Nửa đầu tháng Tám năm 1945, trong lúc khí thế cách mạng dâng cao ngùn ngụt, Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng Đồng Minh, Đồng Minh sắp vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim đã có nhiều động thái nhằm vớt vát quyền lực chính trị. Nhưng do thực chất là Chính phủ bù nhìn, không có lực lượng, đặc biệt là không có cơ sở chính trị-xã hội, không có được sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim cuối cùng sụp đổ hoàn toàn trước sức mạnh Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tập hợp xung quanh ngọn cờ Mặt trận Việt Minh
Cuối tháng 7 đầu tháng 8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức một đoàn công cán ra Hà Nội, để “điều đình” với Tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 quân đội Thiên hoàng về việc “thu lại” các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, các công sở ở Hà Nội và lãnh thổ Nam Kỳ về “Đế quốc Việt Nam”, đề nghị cho phép tổ chức lực lượng bảo an binh. Đoàn gồm Trân Trọng Kim, Tổng trưởng nội các, Hoàng Xuân Hãn (Bộ trưởng Bộ giáo dục), Vũ Văn Hiền (Bộ trưởng Bộ tài chính), Vũ Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ y tế). Tại cuộc công cán này, Trần Trọng Kim nhận được sự đồng ý của Tướng Yuitsu Tsuchihashi về các yêu cầu được đưa ra.
Lúc này, nội các Trần Trọng Kim đã có sự phân hóa. Một số người như Hồ Tá Khanh, Trần Đình Nam và Nguyễn Hữu Thí nêu vấn đề Nội các nên rút lui, nhường chỗ cho Việt Minh. Tuy nhiên, Trần Trọng Kim không đồng ý và chủ trương tiếp tục bám giữ quyền lực.
Tuy nhiên, trước áp lực của nhiều thành viên Chính phủ, ngày 5/8/1945, Nội các Trần Trọng Kim dâng tờ trình lên Bảo Đại, xin từ chức. Ngày 6/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại chấp nhận đơn từ chức của Nội các Trần Trọng Kim. Thế là sau tròn ba tháng kể từ ngày nhậm chức, Nội các Trần Trọng Kim chính thức chấm dứt sự tồn tại.
Để tiếp tục xử lý công việc trong lúc tình hình rối ren, Bảo Đại đề nghị Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng tạm thời tại nhiệm với tính cách là Lâm thời Chính phủ, đồng thời giao cho Trần Trọng Kim tìm người mời về Huế để lập nội các mới.
Việc Trần Trọng Kim còn nán lại với vai trò Thủ tướng của Lâm thời chính phủ cũng có mục đích riêng của ông ta. Trong thế cờ tàn, Trần Trọng Kim vẫn còn cố vớt vát tình hình và ngoan cố chống lại lực lượng cách mạng do Việt Minh lãnh đạo. Tuy nhiên, biết Việt Minh là lực lượng mạnh, được lòng dân, Trần Trọng Kim đặt vấn đề hợp tác.
Nội các Chính phủ Trần Trọng Kim, từ trái sang phải: Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Trần Trọng Kim, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Nguyễn Hữu Thi (Ảnh chụp 20/5/1945 - Nguồn BTLSQG).
Mặc dù tin tức về việc Nhật đầu hàng Đồng Minh lan truyền mạnh mẽ, ngày 14/8/1945, “Chính phủ lâm thời” vẫn ra tuyên cáo về việc hợp tác chặt chẽ với các nhà đương chức Nhật Bản và hàm ý cảm ơn Nhật Bản đã mang lại độc lập cho Việt Nam. Cùng ngày, chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim ở Hà Nội thông báo cho nhân dân Bắc Kỳ biết sự “tổ chức (lại) của lâm thời chính phủ”, kêu gọi nhân dân Hà Nội ủng hộ Chính phủ lâm thời, đã được cải tổ, mở rộng thành phần, bao gồm một số cá nhân trong Đảng Đại Việt, một số người Trotkist và một số nhân sĩ khác.
Không thấy quân đội Nhật có những động thái đàn áp Việt Minh đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa, bảo vệ chính quyền Bảo Đại, chính phủ Trần Trọng Kim lo sợ trước uy thế của phong trào cách mạng đang dâng lên như vũ bão. Phan Kế Toại lại ngỏ ý muốn liên lạc với Việt Minh. Ngay trong ngày 16/8/1945, đồng chí Nguyễn Khang và Lê Trọng Nghĩa đứng đầu đoàn đại biểu Việt Minh đến Phủ Khâm sai gặp Phan Kế Toại, Nguyễn Xuân Chữ, Phạm Hữu Chương. Khâm sai Phan Kế Toại tiếp tục đề nghị Việt Minh tham dự chính quyền hiện thời và yêu cầu không lãnh đạo quần chúng bạo động trong thành phố. Khâm sai Phan Kế Toại cho rằng : tuy Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, nhưng tại Việt Nam, quân đội Nhật vẫn còn đủ lực lượng để đè bẹp lực lượng cách mạng, vì thế, nên khéo léo ngoại giao với Nhật để củng cố chính quyền hiện thời, khi Đồng Minh vào, chính phủ sẽ đứng ra đại diện cho nhân dân Việt Nam đón tiếp Đồng Minh. Mục tiêu của Chính phủ Trần Trọng Kim là xây dựng một chính quyền thân Anh, Mỹ để duy trì địa vị và quyền lợi.
Đáp lại quan điểm của Chính phủ lâm thời, phái đoàn Việt Minh vạch rõ: chính phủ hiện tại do Nhật lập nên không được nhân dân tín nhiệm. Khi Đồng Minh vào, nếu chính phủ ấy đứng ra đón tiếp Đồng Minh sẽ gặp khó khăn vì không khi nào Đồng Minh lại công nhận một chính phủ do Nhật lập ra. Phái đoàn phân tích rõ : lúc này cần có một chính quyền đủ uy tín trong nước và danh nghĩa với nước ngoài để việc tiến hành các hoạt động ngoại giao có hiệu quả. Chỉ có Việt Minh mới đủ tư cách lập một chính quyền như vậy, vì từ nhiều năm qua, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng về phe Đồng Minh chống phát xít, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh Pháp, đuổi Nhật. Phái đoàn Việt Minh nêu rõ lập trường là nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền và đặt điều kiện dứt khoát: chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán, Khâm sai Phan Kế Toại phải từ chức, nhường chỗ cho chính quyền cách mạng do Việt Minh thành lập. Phái đoàn cũng thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại nên đứng về phía Việt Minh.
Biết không lay chuyển được ý chí của cán bộ Việt Minh và trước khí thế cách mạng đang dâng cao, tối ngày 16/8/1945, Khâm sai Phan Kế Toại đệ đơn từ chức, trở về quê nhà ở Sơn Tây. Ngày 17/8/1945, Triều đình Huế cử Nguyễn Xuân Chữ thay thế.
Sáng ngày 17/8/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim họp Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ ở Nhà Khai trí Tiến Đức (nay là số nhà 16, phố Lý Thái Tổ) chuẩn bị Đại hội lập hiến, thành lập Ủy ban cứu quốc để tìm cách củng cố và giữ địa vị của chính phủ đang lung lay trong bối cảnh phong trào Việt Minh đang lan rộng trên toàn quốc cũng như tại Hà Nội, đồng thời những người Pháp phái De Gaulle cũng mong muốn quân Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương. Chính phủ Trần Trọng Kim ủy quyền cho Tổng hội Viên chức tổ chức ngay một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố, hô hào nhân dân ủng hộ "nền độc lập" của Đế quốc Việt Nam mà Nhật Bản vừa trao trả.
Nhằm giữ địa vị thống trị sắp sụp đổ, chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim tiếp tục tìm cách ngăn cản sự nổi dậy của Việt Minh, bằng cách mời Việt Minh tham chính để cùng nhau “giữ cuộc trị an” trong nước.
Ngày 18/8/1945, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Chính phủ lâm thời Hoàng Xuân Hãn đến gặp một thành viên của Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội tại số nhà 101 phố Gambetta, gợi ý Việt Minh cứ nắm tất cả các vùng nông thôn cách thành thị 15 km, để các thành thị cho các nhân sĩ, trí thức cai quản, đón tiếp và ứng xử với quân Đồng Minh. Ở Nam Kỳ, quyền Khâm sai Hồ Văn Ngà cũng đề nghị đích danh hai đại biểu Việt Minh ra Huế lập Chính phủ. Ngày 18/8/1945, Bảo Đại ra đạo dụ, trong đó có một điểm chính là “mời các lãnh tụ của Việt Minh về Huế để lập nội các mới”.
Một mặt, ngày 17/8/1945, Bảo Đại ban chiếu, lời lẽ rất lâm ly, không đả động gì đến vấn đề thể chế nhưng nói rất rõ muốn mau có nội các mới và kêu gọi giúp “đối phó với thời cuộc”. Tờ chiếu có nội dung như sau:
“Cuộc chiến tranh thế giới đã kết liễu. Lịch sử nước Việt Nam hiện tới một thời kỳ nghiêm trọng vô cùng.
Đối với dân tộc Nhật Bản, trẫm có nhiêm vụ tuyên bố rằng: Dân tộc ta có đủ tư cách tự trị và nhất quyết huy động tất cả lực lượng, tinh thần và vật chất của toàn quốc để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Trước tình thế quốc tế hiện thời, trẫm muốn mau có nội các mới.
Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của trẩm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như trẫm”.
Bảo Đại có nhiều động thái để giữ ngai vàng. Một mặt, ban hành một Đạo dụ nêu rõ “sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân”, mặt khác, tiếp tục dựa vào lực lượng Nhật còn đóng ở Đông Dương để giữ chính quyền trước sức nổi dậy của Việt Minh. Ngày 18/8/1945, Bảo Đại ra tuyên cáo tiếp tục hợp tác với Nhật. Đồng thời, Bảo Đại liên hệ với Đồng Minh để bày tỏ nguyện vọng được sự công nhận và ủng hộ của Đồng Minh. Ngày 20/8/1945, Bảo Đại viết thư gửi Tổng thống Mỹ Truman, Quốc vương Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch, kêu gọi ủng hộ “nền độc lập của Việt Nam”. Đồng thời Bảo Đại viết thư cho Thủ tướng Pháp De Gaulle, phản đối sự quay lại Đông Dương của Pháp với tư cách thực dân thống trị.
Mặc dù chính quyền Bảo Đại-trần Trọng Kim tìm mọi cách ngăn cản và phá hoại, ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Quân đội Nhật tại Hà Nội đã không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa.
Sau khi Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, một số đoàn thể thanh niên và trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường đã điện vào Huế đề nghị Bảo Đại thoái vị. Tối 22/8/1945, Bảo Đại nhận được thư của Uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên buộc Bảo Đại phải thoái vị.
Ngày 23/8/1945, Bảo Đại triệu tập Chính phủ lâm thời để bàn việc trả lời yêu cầu thoái vị của Việt Minh Thuận Hóa. Dự cuộc họp có Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Thí. Sau một hội bàn luận, Chính phủ nhất trí những nội dung trong thư của Hoàng đế Bảo Đại trả lời Việt Minh về việc chấp nhận thoái vị theo đúng yêu cầu của Việt Minh. Cuộc họp kết thúc cũng là lúc Chính phủ lâm thời cùng thể chế chính trị Bảo Đại-Trần Trọng Kim sụp đổ.
Cảnh Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm được tái hiện tại Bảo tàng
Lịch sử - Cách mạng Thừa Thiên - Huế.
Ngày 24/8/1945, Bảo Đại điện trả lời Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ đồng ý chính thức tuyên bố thoái vị trước quốc dân và “mong muốn Chủ tịch Chính phủ nhân dân lâm thời về Kinh để nhà vua trao chính quyền”.
Ngày 25/8/1945, Bảo Đại ban hành hai tờ chiếu, chính thức ghi từ thoái vị vào văn bản.
16 giờ ngày 30/8/1945, tại Ngọ Môn, vua Bảo Đại đọc Tờ chiếu thứ nhất cho quốc dân đã ban từ ngày 25/8/1945, chính thức và công khai tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu.
Như vậy là, mặc dù chính quyền Bảo Đại-Trần Trọng Kim tìm mọi cách để ngăn cản cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhằm vớt vát quyền lực chính trị cá nhân, hướng phong trào yêu nước Việt Nam sang một con đường khác, nhưng với đường lối cách mạng đúng đắn, được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, Đảng Cộng sản Đông Dương với ngọn cờ Mặt trận Việt Minh đã chủ động, kiên quyết lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội, mở đầu cao trào Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trở thành chủ nhân xứng đáng đón tiếp quân Đồng Minh vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật và xây dựng chế độ mới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những tổ chức, cá nhân muốn bám giữ quyền lực chính trị giả hiệu do Nhật ban phát, đã bị phong trào cách mạng quần chúng vượt qua.
Nguyễn Trần