Ngày 24 tháng 2 năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph. Ăngghen được công bố trước toàn thế giới, đánh dấu một bước ngoặt có tính lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tác phẩm “bằng ngàn bộ sách” này có ý nghĩa lịch sử to lớn, là sự chuyển biến của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học. Trong nhiều luận điểm lớn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các luận điểm về văn hoá, xã hội có giá trị lâu dài đến ngày nay.
Ấn phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của NXB Trẻ. Ảnh: Internet
Đặt con người là mục tiêu của sự phát triển
Tư tưởng giải phóng con người là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cũng là điểm xuất phát trong cách đặt vấn đề để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng. Phác họa trong cả 4 phần của Tuyên ngôn là mô hình xã hội mà trong đó con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có điều kiện để được phát triển toàn diện; con người là mục tiêu cao cả nhất của mọi sự đấu tranh, mọi cuộc cách mạng, mọi quá trình phát triển. “Mục đích của việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu đó cũng chính là để giải phóng lực lượng sản xuất, để "tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất lên"[i]. Chỉ khi lực lượng sản xuất được giải phóng thì mới có năng suất cao, sản phẩm xã hội dồi dào. Đó là con đường tất yếu để xây dựng xã hội mới.
Tuyên ngôn cắt nghĩa: sự vùng dậy của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản là với mục tiêu giải phóng mọi người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Mục tiêu hướng tới của xã hội tiến bộ sau này được vận dụng trong xây dựng nền văn hoá vô sản. Bản chất của nền văn hóa vô sản theo thế giới quan Mác – Lênin cũng lấy việc phát triển con người là mục đích cao nhất. Đây không phải là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà là một xu hướng tất yếu nảy sinh trong quá trình tìm kiếm con đường phát triển đúng quy luật của nhân loại. Điều đó, thêm một lần khẳng định tư tưởng vì con người hàm chứa những giá trị văn hóa cao mà loài người hướng tới. Giá trị nhân bản, giá trị văn hoá của Tuyên ngôn là nằm ở ý tưởng vĩ đại này.
Đề cao quyền tự do của con người
Trong Phần II của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định rằng, trong xã hội tư bản chỉ có nhà tư sản có tính độc lập và cá tính, còn cá nhân người lao động thì mất độc lập và cá tính. Do đó, phải xóa bỏ cá tính tư sản, tính độc lập tư sản, và tự do tư sản, thứ tự do buôn bán và bóc lột sức lao động của người khác, để hình thành xã hội mới trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Xuất phát từ thực tế lịch sử của nước Đức và một số nước ở Châu Âu lúc đó, những mục đích và lợi ích trước mắt của giai cấp vô sản bấy giờ là đấu tranh đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế thực hiện quyền tự do dân chủ; còn tương lai của phong trào là đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản. “Tất cả những lời phản đối nhằm chống lại phương thức cộng sản chủ nghĩa của sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm vật chất được tung ra, cũng nhằm chống lại sự sản xuất và chiếm hữu những sản phẩm tinh thần… Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng đang chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”[ii]. Việc giải phóng cá nhân phải gắn liền với giải phóng xã hội. Sự phát triển tự do của mỗi người phải gắn liền với một chế độ xã hội nhất định, một nhà nước nhất định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giải pháp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.”[iii]
Bàn về “Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là một mẫu mực về phương pháp luận nghiên cứu văn học. C.Mác và Ph.Ăngghen đã dành trọn cả phần III tác phẩm của mình để bàn về Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Theo tác giả, văn học có thể làm thay đổi nhận thức tư tưởng và hành động của một bộ phận công chúng trong quá trình tham gia các hoạt động cải tạo xã hội. Tuyên ngôn khẳng định: Các trào lưu xã hội chủ nghĩa xuất hiện như là một tất yếu lịch sử, vấn đề là xác định thái độ cụ thể với từng trào lưu. Tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa phi vô sản đều là trở ngại cho việc ra đời của chính Đảng; cần phê phán các trào lưu xã hội chủ nghĩa phản động của phong kiến tiểu tư sản; bảo đảm thắng lợi cho việc truyền bá học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân.
Đề cao giá trị đạo đức vô sản
Người cộng sản chủ trương xóa bỏ mặt tiêu cực của gia đình tư sản, khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì quan hệ gia đình tư sản cũng tiêu tan. Bởi vì quan hệ gia đình tư sản dựa trên tư bản, lợi nhuận cá nhân nhà tư sản, người phụ nữ bị coi như một công cụ sản xuất, dựa trên chế độ cộng thê, nạn mãi dâm chính thức và không chính thức. Đạo đức gia đình tư sản được phác họa trong Tuyên ngôn: “Đại công nghiệp phát triển càng phá hủy mọi mối quan hệ gia đình trong giai cấp vô sản và càng biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần, thì những lời huênh hoang của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về những mối quan hệ thân thiết gắn bó con cái với cha mẹ, lại càng trở nên ghê tởm”[iv]. Qua Tuyên ngôn, chúng ta thấy rằng, xã hội tư sản đã làm biến dạng không những quan hệ gia đình tư sản, mà cả quan hệ gia đình vô sản. Dưới ngòi bút phân tích sắc sảo của C.Mác và Ph.Ăngghen, đạo đức của con người trong xã hội tư sản được phơi bày qua các mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, dân tộc... Hãy xoá bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. C.Mác và Ph.Ăngghen nhận thấy cơ sở hình thành đạo đức là nền tảng kinh tế - xã hội, gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức và hoạt động thực tiễn của con người. Những giá trị đạo đức của giai cấp vô sản dưới chủ nghĩa tư bản sẽ hình thành nên đạo đức của xã hội tương lai, đó là đạo đức cộng sản, một kiểu đạo đức mang tính nhân văn, nhân đạo nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức, thì do đó, cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”[v].
Rất nhiều các luận điểm của Tuyên ngôn có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội ngày nay. Tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - ra đời cách đây đã 174 năm - không chỉ dừng lại ở một tác phẩm mà giá trị của nó vượt tầm thời gian, đi cùng khát vọng cao cả của loài người tiến bộ.
[i] C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, T.4, tr. 626
[ii] C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, T.4, tr.628
[iii] C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, T.4, tr.628
[iv] C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, T.4, tr.627
[v] C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, T.2, tr. 199-200
Triều Nguyễn