Tháng 5/2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử Quốc hội khóa XV. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện thông tin, cử tri dễ dàng nắm bắt mọi thông tin về Quốc hội. Nhưng với Quốc hội khóa I, được bầu cử ngày 06/01/1946, thì nhiều câu chuyện thú vị còn ít được biết đến. 75 năm đã qua, giá trị và bài học lịch sử của Quốc hội khóa I vẫn còn tính thời sự cho đến hôm nay
Cùng với Sắc lệnh ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử là hàng loạt những nội dung cấp thiết mà chính quyền non trẻ khi ấy đã khẩn trương thực hiện như: thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp; thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử thì cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 đã để lại nhiều câu chuyện thú vị.
1. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Ở Nam Bộ, nhiều nơi người dân đi bầu dưới họng súng của quân thù. Trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” như vậy nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, lên tới 89%. Đây là một cuộc bầu cử thật đặc biệt bởi số người ứng cử so với số đại biểu được bầu là một con số “trên cả tuyệt vời”. Các tỉnh miền núi xa xôi cũng có ít nhất 20 ứng cử viên. Tỉnh Hưng Yên có 40 ứng cử viên. Hà Nội chỉ được bầu 6 đại biểu, trong đó có tới 74 ứng cử viên. Nhìn vào danh sách đại biểu Quốc hội khóa I, hôm nay chúng ta không khỏi không “giật mình”. Đa số các đại biểu Quốc hội được bầu đều là những nhân vật nổi tiếng, những nhân sĩ, trí thức…mà người dân, mặc dù hạn chế về trình độ dân trí khi ấy, vẫn biết.
2. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu. Thành phần đại biểu Quốc hội khóa I tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong 333 đại biểu được bầu có 10 đại biểu là nữ; 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 43% là người không đảng phái; 36% là thuộc mặt trận Việt Minh; 14% là Đảng Dân chủ Việt Nam; 7% đại biểu là người của Đảng Xã hội Việt Nam.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I ngày 2-3-1946 đã nhất trí dành 70 ghế không thông qua bầu cử cho Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cánh mệnh đồng minh hội (Việt Cách) 70 ghế. Tổng số đại biểu Quốc hội 403 cả bầu cử và không qua bầu cử thật sự là khối đại đoàn kết thống nhất như chính Hồ Chủ tịch đã phát biểu trong phiên khai mạc “"Có những đồng chí cách mạng người Việt Nam ở hải ngoại vì không có thì giờ tham gia tổng tuyển cử của đảng phái, các dân tộc thiểu số và phụ nữ đều có đại biểu, và như thế không phải là các đại biểu thay mặt cho một đảng phái hay một dân tộc nào mà là đại biểu cho quốc dân Việt Nam”.
Thành phần đại biểu Quốc hội khóa I đã thể hiện cao độ chủ trương của Việt Minh về hoà hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Việt Minh mặc dù là lực lượng lãnh đạo và hy sinh rất lớn trong giành độc lập dân tộc nhưng chỉ có 120/403 ghế. Các chính đảng, lực lượng chính trị khác, bao gồm: Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người.
Nhìn lại lịch sử thế giới vào thời điểm ấy mới thấy hết giá trị lớn lao của cuộc bầu cử này. Nước Mỹ, nước Pháp là nơi có nền dân chủ rất sớm nhưng phụ nữ Pháp mãi năm 1945 cũng mới được phép đi bầu hội đồng thành phố, chỉ đi bầu chứ không phải ứng cử; ở Thụy Sỹ mãi tới năm 1971 mới chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ.
Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946
(Ảnh: Quochoi.vn)
3. Ngoài những đặc sắc nêu trên, Quốc hội Khóa I còn có rất nhiều điều thú vị và thời gian càng lùi xa, nhiều giá trị của Quốc hội khóa I càng tỏa sáng. Đây là khóa Quốc hội kéo dài 16 năm, từ năm 1946 đến tháng 5 năm 1960. Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946 vào ngày 9/11/1946 với nhiều nội dung được cho là tiến bộ vượt thời đại. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I được tổ chức vào ngày 2/3/1946 đã quyết nghị và thông qua nhiều nội dung cực kỳ quan trọng như: công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Kháng chiến ủy viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao, Ban dự thảo Hiến pháp v.v…Tuy nhiên đây cũng là kỳ họp Quốc hội ngắn nhất trong lịch sử bởi từ khi khai mạc đến khi kết thúc chỉ diễn ra trong vòng 4 giờ vì tình hình khẩn trương do nguy cơ chiến tranh lúc ấy. Đặc biệt nhất, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I cũng là một Chính phủ đa đảng, trong đó Việt Minh chỉ nắm 4 ghế là Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến và Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp. Còn lại tất cả các chức vụ khác đều do các nhân sĩ trí thức hoặc của các chính Đảng khác nắm như: Phó Chủ tịch Chính phủ Nguyễn Hải Thần của Việt Cách, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ là nhân sĩ không đảng phái; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) của Việt Quốc v.v…Quốc hội cũng thành lập Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) đảm nhiệm.
Chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội gần đây đã trở thành quen thuộc với cử tri cả nước, song điều đặc biệt nhất, ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã có chất vấn và trả lời chất vấn. Trong Trưởng ban Thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố đã đứng trên trả lời chất vấn. Các thành viên Chính phủ khác như Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng (Việt Quốc); Chủ tịch Ủy viên quân sự hội Võ Nguyên Giáp (Việt Minh); Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe (Đảng Dân chủ); Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (Việt Minh) và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn. Sau khi các Bộ trưởng đã trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề còn chưa rõ. Riêng về câu hỏi về chống tham nhũng, trong đó có liên quan đến vấn đề có Bộ trưởng trong Chính phủ lợi dụng chức vụ để buôn lậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói kỹ và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”.
75 năm đã trôi qua, những giá trị, bài học mà cuộc bầu cử Quốc hội khóa I để lại vẫn còn nguyên vẹn với hôm nay, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5 năm 2021.
Viễn Trung