Trong các thời kỳ lịch sử Đảng và cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều lớp cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng và giao trọng trách đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đồng chí Phạm Hữu Lầu là một người như thế
Quê hương, gia đình và thời niên thiếu
Phạm Hữu Lầu có tuổi thơ với nhiều hoạt động tại quê hương, lãng xã, qua đó có một cái nhìn thực tế hơn về xã hội, nhận ra những bất công mà người dân đang gánh chịu. Từ đó, Phạm Hữu Lầu đứng ra vận động nhân dân phản đối các hành động hà hiếp của các chức dịch; chống lại các hành động đánh đập bạn hàng diễn ra ở chợ Hòa An,…
Những suy nghĩ và hành động có tính chất chính trị đầu tiên của Phạm Hữu Lầu bắt đầu vào năm 1926. Khi Phạm Hữu Lầu bước vào độ tuổi thành niên, phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên lên khá cao ở Sa Đéc, ở Cao Lãnh.
Đặc biệt, qua báo chí, Phạm Hữu Lầu và thành niên cùng chí hướng vùng Hòa An – Cao Lãnh biết đến phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, diễn ra khắp nơi, đã bàn kế hoạch tổ chức hưởng ứng. Phạm Hữu Lầu đã cùng các thành niên nhiệt huyết hợp thành “nhóm thanh niên hạt nhân” để hành động.
Dấn thân hoạt động các mạng, trở thành người sáng lập tổ chức tiền thân An Nam Cộng sản Đảng
Tháng 9- 1928, sau một thời gian được thử thách, Phạm Hữu Lầu được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Cao Lãnh (trung tâm là vùng Hòa An nên được gọi là Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hòa An), gồm 7 hội viên gồm, do Phạm Hữu Lầu làm Chi hội trưởng được thành lập.
Tháng 8-1929, các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ ra đời. Cuối năm 1929, nhiều chi bộ An Nam Cộng sản Đảng lần lượt được tổ chức ở Sa Đéc, trực thuộc Đặc ủy Hậu Giang An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Phạm Hữu Lầu được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Từ một thanh niên yêu nước, một người hoạt động cách mạng, Phạm Hữu Lầu đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc.
Sau khi được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí Phạm Hữu Lầu đi vô sản hóa ở nhà máy xe lửa Dĩ An (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Tại đây, đồng chí Phạm Hữu Lầu đã cùng đồng chí Nguyễn Đức Thiệu nhanh chóng bắt tay vào gây dựng các đoàn thể trong công nhân nhà máy, như Hội tương tế, Công hội đỏ, tiến đến vận động công nhân đấu tranh. …
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Các chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng, trong đó có chi Dĩ An, chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Phạm Hữu Lầu đồng chí trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí rời Dĩ An để gánh vác nhiệm vụ mới: tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên cương vị ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam
Đáp ứng đủ những tố chất và điều kiện cần thiết để trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp cao trong cơ quan đầu não của Đảng nên đồng chí Phạm Hữu Lầu vinh dự được nhóm An Nam Cộng sản Đảng nhất trí chọn làm đại biểu tham gia Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian này, đồng chí Phạm Hữu Lầu tham gia Lâm thời Chấp hành uỷ viên hội (gọi tắt là Lâm thời Chấp uỷ) của Đảng cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ, trực tham gia điều hành việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa bàn Nam Kỳ.
Cùng với một số đồng chí khác, đồng chí Phạm Hữu Lầu tham gia tổ chức hội nghị ngày 24-2-1930 ra quyết nghị về việc “Chấp nhận Đông Dương cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam”, hoàn tất việc thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Việt Nam.
Ngày 24-7-1930, trong khi xuống tàu tại cảng Hải Phòng sang Hồng Kông tham dự Hội nghị thành lập Trung ương chính thức, đồng chí Phạm Hữu Lầu bị bắt.
Đồng chí Phạm Hữu Lầu duyệt một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp
(Ảnh Tư liệu)
Hai lần bị đày Côn Đảo, đấu tranh trong nhà tù đế quốc và tham gia lãnh đạo đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ ở Nam Kỳ
Sau một thời gian giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí Phạm Hữu Lầu bị Mật thám Pháp chuyển xuống Hải Phòng để tiếp tục thẩm vấn. Ngày 29-1-1931, Hội đồng đề hình Kiến An kết án đồng chí Phạm Hữu Lầu tù chung thân, lưu đày Côn Đảo vì “âm mưu chống lại nền an ninh quốc gia”. Giữa năm 1931, Phạm Hữu Lầu bị đày ra giam ở Banh II, nhà tù Côn Đảo.
Đồng chí Phạm Hữu Lầu góp phần cùng các đảng viên bị đày ải tại nhà tù Côn Đảo đã biến địa ngục trần gian thành một “Trường đại học về chủ nghĩa cộng sản lớn nhất Đông Dương”.
Cuối năm 1936, cùng hàng trăm tù chính trị Côn Đảo được ân xá, đồng chí Phạm Hữu Lầu được trả tự do theo nghị định ngày 29-9-1936 của chính quyền thực dân.
Sau khi ra tù, đồng chí Phạm Hữu Lầu hoạt động tại Sài Gòn. Hoạt động của Phạm Hữu Lầu trong thời kỳ này rất sôi động và đa dạng, đặc biệt là hoạt động trên lĩnh vực báo chí. Tên tuổi đồng chí gắn liền với tờ báo tiếng Pháp L'Avant Garde. Đồng chí cũng có công lớn trong viến xuất bản báo Le Peuple, báo Dân Chúng…
Cuối năm 1939, đồng chí Phạm Hữu Lầu bị thực dân Pháp bắt và kết án tù. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thất bại, thực dân Pháp lưu đày đồng chí ra Côn Đảo lần thứ hai vào ngày 10-12-1940. Cùng chuyến lưu đày Côn Đảo có Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Võ Công Tồn, Lê Duẩn, Vũ Đình Hiếu,… tất cả bị cấm cố ở Banh III.
Trước chính sách khủng bố tàn bạo của chế độ nhà tù, hàng nghìn tù nhân đã chết. Đồng chí Phạm Hữu Lầu có những đóng góp tích cực, nổi bật trong tổ chức tốt công tác cứu tế tù nhân, bảo vệ mạng sống tù chính trị. Cùng các tù nhân trung kiên, đồng chí tiếp tục các phòng trào học tập chính trị, văn hóa, trong tù, đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc.
Tháng Tám -1945, Tổng khởi nghĩa thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngay trong ngày Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi (25-8-1945), Xứ ủy Nam Bộ đã chủ trương đón tù chính trị ở Côn Đảo về đất liền. Xứ ủy đã phái tàu Phú Quốc cùng 25 thuyền và 1 ca nô ra đón về đất liền. Đồng chí Phạm Hữu Lầu Được giao làm Trưởng đoàn tàu Phú Quốc chở hơn 400 tù chính trị trở về đất liền, cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) an toàn vào ngày 23-9-1945
Tham gia lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ trên các cương vị Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Sa Đéc, Uỷ viên Khu ủy VIII, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Phân liên khu miền Đông, Uỷ viên Uỷ Ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở công an Nam Bộ
Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng hết sức mình thực hiện những nhiệm vụ của Xứ ủy Nam Bộ, của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, của Phân liên khu ủy miền Đông, của Trung ương Cục miền Nam. góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống tổ chức ở các tỉnh Nam Bộ, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, lực lượng công an Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Nam Bộ.
Ghi nhận thành tích của đồng chí, Đảng và Chính phủ đã tặng đồng chí Phạm Hữu Lầu nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ngày 2-9-1954, tại khu căn cứ Cà Mau, Ông Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ thay mặt Chính phủ Trung ương gắn Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho đồng chí Phạm Hữu Lầu.
Một ngôi trường tại TP Hồ Chí Minh mang tên Phạm Hữu Lầu
Trên các cương vị, chức trách Phó Bí thư, rồi Quyền Bí Thư Xứ ủy Nam Bộ, lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Nam Bộ cho đến khi từ trần
Sau Hiệp định Giơne vơ, Trung ương Đảng chủ trương chấm dứt hoạt động của Trung ương Cục miền Nam, tái lập Xứ ủy Nam Bộ. Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam gồm 12 uỷ viên chính thức, 3 uỷ viên dự khuyết, do đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị là Bí thư. Đồng chí Phạm Hữu Lầu được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Xử ủy Nam Bộ.
Đồng chí Phạm Hữu Lầu đã cùng Xứ ủy nghiên cứu, thảo luận và đóng góp hoàn chỉnh dự thảo Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo để ra báo cáo ra Trung ương.
Trong thời gian này, với vai trò Phó Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hữu Lầu tham gia hoạch định nhiệm vụ công tác năm 1957 của Đảng Bộ Nam Bộ; về công tác binh vận (1-1957),…
Sau Hội nghị, tháng 4-1957, đồng chí Lê Duẩn lên đường ra miền Bắc công tác, nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Đồng chí Phạm Hữu Lầu, Phó Bí thư Xứ ủy, đảm trách nhiệm vụ Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Nam Bộ trong những ngày tháng sóng gió của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hữu Lầu đã cùng tập thể Xứ ủy chèo lái phong trào cách mạng miền Nam đấu tranh giữ gìn lực lượng trong hoàn cảnh đầy khó khăn gian khổ bởi chính sách “tố cộng, diệt cộng” điên cuồng của địch.
Do hậu quả của những lần tra tấn của địch quá các lần bị tù đày, trong đó có 2 lần 10 năm bị giam tại nhà tù Côn Đảo, nên từ cuối năm 1957, sức khỏe đồng chí Phạm Hữu Lầu giảm sút. Đồng chí Nguyễn Văn Linh thay đồng chí Phạm Hữu Lầu cáng đáng nhiệm vụ Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ từ cuối năm 1957.
Đến cuối năm 1959, bệnh lao phổi của đồng chí tiến triển nặng, Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ đã báo cáo và đề nghị Trung ương chuyển đồng chí ra Hà Nội điều trị. Nhưng trong bối cảnh cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn thoái trào, đồng chí Phạm Hữu Lầu nấn ná ở lại cùng các đồng chí trong Xứ ủy Nam Bộ chèo lái con thuyền cách mạng miền Nam.
Tuy nhiên, do bệnh nặng, ngày 16-12-1959, đồng chí Phạm Hữu Lầu trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện tại Phnôm Pênh. Thi hài đồng chí an táng tại nghĩa trang Việt Kiều ở Phnôm Pênh.
Bình Thi