Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc gắn với từng vùng, miền trong tỉnh đã và đang được khai thác có hiệu quả. Để góp phần làm sống lại những bộ môn nghệ thuật quý báu này có phần đóng góp không nhỏ của những nghệ nhân, những người luôn tâm huyết với việc “giữ lửa” cho thế hệ sau...
Có trực tiếp gặp, nghe câu chuyện kể về việc khôi phục, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, ta càng thêm yêu quý, trân trọng về sự tâm huyết và những đóng góp của các nghệ nhân cho nghệ thuật trình diễn dân gian này. Thực tế cho thấy, nhiều nghệ nhân đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, người ít tuổi cũng đã bước qua tuổi tứ tuần. Phần lớn là những người không có lương nhưng bằng niềm đam mê, sự tâm huyết, các nghệ nhân vẫn miệt mài sưu tầm, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc và truyền lại cho mai sau “hồn cốt” của dân tộc là việc làm rất đáng trân trọng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Như Chi “nổi danh” từ lâu đối với người dân thị trấn Bút Sơn nói riêng và nhiều người xứ Thanh đam mê nghệ thuật chèo nói chung. Ông được mọi người gọi với cái tên thân mật: ông Chi chèo. Đến với nghệ thuật chèo từ khi 18 tuổi với việc xin vào gánh hát chèo của xã và được các nghệ nhân dạy dỗ, truyền nghề. Hơn nửa đời người, ông đã sưu tập cho mình tài sản “khủng” về tri thức, về kỹ năng trình diễn chèo. Và cũng không phải nhiều người mà vừa có thể biểu diễn thành thạo tới 30 làn điệu chèo cổ, đồng thời có khả năng sử dụng điêu luyện nhiều loại nhạc cụ dân tộc gắn với bộ môn chèo như: sáo, nhị, đàn nguyệt... như ông Chi. Bên cạnh đó, ông còn tham gia sáng tác, đạo diễn và biên đạo múa nhiều vở chèo, được CLB Chèo Bút Sơn biểu diễn tại các sân khấu chèo không chuyên và đạt nhiều giải thưởng cao. Những sáng tác của ông cuốn hút người xem vì mang đậm hơi thở của cuộc sống mà vẫn đậm giá trị nghệ thuật.
Không chỉ làm “giàu” cho bản thân bằng vốn kiến thức phong phú của nghệ thuật chèo, mà chính tình yêu chèo đã thôi thúc ông phải làm tốt công tác truyền dạy nghề cho những người có chung niềm đam mê. Không chỉ truyền dạy nghề cho những hội viên trong CLB nghệ thuật dân gian thị trấn Bút Sơn, mà ông còn sẵn sàng lên đường để truyền dạy cách chơi nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, hát chèo cho những người yêu chèo khắp mọi nơi. Mọi người đều phục ông bởi sự “chịu chơi” khi làm được bao nhiêu ông lại dùng để đầu tư cho nghệ thuật, mua nhiều loa, đài, các loại nhạc cụ đàn, trống... Với những đóng góp của ông trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhiều năm qua, năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Trò Xuân Phả.
Nhắc đến trò diễn Xuân Phả, không thể không nhắc đến nghệ nhân ưu tú Bùi Xuân Hùng. Ông là một trong những thanh niên đầu tiên được các cụ lựa chọn để truyền dạy. Cách ông học cũng khác nhiều người. Không chỉ lắng nghe bằng miệng mà ông còn ghi chép tỉ mỉ. Trong cuốn tư liệu ấy, ông ghi chép đầy đủ bằng lời các câu hát, động tác, mà còn minh họa các tư thế múa bằng hình ảnh, để đảm bảo những người dân trong làng khi xem cuốn sách cũng có thể hiểu và múa được theo các động tác. Nhiều năm nay, với vai trò là chủ nhiệm CLB Xuân Phả, ông đã có nhiều đóng góp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật này. Không chỉ nắm giữ đầy đủ nhất những kiến thức về trò Xuân Phả qua từng nhịp trống, điệu múa, mà ông còn là người tích cực trong công tác truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nhiều năm qua ông cũng là người rất nhiệt huyết tham gia các sự kiện quan trọng của xã, của huyện cũng như của tỉnh. Ông đi đầu và luôn động viên người dân địa phương tích cực tham gia để giới thiệu cho nhiều người biết hơn về trò diễn “độc nhất vô nhị” ở Thanh Hóa.
Nghệ nhân ưu tú Thiên Hương (bên trái).
Cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, chị Nguyễn Thị Hương (nghệ danh Thiên Hương), sinh năm 1975, xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa xem đây là một món quà ý nghĩa trong suốt 28 năm gắn bó với nghề. NNƯT Thiên Hương tự hào khi kể với chúng tôi về truyền thống gia đình 6 đời làm nghệ thuật. Chị sớm tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn, của làng, rồi của huyện và tỉnh. Và việc chị gắn bó với các môn nghệ thuật dân gian không những là cái duyên mà còn là cái nợ. Không chỉ say mê với ca trù, chị Hương còn tâm huyết phục dựng môn nghệ thuật chèo - nghệ thuật truyền thống của quê hương. Chị tham gia hát, soạn lời, biên đạo và làm đạo diễn cho các tiết mục văn nghệ.
Khi hát ca trù, hát chèo đã có được những thành công nhất định, chị lại quyết định gắn bó sâu đậm với nghệ thuật hát xẩm và thành lập nhóm xẩm “Hương đồng nội xứ Thanh”. Theo chị thì thầy Tô Quốc Phương chính là nhịp cầu đưa chị đến gần và gắn bó với nghệ thuật hát xẩm. Bằng tình yêu, nỗ lực cống hiến, chị Hương hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều người yêu mến, tìm hiểu về hát xẩm hơn nữa để cùng chị gắn bó và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của “món ăn” dân dã, mộc mạc này. Khi dạy học trò, chị luôn nhắc nhở các cháu đã học thạo thì phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau. Đó mới là cái quý. “Hãy bảo vệ những môn nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ, chỉ khi hiểu thì các cháu mới yêu nghề, yêu nghề mới lan tỏa được và có lan tỏa thì mới giữ được các môn nghệ thuật này. Còn sống ngày nào, tôi còn “giữ lửa” ngày đó”, NNƯT Thiên Hương tâm sự.
Lời tâm sự của nghệ nhân ưu tú Thiên Hương cũng là nỗi lòng của biết bao nghệ nhân khác. Họ đã yêu, đã sống, đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian. Chính họ là những người đã, đang và sẽ góp một phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa của người xứ Thanh.
Theo vanhoadoisong