Chế độ diệt chủng Pol Pot tàn bạo đã thảm sát gần 3 triệu người dân lành Campuchia, nhưng cuộc diệt chủng diễn ra trong gần 5 năm, còn nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người, chỉ diễn ra trong vòng 5 tháng và đây là một chương bi thảm của lịch sử dân tộc Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám
Do chính sách vơ vét, tích trữ lương thực của Nhật - Pháp, nạn đói ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ xảy ra từ cuối năm 1944, vào đầu năm 1945 càng trở nên trầm trọng.
Nạn đói kéo dài 5 tháng (từ tháng 1 đến tháng 6/1945). Đây là nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam và cũng là một trong những nạn đói lớn trong lịch sử nhân loại.
Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp-Đức: “Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu. Thế mà nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ, ta đã chết hơn hai triệu người”[1].
Một cuộc diễu hành của người dân bị đói trên đường phố Sinh Từ, Hà Nội, đang tiến về trại tế bần năm 1945 (Ảnh: Võ An Ninh, Nguồn: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
Nạn đói đã xảy ra ở khắp các tỉnh trên toàn miền Bắc, trọng điểm là các tỉnh duyên hải Bắc Bộ như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Yên. Trong số các tỉnh trên, nạn đói diễn ra khốc liệt nhất là tại tỉnh Thái Bình với số người chết đói và thiếu đói rất lớn. Còn tại Kiến An, vốn là tỉnh nông nghiệp, sản xuất của người nông dân còn chưa đủ ăn thì đến thời điểm này càng thêm xơ xác, tang tóc. Khắp đầu đường, xó chợ đâu đâu cũng thấy xác người. Nhiều xóm làng, gia đình bị nạn đói giết chết không còn một ai như làng Quần Mục (Kiến Thụy); có làng chết đói quá nửa: Dưỡng Động, Phục Lễ (Thủy Nguyên), Cao Minh, Trấn Dương (Vĩnh Bảo)[2].
Tại Cẩm Phả, Hồng Gai, mỗi buổi sáng phải có từ 5 đến 7 xe bò đi chở xác chết. Mỏ Mạo Khê có 4.000 công nhân thì 800 người chết đói. Đặc biệt, 60 gia đình người Nhị Chiểu làm công nhân ở mỏ Mạo Khê chết hết không còn một ai. Trong khi đó, làng Bùi Xá và La Khê (huyện Yên Hưng), có 400 hộ thì có 360 hộ có người chết. Xã Thạch Hà (huyện Cẩm Phả) bị chết đói tới hai phần ba[3].
Thành phố Hải Dương - nơi có cuộc sống khá hơn vùng nông thôn có ngày chết tới 200 người. Có nhiều gia đình chết cả nhà hoặc chết gần hết[4].
Đây là thảm họa thực sự khủng khiếp mà người dân phải trải qua, khiến cảnh làng quê Việt Nam vốn tiêu điều, xơ xác dưới hai tầng áp bức, nay càng trở nên ảm đảm đạm hơn bởi số người chết đói.
Bên cạnh đó, các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng Bắc Kỳ như Hà Nam, Hưng Yên, Hà Đông, Bắc Ninh, tỷ lệ chết đói cũng rất lớn. Hai thành phố được coi là tương đối sầm uất thời điểm bấy giờ là Hà Nội và Hải Phòng, tỷ lệ chết đói của ngoại thành cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, các tỉnh trung du như Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, tỷ lệ chết đói cũng trầm trọng[5].
Còn các tỉnh miền núi, với những điểm mà cư dân chủ yếu là dân tộc ít người, như Nhượng Bạn (Hòa An, Cao Bằng; dân tộc Tày - Nùng), tỷ lệ chết đói là 8,37%. Còn Yên Quang (Lương Sơn, Hòa Bình; dân tộc Mường), tỷ lệ chết đói là 18,75%[6].
Nạn đói 1945 không chỉ dừng lại ở Bắc Kỳ, mà sự lan tỏa của nó đến cả các tỉnh Bắc Trung Kỳ, đặc biệt là từ Thanh Hóa trở vào tới Quảng Trị. Ở những khu vực này, nạn đói diễn ra cũng hết sức trầm trọng, làm cho người dân vốn đã vô cùng khó khăn trong lao động sản xuất khi luôn phải đối chọi lại thời tiết khắc nghiệt, nay thêm phần kiệt quệ vì giặc ngoại xâm bóc lột và cai trị.
Tại Thanh Hóa, nếu lấy điểm Thủ Phú (huyện Quảng Xương), với cư dân chủ yếu là ngư nghiệp, kiêm nông nghiệp, thương nghiệp, thì nạn đói cũng cướp đi tới 19,01% dân số.
Tại Nghệ An, lấy Làng Trung làm điểm cho một làng ngoại thị miền Trung, với một nửa dân số là công nhân, một nửa dân số là nông dân, tỷ lệ chết đói cũng khá cao: 30,14%.
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, với điểm Thạch Môn vừa nông nghiệp vừa thương nghiệp (buôn cá biển, nắm, muối) cũng chết đói tới 11,06%.
Tại Quảng Bình, làng thủ công nghiệp chuyên làm nón là Thổ Ngọa (huyện Quảng Trạch), là nơi “gạo chợ, nước sông” ở Bắc Trung Kỳ, tuy có sự cứu trợ của nhân dân Huế vẫn chết đói tới 25,55%.
Còn tại Quảng Trị, dân cư ở vùng giáp ranh của nạn đói, nhân dân có thể vào Huế, Đà Nẵng hay sang Lào để kiếm sống, nhưng ở Cẩm Phổ (Gio Linh) cũng chết tới 13,25%[7].
Trong bài Nạn dân đói đăng trên Báo Thanh nghị, Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm viết: “Khắp đồng nội, thành thị ngày nay mới thấy những thảm trạng thây người chết nằm ngổn ngang và người sống vất vưởng nheo nhóc như những hồn ma xuất hiện”[8].
Nạn đói 1945 để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với dân tộc Việt Nam. Cuộc sống bị hủy diệt, môi sinh bị tàn phá; sức lao động bị giảm sút; nông nghiệp bị đình đốn, sa sút; nền tảng văn hóa bị hủy hoại. Nạn đói đã làm suy kiệt nhiều thế hệ con người Việt Nam. Hơn nữa, có những gia đình, dòng họ bị chết đến gần hết. Số người tha phương cầu thực sống sót, thì kinh tế suy giảm, dòng giống suy kiệt. Nền kinh tế Việt Nam bị nạn đói làm cho sa sút nghiêm trọng.
Nạn đói năm 1945 tại tỉnh Thái Bình
(Ảnh: Võ An Ninh. Nguồn: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nạn đói khủng khiếp năm 1945: do Pháp - Nhật trưng thu thóc gạo, ép dân nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng lạc; do không quân Đồng Minh bắn phá đường giao thông thủy bộ, làm sự chuyên chở bị nghẽn, lúa gạo ở Nam Kỳ không được mang ra Bắc cứu đói cho dân ở Bắc Kỳ...; tiếp theo hạn hán là nạn lụt lội giữa năm 1945, ở Bắc Kỳ có tới 774.000 mẫu ruộng bị lụt. Thiên tai chồng chất lên địch họa, khiến nạn đói thêm trầm trọng.
Cùng với đó, với sự cai trị và bóc lột hết sức tàn bạo của thực dân Pháp rồi đến quân phiệt Nhật khiến nhân dân ở những khu vực này lâm vào cảnh đói khổ cùng cực. Trong khi đó, do sự đánh phá liên tục và ác liệt của máy bay Đồng Minh giai đoạn cuối năm 1944, đầu năm 1945 đối với các tuyến đường từ miền Bắc ra miền Nam, kể cả đường bộ lẫn đường thủy đã khiến việc vận chuyển thóc gạo gặp khó khăn, thậm chí có thời điểm bị chấm dứt. Ngoài ra, khác với miền Nam, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết “nhiệt đới gió mùa”, miền Bắc luôn có một mùa đông khắc nghiệt, nhưng trùng hợp là mùa Đông năm Ất Dậu 1945 diễn ra vô cùng khốc liệt khiến cho cây hoa màu và các loại cây lương thực bị mất mùa. Nhân dân không thể thu hoạch sản phẩm trên những diện tích đã trồng cấy, khiến đời sống vốn đã khó khăn nay lâm vào cảnh “không hạt gạo trong nhà”, “không củ khoai, củ sắn dưới bếp”.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do chính sách vơ vét tàn bạo của quân phiệt Nhật. Trong lời kêu gọi “Chống nạn chết đói”, Mặt trận Việt Minh viết: “Giặc Nhật thu hết thóc gạo của dân ta, làm cho hàng triệu đồng bào phải chết đói, hàng triệu người nữa đang ngắc ngoải khắp xó chợ đầu đường. Một số ít dân ta còn thóc ăn, giặc Nhật lại đang vơ vét nốt. Chúng nói là để lấy thóc bán cho dân mấy tỉnh đói kém. Sự thực không phải đâu. Từ xưa chúng cướp bao nhiêu thóc gạo của dân, chúng chỉ chở về Nhật và chở ra các mặt trận cho quân lính lừa ngựa chúng ăn. Vừa rồi chúng cướp thêm được hàng triệu tấn gạo của giặc Pháp tích trữ, chúng nhả ra một ít phát chẩn cho dân nghèo, thì chúng lại tiếp tục thu nốt hàng vạn tấn thóc vụ mùa năm ngoái để bù lại. Giặc Nhật biết không thể ở được nước ta, chúng lập mưu vơ vét cho đầy túi tham để sắp sửa cuốn gói bước đi, mặc cho dân ta đói, dân ta chết”[9].
Qua nạn đói này, tội ác của thực dân Pháp, đặc biệt là của quân phiệt Nhật và tay sai bị phơi bày một cách rõ rệt.
Chỉ đến giữa năm 1945, khi Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh phát động phong trào "Phá kho thóc của Nhật", nạn đói mới được giải quyết và đó cũng là đêm trước của bão táp Cách mạng Tháng Tám. Từ gông cùm thực dân, phát xít, từ thảm nạn đói kém, dân tộc Việt Nam đã “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Quỳnh Chi
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.108.
[2] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy Hải Phòng: Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám Hải Phòng - Kiến An, Nxb. Hải Phòng, 1986, tr.47.
[3] Sơ thảo Lịch sử Cách mạng Tháng Tám tỉnh Quảng Ninh: Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Quảng Ninh xuất bản, 1970, tr.27.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương: Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương (1928-1954), t.1, 1997, tr.59.
[5]Đồng Quang (thị xã Thái Nguyên): 19,5%; Hương Nộn (Phú Thọ): 13%; Khả Lý (Bắc Giang): 12,5%.
[6]Văn Tạo, Furuta Moto: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011. tr.666.
[7] Văn Tạo, Furuta Moto: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử, Sđd, tr.667.
[8]Nạn dân đói, Báo Thanh Nghị, số 107, ngày 5-5-1945, tr.20.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.521.