Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 12 đại hội và Đảng đã có đã có 12 Tổng Bí thư. Một điều đặc biệt, cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều là những trí thức, khi giữ cương vị Tổng Bí thư, họ đều là những người rất trẻ tuổi và cả 4 đồng chí đều hi sinh khi đang bị thực dân Pháp giam giữ cũng như bị tử hình. Đó là các Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ
Tổng Bí thư Trần Phú
Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị thông qua Luận cương Chính trị và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đồng chí Trần Phú
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/05/ 1904. Như vậy, khi đảm nhiệm vị trí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí mới 26 tuổi. Thân sinh của Trần Phú là một nhà nho đã đỗ Giải nguyên và từng đảm nhiệm Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Cụ Trần Văn Phổ khi đương chức Tri huyện đã không chịu nổi sự đè nén, nhục mạ của Công sứ người Pháp tại Quảng Ngãi là Dodey Besra, nên đã thắt cổ tuẫn tiết tại công đường. Thân mẫu Trần Phú buồn phiền, bệnh tật và qua đời sau đó 2 năm. Tuổi thơ Trần Phú lưu lạc lầm than qua nhiều nơi và cuối cùng Trần Phú được dì ruột mang về giao cho con trai mình nuôi. Trần Phú đã theo học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba rồi Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ) lúc 18 tuổi và trở thành giáo viên dạy học tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champagne (đường Lý Chính Thắng hiện nay). Ngày 6-9-1931, Tổng Bí thư Trần Phú qua đời tại nhà thương Chợ Quán - sau khi chịu cực hình tra tấn của thực dân Pháp với lời nhắn nhủ các đồng chí trong Đảng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Năm ấy, đồng chí mới 27 tuổi.
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
Sau khi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng bị bắt, tra tấn và hy sinh, từ năm 1931 đến 1935, chức vụ Tổng Bí thư của Đảng bị khuyết. Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp khốc liệt các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong giai đoạn 1930 - 1931, hầu hết các tổ chức cộng sản tại Đông Dương lần lượt bị khủng bố. Trước tình hình nguy ngập ấy, Năm 1932, Quốc tế cộng sản ra chỉ thị phải xây dựng lại tổ chức cộng sản ở Đông Dương. Tháng 6-1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Hội nghị bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đồng chí Lê Hồng Phong
Từ ngày 28 đến 31-3-1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu, lúc này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự được. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên (9 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902, như vậy khi giữ chức vụ Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí 33 tuổi. Phu nhân của đồng chí Lê Hồng phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một nhà cách mạng nổi tiếng, từng đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nguyễn Thị Minh Khai là nhà lãnh đạo cao nhất phong trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn. Em ruột bà Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một nhà cách mạng - Nguyễn Thị Quang Thái (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Lê Hồng Phong đã từng học Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân ở Quảng Châu (Trung Quốc) và Trường Không quân Liên Xô. Không chỉ là một phi công với cấp bậc Trung tá trong quân đội Hồng quân Liên Xô, Lê Hồng Phong còn học trường Lý luận Quân sự tại Leningrad (Liên Xô), Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Liên Xô)…
Ngày 22-6-1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn lần thứ nhất, bị kết án 6 tháng tù và bị trục xuất về quê Nghệ An. Ngày 06-02-1940, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm ở Khám lớn Sài Gòn và sau đó bị đày ra Côn Đảo. Lê Hồng Phong qua đời tại Côn Đảo ngày 06-9-1942. Trước đó, ngày 28-8-1941, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) thất bại, thực dân Pháp đã xử băn rất nhiều các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hóc Môn, trong có có phu nhân của ông là Nguyễn Thị Minh Khai. Trước khi mất, Lê Hồng Phong gửi lời nhắn nhủ: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Tại Hội nghị Trung ương năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Lê Hồng Phong.
Hà Huy Tập sinh ra trong một gia đình trí thức có cha từng đỗ Cử nhân nho học và làm nghề dạy học, chữa bệnh. Hà Huy Tập đã theo học bậc Tiểu học tại Thị xã Hà Tĩnh. Năm 1919, Hà Huy Tập thi vào Trường Quốc học Huế và năm 1923, đồng chí tốt nghiệp Diplôme hạng ưu, được phân về dạy tại trường Tiểu học Nha Trang (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926.
Đồng chí Hà Huy Tập
Hà Huy Tập sinh ngày 24/04/ 1906, như vậy khi đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí vừa tròn 30 tuổi. Không chỉ là một trí thức, một nhà giáo, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã theo học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Liên Xô). Trong phần về tiểu sử tự thuật của Hà Huy Tập khi học tại trường Phương Đông, đồng chí cho biết: "Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân hai trai hai gái. Bố tôi mất năm 1916. Mẹ tôi còn sống. Anh cả tôi khi thì ở nông thôn trồng lúa trên những thửa ruộng của mẹ tôi, khi thì làm việc trong các xí nghiệp công hoặc hầm mỏ vì anh ấy không thể đủ cấp cho nhu cầu gia đình với những công việc đồng áng. Em gái út của tôi là vợ của một người cộng sản vừa tháng 6/1929 bị kết án lao động khổ sai cho đến khi chết. Người em gái này không có điều kiện đi học. Về phần tôi, tôi đã lập gia đình với một nữ cộng sản năm 1929...".
Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử bắn ngày 28-8-1941 cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai v.v…. Trước đó, trong bức thư cuối cùng gửi về cho gia đình ngày 2-5-1941, đồng chí căn dặn những người thân yêu: “Ngày 25-9-1940, tôi bị Tòa đại hình Sài Gòn xử 5 năm tù. Ngày 25-3-1941 tôi bị tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình về tội "hoạt động Cộng sản" và "xúi giục phá hoại Quốc phòng"... Cương nhận được thơ này thì nhớ viết thơ khuyên mẹ chớ khóc lóc buồn rầu. Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự, gia đình bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi!... Nếu tôi được khổ sai chung thân thì thường có thơ về thăm gia đình. Nếu chẳng may mà phải chết thì bức thơ này là thơ vĩnh biệt. Tôi chúc cho mỗi người trong gia đình và tất cả bạn hữu gần xa được hạnh phúc và khương minh".
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Tại Hội nghị Trung ương tháng 3-1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, đồng chí Hà Huy Tập thôi chức vụ Tổng Bí thư và đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh 09/07/ 1912, như vậy, khi đảm nhiện trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, cũng như Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú, đồng chí mới 26 tuổi.
Nguyễn Văn Cừ là hậu duệ của đại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Văn Cừ tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập từ năm 1927.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Ngày 17-01-1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí của ông bị bắt ở Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp ghép ông vào tội đã thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, "chủ trương bạo động" và là "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình. Ngày 28-8-1941, Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu v.v…bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn, năm ấy, đồng chí 29 tuổi.
Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian không dài từ năm 1930 đến 1941 đã có 4 đồng chí thay nhau giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (sau khi Tổng Bí thư Trần Phú bị giặc bắt, từ 1931 đến 1935 chức Tổng Bí thư bị khuyết). Riêng giai đoạn từ năm 1936 đến 1940 có 3 đồng chí lần lượt làm Tổng Bí thư của Đảng. Điều đặc biệt là cả 4 đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều còn rất trẻ: Trần Phú 26 tuổi, Lê Hồng Phong 33 tuổi, Hà Huy Tập 30 tuổi, Nguyễn Văn Cừ 26 tuổi. Tất cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đều là những trí thức thực thụ. Cả 4 người đều hi sinh, trong đó 2 người mất khi đang bị giam giữ và 2 người bị thực dân Pháp thi hành án tử hình.
Trần Ngọc – Hồng Phúc