Thất bại thảm hại trong đợt tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hai Phòng và một số tỉnh, thành miền Bắc tháng 12/1972, Mỹ buộc phải quay trở bàn đàm phán Paris và chấp nhận những điều kiện được cho là bất lợi với Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chỉ một tháng sau đó, Hiệp định Paris được ký kết, mở đường tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trong giai đoạn tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, trong đó đặc biệt là cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng…. trong 12 ngày đếm cuối năm 1972. Mỹ đã tính toán rất kỹ mức độ thiệt hại vật chất, đặc biệt là ý chí, tư tưởng của nhân dân ta khi dùng B52 tái diễn việc ném bom rải thảm vào các khu đông dân cư như tại Nhật Bản năm 1945, muốn biến Hà Nội thành một Tokyo, Berlin hay Dresden của năm cuối chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm xoay chuyển tình thế trên chiến trường miền Nam và giành thế mạnh trên bàn Hội nghị Paris.
Những tính toán trên không phải không có sức thuyết phục bởi cho đến lúc này, mặc dù đã có thiệt hại[1] nhưng B 52 chưa bao giờ bị bắn rơi tại miền Nam, cũng chưa bao giờ bị bắn rơi tại chỗ ở miền Bắc. Chỉ vài tháng trước đó, kỹ thuật điện tử hiện đại của Mỹ đã rất hiệu quả trong việc hạn chế thiệt hại về máy bay và Mỹ tin chắc miền Bắc chưa thể trưởng thành nhanh chóng về mặt kỹ thuật đến mức có thể đối mặt với cuộc không kích ồ ạt bằng B 52. Bởi vậy, theo nhà sử học Gơlin Gơrinlits thì Níchxơn, Kitxinhgiơ và 1.700 nhân viên phi hành đoàn B52 tham gia “cú đấm chiến lược” này đều có niềm tin mãnh liệt ban đầu về kết quả đợt không kích. Máy bay B52 vào ném bom miền Bắc không thay đổi vể đường bay, cao độ, đội hình, thời gian. Chỉ huy không quân Mỹ giải thích sự không thay đổi ấy sẽ thuận lợi cho các phi hành đoàn B-52 không có kinh nghiệm bay vào một trận địa có hệ thống phòng không dày đặc và nguy hiểm. Nhưng theo nhà sử học Earl Tilford, thực ra, không quân Mỹ quá kiêu ngạo và chủ quan vì: “Sau nhiền năm oanh tạc những khu rừng không phòng ngự và thói quen phác họa kế hoạch chiến tranh nguyên tử đã nuôi dưỡng một định kiến trong tư tưởng các vị chỉ huy […] chiến thuật nghèo nàn kết hợp với tính tự tin quá cao đã khiến cho mấy đợt bay tấn công đầu tiên của chiến dịch thành cơn ác mộng cho các phi hành đoàn B-52”[2] .
Bộ đội tên lửa phòng không, lực lượng nòng cốt bắn rơi
máy may B 52 Mỹ (Ảnh tư liệu)
Từ ngày 18 đến ngày 29 -12-1972, Thủ đô Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc phải hứng chịu gần 40 nghìn tấn bom. Nhiều cơ sở kinh tế-xã hội, nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện đã bị thiệt hại nặng nề.
Bác sĩ Trần Quốc Độ, công tác ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: “Tháng 12/1972, người Mỹ muốn ném bom san bằng Hà Nội vì họ cho rằng làm thế họ sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán Paris. Lần đó, tôi đang trong ca trực, bỗng có tiếng B52 gầm rú. Bom rơi càng lúc càng gần, rồi rơi thẳng vào bệnh viện chúng tôi, một nửa bệnh viện bị phá hủy”[3].
Ngoài bệnh viện Bạch Mai, nhiều mục tiêu dân sự khác như các nhà ga xe lửa, khu phố Khâm Thiên, Đài phát thanh Mễ Trì… cũng bị bom Mỹ gây thiệt hại lớn.
Phùng Thị Tiệm, một người dân Hà Nội cho biết: “Có những đứa bé còn rất nhỏ, chúng không có tội tình gì mà người Mỹ lại đến giết chúng. Khi những đứa trẻ chết trong trận ném bom, mắt chúng nổ tung vì sức ép. Chúng tôi chưa bao giờ gửi quân tới nước Mỹ thì tại sao người Mỹ lại đến đây phá hủy tất cả, giết những đứa trẻ. Tại sao ?”[4].
Những trận ném bom bị chỉ trích từ nhiều phía, kể cả những đồng minh của Mỹ và bị phản đối trong lòng nước Mỹ. Người biểu tình phản chiến lại đổ ra đường phố trên toàn thế giới. Thủ tướng Thụy điển so sánh Hoa Kỳ với Đức Quốc xã. Đức Giáo hoàng gọi cuộc ném bom là “nỗi thống khổ mỗi ngày”. Ngay tại nước Mỹ, James Reston của báo New York time gọi các trận ném bom là “cuồng chiến”. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Williams Saxbe, bang Ohio, nói “Tổng thống đã mất tri giác”[5].
Người Mỹ gọi đây là “Đợt ném bom Giáng sinh”. Báo chí thế giới gọi một cách hình ảnh hơn là “Trận mưa bom Giáng sinh”. Một tù binh Mỹ bị giam tại Hà Nội kể lại: “Bỗng nhiên, khoảng dịp Giáng sinh, bọn tôi nghe thấy tiếng bom B52, bùm -bùm -bùm -bùm, nổ dữ dội, tứ phía, ai cũng biết đó là B 52. Trong hai năm ở đó, đây là lần đầu tôi nghe thấy tiếng bom, nổ gần, rất gần, rất đáng sợ, nhưng bọn tôi vẫn reo hò, vì rõ ràng có chuyển biến gì đó”[6].
Cảm nhận về tiếng bom của viên tù binh phi công Mỹ tại Hà Nội hoàn toàn đúng. Những chuyển biến viên phi công này nói đến có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Mỹ đã dùng đến con bài cuối cùng là máy bay ném bom B 52 đánh thẳng vào các thành phố đông dân, thì có thể chiến tranh sắp kết thúc với thắng lợi của Mỹ như trước phát xít Đức và quân phiệt Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng chuyển biến lại đến theo một nghĩa khác, sau đợt tập kích chiến lược, Hoa Kỳ buộc phải ký Hiệp định Paris với những điều kiện bất lợi cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đối với những phi công Mỹ đang bị giam giữ tại miền Bắc, chuyển biến đáng kể nhất là ngày trở về nhà của họ đang đến gần.
Một đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô (Ảnh: TTXVN)
Cuộc tập kích chiến lược bẳng máy bay B52 không đạt được mục tiêu của nó. Như nhiều lần trước đây, những tính toán đơn thuần về mặt lý thuyết của giới quân sự Mỹ lại bị đảo lộn hoàn toàn. Lực lượng Phòng không và Không quân miền Bắc đã nhanh chóng phát hiện ra điểm yếu “chết người” trong lộ trình của máy bay B 52 vào ném bom miền Bắc và khoét sâu vào điểm yếu đó. Quân dân Thủ đô, quân dân miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52[7]. Thêm 93 phi công Mỹ bị bắt trong chiến dịch ném bom miền Bắc cuối cùng này.
Tính chung cả hai cuộc chiến tranh phá hoại, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi, bắn hỏng 4.181 máy bay các loại. (Mỹ đưa ra con số “ít đau đớn” hơn là 2.257 chiếc và 2.218 người thuộc lực lượng không quân chết, 3.460 người bị thương)[8]. Trong giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ hai, khi ném bom Nhật Bản, không quân Mỹ hoàn toàn làm chủ bầu trời và có thể làm những gì mình muốn. Còn trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam cuối năm 1972, không chỉ gặp phải phản ứng dữ dội của dư luận Mỹ và dư luận tiến bộ thế giới, không quân Mỹ đã thực sự “đuối sức”. Tỷ lệ thiệt hại quá cao đến mức không thể chịu đựng được nữa. Đã có những phi hành đoàn B 52 từ chối bay. Trong ba ngày đêm đầu tiên của chiến dịch, ít nhất có 10 máy bay B52 bị bắn rơi. Điều đó khiến cho Quốc hội và nhân dân Mỹ phản ứng dữ dội, yêu cầu chấm dứt oanh tạc ngay lập tức. Bộ chỉ huy không quân bị áp lực nhiều phía: “Chấm dứt cuộc tắm máu này!”. Nhiều sĩ quan cao cấp trong Bộ chỉ huy không quân Mỹ cho rằng Mỹ có thể mất thêm nhiều máy bay và thuyết ưu thế của không quân có thể vô nghĩa.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Sức mạnh huyền thoại của không lực Hoa Kỳ đã bị đập tan trên bầu trời Hà Nội..
Bình Nguyễn
[1] . Tháng 10-1964, Quân giải phóng miền Nam tiến công sân bay Biên Hòa, phá hủy 6 máy bay B 52.
[2] Trọng Đạt: Trận mưa bom giáng sinh. http://nguoivietboston.com/?p=3218
[3] Phim tài liệu Đông Dương- cuộc chiến tranh nhân dân, phần 2.
[4] Phim tài liệu Đông Dương- cuộc chiến tranh nhân dân, phần 2.
[5] Phim tài liệu The Vietnam war, Episode nine A Disrespecful Loyalty (May 1970- March 1973)
[6] Phim tài liệu The Vietnam war, Episode nine A Disrespecful Loyalty (May 1970- March 1973)
[7] . Hoa Kỳ đưa ra số liệu thiệt hại của chiến dịch ném bom 12 ngày đêm cuối năm 1972 là 27 máy bay, gồm 15 B-52 và 12 máy bay chiến thuật: Không quân Mỹ mất 15 B-52, hai F-4, hai F-111, một EB-66 và một trực thăng cứu nạn HH-53. Hải quân Mỹ mất hai A-7, hai A-6, một RA-5, và một F-4. Tuy nhiên, Giôdep A.Am tơ cho rằng: “ Khoảng 33 đến 35 B 52, chở gần 100 phi công Mỹ đã bị bắn rơi trong 12 ngày. Con số chính thức được thừa nhận… chỉ 15 may bay bị mất hầu như chắc chắn là sai. Tài bắn chính xác mới phát hiện ra của các tay súng Bắc Việt Nam đã làm cho Lầu năm góc ngạc nhiên đến mức cuối tháng 12, Bộ tham mưu liên quân đòi chấm dứt ném bom”. Sách Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. QĐND, H. 1985, tr. 424.
[8] . Jeff Stein – Marc Leepson: Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb. CTQG, H. 1993.