Ngày 31/10/2022, nhà đấu giá Pháp Millon tại Paris có kế hoạch mang chiếc ấn vàng, từng được Hoàng đế Bảo Đại giao nộp cho chính quyền cách mạng, ra bán đấu giá với giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu Euro. Chiếc ấn vàng này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954
Gắn liền với lễ thoái vị của Bảo Đại
16 giờ chiều ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam được tổ chức trọng thể trước lầu Ngọ Môn kinh thành Huế. Hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế đến dự. Để có ấn tượng sâu sắc trong lễ thoái vị, thể theo đề nghị của Bảo Đại, phái đoàn đại diện Chính phủ cho phép treo lại cờ quẻ ly lên cột cờ Ngọ Môn.
Trong lễ phục chỉnh tề, khăn vàng, áo vàng, quần trắng, dày dừa thêu rồng, Bảo Đại xúc động đọc bản Tuyên cáo thoái vị trước đông đảo quần chúng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời Bảo Đại được nói chuyện trước công chúng, cũng là giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn. Cờ quẻ ly, một sản phẩm của chế độ Nhật thuộc ngắn ngủi, được hạ xuống và cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên giữa những tràng vỗ tay và tiếng hoan hô như sấm, đan xen bởi những phát súng nổ vang trời chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh . Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và tiếp nhận Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm trong vỏ nạm ngọc do Bảo Đại chuyển giao cho Chính phủ.
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn, Hoàng đế chi bảolà kim ấn lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất của vương triều Nguyễn.
Ấn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông với kích thước 13,8x13,7 cm. Quai ấn hình rồng năm móng ở tư thế cuộn, đầu ngẩng cao, trán khắc chữ 王 (vua), đuôi uốn ra phía sau theo hình xoắn ốc, vây dọc thân rồng, bốn chân chắc chắn.
Mặt trên của ấn có khắc hai dòng chữ: "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (Được làm vào ngày 4 tháng 2, năm thứ 4 đời vua Minh Mạng) và "Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân" (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân). Tức là ấn được làm vào ngày 4 tháng 2, năm thứ tư đời vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823, trọng lượng 10,7 kg. Đế ấn có in dòng chữ "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế).
Trong lễ thoái vị vào ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn Hoàng đế chi bảo, cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Tranh tái hiện Lễ thoái vị của Bảo Đại ngày 30/8/1945 (Ảnh Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế)
Được mang ra báo cáo tại Lễ độc lập
Ngày 2/9/1945, tại Lễ độc lập được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, ấn vàng Hoàng đế chi bảo cùng thanh bảo kiếm được Bảo Đại trao cho Phái đoàn Việt Minh tại Lễ thoái vị ở Huế được báo cáo trước quốc dân đồng bào.
Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức Lễ độc lập, trong hồi ký Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập, cho biết: "Trở về phòng thường trực Ban Tổ chức, tôi yêu cầu Trần Lê Nghĩa, cũng là Phó Ban Tổ chức sửa soạn ngay một chiếc bàn con kiểu trang nhã có kèm theo một khăn phủ bằng nỉ hay lụa màu xanh lá cây và dặn: "Ấn, kiếm sẽ để trên bàn ấy kê trước mặt Cụ Hồ”. Ông mô tả: “Lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm nhưng dày hơn, chỉ ngắn bằng hai phần ba vỏ kiếm, chỗ bản rộng nhất độ hai phân, vuốt nhọn như lá lúa. Vỏ kiếm chạm nổi tỉ mỉ…Còn ấn, theo một nhà nghiên cứu sử, nó được đúc vào quãng năm 1744, Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trên ấn hình vuông (núm to cũng hình vuông) Nguyễn Phúc Khoát cho khắc bốn chữ Hán “Vương Quốc Chi Ấn"
“Đến lượt Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn trên chiếc bàn con để ấn, kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn, kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay ông để ông tạm ngừng lại. Rồi tôi, tay phải cầm lấy thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên cao để đồng bào thấy. Chẳng ngờ thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không nhúc nhích – nó nhỏ thôi mà sao nặng quá thế! (sau này tôi mới biết nó nặng trên 5 kilôgam). Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống phía dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ. Trong khi tay trái với thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn… Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn năm phút liền”.
Thực ra, như đã mô tả ở trên,chiếc ấn nặng trên 10 kg, nên việc ông Nguyễn Hữu Đang gặp khó khăn khi phải cố sức để nâng chiếc ấn trên Lễ đài độc lập cũng là hợp lý.
Thất lạc sau toàn quốc kháng chiến và được tìm thấy năm 1952
Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Sau hai tháng chiến đấu giam chân quân đội Pháp trong thành phố, đầu năm 1947, quân đội ta rút khỏi Hà Nội. Không có điều kiện đem theo những bảo vật tượng trưng cho sự cáo chung của chế độ phong kiến Việt Nam lên chiến khu, ấn vàng Hoàng đế chi bảo cùng thanh kiếm đã được chôn giấu một địa điểm thuộc ngoại thành Hà Nội khi đó. Đây là một ngôi nhà cơ sở in tiền của Việt Minh tại làng Nghĩa Đô. Ngôi nhà sau đó cũng bị phá hủy do chiến tranh.
Thật vô tình, những bảo vật này lại rơi vào tay người Pháp.
Các tài liệu về việc tìm thấy ấn, kiếm vàng được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (bản tiếng Pháp) cho biết như sau:
“Năm 1952, ngày 28 tháng hai, 16 giờ. Chúng tôi, TRAN NGOC THU, quận trưởng Quảng Bá-Yên Thái, gửi biên bản tường trình sự việc như sau:Theo tường trình của ông TOCE Raymond, chỉ huy Tiểu đoàn Dù số 2 tại LIEU GIAI rằng, các lao công trong khi đào móng của một ngôi nhà đổ nát trong làng NGHIA DO để thu nhặt gạch vỡ, đã tìm thấy hai thùng trong đó có một thanh kiếm và một chiếc ấn đều bằng vàng.
Chúng tôi đã giao lại hiện vật cho ông TOCE và chứng nhận đó là:
1- Một chiếc kiếm vàng, chuôi bằng ngọc, và bao kiếm có chạm những dòng chữ bằng tiếng Hán “Chế tạo thời trị vì của KHAI DINH, bằng vàng ròng, nặng 4 lạng 75.
2-Một ấn hình vuông bằng vàng khối, núm cầm hình rồng có hàng chữ từ trên và dưới
a- Dòng thứ nhất “Tài sản quý của Hoàng đế.»
b-Dòng thứ hai “Được đúc vào năm thứ tư thời trị vì của MINH MANG, ngày thứ tư và tháng thứ hai.»
c- Vàng ròng, nặng 280 lượng, 92.
Chúng tôi đã bàn giao lại chiếc ấn và kiếm cho ông chỉ huy TOCE và yêu cầu chuyển lại cho nhà cầm quyền Việt Nam”.
Phần tiếng Việt trong hồ sơ vụ việc ghi như sau:
“Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá - Yên Thái ngày 28/2/1952 gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long (hồ sơ số 16 Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Đà Lạt):
“Trân trọng trình ông rõ: hồi quá trưa ngày 28 tháng 2 năm 1952 hôm nay, được tin mật báo là bọn công nhân của tiểu đoàn nhảy dù 2è BBC đóng tại Liễu Giai đi tìm gạch vỡ tại một ngôi nhà tàn phá trong Nghĩa Đô, tìm kiếm đào chân móng đã thấy một ống kẽm và một hộp kẽm trong đựng một thanh kiếm và một chiếc ấn vàng.
Tôi thân đến liên lạc với vị chỉ huy là thiếu tá Toce Raymond thì vị võ quan này nói là cũng sắp báo tôi biết về việc đó.
Tôi xét hai bảo vật này thì là:
Một Thanh kiếm vỏ bằng vàng trạm, chuôi bằng ngọc thạch có khắc hai giòng (dòng) chữ “Khải Định niên chế” và “Trọng kim tứ lạng thập thất phân” (kiếm nặng 4 lượng 17 phân)
Một quả ấn bằng vàng nuột, tay nạm là một con rồng, trong có khắc 4 chữ “Hoàng đế chi bảo” và phía trên có hai giòng (dòng) chữ nho “Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (ấn được đúc vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 4) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (trọng lượng 280 lạng, 9 tiền, 2 phân.)
Nhận, hai vật này là Hoàng triều Quốc bảo mà hiện đã vào tay vị chỉ huy tiểu đoàn Pháp, không tiện lấy về trình ông kính đệ Phủ Thủ Hiến, tôi đã lập biên bản giao cho Thiếu tá Toce để nhờ chuyển lên chính phủ.”
Báo cáo ngày 28/2/1952 ghi thêm:
“Nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn phá hết cả tường của Hà Văn Dô (Hà Văn Đô ?) tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô hiện nay còn ở Hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh.Bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ, ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đem chôn dấu vào móng tường nhà này”.
Tiếp đó, ngày 19/4/1952, Văn phòng Thủ hiến Bắc Việt có bản tường trình gửi Đổng lí Văn phòng Quốc trưởng về việc tìm thấy ấn, kiếm tại làng Nghĩa Đô.
Ngự lâm quân nâng ấn và kiếm do quân Pháp tìm thấy và trao lại cho Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Đại tại Hà Nội ngày 8/3/1952 (Ảnh tư liệu)Trao trả cho Bảo Đại và chuyển sang Pháp
Ngày 8/3/1952, Pháp tổ chức trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, lúc này là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam, được Pháp dựng lên. Lễ trao lại ấn kiếm diễn ra tại Hà Nội, tuy nhiên Bảo Đại không có mặt trong buổi lễ. Bảo Đại giao nhiệm vụ cho Đặc uỷ viên Văn phòng Quốc trưởng tại Hà Nội Lê Thanh Cảnh tiếp nhận hai bảo vật này và chuyển vào Nam cho ông.
Năm 1996, bà Mộng Điệp, thứ phi của Bảo Đại, kể lại trong hồi ký chính tay bà đã lau chùi cặp ấn kiếm khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho bà. Cái ấn bằng vàng, bà cân nặng 12,9 kg. Bà Mộng Điệp kể rằng Bảo Đại có vẻ không mặn mà lắm với việc được trả lại ấn kiếm, ngoài việc coi nó là tài sản lớn với trọng lượng trên 10 kg vàng.
Năm 1953, chiến tranh trở nên ác liệt, Việt Minh thắng thế, quân đội Pháp chủ trương rút khỏi chiến tranh Đông Dương, Bảo Đại cử bà mang ấn và kiếm sang Pháp để giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long.
Năm 1963, hoàng hậu Nam Phương qua đời, hiện vật được Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng châu Âu). Trong tập hồi ký Le Dragon d’Annam (Con rồng An Nam, xuất bản năm 1980), bà Mộng Điệp cho biết cựu hoàng muốn dùng ấn đóng vào sách để làm tăng giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, Bảo Long không cho mượn.
Bảo Đại kiện con trai ra tòa để đòi lại hiện vật. Tòa án tại Pháp sau đó tuyên Bảo Đại được sở hữu kim ấn, Bảo Long giữ bảo kiếm.
Năm 1982, cựu hoàng kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, bao gồm cả ấn vàng, cho vợ.
Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, từ đó đến nay, nhiều tài sản quý của bà được mang đi bán đấu giá.
Ấn vàng dự kiến sẽ được đấu giá vào 14 giờ (giờ Paris) ngày 31/10/2022.
Lê Minh