Lấp lánh giữa không gian thăm thẳm của núi rừng Tây Nguyên là bếp lửa nhà sàn, những ánh mắt chăm chú dõi theo lời hát miên man của già làng, và những câu chuyện kể kéo dài như vô tận. Đó là khung cảnh huyền ảo ở buôn làng M'Nông, mỗi khi sử thi Ot Ndrong được cất lên hằng đêm.
Dân tộc M'Nông. Ảnh: Internet
Sử thi Ot Ndrong của người M'Nông được biết như một loại sử thi hình thành từ quá trình lâu dài nhiều thế kỷ, được lưu truyền và không ngừng sáng tạo qua các thời kỳ, tạo nên diện mạo cổ sơ, thuần khiết nhưng đồ sộ, choáng ngợp. Ot Ndrong là một tập hợp hàng trăm cốt truyện với nhiều tuyến nhân vật, chủ đề, được diễn tả bằng ngôn từ truyền thống mộc mạc, được trình bày bằng lối hát kể, duy trì qua nhiều thế hệ chỉ bằng hình thức truyền miệng. Những sự kiện lịch sử của cộng đồng và ý nghĩa đằng sau nó được người kể chuyện xây dựng nên một cách sinh động, trau chuốt như truyền tải linh hồn của cả tộc người từ thế hệ trước tới thế hệ sau, kéo dài hằng đêm trong ánh lửa bập bùng. Bằng chất giọng hào hùng, ngôn từ đậm chất thơ ca và lối biểu cảm đầy sức lôi cuốn, người kể như dẫn dắt người nghe chạm vào từng dấu mốc của thời gian.
Theo các học giả, độ dài Ot Ndrong với 150 sử thi rời tổng cộng ước từ 25 - 30 triệu từ, được lưu truyền chỉ bằng trí nhớ của các già làng, là bộ sử thi khổng lồ đáng kinh ngạc, có thể xếp vào hàng sử thi dài nhất thế giới. Ot Ndrong hấp dẫn người nghe trước hết vì nó chứa đựng hết sức dồi dào quan niệm sơ khai về vũ trụ, con người và những sinh hoạt cộng đồng thời viễn cổ, mà nhiều giá trị trong những quan niệm đó đến nay vẫn chừng như mới mẻ lấp lánh. Nó cung cấp cho biết bao thế hệ M’Nông nối tiếp không chỉ tri thức, kinh nghiệm sống mà còn khơi dậy niềm tự hào về tổ tiên, nhắc nhở thúc giục con cháu bảo vệ và sống theo những truyền thống tốt đẹp. Nhiều khi người M’Nông sử dụng Ot Ndrong như những câu châm ngôn, bói toán, đoán bệnh, răn đe giáo dục con cháu.
Sử thi Ot Ndrong quan niệm về thế giới gồm có con người ở tầng đất, thần linh ở tầng trời và linh hồn người chết ở tầng âm phủ. Những yếu tố này đều có liên hệ chặt chẽ. Ở tầng đất, chủ yếu miêu tả gia tộc mẹ Rong, trong đó nổi bật là các nhân vật Bông, Rong, Tiăng, Ndu, Lêng, Mbông và một số các vị thần linh như Lêt, Mai thường gây nên sự hiềm khích đánh nhau. Ở tầng trời, có thần Me Trôk, Nri, Nre và các thần có khả năng đưa thế giới trở lại bình thường. Ở tầng âm phủ có thần Dê, Dơm canh giữ linh hồn người chết. Hệ thống thần linh trong sử thi M'Nông tuy không đối lập, nhưng lại đứng theo số đông để loại trừ điều xấu, điều ác và bảo vệ con người.
Ot Ndrong thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên, mở rộng địa bàn cư trú của người M'Nông. Một trong những sử thi tiêu biểu là sử thi “Bông, Rong và Tiăng” nói về cuộc hành trình đầy gian khổ để khai thiên lập địa của hai nhân vật Bông và Rong, được người Mnông gọi là Mẹ Rong, Mẹ Bông. Tiếp nối sự nghiệp của Mẹ Bông và Mẹ Rong, Tiăng là người anh hùng có công khai sáng cho cộng đồng Mnông. Mẹ Bông, Mẹ Rong và Tiăng là những biểu trưng văn hóa về nguồn gốc dân tộc Mnông.
Bên cạnh đó, tác phẩm cũng ca ngợi cuộc sống trù phú và hạnh phúc của cộng đồng: Cuộc sống trong sử thi M'Nông được đề cập với sự đầy đủ, giàu có và một cộng đồng có ý thức tập thể cao. Trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng, dệt vải, giã gạo, bổ củi, nấu cơm, bắt cá, hái lượm; người đàn ông giỏi công việc nương rẫy, săn bắt thú rừng, đan lát, rèn đúc, chặt cây và tham gia chiến đấu khi có chiến tranh. Ngoài ra, sử thi còn phản ánh khá sâu sắc đời sống tín ngưỡng và phong tục tập quán của gia đình, cộng đồng. Mọi hoạt động của các nhân vật trong sử thi đều bị chi phối bởi yếu tố thần linh. Trước khi làm một việc gì quan trọng, các nhân vật đều làm nghi lễ cúng thần linh, cầu mong được phù hộ. Trong gia đình có người đi xa hay có người chết, người phụ nữ, chủ gia đình phải giữ kiêng kị để đảm bảo an toàn. Quan niệm về thần, linh hồn, bùa ngải, phù thuỷ,... phong phú, đa dạng như vậy đã chi phối rất lớn đến hành động các nhân vật.
Một chủ đề không thể thiếu trong Ot Ndrong là chiến tranh và người anh hùng. Chiến tranh trong sử thi M'Nông chỉ đơn giản là những cuộc giao tranh, nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, như: bị lăng nhục, chiếm đoạt tài sản, nghi oan là ma lai, bị kẻ khác gây hoạ hoặc có thể mâu thuẫn lớn hơn, như: xâm phạm lãnh thổ người khác, cướp phụ nữ… Đứng đầu những cuộc giao tranh thường là người tài giỏi có sức mạnh phi thường, biết sắp xếp, tổ chức chiến đấu. Những nhân vật tiêu biểu là chàng Lêng, chàng Tiăng, chàng Mbông, vừa có đức tính như con người, vừa được thần linh giúp đỡ, nên có khả năng xuất chúng, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người và trở thành người anh hùng. Họ là biểu tượng về sức mạnh và khát vọng chiến thắng để bảo vệ lợi ích, công bằng cho con người và xã hội.
Nhịp chiêng trong sử thi M'nông. Ảnh: danvan.vn
Biết bao sự kiện, hình tượng nhân vật và những giá trị đằng sau nó đều được truyền tải một cách kỳ diệu qua nghệ thuật hát kể. Hoạt động hát kể sử thi tồn tại suốt chiều dài lịch sử, trở thành một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người M'Nông. Người hát kể sử thi có thể thuộc tới hàng vạn câu. Trong lúc hát kể, người nghệ nhân và người nghe, cùng chung cảm xúc và suy nghĩ, họ như đang sống trong “một thế giới riêng” - thế giới của Ot Ndrong. Với giọng hát hay và tài diễn xuất độc đáo bằng điệu bộ, cử chỉ của ngôn ngữ, họ hóa thân một cách mạnh mẽ vào nhân vật, thể hiện niềm tin rằng những điều kể trong sử thi chính là cuộc sống quá khứ của dân tộc mình. Đặc điểm về ngôn từ, chủ đề truyền thống, về những câu mang tính “luật” (ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong văn hóa dân gian của người M'Nông) trở thành những công thức mà người hát kể phải nắm vững. Người hát kể tạo nên những áng sử thi hùng vĩ bằng việc áp dụng những công thức này cùng với trí tưởng tượng, khả năng ứng tác, trí nhớ, chất giọng… Cấu trúc lặp lại là một đặc trưng của sử thi vừa mang tính thẩm mĩ, vừa là thủ pháp của diễn xướng. Sự nhắc đi nhắc lại một hoặc một vài câu, hoặc hình ảnh là cách định hướng sự chú ý của người nghe và nhấn mạnh đến sự miêu tả đó.
Một trong những đặc trưng quan trọng của Ot Ndrong chính là ở ngôn từ đậm dấu ấn cổ xưa. Sử thi dùng nhiều từ cổ, hiện ít xuất hiện trong ngôn ngữ hằng ngày. Điều này tạo nên không khí của thời đại sử thi, nhưng cũng chính vì thế có những đoạn khó hiểu, đôi chỗ cả người hát kể cũng không thể giải thích được. Cùng với đó, sử thi M'Nông rất giàu những điển tích trong truyền thống của người M'Nông. Đó là sự xuất hiện của những biểu tượng thần thoại, truyền thuyết, mà nếu người nghe không am tường về văn học, văn hóa tộc người Mnông, thì rất khó hiểu. Trong các tác phẩm, mỗi địa danh, mỗi tên núi tên sông, tên nhân vật đều gắn với một huyền thoại. Ngôn ngữ của diễn xướng sử thi M'Nông mang tính bóng bẩy, giàu hình ảnh so sánh, với chất nghệ thuật và biểu cảm sâu sắc.
Phương thức chủ yếu nhằm thể hiện tác phẩm sử thi M'Nông là kết hợp hát và điệu bộ. Phần hát trong sử thi M'Nông đóng vai trò chính, khá phong phú, đa dạng, có hát cúng thần, hát khóc và một số hình thức khác nhằm thể hiện quan điểm nhân sinh quan của người M'Nông. Người hát kể sử thi trong lúc diễn xướng đều có sự vận dụng kết hợp nhuần nhuyễn cùng lúc nhiều yếu tố: lời hát + giai điệu + cử chỉ, điệu bộ, nét mặt và cả khả năng ứng tác. Sử thi có thể được hát kể trong sinh hoạt gia đình, theo yêu cầu của người thân, bè bạn. Diễn xướng sử thi Mnông thường được thực hiện nhiều hơn sau các lễ thức gia đình, hoặc cộng đồng. Sử thi M'Nông thường được kể vào những đêm nông nhàn sau mùa làm rẫy, dịp lễ hội trong năm, hay trong lúc nghỉ ngơi trên rẫy, sau những ngày lao động vất vả. Khi màn đêm buông xuống, người Mnông thường kéo đến nhà có người hát kể, thưởng thức câu chuyện xa xưa của cha ông mình. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, già trẻ, nam nữ ngồi bên nhau nghe người già hát kể sử thi - đây chính là hình thức truyền dạy gián tiếp cho các thế hệ kế cận.
Sử thi M'Nông là tác phẩm nghệ thuật đồ sộ, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người M'Nông. Đó cũng chính là kho tàng vô giá chứa đựng các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người, như: kể về các hiện tượng và quan hệ ứng xử để thích nghi của con người trong tự nhiên; sinh hoạt đời sống vật chất và tinh thần; quan hệ gia đình, dòng họ; về tính cách, lối sống phẩm chất con người. Các tri thức dân gian này được thể hiện theo phong cách tư duy của người M'Nông thông qua những so sánh có tính độc lập: tốt - xấu, đúng - sai, thiện - ác, khôn - dại, nhân - quả…
Sử thi Ot Ndrong của người M'Nông như một nguồn nước trong lành thuần khiết nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục con người hướng tới cuộc sống tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Việc phát hiện và đưa Ot Ndrong vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014 như một dấu ấn quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc phổ biến và phát huy những di sản văn hóa dân gian quý giá, có tính trường tồn góp phần củng cố bản sắc dân tộc.
Khánh Trường