Ph. Ăngghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I
Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại Bácmen, tỉnh Rêni của Vương quốc Phổ (hiện nay là một phần của nước Đức). Ông là con trai trưởng của một nhà sản xuất sợi giàu có người Đức. Cha ông là một chủ tư bản lớn, rất sùng đạo, tháo vát về kinh doanh, giao du rộng, nhưng về chính kiến thì rất bảo thủ. Mẹ ông là một trí thức kinh tế, đôn hậu, hoạt bát, thích hài hước và yêu văn học nghệ thuật.
Năm 1837, khi mới 17 tuổi, Ph.Ăngghen đã phải dừng việc học để tập trung vào kinh doanh theo ý nguyện của bố. Ph.Ăngghen làm việc ở văn phòng của cha ông gần một năm, sau đó đến Bơremơ làm trong một hãng buôn lớn. Thời kỳ này, ông đã có điều kiện liên lạc với nhóm nhà văn cấp tiến “nước Đức trẻ” và cộng tác với tờ báo “Điện tín Đức”. Đây được coi là bước đệm đầu tiên đưa Ph.Ăngghen tiếp xúc với những vấn đề chính trị.
Mùa xuân năm 1841, Ph.Ăngghen rời Bơremơ. Ông đi thăm Thụy Sỹ và miền Bắc nước Ý. Không bao lâu sau, Ph.Ăngghen đến Béclin và tham gia một trung đoàn pháo binh. Trong những năm tháng tuổi trẻ, Ph.Ăngghen rất yêu thích văn chương và triết học. Cũng như nhiều người trẻ ở Đức lúc bấy giờ, Ph.Ăngghen rất đề cao tư tưởng của Hêghen, nhưng ông không hoàn toàn đi theo những tư tưởng của nhà triết học nổi tiếng này.
Năm 1842, sau khi hết hạn quân dịch, Ph.Ăngghensang Manchextơ (Anh). Đây là một quãng thời gian rất quan trọng trên hành trình tư tưởng của ông vì ở đây, Ph.Ăngghen có điều kiện tiếp xúc với đông đảo các tầng lớp, giai cấp công nhân Anh. Ông đã có dịp hiểu biết thêm về tình cảnh của họ.
Ph.Ăng Ghen trong thời gian sống tại Anh (Ảnh tư liệu)
Năm 1844, Ph.Ăngghen cho đăng trên tờ “Niên giám Pháp - Đức” tác phẩm “Phê phán chính trị kinh tế học”. Đây được coi là tác phẩm mở đầu tư duy phê phán của Ph.Ăngghen khi xem xét những tư tưởng về chính trị, kinh tế của các nhà tư tưởng cùng thời. Điều này được C.Mác, chủ của tờ “Niên giám Pháp - Đức” lúc bấy giờ, đánh giá rất cao và coi đây là “một cuốn đại cương tài tình về khoa học chính trị của giai cấp vô sản”.
Tháng 8/1844, Ph.Ăngghen rời Manchextơ sang Đức. Khi đi ngang qua Pari, ông đã gặp C.Mác. Từ đây, bắt đầu tình cảm cao đẹp, vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen; đồng thời cũng tạo ra những chuyển biến rất quan trọng trên hành trình tư tưởng của Ph.Ăngghen. Do nhanh chóng bắt gặp những điểm tương đồng về mặt lập trường, tư tưởng, nên Ph.Ăngghen cùng với C.Mác đã viết chung tác phẩm “Gia đình thần thánh” năm 1845 để chống lại phái Hêghen trẻ. Sau đó, khi trở về Đức, Ph.Ăngghen đã viết một tác phẩm riêng có nhan đề “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”.
Mùa xuân năm 1845, Ph.Ăngghen đến Brucxen gặp C.Mác. Hai ông đã bàn bạc, thống nhất và viết chung một tác phẩm lớn là “Hệ tư tưởng Đức” vào năm 1846, để phê phán tư tưởng của phái Hêghen trẻ và tư tưởng của Phoiơbắc - một nhà triết học nổi tiếng ở Đức lúc bấy giờ. Đây được coi là một tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành lớn về mặt tư tưởng của Ph.Ăngghen với bước chuyển từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa.
Tháng 2/1848, cách mạng Pháp nổ ra, cả C.Mác và Ph.Ăngghen bị trục xuất khỏi Brucxen, sau đó là Pari. Tháng 1/1849, hai ông đến Côlônhơ, lập tờ báo “Rênani” để đấu tranh tư tưởng. Vì lẽ đó, chính quyền tư sản đã truy lùng, trục xuất các ông ở khắp mọi nơi. Các ông vị vu cáo là xúc phạm nhà cầm quyền và bị đưa ra tòa cùng những người cộng sản ở Côlônhơ. Tại phiên tòa, cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã kịch liệt lên án tính chất phản động, phản dân chủ của thể chế và pháp quyền tư sản. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người cộng sản tham gia phiên tòa, hai ông đã trắng án. Trong thời kỳ này, Ph.Ăngghen đã viết tác phẩm “Chiến tranh nông dân ở Đức” (1848 - 1849), viết chung với C.Mác một số tác phẩm quan trọng khác như “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848), “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức” (1851-1852).
Cuối năm 1850, khi biết C.Mác đang sửa soạn để viết một công trình nghiên cứu đồ sộ là “Tư bản”, Ph.Ăngghen đã chuyển đến Manchextơ để làm công cho một hãng buôn lớn ở đây - một công việc mà ông không hề thích thú, thậm chí là khinh ghét, nhưng giờ đây ông đã tình nguyện làm với mong muốn có tiền để giúp đỡ C.Mác và cả gia đình bạn sinh sống. Ngoài việc đồng hành với C.Mác, Ph.Ăngghen còn tự tìm cho mình một hướng nghiên cứu riêng là khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Đó là tiền đề để Ph.Ăngghen tự ghi tên mình vào một tác phẩm nổi tiếng là “Biện chứng của tự nhiên”. Đây là một tác phẩm lớn được Ph.Ăngghen viết trong thời gian dài (1873-1883).
Năm 1876, Ph.Ăngghen viết một tác phẩm nổi tiếng với nhan đề “Tác dụng của lao động trong việc chuyển biến từ vượn thành người”. Đây được đánh giá là một tác phẩm triết học về xã hội xuất sắc của Ph.Ăngghen, chứng minh khả năng của Ph.Ăngghen trong việc nghiên cứu cả giới tự nhiên và xã hội loài người.
Vào thời gian 1877-1878, khi đang viết “Biện chứng của tự nhiên”, ở Đức nổi lên một nhà triết học là O.Duyrinh lên tiếng muốn phủ nhận, bác bỏ những tư tưởng của C.Mác. Ph.Ăngghen đã sẵn sàng gác bỏ lại tác phẩm đang viết dở để tập trung củng cố, bảo vệ học thuyết Mác bằng tác phẩm nổi tiếng “Chống Đuyrinh”.
Năm 1883, khi C.Mác qua đời, một mặt Ph.Ăngghen phải dồn sức để hoàn thành các tập tiếp theo của bộ “Tư bản” mà C.Mác còn dang dở; đồng thời cùng với sức lao động phi thường và một trí tuệ kiệt xuất, Ph.Ăngghen còn viết một tác phẩm nổi tiếng từ sự khảo cứu lịch sử với nhan đề “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước”, đồng thời quay trở lại hoàn thành nốt tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” vào cuối năm 1883. Sau đó, Ph.Ăngghen đã viết một tác phẩm khác như “Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung và triết học cổ điển Đức” (1888).
C.Mác (bên trái) và Ph. Ăngghen (Ảnh tư liệu)
Trong những năm cuối đời, Ph.Ăngghen tập trung vào việc trao đổi những thư từ duy vật lịch sử, bổ sung và làm rõ thêm những quan điểm duy vật về lịch sử nhằm phân biệt cách nhìn duy vật biện chứng về lịch sử với cách nhìn tầm thường, thô lỗ về lịch sử. Một điểm rất đáng lưu ý trên hành trình tư tưởng của Ph.Ăngghen là trong khoảng hơn 20 năm (1872-1893), ông cùng C.Mác đã 7 lần viết “Lời tựa” cho những lần tái bản tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Sau khi C.Mác qua đời năm 1883, những lời tựa sau đó chỉ còn một mình Ph.Ăngghen đứng tên. Những lời tựa đó chính là sự bổ sung, phát triển tư tưởng của Tuyên ngôn trên quan điểm thực tiễn, lịch sử - cụ thể và phát triển; làm cho “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” trở thành tác phẩm kiểu mẫu của việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác bằng thực tiễn sinh động mà chính Ph.Ăngghen là người tiên phong đi đầu.
Ngày 5/8/1895, Ph.Ăngghen đã qua đời tại Luân Đôn, thọ 75 tuổi. Bình đựng trọ cốt của Ph.Ăngghen được thả trên bờ biển miền Nam nước Anh - nơi ông vẫn thích đến đó nghỉ ngơi đúng như tâm nguyện cuối cùng của ông. Cuộc đời của Ph.Ăngghen không chỉ gắn liền với tình bạn cao đẹp với C.Mác - một tình bạn đã được đi vào huyền thoại mà còn cho thấy hành trình tư tưởng đi từ “vương quốc của tất yếu” đến “vương quốc của tự do”.
V.I.Lênin - người học xuất sắc của C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác với Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ”[1], “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”[2].
Chiên Lê