Tác phẩm Truyện Kiều không chỉ hấp dẫn về cốt truyện, mà còn được xem là “Đại thành ngôn ngữ” của văn học dân tộc. Lần đầu tiên, Truyện Kiều sẽ được “kể” bằng ngôn ngữ ballet - loại hình nghệ thuật múa kinh điển ở tầm cao trên sân khấu TP.HCM và Hà Nội.
Ballet Kiều, tác phẩm ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều đang được gấp rút dàn dựng để lên sân khấu Nhà hát TP.HCM vào tháng 6 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8 tới. Chuyển thể và Tổng đạo diễn cho vở diễn là biên đạo múa Tuyết Minh.
Thể hiện trọn vẹn hồn cốt mà Nguyễn Du gửi gắm
Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, ngay khi đặt bút chuyển thể, chị đã đặt mình trong tâm thế của tác giả thứ hai đồng sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình thể của nghệ thuật Múa để mang tới cho khán giả một cách cảm khác về tác phẩm nhưng không xa rời nguyên tác.
Bởi tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du là đi đến cái cốt tủy nhất của “Đạo và Đời”, Tuyết Minh muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “Đạo làm Người” mà Nguyễn Du đã gửi gắm, vì vậy Ballet Kiều sẽ không đi vào miêu tả lại 15 năm lưu lạc của nàng mà mong muốn triết hàm ý từ 3.254 câu thơ trác tuyệt của Đại thi hào Nguyễn Du để làm nổi bật lên tình tiết 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên, đồng thời diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn, bởi thanh âm của tiếng đàn không thể là thứ ngôn ngữ dối lừa: lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi thổn thức, rạo rực, đượm nồng; có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu; và lại khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều…
Chọn ballet - loại hình nghệ thuật múa kinh điển để “kể” Truyện Kiều, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, ngôn ngữ múa hòa quyện với Ca trù khi nhấn nhá, đứt gãy, như tiếng nói cảm thông của tác giả, của bao thế hệ nhân dân lao động trước thân phận nàng Kiều mà giễu Tạo hóa trêu ngươi những kiếp hồng nhan tài hoa bạc mệnh. Sự kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật, kỹ xảo của múa cổ điển châu Âu với phong cách ngôn ngữ múa dân gian truyền thống, tinh hoa cổ nhạc Ca trù, hát Xẩm được hòa quyện trong khúc thức của âm nhạc đương đại, tất cả sẽ cùng thăng hoa với hiệu ứng thị giác công nghệ máy chiếu Hologame. Trường đoạn Sông Tiền Đường đẩy Kiều đến tận cùng của sự tuyệt vọng phải trầm mình xuống đáy nước và khoảnh khắc giữa sự sống - cái chết, Kiều đã gặp linh hồn ca nương Đạm Tiên, qua đó, đoạn trường mười lăm năm khổ ải của cuộc đời Kiều được thể hiện lúc rõ ràng, khi ẩn hiện đầy ma mị.
Thách thức lớn qua từng vai diễn
“Khi Tuyết Minh bắt đầu triển khai dàn dựng Ballet Kiều, thì trong tư duy Tuyết Minh đã chắt lọc những đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất thế mạnh của nghệ thuật múa. Nhiều chuyên gia e dè với “Kiều”, nhất là khi kiệt tác này đã quá đồ sộ về thi ca, về ngôn từ, nhưng Tuyết Minh tin là Múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ lên không gian đượm chất thơ, trữ tình và những hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du trong những mối quan hệ ấy, với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục, để mỗi người xem có thể suy ngẫm và trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại”, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ.
Đặc biệt, Ballet Kiều có nhiều tuyến nhân vật chính diện và phản diện, mà nhân vật nào cũng cần phải rất xuất sắc thì mới làm nên được “Kiều made in Việt Nam”, bởi vậy, đây sẽ là thách thức lớn nếu không quy tụ được những diễn viên solist tài năng. Biên đạo múa Tuyết Minh đã phải “cân não” rất lâu mới có thể chọn ra một dàn diễn viên hùng hậu và đang ở đỉnh cao phong độ về kỹ thuật, kỹ xảo và dạn dày kinh nghiệm sân khấu như: NSƯT Trần Hoàng Yến (vai Thúy Kiều), Kim Tuyền (Đạm Tiên), Khang Ninh (Thúy Vân), Minh Tú (Hoạn Thư 1), Kim Dung (Thúy Kiều 2), Khánh Vy (mẹ Thúy Kiều); NSƯT Phi Điệp (Từ Hải), NSƯT Đức Nhuận (Kim Trọng), Sùng A Lùng (Tú Bà và người dẫn truyện), Minh Hiền (Thúc Sinh), Thái Bình (Sở Khanh), Minh Tâm (Đạm Tiên 2 và sư Giác Duyên), Anh Hòa (cha Thúy Kiều), Bảo Bảo (anh trai Thúy Kiều)…
Điều làm nên sự thu hút của Ballet Kiều trước hết là lối đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật hologame. “Tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm đẫm cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ để chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn”, biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.
Với sự định hướng ngay từ đầu, âm nhạc phải được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng Ca trù, hát Xẩm, Tuồng và các làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống…, vì thế, phần nhạc viết cho những đại cảnh, trữ tình, biên đạo múa Tuyết Minh đã chọn nhạc sĩ Việt Anh viết theo khúc thức cho dàn nhạc giao hưởng; còn những phân đoạn thể hiện nét tính cách được nhạc sĩ Chinh Ba phát triển trên những đặc trưng của âm nhạc truyền thống rất phá cách. Sự tương phản trong âm nhạc giúp cho nghệ sĩ Tuyết Minh có nhiều cảm xúc khi sáng tạo và diễn viên có nhiều đất diễn để thể hiện những phong cách, cá tính riêng cho mỗi vai diễn.
Nguồn baovanhoa.vn