Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Định Hóa, Thái Nguyên. Trong thời gian từ tháng 5/1947 đến tháng 7/1954, Người đã ở và làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau ở An toàn khu Định Hóa; trực tiếp cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng để lãnh đạo sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi hoàn toàn
Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ra sức nỗ lực xây dựng, kiến thiết đất nước thì kẻ thù đã vi phạm trắng trợn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cố tình phá hoại nền hòa bình quý giá mà dân tộc ta vừa giành được.
Cuối năm 1946, trước những hành động gây hấn ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phải khẩn trương củng cố căn cứ địa Việt Bắc, với niềm tin: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”[1].
Cùng với Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc Cạn; Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, thuộc tỉnh Tuyên Quang; các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, thuộc tỉnh Thái Nguyên, được lựa chọn để xây dựng An toàn khu Trung ương.
Trong số các địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lựa chọn để xây dựng An toàn khu Trung ương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi đây là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên - trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, là vùng đệm tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng trung du với khu vực miền núi phía Bắc, với địa hình thiên hiểm “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”; hệ thống rừng rậm bạt ngàn có thể “che bộ đội, vây quân thù”; có mạng lưới giao thông, liên lạc thuận tiện trong vùng và với các tỉnh bên ngoài, cũng như thông ra biên giới, đảm bảo giao lưu quốc tế; có thể tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ của căn cứ địa cách mạng.
Không chỉ có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Định Hóa còn là địa phương có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhân dân các dân tộc nơi đây đã một lòng son sắt đấu tranh theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Chính vì những lý do đó, huyện Định Hóa, Thái Nguyên đã được lựa chọn xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi đứng chân các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và Mặt trận. Định Hóa, Thái Nguyên trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ATK Định Hóa, năm 1950 (Ảnh tư liệu)
Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên
Tại An toàn khu Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách và hoạt động quan trọng trên các lĩnh vực để lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Thứ nhất, đề ra những quyết định lịch sử quan trọng, giành thắng lợi từng bước về quân sự, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn.
Rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính, với niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã căn cứ tình hình thực tiễn, vào thế và lực của quân và dân ta để quyết định nhiều chủ trương lớn, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Một trong những quyết sách đầu tiên tại An toàn khu Định Hóa - thể hiện tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng là biến cục diện cuộc chiến từ thế bị động thành thế chủ động, lãnh đạo quân và dân ta đánh tan cuộc hành quân quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc Thu Đông năm 1947.
Tiếp đó, trước những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới và sự lớn mạnh của quân đội, tháng 7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Biên Giới và giành thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới, đánh dấu bước ngoặt về cục diện chiến tranh: quân ta giành quyền chủ động, tiến lên mở các chiến dịch lớn tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai; quân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, sa lầy trong chiến tranh ở Đông Dương.
Để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng, tại bản Tỉn Keo, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch, phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954.
Đặc biệt, tháng 1/1954, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Tập trung đại bộ phận chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương này”[2]. Quyết định đúng đắn đó, là cơ sở để quân và dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại trong Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo đẩy mạnh nhiệm vụ “kiến quốc”, phát động và tổ chức các phong trào thi đua ái quốc trong quần chúng nhân dân
Trong những năm sống và làm việc tại An toàn khu Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ luôn quán triệt sâu sắc và chỉ đạo sát sao nhiệm vụ “kiến quốc” gắn liền với nhiệm vụ “kháng chiến”.
Đền thờ Bác Hồ tại xã Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên
Một trong những yếu tố hàng đầu, tạo ra sức mạnh để lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công là xây dựng Đảng vững mạnh.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng đã cầm quyền, ngay trong những ngày đầu đến ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm không chỉ có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng mà còn là những chỉ dẫn, động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cùng với chăm lo công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ luôn quan tâm xây dựng bộ máy nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề ra nhiều chủ trương, ban hành các quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh phong trào “thi đua ái quốc” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhằm nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến đến thành công.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã nỗ lực vận động ngoại giao, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện có kết quả nhiều hoạt động đối ngoại, tăng thế và lực cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Tại An toàn khu Thái Nguyên, trong tình thế cách mạng bị bao vây cô lập, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương đối ngoại đúng đắn, chủ động và nỗ lực vận động ngoại giao để thiết lập quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác; tiến hành những hoạt động ngoại giao quan trọng như: Làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, tiếp và làm việc với đoàn cố vấn Trung Quốc, tiếp đại diện các Đảng Cộng sản Pháp, Thái Lan, Liên Xô…
Thông qua các hoạt động ngoại giao, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chủ trương đoàn kết quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nhờ vậy, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn về vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo thế và lực cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi.
Nhẫn Trần – Thúy Trần