Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), đội ngũ trí thức, những nhà khoa học yêu nước đã có những đóng góp to lớn. Rất nhiều người, vì tình yêu Tổ quốc, đã bỏ lại giàu sang hoa lệ ở trời Tây hay phồn hoa chốn đô thành trong nước để lên chiến khu kháng chiến với trăm bề khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và hiểm nguy. Kỹ sư Phạm Quang Lễ, sau này được biết đến dưới cái tên Trần Đại Nghĩa là một người tiêu biểu trong số đó
Từ một trí thức yêu nước…
Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thiếu tướng, cố giáo sư - viện sĩ Trần Đại Nghĩa, có lẽ hình ảnh lắng đọng sâu đậm trong tâm trí mọi người là một chân dung cần kiệm, giản dị.
Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Hoà Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha là ông giáo Phạm Văn Mùi, mẹ là bà Lý Thị Diệu. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, chiến tranh, đói khổ vây quanh. Ngay từ nhỏ, ông đã ý thức cao việc học hành. Nhớ lời trăng trối của người cha trước lúc lâm chung: “...phải lo học hành đến nơi đến chốn… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”, ông đã nuôi nấng ý chí học tập thành tài để giúp ích cho đời. Cũng từ đó, đã dần hình thành nên nhân cách và lòng yêu nước của ông. Có thể nói, chính truyền thống quê hương Vĩnh Long anh hùng và ảnh hưởng của gia đình đã hun đúc, đào tạo Phạm Quang Lễ thành nhà khoa học tiêu biểu cho các thế hệ trí thức Việt Nam.
Mặc dù mồ côi cha từ lúc tuổi còn rất nhỏ, nhưng Phạm Quang Lễ vẫn được đi học là nhờ sự tần tảo của mẹ và sự hi sinh của người chị gái. Sau khi tốt nghiệp hạng ưu ở bậc tiểu học, năm 1926, Phạm Quang Lễ đỗ vào Trường Trung học Mỹ Tho. Vì đỗ hạng ưu nên ông được cấp học bổng. Suốt bốn năm học ở bậc trung học đệ nhất cấp, Phạm Quang Lễ là học sinh xuất sắc, thường đạt điểm cao và đứng đầu về các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hoá học. Năm 1930, Phạm Quang Lễ tốt nghiệp và tiếp tục học Trung học đệ nhị cấp bản xứ Pê-trus Ký (Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký), một trường học nổi tiếng của Sài Gòn. Tinh thần yêu nước, đấu tranh độc lập cho dân tộc của người thanh niên Phạm Quang Lễ dần dần nhen nhóm trong thời kỳ anh học trường Pê-trus Ký. Nhiều hoạt động chống thực dân Pháp nổ ra đã khơi sâu lòng yêu nước trong giới học sinh, tuy nhiên, hầu hết đều bị thực dân đàn áp dã man và bị thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại là vấn đề vũ khí. Muốn thắng kẻ thù, ngoài những người lo về chính trị, phải có người lo về quân sự, về vũ khí. Phạm Quang Lễ đã sớm xác định hướng đi cho mình là học giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên để sau này nghiên cứu về vũ khí giúp cho công cuộc giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (Ảnh tư liệu)
Với sự nỗ lực vượt bậc cùng việc xác định rõ mục đích trong quá trình học ở trường, Phạm Quang Lễ đã đỗ xuất sắc hai bằng tú tài: Tú tài tây và Tú tài bản xứ vào năm 1933, khi ông mới tròn 20 tuổi. Nhưng thấy mẹ và chị gái phải tần tảo cóp nhặt từng đồng để nuôi mình ăn học, ông quyết định đi làm phụ giúp gia đình, nuôi chí lớn chờ thời cơ.
Hai năm làm tại Toà bố Mỹ Tho là hai năm tìm cơ hội để đi học nước ngoài. May mắn cũng đã đến với chàng trai trẻ yêu nước đang ấp ủ trong mình những hoài bão lớn lao. Được nhà báo Vương Quang Ngưu nâng đỡ, giới thiệu, Lễ được hội Ái hữu của trường Chasseloup - Laubat cấp học bổng một năm sang Pháp.
Tháng 9/1935, chàng trai Phạm Quang Lễ, khi đó 22 tuổi, bước chân xuống tàu thuỷ đi Pháp. Hành trang mang theo mình chẳng có gì ngoài hoài bão phải tìm mọi cách học kỹ thuật chế tạo vũ khí để sau này trở về nước góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Được nhận vào một trường Trung học đặc biệt 2 năm để chuẩn bị thi vào Đại học. Với trí thông minh và lòng ham học, Phạm Quang Lễ đã rút ngắn được 1 năm học.
Sau khi hoàn thành chương trình Trung học, Phạm Quang Lễ nộp đơn thi vào trường đại học có những chuyên ngành liên quan đến hoài bão của mình. Ông chọn Trường Đại học quốc gia Cầu đường Paris và đã thi đỗ với mức học bổng 1.200 franc mỗi tháng. Vừa học Đại học quốc gia Cầu đường, ông còn theo học ở nhiều trường khác nhau trên đất Pháp như: Đại học Sorbonne, trường Bách khoa, trường Mỏ, trường Khoa học tổng hợp… ông cũng đã lấy được bằng của các trường này như bằng Kĩ sư cầu đường Pháp, bằng Cử nhân khoa học tổng hợp, bằng Kĩ sư điện, bằng Kĩ sư mỏ, bằng Kĩ sư bách khoa, bằng Kĩ sư hàng không…
Trong thời gian du học ở Pháp, Phạm Quang Lễ dồn tâm sức nghiên cứu thu thập những thông tin về vũ khí. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu về vũ khí gặp rất nhiều khó khăn, như ông đã kể: “Công việc chẳng phải là giản đơn. Không một nước nào trên thế giới lại ngớ ngẩn công bố các tài liệu kỹ thuật quân sự. Đế quốc Pháp đâu phải là điên đến mức để cho một người Việt Nam, kể cả những kẻ đã vào “làng Tây”, được đến học ở các trường dạy về vũ khí hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí. Vì thế, trong 11 năm đằng đẵng ấy, tôi chỉ có thể mò mẫm tự học một cách âm thầm, đơn độc và bí mật hoàn toàn...”.
Một khẩu súng Bazoca do Trần Đại Nghĩa và cộng sự chế tạo, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4
Để thực hiện được ước mơ, hoài bão đó không có cách nào khác là ông phải tự học bằng cách lân la làm quen với người thủ thư, để cứ chiều thứ Sáu là đến mượn sách và trong 2 ngày nghỉ phải đọc xong, sáng thứ Hai phải trả lại thư viện để không bị phát hiện. Có thể nói, phương thức học tập, nghiên cứu của Phạm Quang Lễ rất đơn giản mà hiệu quả.
Sau khi ra trường, ông vào làm ở một hãng Điện khí và tiếp sau đó làm cho Hãng chế tạo máy bay dân dụng ở Halle miền Trung nước Đức và còn làm thêm ở viện nghiên cứu vũ khí vài năm rồi trở lại Paris làm việc. Thời gian làm việc cho phòng thiết kế của Hãng chế tạo máy bay, Phạm Quang Lễ đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quân sự, vũ khí. Người ta thấy ông thường xuyên xuống các nhà máy, xí nghiệp, vào thư viện, đứng hàng giờ trước những thiết bị khí tài trong Viện bảo tàng vũ khí. Thời gian làm việc cho phòng thiết kế của hãng máy bay, ông đã tiếp xúc với rất nhiều tài liệu quân sự, vũ khí vì hãng còn sản xuất cả máy bay quân sự. Kiến thức cứ âm thầm ngấm vào và lớn lên trong ông theo cách ấy.
Suốt 11 năm ở Pháp (1935-1946), vốn giỏi ngoại ngữ (ông sử dụng thành thạo bốn thứ tiếng: Pháp, Đức, Anh, Nga) và có thể đọc tài liệu bằng một vài thứ tiếng khác, nên hơn mười năm theo đuổi mục đích, Phạm Quang Lễ đã tích lũy được một khối kiến thức lớn về chế tạo vũ khí và đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí, trong đó không ít thuộc loại “tối mật” của chính quyền thực dân Pháp, tạo nền tảng kiến thức cơ bản để sau này theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phục vụ cách mạng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của dân tộc.
(Còn tiếp)
VTD