Những năm gần đây, một số thế lực, để phục vụ mưu chính trị của mình, đã đưa ra luận điểm cho rằng Nam Bộ không phải là lãnh thổ của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVII đến nay, nhiều sự kiện lịch sử và các văn bản pháp lý là cơ sở rõ ràng, vững chắc để khẳng định vùng đất Nam Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam
Nam Bộ bao gồm 19 tỉnh, thành ở phía Nam của đất nước. Nam Bộ có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nam Bộ đã từ lâu là bộ phận không thể tách rời của Việt Nam.
Chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ được khẳng định qua quá trình khẩn hoang, lập làng của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm…; sự thiết lập thể chế quản lý của các chúa Nguyễn, vương triều Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ và quá trình xây dựng, bảo vệ biên giới lãnh thổ vùng đất Nam Bộ của các thế hệ dân tộc Việt Nam từ thế kỷ XVII đến nay.
Sau đây là những dấu mốc lịch sử đáng nhớ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ:
- Năm 1620, vua của Chân Lạp là Chey Chettha II cưới công chúa Ngọc Vạn, con gái thứ của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên[[1]]. Kể từ đó, Chúa Nguyễn đã giúp Chân Lạp từng bước thoát khỏi vòng ảnh hưởng của nước Xiêm. Mối quan hệ bang giao giữa Chân Lạp và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong ngày càng thắt chặt. Thời gian này, cư dân Việt vào làm ăn sinh sống ở lưu vực sông Đồng Nai ngày càng đông.
- Năm 1623, Chúa Nguyễn cử đoàn sứ thần sang kinh đô Udong thăm quốc vương Chân Lạp và đề nghị cho Chúa Nguyễn đặt trạm thu thuế ở Prei Nokor - Kas Krobei (Sài Gòn - Bến Nghé ngày nay). Vua Chey Chettha II chấp thuận, vì vùng đất này khi đó còn hoang vu, chưa được triều đình Chân Lạp tổ chức khai hoang. Từ đó, người Việt và các tộc người khác đã đến sinh sống, khai phá và mở rộng đến vùng Đồng Nai, Mô Xoài (Bà Rịa). Chúa Nguyễn cử quan quân đến đóng đồn án giữ các trạm thu thuế. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế trở thành thị tứ, trên bến, dưới thuyền, buôn bán trao đổi hàng hóa sầm uất. Di dân Việt đến khai hoang vùng đất Nam Bộ đa dạng về nguồn gốc và thành phần xuất thân, họ đã cộng cư và sinh sống hòa bình, đan xen với cư dân Khmer ở đây.
Cảnh sắc miền Tây Nam Bộ
- Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long và lấy xứ Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định), xếp đặt các đơn vị hành chính và bộ máy quản lý đến tận thôn xã. Sự kiện này đánh dấu việc chính quyền Chúa Nguyễn chính thức quản lý khu vực Đông Nam Bộ.
- Năm 1708, Mạc Cửu, một thương gia Hoa kiều, gốc Quảng Đông (Trung Quốc), có công khai phá vùng đất Hà Tiên và một số tỉnh phía Tây Nam Nam Bộ, xin dâng toàn bộ vùng đất Hà Tiên cho Chúa Nguyễn Phúc Chu và được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Đến đây, lãnh thổ Đàng Trong được mở rộng và kéo dài đến tận Hà Tiên và Mũi Cà Mau. Sau khi Mạc Cửu qua đời, con trai là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn phong làm Đô đốc Hà Tiên. Đến năm 1757, Mạc Thiên Tứ lập đạo Kiên Giang và đạo Long Xuyên, đánh dấu việc chính quyền chúa Nguyễn chính thức quản lý vùng Tây Nam Bộ và hình thành đường biên giới Tây Nam cơ bản như hiện nay.
- Năm 1832, vua Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính, Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh: Phiên An (năm 1833 đổi thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Từ năm 1834, vùng đất Nam Bộ có tên gọi là “Nam Kỳ Lục tỉnh”.
- Tháng 12/1845, ba nước Đại Nam, Xiêm La (Thái Lan), Cao Miên ký Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc lãnh thổ của Đại Nam[[2]].
- Năm 1846, nhà Nguyễn và Xiêm ký Hiệp ước, sau đó có sự tham gia của chính quyền Cao Miên, chính thức khẳng định Nam Bộ là vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn, của Việt Nam[[3]].
- Ngày 01/12/1863, Hiệp ước bí mật Xiêm - Campuchia được ký kết, trong đó khẳng định: “Campuchia nằm giữa các lãnh thổ Xiêm, Nam Kỳ và các vùng đất thuộc Pháp….”[[4]]. Qua đó, thừa nhận Nam Kỳ là vùng đất riêng biệt, không phải của Campuchia.
- Ngày 15/7/1873, Thỏa ước về việc xác định dứt điểm đường biên giới giữa Vương quốc Campuchia và xứ Nam Kỳ thuộc Pháp[[5]] được ký kết giữa Chuẩn đô đốc hải quân Pháp Dupré và vua Campuchia. Qua đó, xác định đường phân giới rõ ràng giữa Campuchia và xứ Nam Kỳ.
- Ngày 15/3/1874, Hiệp ước Giáp Tuất được ký kết, triều đình nhà Nguyễn đã thừa nhận cho Pháp chiếm đóng 6 tỉnh Nam Kỳ. Về mặt chính trị, Hiệp ước này thể hiện sự bất lực của nhà Nguyễn khi phải nhượng đất cho thực dân Pháp. Nhưng về mặt pháp lý, Hiệp ước Giáp Tuất là bằng chứng khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể bàn cãi của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ.
- Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định ngày 25/5/1874 và ngày 16/6/1875[[6]] đưa các đảo trong vịnh Thái Lan và toàn bộ vùng biển phía Nam dưới quyền quản lý của tỉnh Hà Tiên. Qua đó, vấn đề chủ quyền vùng biển phía Nam của Việt Nam cũng được ghi nhận.
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) trên biên giới Việt Nam-Campuchia
- Năm 1896, Pháp ký với Campuchia các văn bản pháp lý và tiến hành hoạch định đường biên giới, in bản đồ thể hiện đường biên giới đất liền giữa Nam Kỳ và Campuchia.
- Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp giành quyền thống trị Đông Dương, Nam Kỳ được đổi thành Nam Bộ. Tên gọi Nam Bộ chính thức có từ đây. Chính phủ Trần Trọng Kim (chính phủ thân Nhật) đã tuyên bố sáp nhập Nam Bộ thành một bộ phận của nước Việt Nam đế quốc.
- Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nam Bộ trở thành một bộ phận hữu cơ của nước Việt Nam mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, trong đó khẳng định Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Ngày 4/6/1949, Tổng thống Pháp Vincent Aurol ký Luật số 49-733, trong đó nội dung tại Điều 2 là: “Lãnh thổ Nam Kỳ được trao lại Nhà nước liên hiệp Việt Nam…”[[7]]. Với nội dung này, Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh trao trả Nam Kỳ lại cho Nhà nước Quốc gia Việt Nam của chính quyền Bảo Đại và Nam Kỳ trở thành một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
- Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Hiệp định Geneva buộc Pháp thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó bao gồm vùng đất Nam Bộ.
- Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết, buộc Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Các Hiệp định như Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris có giá trị pháp lý quốc tế, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ.
Tóm lại, từ thế kỷ XVII, các tộc người Kinh, Hoa, Chăm… đã đến lưu vực sông Đồng Nai và sông Mê Kông khẩn hoang, lập làng, làm ăn sinh sống. Các chúa Nguyễn đã tổ chức khai hoang và thiết lập thể chế quản lý, xác lập chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XVIII, toàn bộ vùng đất Nam Bộ đã thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn và nhiều thế hệ người Việt Nam không tiếc xương máu để xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ, giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, những Hiệp ước, Công ước, Nghị định phân định đường biên giới đất liền, trên biển và Hiệp định Geneva, Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý khẳng định Nam Kỳ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Vùng đất Nam Bộ.
Trương Nhụy
[1] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 79.
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Khối kiến thức thứ tư, tập 14-IV, Các chuyên đề bổ trợ (Dành cho Học viện Chính trị khu vực IV), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 19-20
[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Khối kiến thức thứ tư, tập 14-IV, Các chuyên đề bổ trợ (Dành cho Học viện Chính trị khu vực IV), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015, tr. 20
[4] Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 630
[5] Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 632
[6] Trần Đức Cường (chủ biên): Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 668-670
[7] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 107.