Không thể tránh được thất bại, trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chính trị nhằm cứu vãn hình ảnh của một cường quốc, một đồng minh lớn trước người bạn Nam Việt Nam của họ và phục vụ những mưu đồ chính trị sau này. Nỗ lực đó tập trung vào việc di tản người Mỹ, người nước ngoài và những người làm việc cho họ khỏi Nam Việt Nam, nhằm tránh một cuộc "tắm máu" trong tưởng tượng.
Operation Babylift – Chiến dịch di tản trẻ “mồ côi”
Ngày 29/3/1975, sau khi Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford tuyên bố: trước nguy cơ miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, trẻ em miền Nam sẽ được di tản đến nơi an toàn. Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến chi kinh phí 2 triệu USD trong một kế hoạch đưa khoảng 70.000 “trẻ mồ côi” ra khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá, đến những nơi an toàn hơn.
Bộ máy tuyên truyền của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tưởng tượng ra những cuộc "tắm máu" đối với những người có liên hệ với Hoa kỳ, từng làm việc cho Hoa Kỳ. Nạn nhân không chỉ là người lớn mà bao gồm cả trẻ em. Người ta đồn rằng "Bắc Việt" sẽ thiêu sống, mổ bụng và giết tất cả con lai, dù là trẻ sơ sinh. Các bà mẹ do vậy không còn cách nào hơn là gửi con sang Hoa kỳ, Châu Âu, châu Úc, nơi dang rộng vòng tay cứu vớt số con lai, trẻ mồ côi này.
Mưu đồ này bị bại lộ khi ngày 6/4/1975, phe chính trị đối lập tại Sài Gòn công bố một bức thư của Phan Quang Đán, đề ngày 2/4/1975, gửi Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, trong đó cho biết Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn G.Martin đã tư vấn cho chính quyền Sài Gòn, rằng: “Việc ra đi của một số lớn trẻ con sẽ gây nên sự xúc động sâu sắc trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ có lợi cho chính phủ Nam Việt Nam. Việc đưa được một số lớn trẻ con đi sẽ giúp chúng ta hướng dư luận về phía có lợi cho chúng ta. Khi những trẻ con này tới Mỹ, báo chí, vô tuyến truyền hình và đài phát thanh sẽ đưa tin về sự kiện này và ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn”.
Trẻ em trên một chuyến bay trong chiến dịch Babylift (Ảnh tư liệu)
Chủ trương của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn là như vậy, nhưng ngay cả ở Hoa Kỳ cũng có tranh cãi về động cơ của kế hoạch này. Luật sư Tom Miller, người sau này tham gia các vụ kiện xác định thân nhân trẻ, gọi chiến dịch Babylift là “một trong những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Hoa Kỳ nhằm đạt được sự cảm thông từ dư luận về cuộc chiến”.
Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn Hàm, nguyên Giáo sư, Nghị sỹ Hạ viện Việt Nam Cộng hòa thì cuộc di tản trẻ em này hoàn toàn mang động cơ tuyên truyền chính trị.
Chiến dịch Babylift bị bại lộ, đã gây nên sự phản đối không chỉ của các lực lượng chính trị đối lập tại Sài Gòn mà cả các tổ chức nhân quyền trên thế giới và ngay tại Hoa Kỳ. Tại Sài Gòn, ngày 6/4/1975, những người đối lập với Nguyễn Văn Thiệu, trong đó có luật sư Trần Ngọc Liễng, thượng tọa Thích Hiến Pháp, linh mục Chân Tín và bà Ngô Bá Thành đã công bố một bản sao bức thư của Phan Quang Đán gửi Thủ tướng Trần Thiện Khiêm bóc trần âm mưu đen tối trên. Các trung tâm bảo dưỡng trẻ mồ côi ở Nam Việt Nam cũng phản đối. Tại Washington (Mỹ), Stockholm (Thụy Điển) đã diễn ra biểu tình phản đối chiến dịch này. Báo Nhân Dân trích dẫn hãng tin UPI cho biết bà Cora Uây, một người lãnh đạo trong Ủy ban những người Hoa Kỳ chống chiến tranh ở Việt Nam tuyên bố Chiến dịch Babylift là "một cuộc ăn cướp những trẻ em sơ sinh."
Có những nhận định cho rằng Hoa Kỳ muốn biến thế hệ này thành những người mất gốc, mang ơn Hoa Kỳ, coi Hoa Kỳ là Tổ quốc, chống cộng sản...
Trên thực tế, nguyên nhân của việc nhiều trẻ bị chuyển đi dù không phải trẻ mồ côi là do bố mẹ chúng “tự nguyện” giao cho người Mỹ để tránh những tai họa khủng khiếp khi Nam Việt Nam rơi vào tai Bắc Việt.
Ngay lúc khởi đầu chiến dịch này, mục đích chính trị khuất tất của nó đã bị các cô nhi viện phát giác và tố cáo đồng thời họ nêu quyết tâm sẽ giữ các trẻ em, không để người ta mang ra nước ngoài. Các cô nhi viện xác nhận quyết tâm bảo vệ cô nhi Việt Nam đến cùng, không chấp nhận xuất cảng cô nhi phục vụ mưu đồ chính trị hậu chiến. Các cô nhi viện tại miền Nam lúc này đang nuôi dưỡng khoảng 4.000 trẻ em.
Do bị các cô nhi viện phản đối và số lượng trẻ em dự định đưa đi quá lớn, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn thậm chí sử dụng cả phương thức bắt cóc trẻ em để đưa đi. Hồi ký của ông Phan Văn Hàm cho biết, có những trẻ em đã bị mất tích một cách bí ẩn trên đường đi học và người ta nghi ngờ rằng đó là kết quả của việc thực hiện chiến dịch Babylift.
Cuối cùng, do vấp phải sự phản đối của dư luận tại miền Nam Việt Nam và dư luận quốc tế, chiến dịch Babylift đã không đạt mục tiêu ban đầu. Các tài liệu phương Tây như Operation babylift, The Legacy of Operation Babylift cho biết: Từ ngày 2/4 đến 26/4/1975, chiến dịch Babylift đã đưa khoảng 3.300 trẻ em Việt Nam đến Hoa Kỳ, Canada, châu Âu và Úc…Với 3.300 trẻ em đã bị mang đi, trong đó có nhiều trẻ em vốn vẫn có cha mẹ, đã gây ra nhiều cảnh biệt ly cho các gia đình, để lại hệ lụy xã hội mãi về sau. Nhiều trẻ em không đến được vùng đất hứa khi một chuyến bay của chiến dịch gặp tai nạn ngày 4/4/1975, khiến 78 trẻ em tử nạn.
Operation Frequent Wind - Chiến dịch Gió Lốc
Ngoài chiến dịch Babylift dự kiến đưa khoảng 70.000 trẻ em khỏi Nam Việt Nam, Tổng thống Ford đề ra kế hoạch di tản khoảng 130.000 người trong đó có công dân Hoa Kỳ, người nước ngoài và chủ yếu là người Việt Nam làm việc cho Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam.
Ngày 24/4/1975, một ngày sau sau khi Tổng thống Ford tuyên bố: "Đối với Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc", nhiều người dân, hầu hết làm việc cho Việt Nam Cộng hòa hay cộng tác với các cơ quan của Hoa Kỳ đã bắt đầu di tản khỏi Sài Gòn.
Dòng người xếp hàng bên ngoài Tòa Đại sứ Mỹ để di tản, ngày 24/4/1975
Nhiều người phải mua giấy chứng nhận kết hôn với công dân Hoa Kỳ với giá cắt cổ để có thể có được một suất ra đi. Một lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ canh gác sứ quán thuật lại: "Có những phụ nữ gào khóc với chúng tôi: "Đưa chúng tôi đi với, chúng tôi sẽ ngủ với anh. Vàng đây, tiền đây, trang sức đây, anh lấy gì cũng được. Nhưng hãy làm ơn cho tôi đi cùng!".
Ngày 28/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã gửi công điện yêu cầu công dân Hoa Kỳ rút hết khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 29/4, để người Việt Nam tự giải quyết công việc của mình.
Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện chiến dịch di tản rầm rộ nhất khỏi Nam Việt Nam bằng máy bay lên thẳng.
Theo kế hoạch, Hoa Kỳ huy động vào chiến dịch Gió Lốc 28 trực thăng cỡ nhỏ, 80 trực thăng cỡ trung và cỡ lớn, 28 điểm trung chuyển xe buýt đến 13 địa điểm có thể đỗ trực thăng, trong đó tập trung vào Cơ quan DAO và Tòa đại sứ Mỹ. Người di tản sẽ được đưa ra ngoài khơi Vũng Tàu, nơi có 50 chiến hạm Mỹ và 14 tàu vận chuyển đón người di tản.
Một trực thăng CH-46 trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ (Ảnh tư liệu)
Ba loại trực thăng chính tham gia chiến dịch là Huey (loại nhỏ, có thể đậu trên các nóc nhà trong thành phố), CH-46 (trực thăng vận tải hạng trung,đậu được trên nóc Tòa Đại sứ) và CH-53 (trực thăng vận tải hạng nặng, chỉ đậu được dưới sân tòa đại sứ).
10 giờ 48 phút ngày 29/4/1975, chiến dịch Gió Lốc chính thức bắt đầu.
Sự hoảng loạn lên cao độ khi các trạm xe buýt, các địa điểm tập trung người để đón máy bay trực thăng trở nên đông nghẹt và hỗn loạn. Đến tối 29/4, việc đón người di tản chỉ còn tập trung tại cơ quan DAO và Tòa Đại sứ Mỹ.
Những đoạn phim và bức ảnh những chiếc trực thăng với hàng người di tản đông nghẹt trên nóc tòa nhà Pittman tại Sài Gòn đã đi vào lịch sử.
Biển người chen nhau tìm cách di tản tại Tòa Đại sứ Mỹ, ngày 29/4/1975
Ngoài khơi, để đủ chỗ cho người di tản và máy bay cất, hạ cánh, nhiều máy bay trực thăng trị giá hàng triệu USD đã bị đẩy khỏi bong tàu xuống biển không thương tiếc.
Chỉ trong vòng 19 giờ, chiến dịch di tản mang tên Gió Lốc bằng máy bay trực thăng đã đưa khoảng 1.400 người Mỹ và 5.600 người Nam Việt Nam ra các tàu chiến ngoài khơi.
Chiến dịch di tản Gió Lốc diễn ra an toàn, Hoa Kỳ đã được thông tin qua ngả Liên Xô rằng họ có thể ra đi mà không gặp trở ngại nào. Không diễn ra các cuộc tiến công nhằm vào các máy bay di tản, mặc dù lúc đó, một lực lượng quân sự và vũ khí lớn của quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn, hoàn toàn có thể khai hỏa về phía các máy bay chở người di tản. Chính vì vậy, các máy bay chở người di tản đã không cần quá nhiều máy bay chiến đấu bay hộ tống.
Một chiếc tàu ngoài khơi Vũng Tàu, đông nghẹt người di tản (Ảnh tư liệu)
Tổng cộng, trong tháng 4/1975, Hoa Kỳ đã di tản được khoảng 70.000 người khỏi Nam Việt Nam, bằng khoảng 1/3 số người dự định ban đầu.
Đó là những cố gắng cuối cùng lấy lại chút hình ảnh của Hoa Kỳ trước thế giới khi buộc phải bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam của họ.
Nỗ lực nhân đạo của các chiến dịch này khi đó được đánh giá là thành công, nhưng Sài Gòn được giải phóng, miền Nam hoàn toàn rơi vào tay “Bắc Việt”, mà chẳng có cuộc tắm máu nào cả đối với những người từng làm việc cho Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa, cũng như không có chuyện con lai, trẻ mồ côi bị tẩm xăng đốt trên ngọn lửa như luận điệu tuyên truyền của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa khi đó.
Bình Nguyễn