Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử Việt Nam với dấu ấn là cột mốc vĩ đại đánh dấu nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Trước thất bại khó tránh khỏi, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chuẩn bị một bài diễn văn, dự định sẽ đọc trong buổi bàn giao chính quyền của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu khi Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Tuy nhiên, bài diễn văn ấy không bao giờ được đọc, bởi trưa ngày 30/04/1975, toàn bộ thành viên Chính phủ Vũ Văn Mẫu đã bị Quân Giải phóng bắt buộc đầu hàng vô điều kiện
Tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống
Sau khi mất Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trước tình hình ấy, đầu tháng 4 năm 1975, nhóm tham mưu của ông Dương Văn Minh đã thống nhất và công bố quyết định để thay thế Nguyễn Văn Thiệu với mục đích thành lập nội các mới để thương lượng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhằm chấm dứt chiến tranh. Ngày 21/4/1975, phòng tuyến Xuân Lộc tan vỡ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức và theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, người thay thế là Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Trần Văn Hương nhậm chức và tuyên bố sẽ tử thủ “dù phải hy sinh đến nắm xương tàn”. Nhưng rồi, ông già Trần Văn Hương cũng chỉ trụ được mấy ngày để rồi tối 26/4/1975, lưỡng viện Quốc hội Sài Gòn đã bầu Đại tướng Dương Văn Minh làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với 147/151 phiếu.
Trong Hồi ký không tên, nhà báo Lý Quý Chung (Chánh Trinh) - Bộ trưởng Thông tin Chính quyền Dương Văn Minh cho biết ngày 27-4-1975, tại Dinh Hoa Lan “Ông Minh triệu tập những người thân cận, cùng các nhóm Phật giáo, Công giáo từng tán đồng lập trường hòa bình với ông dự phiên họp để thành lập chính phủ. Tại cuộc họp này, ông Dương Văn Minh đã chọn luật sư Nguyễn Văn Huyền, từng là Chủ tịch Thượng viện thời Ngô Đình Diệm làm Phó Tổng thống. Theo Lý Quý Chung thì cụ Nguyễn Văn Huyền “được cả hai phía đối lập và thân chính kính trọng…về nhân cách, luật sư Huyền hơn hẳn các nhân sĩ nổi tiếng khác có mặt trên chính trường Sài Gòn lúc bấy giờ”. Người được ông Dương Văn Minh chọn làm Thủ tướng là Giáo sư luật học Vũ Văn Mẫu. Giáo sư Vũ Văn Mẫu nguyên là Ngoại trưởng dưới thời Ngô Đình Diệm. Năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã cạo trọc đầu và sau đó xin nghỉ phép dài hạn đi hành hương Ấn Độ. Từ Ấn Độ, Giáo sư đã gửi tuyên bố về nước từ chức Ngoại trưởng để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Vào hồi 16 giờ 45 ngày 28/4/1975, tại Dinh Độc Lập đã diễn ra lễ bàn giao giữa quyền Tổng thống Trần Văn Hương và tân Tổng thống Dương Văn Minh. Ngày 29/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh (một đảng viên cộng sản thuộc Ban Binh vận Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) thả tù binh chính trị; gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.
Bài diễn văn bị bỏ dở
Ngày 30/4/1975, Luật sư Vũ Văn Mẫu và toàn bộ nội các của ông họp và dự tính sẽ trình danh sách nội các trước Tổng thống Dương Văn Minh. Cùng với toàn bộ danh sách thành viên nội các là một bài diễn văn với nội dung chủ yếu nói về vấn đề ngưng bắn, hòa hợp và hòa giải với phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, trưa hôm ấy, Quân Giải phóng đã vào Dinh Độc Lập. Đọc lại bài diễn văn này cũng là cách để tất cả cùng nhìn lại những quan điểm từ Chính phủ cuối cùng của chính quyền Sài Gòn cũng như quan điểm của giới trí thức khi ấy về hiện tình đất nước.
Nội dung bài diễn văn:
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa quý liệt vị,
Nhận lãnh trách nhiệm thành lập nội các trong giai đoạn hiện tại là nhận lãnh công việc đội đá vá trời. Chúng tôi tuyệt nhiên không hề có ảo tưởng và đã nhận thức rõ các khó khăn vô cùng lớn lao đang chờ đợi. Nhưng chúng tôi không thể cam lòng từ chối trọng trách mà Tổng thống Dương Văn Minh giao phó vì quá thiết tha với hòa bình và hòa giải dân tộc. Hơn nữa, nếu có phải hy sinh, thiết nghĩ chúng tôi cũng có thể tự an ủi hy sinh đây là hy sinh cho chính nghĩa, cho hòa bình, cho nhân đạo, cho tình dân tộc, chứ không phải cho chiến tranh tang tóc, điêu tàn vô ý thức.
Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa quý liệt vị,
Những vị chấp nhận tham gia Chính phủ do chúng tôi điều khiển đều là những nhân vật đã từng tranh đấu cho hòa bình, đã từng nếm trải đắng cay, đau khổ, hay đã từng là nạn nhân của chính sách hiếu chiến, tham nhũng, độc tài, độc diễn, của ông Nguyễn Văn Thiệu.
Là những người trong sạch chưa hề tham gia chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, các quý vị mà chúng tôi mời tham gia Chính phủ này, hằng thiết tha ôm ấp hoài bão làm một gạch nối để thực hiện một sự hòa giải giữa các phe lâm chiến. Như vậy, Chính phủ này là một Chính phủ gồm những phần tử hoàn toàn thuộc thành phần thứ ba, theo tinh thần Hiệp định Paris.
Thành phần thứ ba là thành phần đông đảo nhất trong cộng đồng quốc gia và vì thế cũng phức tạp nhất, bao gồm nhiều xu hướng dị biệt, đi từ trung hữu sang tới trung tả.
Trước tình thế vô cùng khẩn trương của đất nước, chúng tôi không có đủ thời giờ để tiếp xúc thăm dò ý kiến của tất cả các đoàn thể, lực lượng chính trị thứ ba. Do đó, chúng tôi không dám có tham vọng đại diện cho tất cả thành phần thứ ba ở trong và ngoài nước. Nhưng đây là kết quả tối đa mà chúng tôi có thể thực hiện trong một thời gian tối thiểu.
Hơn nữa, điều mà chúng tôi có thể đoan quyết cùng toàn thể đồng bào là ý chí tha thiết phục vụ đất nước trong một giai đoạn tối khẩn trương, không cho phép một ai trì hoãn hay chậm trễ. Chính thiện chí ấy đã thúc đẩy tất cả chúng tôi cùng đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn này, chứ không phải vì mưu đồ danh lợi.
Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã từng nhiều lần kêu gọi phía Việt Nam Cộng hòa có một Chánh phủ hòa bình, với các nhân vật không dính líu với chế độ Nguyễn Văn Thiệu, để tái lập thương nghị. Chính phủ hòa bình nay giờ đây đã được thành lập. Thành phần thứ ba đã đứng lên để đóng góp cho sứ mạng hòa bình, cho sự nghiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc. Đồng bào toàn quốc đang trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút để máu và nước mắt dân tộc ngưng chảy vì chiến cuộc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng những người anh em phía bên kia chắc cũng không vui sướng trước cảnh súng đao và các tang tóc điêu tàn của đồng bào ruột thịt. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu, cũng có thể được giải quyết trên bàn hội nghị với tinh thần hòa giải, hòa hợp và tình huynh đệ giữa những người con cùng một mẹ Việt Nam. Tại sao chúng ta còn cần phải bắn giết lẫn nhau, gây thêm tang tóc, đau thương, cùng cực cho nhau, khi chính sách Nguyễn Văn Thiệu đã cáo chung và các người lãnh đạo chế độ này đã đưa nhau xa lìa Tổ quốc, nếu không muốn nói là chạy trốn?
Vấn đề chính còn lại là sự lựa chọn giữa chiến thắng quân sự hay chiến thắng lòng người, sự đoàn tụ trong tiếng reo mừng của dân tộc hay sự ly tán trong lời than tiếng khóc của quốc dân.
Trước khi chấm dứt, trong niềm tin tưởng rằng tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc và tình nghĩa đồng bào ruột thịt sẽ thắng, chúng tôi xin vắn tắt tóm lược chương trình của chính phủ hòa bình này trong bốn điểm thiết yếu như sau:
1. Vãn hồi hòa bình bằng đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc trên căn bản Hiệp định Paris.
2. Tôn trọng các quyền lợi tối thượng của dân tộc và các tự do căn bản của con người.
3. Kiến thiết đất nước trong hòa giải và hòa hợp.
4. Giao hảo và hợp tác trên trường quốc tế với tất cả các quốc gia bạn, không phân biệt ý thức hệ, trên căn bản bình đẳng và tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Sau đây là thành phần của Chính phủ hòa bình do chúng tôi điều khiển:
- Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng trưởng ngoại giao |
: Giáo sư VŨ VĂN MẪU |
- Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng |
: Giáo sư BÙI TƯỜNG HUÂN |
- Phó Thủ tướng đặc trách Xã hội và Cứu trợ |
: Bác sĩ HỒ VĂN MINH |
- Quốc vụ khanh kiêm Tổng trưởng Y tế |
: Bác sĩ LÊ KHẮC QUYẾN |
- Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa |
: Giáo sư PHẠM ĐÌNH ÁI |
- Quốc vụ khanh |
: Luật sư TRẦN NGỌC LIỄNG |
- Tổng trưởng Nội vụ |
: Ông HỒNG SƠN ĐÔNG |
- Tổng trưởng Thông tin |
: Dân biểu LÝ QUÝ CHUNG |
- Tổng trưởng Giáo dục |
: Giáo sư NGUYỄN VĂN TRƯỜNG |
- Tổng trưởng Xã hội và Cứu trợ |
: Bác sĩ NGUYỄN VĂN MẪN |
- Tổng trưởng Cựu Chiến binh |
: Dân biểu NGUYỄN VĂN BINH |
- Tổng trưởng Tài chính |
: Giáo sư VŨ THIỆN VINH |
- Tổng trưởng Kinh tế |
: Giáo sư NGUYỄN VŨ DIÊU |
- Tổng trưởng Tư pháp |
: Thẩm phán TRẦN THÚC LINH |
- Tổng trưởng Canh nông |
: Giáo sư CHÂU TÂM LUÂN |
- Tổng trưởng Lao động |
: Luật sư TRẦN VĂN TỐT |
- Tổng trưởng Giao thông, Công chánh và Bưu điện |
: Kỹ sư PHAN NGỌC THỂ |
- Bộ trưởng Ngoại giao |
: Tiến sĩ CAO HUY THUẦN |
- Bộ trưởng Nội vụ |
: Dân biểu ĐOÀN MAI |
- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng |
: Dược sĩ TỐNG LỊCH CƯỜNG |
- Bộ trưởng Thông tin |
: Ông DƯƠNG VĂN BA |
- Bộ trưởng Giáo dục |
: Giáo sư NGUYỄN ĐỘ |
- Thứ trưởng Quốc phòng |
: Ông BÙI THẾ DUNG |
Trân trọng kính chào Tổng thống và Quý liệt vị.
Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (Ảnh Trần Mai Hưởng)
Trước sức tiến công mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, vào hồi 9h30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã phát đi lời tuyên bố về việc đơn phương ngừng bắn: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào”.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Phụ tá Bộ Tổng tham mưu (lúc này gần như là Quyền Tổng tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn khi Tổng Tham mưu Trưởng Vĩnh Lộc đã di tản trước đó) đã đề nghị ông Dương Văn Minh để ra “Nhật lệnh” cho Quân đội Sài Gòn đơn phương ngừng bắn, án binh bất động: “…Yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngừng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam để thực hiện ngưng bắn một cách không đổ máu”.
Sau khi phát tuyên bố, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến Dinh Độc Lập để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng. 11g 30 phút ngày 30/4/1975, quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hạ cờ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và treo cờ Quân Giải phóng trên nóc Dinh Độc lập. 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đài Phát thanh Sài Gòn đã chính thức phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương, phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương giao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Sau phát biểu của Tổng thống Dương Văn Minh, Luật sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của Chế độ Sài Gòn phát biểu trực tiếp trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính phủ cách mạng”.
Đại diện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 phát biểu chấp thuận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Cuộc chiến tranh đẫm máu 30 năm ở Việt Nam chính thức kết thúc. Đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất.
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định tham gia mít tinh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975
Một vài nhận xét thay lời kết
Thứ nhất, trong Hồi ký với tựa đề “Gia đình, bạn bè và đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam đã đánh giá: “Mặc dù ông Dương Văn Minh chưa đáp ứng yêu cầu của ta, nhưng ông là người yêu nước”. Ông Dương Văn Minh có người em trai là Dương Thanh Nhựt (bí danh Mười Ty) là sỹ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thông qua nhiều con đường khác nhau, cách mạng đã phân công Dương Thanh Nhựt nhiều lần tiếp cận ông Dương Văn Minh để tác động. Tất cả những người có chút hiểu biết ở miền Nam khi ấy đều không nghi ngờ về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, ông Dương Văn Minh và nhóm của ông đã chính thức tuyên bố sẵn sàng thay thế dù có phải cầm cờ trắng để đầu hàng.
Hai là, ông Dương Văn Minh chọn Luật sư Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm. Luật sư Nguyễn Văn Huyền là bạn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Luật sư Nguyễn Văn Huyền có một người em gái cũng là một đảng viên cộng sản. Chọn một Phó Tổng thống là bạn của người đứng đầu bên phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời, điều ấy cũng có thể gợi lên nhiều suy nghĩ. Sau này, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã mời Luật sư Nguyễn Văn Huyền tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ba là, Luật sư Vũ Văn Mẫu, người được chọn làm Thủ tướng có những người em cũng là những người cộng sản như dược sĩ Vũ Thị Sửu, giáo sư tiến sĩ Vũ Như Canh. Luật sư là người quyết liệt chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong “Hồi ký Không tên”, Lý Quý Chung cho biết Vũ Văn Mẫu là một con người có uy tín lớn trong xã hội, “uy tín lớn về nhiều mặt, từ nghề nghiệp riêng trong giới luật sư cho đến các hoạt động chính trị qua cả hai thời kỳ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Thái độ chân thành và có thể gọi là dũng cảm của ông trong những ngày cuối cùng và cả khi lực lượng giải phóng vào Dinh Độc lập khiến cho tôi nhớ mãi và kính phục”.
Bốn là, ngoài các nhân vật nêu trên, nhìn vào thành phần nội các Vũ Văn Mẫu, chúng ta thấy có rất nhiều các nhân vật là những người thuộc thành phần thứ ba và không dính líu đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Tổng trưởng Quốc phòng được chọn là một giáo sư đại học với mong muốn đây là chính phủ hoàn toàn dân sự. Sau này, nhiều người của Chính phủ Vũ Văn Mẫu đã tham gia chính quyền mới.
Năm là, bài diễn văn cuối cùng của Chính phủ Vũ Văn Mẫu thể hiện rõ quan điểm và nhìn nhận của giới trí thức miền Nam khi tham gia Chính phủ này. Đó là Chính phủ, như trong bài diễn văn đã khẳng định là: Muốn tiến đến giải pháp hòa giải và hòa hợp dân tộc; khẳng định thành phần chính phủ gồm những vị đã từng là nạn nhân của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và chưa hề tham gia hoạt động trong chính quyền đó.
Ngày 30/4/1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Khi thời gian càng lùi xa, có nhiều sự kiện cần được bình tĩnh nhìn lại một cách khách quan hơn. Cùng điểm lại những giờ phút cuối cùng, xem lại bài diễn văn cuối cùng của Chế độ Sài Gòn không được trình bày, cùng để hiểu thêm về thời khắc lịch sử đặc biệt của đất nước.
Vũ Trung Kiên