản Đông Dương sớm xác định từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), trong đó nêu rõ: “… ta phải luôn luôn chuẩn bị lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[1].
Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp (mở rộng), quyết định phát động nhân dân tiến hành Cao trào kháng Nhật, cứu nước, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị, phá phách, cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy võ trang, du kích; Sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa một khi đủ điều kiện.
Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, nhân dân một số nơi đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Khởi nghĩa Thanh La, Sơn Dương, Tuyên Quang
Tại Tuyên Quang, sau khi nhận được tin Nhật đảo chính Pháp, Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào sáng ngày 10/3/1945.
Sau khi phân tích tình hình, cuộc họp thống nhất nhận định, Nhật đảo chính Pháp là cơ hội để khởi nghĩa giành chính quyền, cần nắm lấy thời cơ, mạnh dạn hành động, nhanh chóng khởi nghĩa cướp chính quyền ở các xã. Trước tiên cần thăm dò phản ứng của địch, nếu thuận lợi thì mở rộng khởi nghĩa ra toàn châu, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thực hiện chủ trương đó, đêm 10/3/1945, cuộc khởi nghĩa ở Thanh La đã nổ ra. Đồng chí Tạ Xuân Thu chỉ huy đội tự vệ vũ trang tước súng lính dõng, thu bằng triện của hương lý.
Thừa thắng, sáng ngày 11/3/1945, nhân dân và tự vệ xã Thanh La kéo về đình mít tinh chào mừng thắng lợi của cách mạng. Các tổ chức Việt Minh và đoàn thể ra công khai, thành lập chính quyền cách mạng, đổi tên xã Thanh La thành xã Tiến Bộ.
Đình Thanh La, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của cuộc khởi nghĩa Thanh La
Sau khởi nghĩa Thanh La, quân cách mạng nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát sang các xã Kim Trận, Kim Lung, Tú Lạc, Phượng Liễn,v.v…., đặt các tên mới cho các xã: Kim Trận thành Hồng Thái, Kim Lung thành Tân Trào. Địa danh Tân Trào bắt đầu từ đây.
Ở tất cả những nơi quân khởi nghĩa đi qua, hương lý đem bằng triện đến nộp. Các tổ chức Việt Minh, đội tự vệ ra công khai, chính quyền cách mạng được thành lập.
Nhân lúc địch hoang mang, ngày 12/3/1945, lực lượng khởi nghĩa đánh đồn Đăng Châu. Sáng 14/3/1945, Tri châu Hoàng Thế Lâm, Tri phủ Yên Sơn Đèo Văn Phú và quan hai Bảo an đem một trung đội đến chiếm lại. Chiều 14/3, quân khởi nghĩa tiến công tiêu diệt, giải phóng hoàn toàn châu lỵ.
Sáng ngày 15/3/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân đình Thanh La. Châu Sơn Dương được đổi tên thành Châu Tự Do. Việc thành lập châu Tự Do được xem là một trong những huyện đầu tiên trong cả nước khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
Cuộc khởi nghĩa thành công ở Thanh La là cuộc khởi nghĩa thắng lợi đầu tiên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, mở đường cho việc giải phóng hoàn toàn châu Sơn Dương (Tuyên Quang) vào tháng 5/1945, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn Sơn Dương, lập "đại bản doanh" lãnh đạo cao trào cách mạng trong cả nước.
Khởi nghĩa tại Trung Mầu, Tiên Du, Bắc Ninh
Ở đồng bằng Bắc Bộ, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa từng phần là cuộc nổi dậy của nhân dân xã Trung Mầu, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Trung Mầu, Gia Lâm Hà Nội).
Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Trung Mầu đã quyết định phát động quần chúng nổi dậy, uy hiếp bộ máy tổng lý và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng xã vào ngày 10/3/1945.
Sau đó, để tránh địch khủng bố, Chi bộ Đảng địa phương chủ trương duy trì về hình thức bộ máy tổng lý cũ, nhưng trên thực tế, chính quyền đã nằm trong tay nhân dân.
Đây là địa phương đầu tiên vùng đồng bằng, lại nằm sát Hà Nội giành được chính quyền kể từ khi Nhật đảo chính Pháp. Chính quyền cách mạng tại đây được duy trì cho đến ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Sau thắng lợi đầu tiên này, từ tháng 3/1945 đến tháng 6/1945, tại Bắc Ninh, hệ thống chính quyền cấp cơ sở của thực dân Pháp, quân phiệt Nhật và chính quyền tay sai thực chất đã bị vô hiệu hóa do các Chi bộ Đảng làm chủ. Ở cấp huyện của Bắc Ninh, bộ máy chính quyền địch chỉ còn là “cái xác không hồn”.
Quê hương Trung Mầu hôm nay
Khởi nghĩa giành chính quyền tại Xuân Biều, Hiệp Hòa, Bắc Giang
Tại Bắc Giang, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị, Đặc phái viên của Trung ương và Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đi dự Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng về đến khu Nam Hiệp Hòa, đã quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp xã, phá các kho thóc của Nhật, Pháp để giải quyết nạn đói cho dân, mở đầu cuộc khởi nghĩa từng phần ở Bắc Giang.
Tối 12/3/1945, nhân dân làng Xuân Biều, Hiệp Hoà, Bắc Giang khởi nghĩa đầu tiên, dưới hình thức quần chúng mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, lập Ủy ban dân tộc giải phóng xã.
Tiếp theo đó, nhân dân nổi dậy thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng ở nhiều làng, tịch thu ruộng đất của địa chủ người Pháp Tartarin chia cho tá điền và những gia đình có công với cách mạng.
Hơn nữa, để đẩy mạnh hoạt động vũ trang, cuối tháng 3/1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh chủ trương tập hợp một số tự vệ chiến đấu trung kiên và một số thanh niên thoát khỏi nhà tù Trị Cụ để thành lập đội du kích thoát ly. Đó là đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Bắc Giang gồm 13 người, do đồng chí Lương Văn Đài chỉ huy.
Khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi
Ở Nam Trung Bộ, khởi nghĩa từng phần đầu tiên diễn ra tại Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Đây không chỉ là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên mà còn là duy nhất ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, điểm cần nhấn mạnh ở đây là khởi nghĩa từng phần ở Ba Tơ do các chiến sĩ tù chính trị cộng sản thực hiện, khác với các cuộc khởi nghĩa từng phần ở một số địa phương phía Bắc sau ngày 9/3/1945.
Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ tại căn cứ địa, tháng 3/1945 (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Trong cảnh lao tù, trước tình thế cách mạng sục sôi, Chi bộ Căng an trí (Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi) đã có kế hoạch tổ chức cho tù chính trị thoát ly tập thể, dự tính tiến hành vào ngày 15/3/1945.
Khi chủ trương được đưa ra bàn thảo cũng là lúc được tin Nhật đảo chính Pháp. Trước tình hình đó, Chi bộ đã đi đến quyết định khởi nghĩa từng phần theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5/1941.
Tuy chưa biết Trung ương Đảng đã thay đổi khẩu hiệu Đánh Pháp đuổi Nhật thành Đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp, nhưng Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã mạnh dạn thay đổi khẩu hiệu mới “Đánh đuổi phát xít Nhật, tẩy sạch phát xít Pháp ở Đông Dương đúng như chủ trương mới của Đảng.
Đây là một sáng tạo của Đảng bộ địa phương. Do biết nắm bắt thời cơ, chỉ trong ngày 11/3/1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi, chính quyền cách mạng châu Ba Tơ được thành lập, Đội du kích Ba Tơ chính thức ra đời.
Đây là chính quyền cách mạng đầu tiên và lực lượng vũ trang đầu tiên ra đời trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc tại các tỉnh Nam Trung Bộ.
Xuân Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.131-132.