Những sự thật lịch sử không thể đảo ngược và xuyên tạc
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước vùng dậy giành chính quyền, làm nên thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám. Đến hẹn lại lên, các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc lịch sử cách mạng Tháng Tám, nhưng sự thật lịch sử thì không thể xuyên tạc và đảo ngược
Gần tới ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, một số chiếc “loa rè” lại bắt đầu dàn đồng ca với điệp khúc cũ mèm là “Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim”. Trên Facebook của một người còn ngang nhiên phán rằng “sự kiện ngày 19/8/1945 chỉ là một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp trước đó là Đế quốc Việt Nam, do Đức vua Bảo Đại lập nên với Thủ tướng đầu tiên là ông Trần Trọng Kim”. Và rằng, “với tuyên cáo độc lập vào ngày 11/3/1945 của Đức vua Bảo Đại,… thì Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, mà không phải cần đến cái gọi là "Tuyên ngôn độc lập" vào ngày 2/9/1945 của ông Hồ Chí Minh…”…(?).
Sự thật có phải như vậy? Câu trả lời dứt khoát là KHÔNG.
1. Đúng là ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại đã ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân ký với Pháp để người Pháp thiết lập nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng vì đâu có đạo dụ này? Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền trên toàn cõi Đông Dương. Phát xít Nhật đã hứa với vua Bảo Đại sẽ giúp để trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Mưu đồ của Phát xít Nhật là thành lập ra bộ máy cai trị để thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam.
Lịch sử đã đủ dài và đủ dữ liệu để thấy rằng thực chất trao trả độc lập chỉ là chiêu bài mua chuộc của phát xít Nhật đối với Bảo Đại khi ấy. Đó là lý do mà Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ngày 17/4/1945 và danh sách nội các được trình vua Bảo Đại phê chuẩn. Ngoài Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim và Phó Tổng trưởng Nội các kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Chương, nội các Trần Trọng Kim có 9 bộ khác gồm: Nội vụ (Trần Đình Nam), Tư pháp (Trịnh Đình Thảo), Giáo dục và Mỹ nghệ (Hoàng Xuân Hãn), Tài chính (Vũ Văn Hiền), Thanh niên (Phan Anh), Công chính (Lê Văn Lang), Y tế (Vũ Ngọc Ánh), Kinh tế (Hồ Tá Khanh), Tiếp tế (Nguyễn Hữu Thi). Như vậy, nhìn vào danh sách nội các này không thấy có Bộ Quốc phòng, An ninh. Một chính phủ không có quân đội, danh sách nội các phải trình xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại sứ Nhật Bản tại Huế là Masayuki Yokoyama. Vậy nên nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đó là chính phủ chuyển từ lệ thuộc thực dân Pháp sang Phát xít Nhật.
Những ngày Tháng Tám sôi sục ở Hà Nội (ảnh trái) và ở Sài Gòn (ảnh phải))
Ảnh: hochiminh.vn
Ngày 30/3/1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda đã không dấu giếm mà nói rằng: “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam Kỳ”.
Chính vị Bộ trưởng Thanh niên trong Chính phủ là Phan Anh sau này đã viết: “Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!”.
Có lẽ vì vậy mà mặc dù phải thoái vị ngày 25/8/1945 để trao quyền lại cho quốc dân, song vua Bảo Đại cũng đã nói lên được sự thực từ đáy lòng: “Trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập”. Thủ tướng Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi” đã than phiền rằng mặc dù làm Thủ tướng nhưng ông cũng không có toàn quyền quyết định mà đều phải xin ý kiến quyết định từ người Nhật. Chính ông Trần Trọng Kim đã nhìn ra bản chất thật của Phát xít Nhật nên ông đã viết trong hồi ký “người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình.”
2. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Kể từ khi người Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858, mấy thế hệ người Việt Nam đã lớp nối nhau ra pháp trường và vào nhà tù. Miền Nam nước Việt đã trở thành lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp và có thống đốc cai trị. Miền Bắc trở thành nửa thuộc địa, vừa có quan Pháp cai trị lại vừa có quan Nam triều, nhưng trên hết thảy là một Thống sứ người Pháp. Trung Kỳ được giao cho Nam triều và gọi là An Nam nhưng thực chất mọi việc đều do Khâm sứ người Pháp quyết định. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, người Pháp sau đó đã thỏa hiệp với Phát xít Nhật quay lại đè đầu, cưỡi cổ dân Việt. Một cổ hai tròng nên cuối năm 1944 đầu năm 1945 hai kẻ chánh phạm và tòng phạm này đã gây ra cái chết cho 2 triệu đồng bào Việt Nam.
Tháng 8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có vỏn vẹn khoảng 5.000 đảng viên, rất nhiều trong số những này còn bị giam cầm trong nhà tù của đế quốc, thực dân. 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm nên một cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, kết thúc hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Thành công nhanh chóng và triệt để của cuộc cách mạng vĩ đại này chỉ có thể là lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng của người dân Việt Nam khi ấy.
Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19/8/1945. (Ảnh: TTXVN)
Chỉ chưa đầy một tuần sau thắng lợi của cách mạng ở Hà Nội thì ngày 25/8/1945, cách mạng Tháng Tám đã thành công ở Sài Gòn. Thành trì mấy chục năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và sau này của cả phát xít đã tiêu tan. Có một điều kỳ lạ diễn ra trong cách mạng Tháng Tám là nhiều quan lại cao cấp của chính quyền phong kiến, thực dân, nhiều nhà tư sản nổi tiếng, nhiều trí thức tên tuổi đã đi theo tiếng gọi của Nhân dân, của đất nước để cùng hòa mình trong dòng thác vĩ đại sục sôi này của dân tộc.
Cuộc giành chính quyền ở Hà Nội sở dĩ thành công nhanh chóng cũng có phần công lao đóng góp quan trọng của vị Khâm sai Bắc Bộ Chính phủ Trần Trọng Kim là cụ Phan Kế Toại. Ngay trước khi cách mạng diễn ra, vị Khâm sai yêu nước này đã ra lệnh đóng cửa Phủ Bắc Bộ để giao quyền cho Việt Minh. Rất nhiều trí thức nổi tiếng là thành viên Chính phủ Trần Trọng Kim sau này đều đi theo cách mạng hoặc có những đóng góp bằng cách này hay cách khác cho cách mạng như Trịnh Đình Thảo, Phan Anh, Phan Kế Toại… Nhiều quan lại của Nam Triều, tức chính quyền phong kiến của nhà vua Bảo Đại cũng đi theo cách mạng như: Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Đặng Văn Hướng. Nhiều nhà tư sản nổi tiếng không những đi theo cách mạng mà còn đóng góp phần lớn tài sản cho cách mạng như các gia đình ông Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh, đại điền chủ Nam Bộ Cao Triều Phát, Giáo chủ Nguyễn Ngọc Tương, Huỳnh Thiện Lộc,...
3. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cho dù người Pháp có quay lại cộng tác với Phát xít Nhật thì thực chất cai trị Việt Nam lúc ấy chính là Phát xít Nhật. Vì vậy, cho đến trước ngày Ủy ban giải phóng và sau đó là Chính phủ lâm thời được lập ra, tại Việt Nam vẫn không có độc lập, tự do. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.
Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì Nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Tác giả người Anh Thomas Hodgkin trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam” đã đánh giá về Cách mạng Tháng Tám: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
Nhà sử học Na Uy S.Tonnesson trong cuốn sách viết về Việt Nam đã khẳng định: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”…
Đó là những sự thật lịch sử không thể đảo ngược và xuyên tạc.
Vũ Trung Kiên