Đình làng luôn là nơi lưu giữ truyền thống quê hương của mỗi cộng đồng, của từng lớp cư dân người Việt. Đình làng Đà Nẵng thể hiện rõ nét những giá trị của đời sống văn hóa xứ Quảng, luôn là nơi người dân gửi gắm niềm tin, ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai thông qua các hình thức tín ngưỡng, lễ hội thấm đẫm tính nhân văn.
Đình làng Cổ Mân quận Sơn Trà vừa được trùng tu hoàn thành đầu năm 2022. Ảnh: TTXVN
Đình là nơi thờ cúng và ghi nhớ công lao các bậc tiên hiền, hậu hiền khai hoang lập ấp. Sâu xa hơn, đình làng là “không gian cộng cảm” của cộng đồng về những ký ức chung, những sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, văn hóa chung.
Qua thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng, hiện nay thành phố có khoảng 80 đình làng (1). Điều này phản ánh khá rõ nét lích sử khẩn hoang, tạo lập cuộc sống nơi vùng đất mới, những cư dân Việt từ ngoài Bắc vào đã dựng cho mình những ngôi đình để vừa thờ cúng thần linh che chở cho cuộc sống của họ, vừa làm chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của cộng đồng. Như vậy, sự xuất hiện của ngôi đình đã góp phần khẳng định tính định cư vững chắc của người Việt nơi vùng đất đó. Lịch sử hình thành, phát triển của ngôi đình cũng phần nào phản ánh lịch sử của làng xã, quê hương. Nhiều ngôi đình khởi dựng chỉ là tranh tre, nứa lá, qua thời gian tồn lại mới được trùng tu, thay thế bằng những vật liệu bền chắc..., sự thay đổi đó cũng góp phần phản ánh lịch sử kinh tế của làng xã.
Đình làng ở Đà Nẵng được ra đời cùng với quá trình hình thành, ổn định và phát triển của các làng Việt. Bên cạnh đó, nhiều ngôi đình không chỉ đơn thuần là những công trình tín ngưỡng mà còn gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, đặc biệt là những sự kiện biến động chính trị, xã hội cả thế kỷ XX. Nhiều ngôi đình trở thành những trang sử chân thực, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống địa phương. Đi khắp nơi trên vùng đất này, ngôi đình nào cũng ghi dấu phong trào yêu nước từ các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, nghĩa hội Quảng Nam đến cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ví dụ Đình An Hải; Đình Nại Nam; Đình Bồ Bản… Ngày nay, đình làng ở Đà Nẵng còn là nơi sinh hoạt truyền thống của các tộc họ, nơi tuyên dương những gia đình văn hóa, những gương hiếu học, dâu hiền rể thảo, những công dân gương mẫu ở địa phương... như đình Quá Giáng, đình Túy Loan, đình Hải Châu…
Từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa nhanh chóng trên phạm vi cả nước, trong đó có Đà Nẵng đã tác động không nhỏ đến thiết chế văn hóa truyền thống, nhất là đối với sự tồn tại các ngôi đình. Do đó, đình lại càng quan trọng vì đó là không gian lưu giữ, nhắc nhớ về những giá trị tinh thần của quê hương bản quán và quê hương mới. Trong xã hội đô thị phát triển nhanh chóng, những liên hệ cội nguồn đang bị xao lãng, quan hệ “tình làng nghĩa xóm” ngày càng lạt lẽo... thì ngôi đình là “cái neo chốt” giữ an toàn cho những mối quan hệ ấy.
Trong lòng đô thị Đà Nẵng, những lễ hội truyền thống gắn liền với đình làng vẫn được người dân tổ chức định kỳ, như một sự trị ân đến các bậc tiền hiền khai ấp lập làng. Đồng thời cũng là cách đưa truyền thống đến gần với thế hệ trẻ, để di sản luôn được trao truyền, để lịch sử không bị đứt gãy. Một số ngôi đình còn lưu giữ được những lễ hội truyền thống khá đặc sắc: như hội đình Túy Loan (Đà Nẵng), dưới thời chúa Nguyễn, ngày chính tế là 15/8 âm lịch hàng năm (rằm Trung thu) nhưng đến thời vua Gia Long, đổi sang ngày 12/8 âm lịch; bên cạnh phần lễ là những trò chơi dân gian hấp dẫn như kéo co, chọi gà và đặc biệt là hát bội (xưa kia hội Hát bội phải 3 năm mới tổ chức một lần nên thu hút rất đông người xem...); từ khi đón bằng công nhận di tích, đình Túy Loan tổ chức thêm hội xuân vào hai ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng. Nghi thức cúng tế của hội Xuân tuy đơn giản hơn hội Thu nhưng đặc biệt hấp dẫn đông đảo mọi người tham dự bởi có cuộc đua Ghe trên sông Túy Loan, thu hút cả các thôn xã xung quanh tham dự như: Bồ Bản, Thạch Bàn, Phú Hòa. Lễ hội đình làng Hải Châu cũng diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch, gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Đối với phần lễ thì có lễ Vọng, lễ Tế cô hồn, lễ Chính tế… Về phần hội thì diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: múa lân, thả chim bồ câu, hội thi làm lồng đèn, cùng các môn thi đấu thể thao dân tộc như: thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố tiếp sức, cờ tướng…
Đình làng Túy Loan ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ảnh: laodong
Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình trong đời sống đô thị hiện đại, UBND Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt 2 đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020” và đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025”. Về cơ bản, các đình làng xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng, giữ được các đặc trưng vốn có của kiến trúc đình làng truyền thống Đà Nẵng (2). Đa số các đình làng đều được trùng tu hoàn chỉnh, khang trang từ công trình ngoại vi đến công trình trung tâm, làm nổi bật lên được giá trị và tạo cảnh quan hài hòa cho di tích, như đình Xuân Thiều (Hòa Hiệp Nam), đình Mân Quang (Thọ Quang), đình Phước Thuận (Phước Thuận) (3)…
Ở Đà Nẵng, đình làng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh lưu dân vào khai phá vùng đất mới: có xây dựng đình thì làng mới tạo được thế đứng, tăng cường gắn bó vào cộng đồng dân tộc. Cho nên, người dân lập làng ở đâu, dựng đình ở đó. Hay nói cách khác, đình làng còn là “biểu tượng” văn hóa của quốc gia. Đối với người Đà Nẵng, đình là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của cư dân… Vẻ uy nghi của đình, ngoài căn nguyên tín ngưỡng, còn là sự kết tinh của “hồn thiêng sông núi” được xây đắp qua nhiều thế hệ, bằng máu và mồ hôi khai phá, bảo vệ đất đai làng xóm. Vì vậy, bảo tồn, gìn giữ sự hiện diện của đình làng là một cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trong quá khứ cũng như hiện tại và tương lai.
------------------------------
Chú thích
1. Tên các đình ở Đà Nẵng: Đình Mỹ Khê, Đình Dương Lâm, Đình Trung Nghĩa, Đình Nam Thọ, Đình Xuân Lộc, Đình Phước Thuận, Đình Trung Lương, Đình An Hải, Đình Thạch Nham, Đình Lỗ Giáng, Đình Tùng Lâm, Đình Đại La, Đình Phong Lệ, Đình Xuân Dương, Đình Trước Bàu, Đình Phong Lệ Bắc, Đình Cẩm Toại, Đình Mân Quang, Đình Thanh Khê, Đình Hoà An, Đình Phú Hòa, Đình Thái Lai, Đình Đà Sơn, Đình An Ngãi Đông…
2. Đến hết năm 2021, đã có 5 đình làng được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở loại hình “Kiến trúc nghệ thuật” và “Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật” gồm: đình Túy Loan, đình Nại Nam, đình Bồ Bản, đình Thạc Gián, đình và Nhà thờ Chư phái tộc Hải Châu và 40 đình làng khác được xếp hạng di tích cấp thành phố. Hiện nay, ngành văn hóa đã thống kê, bảo quản được 263 sắc phong đang lưu giữ trong 22 đình làng và nhà thờ tộc trên địa bàn.
3. Trong 5 năm (từ 2016 - 2020), thành phố đầu tư trên 253 tỷ đồng để trùng tu 39 di tích được xếp hạng (trong đó có 26 đình làng).
Tài liệu tham khảo
1. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020
2. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025
Trường Sơn