Cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Hoa Kỳ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc cuối năm 1972 thất bại, nhưng giá của chiến thắng không hề nhỏ. Hàng trăm chiến sỹ bộ đội, Thanh niên xung phong đã hy sinh, hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Trong số đó, không thể không nhắc đến sự hy sinh của 60 đội viên Thanh niên xung phong, thuộc Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tối 24/12/1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên
Địa bàn chiến lược và nhiệm vụ của lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Bắc Thái1
Tỉnh Bắc Thái với trung tâm là thành phố Thái Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự. Đây là đầu mối, hợp điểm của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng không chỉ đối với riêng khu Việt Bắc mà còn đối với cả nước như: Quốc lộ 3 (Cao Bằng - Thái Nguyên - Hà Nội); Quốc lộ 1B (Lạng Sơn - Thái Nguyên -Hà Nội); đường 19 (Thái Nguyên - Hà Bắc); đường 13A (Thái Nguyên - Tuyên Quang); tuyến đường sắt Quán Triều - Lưu Xá - Hà Nội; tuyến đường sắt Lưu Xá - Kép (Hà Bắc)... Địa bàn thành phố Thái Nguyên còn có Khu Công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên - trung tâm cơ khí, luyện kim lớn nhất miền Bắc và cả nước khi đó; cùng nhiều nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, của cả trung ương và địa phương. Thái Nguyên còn là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc (Quân khu I), với các trung tâm huấn luyện tân binh lớn để chi viện cho các chiến trường.
Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, Thái Nguyên trở thành trạm trung chuyển hàng hóa chiến lược của hậu phương miền Bắc. Ngoài tuyến quốc lộ 1A Lạng Sơn - Hà Nội, hàng hóa quân sự và nhu yếu phẩm của các nước xã hội chủ nghĩa - tiêu biểu là Liên Xô và Trung Quốc, viện trợ cho Việt Nam, sẽ được chuyển quan biên giới Việt - Trung vào các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; tiếp đó, được vận chuyển theo đường quốc lộ 3, quốc lộ 1B, tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá, về tập kết tại các kho, bến bãi ở nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và một số huyện lân cận. Sau đó, hàng hóa sẽ được vận chuyển theo tuyến đường bộ và đặc biệt là tuyến đường sắt từ Thái Nguyên về Hà Nội để điều phối theo các mục đích khác nhau, song mục đích chính là chi viện chiến trường miền Nam.
Khi Hoa Kỳ leo thang chiến tranh, tiến hành ném bom đánh phá miền Bắc, địa bàn thành phố Thái Nguyên trở thành trọng điểm bị đánh phá rất ác liệt. Những vị trí như cầu Gia Bảy, cầu Đa Phúc, ga Quán Triều, ga Lưu Xá, Khu Gang Thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... và các địa bàn lân cận thuộc phía Nam thành phố đã bị ném bom dữ dội.
Trên địa bàn Thái Nguyên, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đã có 3.700 lần/chiếc máy bay các loại vào hoạt động trinh sát và đánh phá, ném 9.828 quả bom, 164 quả bom hơi, 918 quả bom bi mẹ, bắn 335 tên lửa... xuống các mục tiêu kinh tế, quân sự, dân cư, trường học, bệnh viện 2.
Từ đầu năm 1972, không quân Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc với tính chất ác liệt hơn. Các bến cảng, cửa sông thuộc 10 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, đặc biệt là cảng Hải Phòng, bị Mỹ thả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa. Các kho trung chuyển hàng hóa trên tuyến giao thông từ Lạng Sơn về Hà Nội bị đánh phá hết sức ác liệt. Vì vậy, tuyến giao thông Lạng Sơn-Thái Nguyên-Hà Nội trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ. Ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên trở thành cảng nổi quan trọng, mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn tấn hàng.
Ga Thái Nguyên, một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ cuối năm 1972
Tháng 6/1972, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái nhiệm vụ quan trọng tiếp nhận hàng với số lượng mỗi tháng từ 30.000 - 50.000 tấn, để vừa dự trữ, vừa tiếp chuyển cho các tỉnh trong khu vực và chiến trường 3. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh là phải bảo đảm công tác tiếp nhận, lưu thông cao nhất để kịp thời trung chuyển hàng hóa, không để ách tắc và thiệt hại.
Đến tháng 8/1972, năng suất tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa của ga Thái Nguyên đạt bình quân 1.000 tấn/ngày5.
Thực hiện nhiệm vụ, Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Thái quyết định khôi phục Ban Bảo đảm giao thông vận tải; đồng thời, kiện toàn Đội Thanh niên xung phong 91 (được thành lập từ tháng 1/1966), gồm 4 đại đội là 911, 912, 913, 914 và 1 đại đội thành lập mới là Đại đội 9154. Nhiệm vụ chính của lực lượng thanh niên xung phong là giữ vai trò xung kích, phối hợp với các lực lượng công binh, dân quân tự vệ và các lực lượng cơ động khác, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, kịp thời trên các tuyến đường chiến lược (quốc lộ 3, quốc lộ 1B, các tuyến đường sắt); kịp thời bốc dỡ, giải tỏa hàng hóa tại các ga nhằm tránh thiệt hại trong các đợt máy bay địch đánh phá. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng vô cùng khó khăn, đòi hỏi tinh thần xông pha, anh dũng.
Những đóa hoa bất tử trong đêm Noel
Cuối tháng 12/1972, không quân Mỹ cuộc mở tập kích chiến lược bằng máy bay B52 ném bom Hà Nội và một số thành phố khác ở miền Bắc.
Trong cuộc tập kích này, Hoa Kỳ đã huy động 69 lần/chiếc máy bay B52 và 170 lần/chiếc máy bay cường kích chiến thuật với tổng số 2.826 quả bom các loại xuống 61 mục tiêu khác nhau trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Khi chiến dịch Linebacker II bắt đầu (18/12/1972), tại ga Lưu Xá và ga Quán Triều đang còn tồn đọng tới 19.923 tấn hàng hóa các loại. Việc nhanh chóng vận chuyển hàng hóa đến nơi an toàn là nhiệm vụ hết sức khẩn trương, cấp bách đặt ra. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và lực lượng thanh niên xung phong đã được huy động vào thực hiện nhiệm vụ này.
Ngày 24/12/1972, Đội Thanh niên xung phong 91 cử Đại đội 915 đến làm nhiệm vụ giải tỏa lương thực và hàng quân sự tại ga Lưu Xá, do đồng chí Đội phó Đội Thanh niên xung phong 91 Nguyễn Thế Cường chỉ huy. Biết rõ đây là địa bàn trọng điểm đánh phá của máy bay địch, rất có thể sẽ bị hy sinh, nhưng các đội viên Ðại đội 915 với hầu hết đội viên là nữ đang trong độ tuổi mười tám, đôi mươi, đang tràn đầy nhiệt huyết, lý tưởng và tình yêu, vẫn hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ vượt quân số được giao.
Sau một ngày lao động vất vả, với tinh thần hết sức khẩn trương, đến 19 giờ, về cơ bản nhiệm vụ mới hoàn thành. Do hoàn thành nhiệm vụ muộn hơn so với dự kiến nên kế hoạch rút quân về địa điểm tập kết tại Trường đại học Cơ điện đã không thực hiện được. Ðội phó Nguyễn Thế Cường quyết định chỉ huy đơn vị di chuyển về địa điểm Bệnh viện Gang Thép gần ga Lưu Xá (khi đó, đóng ở xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng; nay là tổ dân phố 14, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) để ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Cùng đi với đơn vị còn có 2 đồng chí thủ kho của kho lương thực Lưu Xá.
Khi cả đơn vị chưa kịp ăn cơm thì hàng loạt máy bay B52 và máy bay chiến thuật ồ ạt lao vào ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu Nam thành phố Thái Nguyên. Một loạt bom rải thảm đã đánh trúng vào vị trí các hầm trú ẩn của đơn vị. 60 cán bộ, đội viên Đội Thanh niên xung phong 91 - Đại đội 915 (trong đó, có cả 2 đồng chí cán bộ kho lương thực Lưu Xá) đã anh dũng hy sinh! Đây là một tổn thất nặng nề và nỗi đau lớn của toàn đơn vị cũng như nhân dân Thái Nguyên.
Khu tưởng niệm Thanh niên xung phong Ðại đội 915, TP Thái Nguyên
Vượt lên đau thương, mất mát, các thành viên còn lại của Ðại đội 915 và toàn Ðội Thanh niên xung phong 91 vẫn kiên trì bám trụ, kịp thời giải tỏa vận chuyển hết số lương thực, hàng hóa còn tồn đọng ra khỏi các trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ đến nơi an toàn. Trong số 19.923 tấn lương thực, chỉ có 40 tấn bị bom Mỹ phá hủy.
Ðây là đóng góp rất to lớn của quân và dân Thái Nguyên, tiêu biểu là lực lượng Thanh niên xung phong trên mặt trận giao thông vận tải, góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại âm mưu hủy diệt hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Hoa Kỳ trước khi ký Hiệp định Paris.
60 liệt sĩ là cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915 đã đi xa, song lý tưởng sống đẹp đẽ của các chị, các anh vẫn còn sống mãi. Tên tuổi, tinh thần của các anh, các chị như những đài hoa bất tử sáng mãi trên quê hương Thái Nguyên anh hùng. Sự hy sinh của các anh, các chị đã tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915 - Đội 91 tỉnh Bắc Thái; năm 1996, Tỉnh Đoàn Thái Nguyên cùng các đồng đội cũ và nhân dân địa phương đã quyên góp tiền xây dựng nhà bia ghi dấu sự kiện ngày 24/12/1972. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Đại đội 915- Đội 91 Bắc Thái. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xếp hạng công nhận địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Ngày 10/7/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công động thổ xây dựng Khu di tích lịch sử địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915- Đội 91 Bắc Thái. Khu di tích lịch sử được xây dựng trên diện tích 8ha gồm khu tưởng niệm, nhà chuông và các hạng mục phụ trợ.
Tối 21/12/2018, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Chương trình Dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915- Đội 91 Bắc Thái hy sinh tối 24/12/1972; đồng thời, công bố đưa vào sử dụng Công trình tu bổ, tôn tạo Nhà tưởng niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915 tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Đây chính là sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước nói chung, trong đó, có nhân dân Thái Nguyên với các liệt sĩ thanh niên xung phong anh hùng.
Nhẫn Trần
____________
1. Từ ngày 1/7/1965, tỉnh Thái Nguyên hợp nhất với tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái.
2. Tỉnh ủy-HĐNH-UBND tỉnh Thái Nguyên: Địa chí Thái Nguyên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.290.
3. Địa chí Thái Nguyên, Sđd, tr.294.
4. Ðại đội 915 là đơn vị trẻ nhất của Ðội 91 TNXP, được thành lập tháng 6?1972, biên chế 102 cán bộ, đội viên (chỉ khoảng từ 18-20 tuổi), do Ðại đội trưởng Triệu Ðức Việt chỉ huy. Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi thành lập, Ðại đội đã nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở các trọng điểm giao thông thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá như tuyến đường 1B Lạng Sơn-Thái Nguyên, đường 16A trên tuyến Lạng Sơn-Bắc Giang; cầu Ða Phúc, cầu Gia Bảy, cầu Trà Vườn, ngầm Sơn Cẩm, phà Bến Oánh...
5. Địa chí Thái Nguyên, Sđd, tr.295.