Vụ thảm sát Sơn Mỹ diễn ra ngày 16/3/1968 do quân đội Mỹ tiến hành tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, đã cướp đi tính mạng của 504 người dân vô tội. Con số người thiệt mạng chắc chắn đã nhiều hơn và vụ việc sẽ bị bưng bít không biết đến bao giờ, nếu như không có những người Mỹ dũng cảm đứng ra ngăn chặn bàn tay tội ác và những người Mỹ có lương tâm, quyết tâm đưa vụ việc ra ánh sáng công luận
Vụ thảm sát nhằm vào dân thường
Ngày 16/3/1968, một đại đội lính Mỹ được trực thăng vận đến càn quét thôn Mỹ Lai và một số thôn xung quanh, thuộc xã Sơn Mỹ. Địa điểm hành quân đươc đánh dấu trên bản đồ là Pinkville (Làng Hồng), nơi được báo cáo có một đơn vị quân giải phóng đang trú đóng.
Trước đó đơn vị này đã chạm trán với quân giải phòng và đã bị quân giải phóng gây ra một số thiệt hại, cho nên trong cuộc hành quân này, chủ trương của đơn vị cũng như tâm thế một số lính Mỹ là “trả thù” cho đồng đội bất kể điều đó có chính đáng hay không. Lính Mỹ được lệnh đốt sạch, giết sạch, phá sạch, được lệnh “bắn vào bất cứ thứ gì động đậy”
Vậy là vụ thảm sát đã diễn ra, hoàn toàn không chính đáng, bởi 504 người dân bị giết hoàn toàn là người già phụ nữ và trẻ em không tấc sắc trong tay, hoàn toàn không có khả năng chống cự. Không có Việt cộng nào với vũ khí nào thu được cho thấy cuộc hành quân đã tiêu diệt được một lực lượng lớn quân giải phóng như báo cáo sau đó. Cuối ngày hôm đó, truyền thông quân đội Mỹ đưa tin “128 Việt cộng đã bị tiêu diệt sau một ngày chiến đấu khốc liệt”. Tướng William Westmoreland, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại miền Nam Việt Nam lúc đó, thậm chí còn cho rằng đơn vị lính Mỹ càn quét Sơn Mỹ đã “hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc”.
Sau này, theo thống kê, quân đội Mỹ đã gây ra hàng chục vụ thảm sát dân thường tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, vụ thảm sát Sơn Mỹ là vụ thảm sát lớn nhất số lượng thường dân với những tình tiết gây rúng động dư luận thế giới, đặc biệt qua những bức ảnh của một số phóng viên chiến trường tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát.
Phi công Thomson trong một cuộc phỏng vấn tại Mỹ (Ảnh AP)
Những người Mỹ dũng cảm
Con số nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ có thể lớn hơn rất nhiều nếu không còn những người lính Mỹ dũng cảm đã thức tỉnh lương tâm và lấy tính mạng của mình ra để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của đồng đội.
Trong quá trình hỗ trợ cuộc tiến công, hai phi công người Mỹ trên một chiếc trực thăng đã không thể chịu đựng nổi việc đồng đội của họ thảm sát những người dân vô tội. Chính vì thế, khi những người lính Mỹ trong đại đội tiếp tục chuẩn bị thảm sát, thì họ đã hạ trực thăng xuống, đồng thời dùng tính mạng của mình để bảo vệ những người dân vô tội, ngăn chặn hành động thảm sát tiếp tục diễn ra.
Đó là phi công Hugh Thompson và xạ thủ Lawrence Colburn - những người lính Mỹ đã ngăn cản cuộc thảm sát.
Vào thời điểm ấy, Hugh Thompson và Lawrence Colburn, trong lúc hỗ trợ hành quân, đã bay qua bầu trời Sơn Mỹ và quyết định đáp xuống khi nhìn thấy những xác người.
Thompson trả lời phỏng vấn năm 2000: “Chúng tôi bắt đầu nghĩ về những gì có thể xảy ra, nhưng không muốn chấp nhận điều đó bởi nếu chấp nhận nó đồng nghĩa với việc đồng bào Mỹ của tôi đang làm điều đó thực sự xấu xa”.
Khi thấy nhóm lĩnh Mỹ có ý định tiếp tục thảm sát dân thường, Thompson nói với họ: “Nếu các anh bắn vào dân thường hoặc vào tôi, người của tôi sẽ bắn các anh”, Thompson yêu cầu Andreotta và Colburn, xạ thủ súng máy của trực thăng chĩa súng máy vào nhóm lính Mỹ.
Sau này, những phi công này cho rằng những gì họ chứng kiến tận mắt không phải là những gì được báo cáo rằng quân đội Mỹ đang tiến công vào một đơn vị quân giải phóng chống trả quyết liệt, ngược lại họ chứng kiến quân đội Mỹ đang thẳng tay thảm sát những người dân vô tội, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, những người không có khả năng tự bảo vệ. Nhiều người trong số họ thậm chí đã bị sát hại ngay dưới những căn hầm trú ẩn.
Viên phi công Mỹ và đồng đội đã cứu sống Đỗ Ba và chín người dân Mỹ Lai khác khỏi họng súng của đồng đội mình. Ông Đỗ Ba, một nạn nhân may mắn được viên phi công Thompson cứu sống kể lại: "Tôi đang nằm giữa đống xác người thì có chiếc tàu bay đậu xuống, hai ông Mỹ thấy tôi ngọ nguậy đã bế tôi lên". Cậu bé Đỗ Ba được lôi lên từ đống xác người và được đưa lên trực thăng bay ra Chu Lai cấp cứu.
Về tới căn cứ, Thompson đã báo cáo toàn bộ hành động tàn sát dân thường mà ông chứng kiến. Một số kế hoạch hành quân càn quét các ngôi làng quanh Sơn Mỹ sau đó đã bị hủy bỏ, có thể đã cứu sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người dân vô tội.
Báo chí Mỹ đăng tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ (Ảnh tư liệu)
Những người Mỹ có lương tâm
Cuộc thảm sát Sơn Mỹ nhanh chóng chìm vào bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt trong năm Mậu Thân. Vụ việc chỉ được dư luận Mỹ nhận thức, nhờ vào sự cắn rứt lương tâm của một số người lính đang tham chiến.
Sáu tháng sau, Tom Glen, một binh sĩ 21 tuổi từng tham gia chiến dịch "Pinkville" viết thư cho Tướng Creighton Abrams, người mới thay Tướng Westmoreland trong vai trò chỉ huy lực lượng Mỹ tại Việt Nam, nói về “những sự hẹp hòi chủng tộc và không quan tâm đến cảm giác của con người”, điều mà anh tin là không chỉ tồn tại trong đơn vị của mình, mà đang là hành vi phổ quát. Bức thư được Bộ Quốc phòng Mỹ cho điều tra, nhưng cuối cùng đưa đến kết luận “Quan hệ giữa lính Mỹ và người dân Nam Việt Nam là tuyệt vời”.
Vụ thảm sát được ỉm đi trong một thời gian khá dài cho đến cuối năm 1969 khi những người có lương tâm là những quân nhân từng trực tiếp đứng ra ngăn cản vụ thảm sát tiếp diễn và những nhiếp ảnh gia, phóng viên chiến trường, người đã chứng kiến tận mắt những tội ác của vụ ám sát, đã đứng ra tố cáo tội ác của quân đội Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam.
Và phải cho tới tận tháng 11/1969, nhờ sự vào cuộc của báo chí, những mảnh sự thật đầu tiên mới được phơi bày. Báo The Plain Dealer số ra ngày 20/11/1969 đăng những bức ảnh đầu tiên về cuộc thảm sát.
Những bức ảnh và lời tố cáo của họ đã gây rúng động chính trường và dư luận Mỹ.
Mike Hastie, một cựu binh và cũng là phóng viên chiến trường thời chiến tranh Việt Nam, sau vụ thảm át Sơn Mỹ từng phân tích: “Chính sách của Mỹ không chỉ là tiêu diệt kẻ thù trong chiến trận để ngăn địch tới vùng hòa bình, mà sát hại những người dân không vũ trang để tiêu diệt ý chí và khả năng chiến đấu”.
Đứng lên tố cáo tội ác của quân đội Mỹ, viên phi công Thompson và những người bạn của anh bị một số người coi là “kẻ phản bội” lợi ích của nước Mỹ, thậm chí có người lên tiếng đòi trừng phạt họ.
Tuy nhiên, vẫn có một người luôn tin vào các hành động chính nghĩa của viên phi công Mỹ là giáo sư David Egan tới từ Đại học Clemson. Ông đã phát động một chiến dịch thu thập chữ ký ủng hộ hành động dám đứng lên vạch trần hành động tàn ác của quân đội Mỹ, vận động chính phủ Mỹ vinh danh tổ bay của Thompson.
Không thể che giấu tội ác, quân đội Mỹ buộc phải mở cuộc điều tra về tội ác chống lại dân thường của họ tại Nam Việt Nam. Mặc dù sau đó, những bản án dành cho những lính Mỹ phạm tội ác tại Sơn Mỹ không thực sự thích đáng, nhưng nó cũng góp phần làm cho nhân dân tiến bộ thế giới, đặc biệt là nhân dân Mỹ, nhận rõ hơn bản chất cuộc chiến tranh của Mỹ đang tiến hành tại miền Nam Việt Nam và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ.
Có thể nói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dân tộc Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế, giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới, nhất là dư luận tiến bộ Mỹ. Điều đó có được một phần do chính những người Mỹ dũng cảm và có lương tâm, đứng ở phía bên kia cuộc chiến, nhưng đã nhận rõ tính chất phi nghĩa và những tội ác chiến tranh không có gì che đậy nổi, đã đưa vụ thảm sát ra ánh sáng.
Lê Minh