Trong giai đoạn 1939-1945, ra đời và lưu hành bí mật trong ngục tối, luôn bị kẻ thù ngăn cấm, truy xét, nhưng báo chí cách mạng luôn là vũ khí đấu tranh đầy hiệu quả của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị tù đày
Những tờ báo tiêu biểu
Báo chí trong tù giai đoạn 1939-1945 hoạt động trong hoàn cảnh bí mật, khó khăn, nguy hiểm nhất, song với tinh thần “mỗi một tổ chức Đảng cần ra một tờ báo” để phục vụ nhiêm vụ cách mạng, đã thôi thúc các tổ chức Đảng-các tổ chức đảng, đảng viên trong các nhà tù, trại giam của thực dân Pháp nỗ lực hoạt động báo chí. Số lượng các tờ báo không nhiêu, song có những tờ báo tiêu biểu, có đóng góp lớn trên mặt trận tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ Đảng, cổ vũ người tù kiên định, vững vàng đấu tranh.
Báo Suối reo- tờ báo của chi bộ Đảng nhà tù Sơn La. Năm 1939, thực dân Pháp liên tiếp đưa tù chính trị lên giam cầm ở nhà ngục Sơn La, trong đó có các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Xuân Thủy, Tô Hiệu,…Cuối tháng 12/1939, chi bộ Đảng được thành lập. Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La xuất bản tờ báo Suối reo1 . Lúc đầu, đồng chí Trần Huy Liệu (có các bút danh Cù Văn Cười, Cù Không Cười, nguyên chủ bút báo Đời nay) làm chủ bút; sau đó là đồng chí Xuân Thủy (Nguyễn Trọng Nhâm) và đồng chí Đào Đình Luống (tức Nguyễn Hữu Quỳ) phụ trách.
Báo Suối reo ra số đầu tiên tháng 5/1941, số cuối tháng 3/1945. Báo ra mỗi tháng ra hai kỳ, mỗi kỳ hai số; viết tay bằng mực tím, khổ 20 x14 cm, với đủ các loại giấy có thể tận dụng do tù nhân gom lại. Thực hiện Nghị quyết của Chi bộ, cứ sau những buổi đi lao động khổ sai về, cơm nước xong, khi cánh cửa sắt nhà tù đóng lại, các đồng chí trong Chi bộ mới “tác nghiệp” báo. Tuy mọi công đọan ra báo đều hết sức bí mật, nhưng cai ngục vẫn tìm mọi cớ để thu giấy, bút, mực. Các đồng chí lại phải tìm kiếm, tích góp để thực hiện bằng được nhiệm vụ Đảng giao phó: báo Suối Reo tiếp tục được phát hành.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), giám ngục Sơn La tuyên bố trả lại tự do cho tù chính trị, nhưng thực chất là chuyển tù nhân về Trại giam Nghĩa Lộ. Đoàn tù chính trị ở Sơn La gồm gần 200 chiến sĩ cách mạng, đã phá còng, tự giải thoát, trở về với phong trào cách mạng. Cùng với Chi bộ Nhà tù Sơn La, báo Suối reo đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử 2.
Báo Bình Minh trên sông Đà. Năm 1943, chi bộ Nhà tù Sơn La ra một tờ báo bí mật lấy tên là Bình Minh trên sông Đà. Báo viết tay, chép thành 3,4 bản, lưu hành nội bộ. Tờ báo là công cụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương cách mạng của Đảng, hướng dẫn phong trào rèn luyện đấu tranh của tù nhân chính trị.
Nhà tù Sơn La, nơi ra đời tờ báo "Suối reo"
Báo Dòng sông Công (sau đó đổi thành Gió ngàn), là tờ báo của các chiến sĩ cách mạng ở Trại tập trung Bá Vân, tỉnh Thái Nguyên phát hành. Tờ báo được tổ chức và phát hành trong năm 1944-1945. Báo viết tay, lưu hành nội bộ.
Báo Đường nghĩa, là tờ báo của những người tù cộng sản tại Trại tập trung Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Tờ báo được ra đời và lưu hành bí mật trong tù vào năm 1944-1945. Báo viết tay, lưu hành nội bộ.
Báo Thông reo là tờ báo của tù chính trị cộng sản tại Nhà tù Chợ Chu; phát hành khoảng đầu những năm 40.
Lao tù tạp chí, phát triển trên cơ sở tờ Báo Lao tù đỏ của Chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội)-tờ báo ra đời từ năm 1932 nhằm “Giáo dục, nâng cao trình độ tư tưởng, chính trị, ý thức tổ chức và kỷ luật cho đảng viên, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng… Tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi tù nhân đấu tranh. Đấu tranh với những nhận thức lệch lạc trong tù nhân và những quan điểm sai trái của nhiều đảng viên Quốc dân đảng. Tuyên truyền, vận động, giác ngộ tù thường và các nhân viên làm việc trong nhà tù”3. Lao tù đỏ số 1 ra ngày 4/1/19324, một thời gian sau đổi thành Lao tù tạp chí, mở rộng nội dung, đối tượng độc giả và ra hằng tuần. Trong những năm 1940-1945, do hoàn cảnh khó khăn, Lao tù tạp chí không ra thường xuyên, chủ yếu phát hành vào các dịp lễ, tết.
Báo Chiến thắng, là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung Bộ từ bên ngoài được chuyển vào nhà lao Phan Rang5. Báo không xuất bản trong tù nhưng việc tờ báo được chuyển vào lưu hành bí mật trong tù có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng ở Nhà lao Phan Rang.
Báo Cờ Nghĩa, là tờ báo của tù chính trị Buôn Ma Thuột, viết tay, xuất hiện trong những năm 1941-1942.
Nhà tù Côn Đảo-nơi ra đời của nhiều tờ báo cách mạng, do các chi bộ cộng sản trong tù lập ra.
Báo Người tù đỏ, ra đời năm 1932, sau đổi thành Người tù nhân rồi Tiến lên, Tạp chí Ý kiến chung là tờ báo của chi bộ Đảng nhà tù Côn Đảo ra đời từ giai đoạn 1935-1937.
Báo Độc lập, là tờ báo của Chi bộ đặc biệt nhà tù Côn Đảo, phát hành năm 1945. Sau khi giành quyền làm chủ Côn Đảo, Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo được tổ chức, Chi bộ đặc biệt xuất bản báo Độc lập để tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh. Tờ báo do đồng chí Nguyễn Công Khương (tức Lê Văn Lương) trực tiếp chỉ đạo, Ban biên tập có các đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan... Báo được in trên giấy học trò khổ nhỏ và in được khoảng 20 bản.
Một góc nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội
Đặc điểm của báo chí cách mạng trong ngục tù đế quốc
Báo chí cách mạng trong tù hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, ra bí mật, không đều kỳ, số lượng không lớn, chủ yếu lưu hành nội bộ, thời gian tồn tại không dài, không đều kỳ.
Tại nhà tù Hỏa Lò, các đồng chí biên soạn phải làm việc hết sức vất vả để che mắt kẻ địch, phải chui xuống gầm sàn để viết, ban ngày nhờ ánh sáng lọt qua các lỗ châu mai, ban đêm nhờ đèn điện hoặc đèn dầu. Nhiều khi các bài báo được viết bằng bút chì đen hoặc bằng một thứ nước đặc biệt kèn vào khoảng trống giãn dòng chữ in của các tờ kinh thánh từ ngoài chuyển vào, khi nào cần đọc thì dùng một thứ hoá chất bôi lên, chữ sẽ hiện rõ6. Việc cất giấu, bảo vệ báo lại càng khó hơn. Các chiến sỹ cách mạng phải tạo ra các “kho” bí mật để cất giấu: giấu trên trên mái nhà; đục tường, rút gạch làm “hầm bí mật”; thậm chí, bỏ vào vỏ hộp sữa, bọc thật kín, rồi dòng dây thả xuống thùng phân, khi bị địch ập vào khám xét.
Phần lớn các chi bộ Đảng chủ trương ra báo ra hằng tháng song trên thực tế khoảng thời gian giữa các số không ốn định, có khi vài tháng mới ra được một số. Số lượng các báo phát hành rất hạn chế. Có nhiều tờ báo, mỗi số chỉ ra được một bản, mỗi bản chỉ một trang giấy khổ nhỏ, tiện cho việc lưu hành nội bộ, truyền tay nhau đọc và giữ được bí mật. Cho đến nay, duy nhất có số báo Suối reo của Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La số ra Tết Quý Mùi (năm 1943), độ dày lên tới 60 trang.
Thời gian tồn tại của hầu hết các tờ báo trong tù đều rất ngắn, có báo chỉ ra một lần rồi ngừng hoạt động. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, do sự biến động của đội ngũ làm báo, do khó khăn về nguyên liệu, phương tiện, song chủ yếu là do sự đàn áp của kẻ thù.
Báo chí trong tù được thực hiện trong những điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn, nên rất thô sơ, song vẫn bảo đảm những quy trình, công đoạn làm báo, rất phong phú về loại hình. Tại nhà tù Sơn La, chi uỷ phân công một số đồng chí có khả năng đọc sách báo tiếng nước ngoài, đọc báo hằng ngày, theo dõi và tổng hợp tin tức thế giới, trong nước hằng tuần, kịp thời thông báo cho các đồng chí trong ban biên tập nắm được những biến đổi của tình hình quốc tế, trong nước để viết bài. Một kênh thu nhận tin nữa để làm báo là thông qua những tù nhân mới vào tù truyền đạt lại hoặc thông qua một số cơ sở bí mật đưa thông tin từ bên ngoài vào nhà tù.
Ngôn ngữ báo chí, rất ngắn gọn, lời văn giản dị, dễ hiểu để phù hợp với trình độ của đa số tù nhân trong hoàn cảnh giam cầm.
Về phương tiện làm báo, dù bị theo dõi, kiểm soát, cấm đoán nghiệt ngã, nhưng người cộng sản khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tận dụng mọi khả năng để ra được báo. Tại Nhà tù Sơn La, Báo Suối reo có “xưởng in” lưu động với “…bàn giấy, xưởng in chỉ là vẻn vẹn hai cái túi vải đựng tài liệu, giấy bút mực. Viết thì người đứng người ngồi, người để lên bàn tay, người để lên đầu gối, người kê lên sàn, lên đống chăn đắp, mỗi người mỗi kiểu…”7. Ở nhà tù Hoả Lò, giấy để viết báo được cung cấp từ hai nguồn: từ ngoài vào như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc tù chính trị tự kiếm lấy bằng cách dùng ngay các quyển kinh Thánh...
Báo chí cách mạng trong tù được viết thô sơ, đơn giản, đa phần đều chép tay, một số viết bằng bút sắt hoặc bút chì trên giấy học trò, một số in sáp,... Những tờ báo, tạp chí có khi chỉ như tờ truyền đơn, nhỏ như bàn tay, nhưng cũng có khi được in ấn khá chỉnh trang.
Hầu hết các tờ báo cách mạng phát hành trong các nhà tù, trại giam của đế quốc đều do những người cộng sản chỉ đạo, thực hiện, luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục giữ vững lập trường cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù.
Trần Đoàn
_____________
1 Dưới chân đồi Nhà tù Sơn La có dòng suối Nậm La, quanh năm nước chảy rì rào, đổ ra sông Đà về hướng Đông Bắc.
2 Kế tục và phát huy truyền thống của tờ báo, hơn 10 năm qua, Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La đã đổi tên tờ Tạp chí Văn nghệ Sơn La thành tờ tạp chí Suối reo, phong phú về nội dung, đẹp về hình thức.
3 Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 84-85.
4 Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 85.
5 Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Lịch sử Báo Đảng bộ các tỉnh và thành phố (Sơ thảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 460.
6 Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 88-89.
7 Bảo tàng cách mạng Việt Nam-Bảo tàng Sơn La: Suối reo năm ấy, Hồi ký cách mạng, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1993, tr 256.