Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hoa Kỳ đã rải hàng triệu lít chất độc hóa học xuống những cánh rừng và làng mạc Việt Nam, trong đó có chất độc màu da cam dioxin. Hậu quả của hành động đó rất nặng nề và kéo dài cho đến ngày nay. Từ sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995, Hoa Kỳ đã có những cố gắng giải quyết hậu quả chất độc màu da cam, góp phần cải thiện quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Chiến tranh Việt Nam lùi xa hơn 40 năm nhưng nỗi đau vẫn hằn sâu bởi chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam vẫn chưa chịu “buông tha” hàng nghìn trẻ em Việt Nam. Các em được sinh ra là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ, người thân, nhưng hạnh phúc lại chẳng thể trọn vẹn vì thứ chất độc ấy làm thân thể các em co quắp, không lành lặn, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ… Nỗi đau ấy càng đau gấp bội phần, như vết thương không bao giờ ngừng chảy máu, hành hạ, dày vò nhiều cựu binh, nhiều cựu thanh niên xung phong… vì con, cháu họ suốt đời tật nguyền.
Tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ước tính khoảng khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam[1]. Bởi vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, có hiệu quả để khắc phục, xử lý hậu quả mà chất độc da cam để lại sau chiến tranh.
Để phá hoại mùa màng trong vùng giải phóng cũng như phát hiện các con đường vận tải chiến lược chi viện cách mạng miền Nam, ngày 10/8/1961, Mỹ bắt đầu rải chất độc hóa học xuống nhiều cánh rừng Việt Nam, mở đầu cho hành động huỷ diệt tàn bạo kéo dài cả thập niên. Trong vòng 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong số đó là chất độc da cam, xuống 26.000 thôn, bản của Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu héc-ta. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần[2].
Hai bé gái đi qua khu rừng đước trơ trọi do bị chất độc da cam hủy diệt (Ảnh tư liệu)
Như đã biết, chất độc da cam có chứa dioxin - loại chất độc xếp vào hàng nguy hiểm nhất thế giới. Các nhà khoa học cho rằng chỉ cần 85gram dioxin hoà vào hệ thống cấp nước có thể giết chết toàn bộ một thành phố 8 triệu dân[3]. Thế nên khoảng 366kg dioxin mà quân đội Mỹ đã phun rải xuống các cánh rừng và làng mạc Việt Nam mới thấy con số đó khủng khiếp đến nhường nào. Nó hủy diệt thiên nhiên, gây chết chóc, tác động đến hệ sinh thái, môi trường, nhất là nó còn di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam hiện nay, đã ghi nhận di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư.
Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, dù hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được hai nước sớm quan tâm thúc đẩy nhưng riêng vấn đề giải quyết hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam, nhất là vấn đề nạn nhân, tiến triển rất chậm chạm do chính phủ Mỹ không chịu thừa nhận trách nhiệm pháp lý. Phải đến tháng 11/2006, chính sách của Mỹ về vấn đề da cam/dioxin tại Việt Nam mới có sự thay đổi tích cực khi Mỹ đồng ý đưa vấn đề này vào trong Tuyên bố chung giữa hai nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống G. Bush. Nhờ đó, năm 2007, Nhóm Đối thoại Việt Nam – Mỹ về chất độc da cam/dioxin được thành lập và hoạt động hết sức tích cực. Nhóm đã tác động để Chính phủ Mỹ hỗ trợ thành lập Phòng phân tích về dioxin trị giá 6,75 triệu USD hay Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm cho các năm tài chính 2007, 2008, 2009 và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Đồng thời, Nhóm cũng đã lập nên bản kế hoạch 10 năm (2010 - 2019) để tiếp tục góp phần giải quyết vấn đề hậu quả chất độc da cam/dioxin, với kinh phí 300 triệu USD (trung bình 1 năm là 30 triệu USD)[4]…
Sau đó, Chính phủ Mỹ cũng đã tích cực giúp đỡ Việt Nam tẩy độc tại Sân bay Đà Nẵng và đến đầu tháng 11/2018, hai bên thông báo đã Hoàn thành dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Với kết quả đạt được đó, ngày 20/4/2019, hai bên đã đã khởi động Dự án tẩy độc Sân bay Biên Hòa.
Từ chỗ không thừa nhận trách nhiệm pháp lý đến việc phía Hoa Kỳ khẳng định “cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào ở Việt Nam” với ám chỉ có thể trợ giúp cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin[5] là một động thái tích cực của Hoa Kỳ trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ cũng đã có những trợ giúp đối với người khuyết tật da cam/dioxin. Tính đến năm 2019, Hoa Kỳ đã tài trợ 60 triệu USD cho hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam[6]. Đồng thời, trong năm 2019, Hoa Kỳ cam kết tài trợ 50 triệu USD cho người khuyết tật tại 7 tỉnh Việt Nam trong thời gian tới[7].
Lễ công bố hoàn thành tẩy độc sân bay Đà Nẵng ngày 07/11/2018 (Ảnh Internet)
Đúng như Giám mục Desmond Tutu, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1984 đã từng phát biểu: “Quá khứ không hề biến mất hoặc nằm xuống và im tiếng mà nó sẽ quay lại ám ảnh chúng ta một cách dai dẳng và đáng hổ thẹn, trừ khi nó được giải quyết một cách thích đáng trên thực tế”[8]. Dù Hoa Kỳ đã có nhiều hành động tích cực trong hợp tác với Việt Nam giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin nhưng trên thực tế, cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn rất nặng nề và nhu cầu hỗ trợ nhân đạo là rất lớn. Đó đó, thời gian tới, hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này, trở thành một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ để giúp cho nhiều gia đình Việt Nam vượt qua nỗi đau da cam.
[1] Khải Hoàn, Đình Tuấn (2018), “Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, https://nhandan.com.vn/tieu-diem/chung-tay-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-viet-nam-325433/
[2] Tuấn Anh (2018), Ngày này năm xưa: Mỹ rải chất độc da cam ở Việt Nam”, https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/ngay-nay-nam-xua-my-rai-chat-doc-da-cam-o-viet-nam-469203.html
[3] Đ.T (2011), “Một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người”, http://baodaklak.vn/channel/3721/201108/mot-tham-hoa-da-cam-chua-tung-co-trong-lich-su-loai-nguoi-2087608/
[4] Viện ASPEN (2011), “Về nhóm đối thoại”, https://assets.aspeninstitute.org/content/uploads/files/content/docs
/agent-orange/9AOVIIFactSheet-AbouttheDialogueGroup-Aug2011-VN.pdf
[5] Nguyễn Hồng Quang (2016), “Động lực mới với việc giải quyết hậu quả chất da cam sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, Số 8(221), tr.20-28, tr.22.
[6] Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (2019), “Dự án hỗ trợ người khuyết tật do Hoa Kỳ tài trợ làm lợi cho hàng nghìn người dân Việt Nam trong 3 năm”, https://vn.usembassy.gov/vi/u-s-supported-disability-program-benefited-thousands-of-vietnamese-over-three-years-vi/
[7] A Lộc (2019), “Hoa Kỳ tài trợ 50 triệu USD cho người khuyết tật tại 7 tỉnh Việt Nam”, https://tuoitre.vn/hoa-ky-tai-tro-50-trieu-usd-cho-nguoi-khuyet-tat-tai-7-tinh-viet-nam-20190819174643745.htm
[8] Phạm Đan Thành (2005), “Cần sự công bằng”, http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/can-su-cong-bang-112837.htm
Song Hà