Khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940 là mốc son chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong cuộc khởi nghĩa đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ anh hùng, bất khuất trong vai trò người lãnh đạo, chỉ huy khởi nghĩa, tiêu biểu cho ý chí kiên cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
“Hoàng hậu đỏ” Nguyễn Thị Bảy (1909-1941), chỉ huy khởi nghĩa tại Cần Giuộc (Chợ Lớn)
Nguyễn Thị Bảy tên thật là Nguyễn Thị Lục, tham gia cách mạng lúc 19 tuổi và sớm gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 25 tuổi, Nguyễn Thị Bảy được chỉ định vào Quận ủy Cần Giuộc. Năm 1936, Nguyễn Thị Bảy là Tỉnh ủy viên tỉnh Chợ Lớn và là Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ dân chủ tỉnh Chợ Lớn.
Trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, bà là người chỉ huy chủ yếu cuộc nổi dậy ở Cần Giuộc, được quần chúng cách mạng rất tín nhiệm.
Khoảng 3 giờ chiều ngày 14/12/1940, hai đồng chí Nguyễn Thị Bảy, Trần Chí Nam - Tỉnh ủy viên, thành viên Ban Chỉ đạo khởi nghĩa tỉnh Chợ Lớn trên đường đi công tác qua bến đò Long Đức Đông, cách thị trấn Cần Giuộc khoảng 1km, bất ngờ gặp một toán lính đi càn quét. Biết bị lộ, hai đồng chí tạt xuồng vào mé bờ. Đồng chí Trần Chí Nam bị bọn lính Lê dương bắn, hy sinh tại chỗ. Nguyễn Thị Bảy nhảy xuống sông, ráng sức nhấn chìm chiếc xuồng để thủ tiêu tài liệu nhưng bị địch bắt đưa về đồn.
Thực dân Pháp và tay sai đánh đập bà vô cùng tàn nhẫn, như lấy súng đánh vào đầu bà, máu tuôn ướt đẫm. Bà lấy máu mình bôi vào bọn chúng và nói: “Tôi muốn cho các người thấy tôi cũng như các người, cũng đầu đen máu đỏ, là người Việt Nam da vàng như nhau. Tôi chỉ là một người đàn bà yêu nước, các người đánh tôi như thế này không thấy nhục sao?!”.
Từ Cần Giuộc, chúng giải bà về bót Pôlô và tiếp tục dùng đủ cực hình tra tấn dã man. Mỗi lần bị nhục hình, bà lại trừng mắt nhìn thẳng mặt quân thù, đanh thép nói: “Chúng bây là bọn người cướp nước và bán nước! Vì vậy, chúng tao là những người Cộng sản có nhiệm vụ cùng nhân dân đánh đổ bọn bây, giành lại nền độc lập cho đất nước”.
Trước tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Bảy, bọn lính bót Pôlô đành phải bó tay khuất phục. Chúng đặt cho bà biệt danh “Hoàng hậu đỏ”, chuyển bà sang khám Phú Mỹ, nơi biệt giam những nữ tù nhân để chờ ngày đưa ra tòa án quân sự kết án. Bà bị giam chung với Nguyễn Thị Minh Khai, cả 2 đều mang án tử hình.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Bảy thường căn dặn các đồng chí, đồng đội của mình: “Sớm muộn gì địch cũng xử tử tôi. Chị em cứ mạnh dạn đấu tranh, có chuyện gì tôi nhận hết!”.
Sau 4 tháng bị giam giữ, Nguyễn Thị Bảy bị kết án tử hình. Hôm ra tòa, bà vẫn lạc quan, bình tĩnh. Ôm chặt các bạn tù lần cuối cùng, bà không quên dặn dò: “Các đồng chí ở lại ráng đoàn kết đấu tranh để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên!”.
Ngày 26/5/1941, Thực dân Pháp xử bắn Nguyễn Thị Bảy cùng 4 đồng chí (Đang, Châu, Thiệp và Tiếu) tại sân bóng Cần Giuộc.
Trước lúc mất, bà đã nói với đồng bào Cần Giuộc “Đồng bào hãy tiếp tục đấu tranh đánh đế quốc Pháp giành lại độc lập dân tộc. Kỳ này khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công”5.
Năm 2010, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 212-QĐ/CTN, ngày 23-2-2010, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thị Hồng (1915-1992), chỉ huy khởi nghĩa tại Vũng Liêm (Vĩnh Long)
Nguyễn Thị Hồng, tên thật là Hà Thị Lan, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi ở đoàn hát Đồng Ấu Ban (1930). Sau đó, tham gia công tác nội thành, rải truyền đơn, chuyển tài liệu, vũ khí cho cơ sở cách mạng ở thành phố Sài Gòn, làm phóng viên với bút danh Hồng Hoa, viết cho báo Dân Chúng (Sài Gòn)… và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938 khi mới 23 tuổi.
Năm 1940, để chuẩn bị thực lực khởi nghĩa, Nguyễn Thị Hồng được phân công về Vũng Liêm hoạt động, đã phát triển, củng cố được 6 chi bộ và được bổ sung vào Quận ủy Vũng Liêm.
Sau khi đồng chí Lê Quang Phòng bị địch bắt, bà được bổ sung làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy, chỉ đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm.
Đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, Nguyễn Thị Hồng trực tiếp chỉ huy 50 chiến sĩ xung kích và 300 quần chúng cách mạng tiến đánh quận lỵ Vũng Liêm. Lực lượng cách mạng đánh chiếm dinh quận, diệt ác ôn, thu vũ khí, thiêu hủy toàn bộ tài liệu. Các xã trong quận nổi dậy, chiếm trụ sở giành thắng lợi, lập chính quyền cách mạng và tòa án cách mạng.
Nhưng do tương quan lực lượng giữa quân khởi nghĩa và chính quyền thuộc địa quá chênh lệch, sau 7 giờ, thực dân Pháp chiếm lại quận lỵ và truy lùng, đàn áp khốc liệt cuộc đấu tranh. Nguyễn Thị Hồng chuyển địa bàn hoạt động, làm Bí thư Quận ủy quận Châu Thành (tỉnh Rạch Giá).
Tháng 5/1941, bà bị địch bắt, kết án 5 năm tù và giam ở khám Chí Hòa (Sài Gòn)2.
Từ năm 1945 đến năm 1992, Nguyễn Thị Hồng tiếp tục hoạt động cách mạng và được giao phó nhiều chức vụ quan trọng, như: Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Vĩnh Trà; Bí thư quận ủy Vũng Liêm; Bí thư Thị xã Trà Vinh…
Với những cống hiến trong quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Thị Hồng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý.
Nguyễn Thị Thập (1908-1996), Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho
Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Từ năm 20 tuổi, bà đã giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia tổ chức Nông hội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1931, lấy bí danh là Mười Thập. Sau đó, bà thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre, Sài Gòn.
Tháng 4/1935, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5/1935, bà bị Pháp bắt, bị kết án tù. Hết hạn tù, bà về quê bí mật tham gia hoạt động cách mạng. Sau cuộc lãnh đạo nông dân biểu tình chống thuế ở xã Long Hưng, bà lại bị bắt giam nhưng đã được đồng bào các xã Long Hưng, Long Định kéo tới giải thoát.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập trong một lần về thăm Tiền Giang và kể lại diễn biến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang)Năm 1940, Nguyễn Thị Thập tham gia Ban Lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Mỹ Tho và được phân công trong Ban Chỉ huy khởi nghĩa, theo dõi chỉ đạo cánh quân giành chính quyền tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành.
Sáng 23/11/1940, cánh quân đánh đồn thuộc xã Tam Hiệp xuất phát, trống mõ nổi lên đều khắp. Đến 12 giờ trưa, lực lượng khởi nghĩa đã hạ xong các đồn Tam Hiệp, Thạnh Phú, Chợ Giữa, Phước Thạnh, Cầu Đúc. Ủy ban khởi nghĩa cử chính quyền cách mạng, tòa án nhân dân và chỉ định một đại đội du kích đi theo ủng hộ đồng bào đến kho thóc của một số nhà giàu chở thóc đi xay giã để cung cấp cho quân khởi nghĩa, phát chẩn cho đồng bào nghèo3.
Năm 1945, Nguyễn Thị Thập tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho.
Năm 1946, bà được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau khi tập kết ra Bắc, Nguyễn Thị Thập giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Thị Thập được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam và danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngô Thị Huệ (1919), lãnh đạo Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long
Ngô Thị Huệ tên thật là Ngô Thị Ngỡi, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 11 tuổi với vai trò giao liên. Năm 1936, khi mới 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng, sau đó, tham gia hoạt động cách mạng với nhiều cương vị như Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (1937), Tỉnh ủy viên tỉnh Trà Vinh (1938), Tỉnh ủy viên tỉnh Cần Thơ (1939), Ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây (1940).
Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ngô Thị Huệ trực tiếp lãnh đạo Khởi ngĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 tại Vĩnh Long.
Khi Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, Ngô Thị Huệ bị kết án tù 12 tháng nhưng sau đó được tuyên trắng án.
Tháng 6/1942, bà bị bắt lần hai và bị tuyên án khổ sai chung thân, bị giam cầm, tra tấn lần lượt ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hoà rồi đày ra Côn Đảo.
Đến tháng 6/1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục bà mới được giải thoát về Bạc Liêu4 và tham gia Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Bạc Liêu.
Năm 1946, bà được bầu vào Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngô Thị Huệ tiếp tục tham gia công tác trong Ban Tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ, Ban Phụ vận Thành ủy.
Năm 1959, bà cùng các con ra Hà Nội học tập và công tác.
Bà từng giữ trọng trách Vụ trưởng Vụ Tổ chức Ban Cán bộ Trung ương, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, năm 1960.
Bà Ngô Thị Huệ trong Lễ trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, ngày 18/5/2020
tại Thành phố Hồ Chí Minh
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Cùng với Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ và Binh biến Đô Lương là tiền đề thực tiễn quan trọng để Đảng đề ra chủ trương, đường lối đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, báo hiệu thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trọng Hùng
1 Phan Ngọc Liên (Chủ biên): Từ điển tri thức lịch sử phổ thông thế kỷ XX, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2020, tr.455-456.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh uỷ Vĩnh Long: Chuyên đề 4: Nhân vật lịch sử tỉnh Vĩnh Long, https://vinhlong.dcs.vn/tin-tuc/-/journal_content/56_INSTANCE_bWzVDmEUvD6u/10180/723228.
3 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: Những người phụ nữ lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940, http://www.baotangphunu.com/index.php?option=com_content&view=article&id=98:nhng-ngi-ph-n-lanh-o-phong-trao-khi-ngha-nam-k-ngay-23111940&catid=47:nhan-vt-s-kin&Itemid=70.
4 Ngô Thị Huệ: Tiếng sóng bủa ghềnh, Hồi ức, Nxb. Trẻ, TP.HCM, 2011.
5 Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Vĩnh Long: Những phụ nữ lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940, https://congan.vinhlong.gov.vn/tin-tuc/-/journal_content/56_INSTANCE_sJaRkI9m9m1g/10180/215703