Từ một nhà giáo yêu nước trở thành một chiến sỹ cộng sản, tên tuổi đồng chí Phạm Văn Chiêu gắn liền với phong trào cách mạng của Sài Gòn - Gia Định trong những năm đấu tranh giành chính quyền và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Từ một nhà giáo yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản
Phạm Văn Chiêu (Bảy Chiêu) sinh ngày 16/6/1907, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 19 tuổi, Pham Văn Chiêu tốt nghiệp xuất sắc Trường Sư phạm Sài Gòn và là thầy giáo đầu tiên của làng Long Thạnh Mỹ. Những năm 1936-1942, ông là Hiệu trưởng (Đốc học) trường Tổng Hóc Môn.
Dưới sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, Phạm Văn Chiêu thấu hiểu nỗi khổ nhục của người dân mất nước và nung nấu quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc.
Với cương vị Hiệu trưởng Trường Tổng Hóc Môn, Phạm Văn Chiêu đã khéo léo truyền bá những tư tưởng tiến bộ, lòng căm thù và ý chí vươn lên đánh đổ sự thống trị tàn bạo của ngoại bang xâm lược.
Năm 1942, do tham gia thành lập Hội ái hữu Giáo viên - Học sinh (Gò Vấp), nhóm Minh Đức Văn tập (Hóc Môn) và nhiều hoạt động yêu nước khác, Phạm Văn Chiêu bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở bót Catina, Khám Lớn (Sài Gòn), rồi đày đi Biên Hòa.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng, Phạm Văn Chiêu tìm cách bắt liên lạc với những đảng viên, chiến sĩ cộng sản, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, được giác ngộ cách mạng và nguyện trọn đời cống hiến cho Đảng và dân tộc.
Sau khi ra tù (4/1944), Phạm Văn Chiêu được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt tại Chi bộ Hanh Thông Tây và đã giác ngộ được nhiều quần chúng ưu tú, góp phần xây dựng được nhiều cơ sở Đảng trong toàn tỉnh. Nhờ đó, phong trào cách mạng ngày càng phát triển.
Đồng chí Phạm Văn Chiêu (1907-1991)
Tháng 8/1945, đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng các đồng chí của mình lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thắng lợi ở Gia Định. Ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh…
Chú trọng công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên cương vị là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã dành sự quan tâm đặc biệt và có nhiều đóng góp quan trọng đối với công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí nhấn mạnh, muốn đánh thắng thực dân Pháp phải xây dựng được lực lượng kháng chiến hùng mạnh về mọi mặt, đặc biệt là việc xây dựng và phát triển cơ sở Đảng trên toàn tỉnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nội bộ Đảng ở Gia Định không thống nhất. Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải Phóng có địa bàn hoạt động và hệ thống tổ chức riêng biệt, có chủ trương khác nhau về xây dựng phong trào. Nếu tình trạng này kéo dài, kẻ thù sẽ lợi dụng để chia rẽ nội bộ lực lượng kháng chiến... Yêu cầu lịch sử đặt ra lúc này là phải thống nhất Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải Phóng ở Gia Định.
Đồng chí Phạm Văn Chiêu khẳng định: Đảng luôn dạy chúng ta phải xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết, nhất là đoàn kết trong nội bộ Đảng để tạo ra sức mạnh tổng lực lãnh đạo nhân dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược hiếu chiến… Nhưng sau một năm kháng chiến chống Pháp, Gia Định vẫn còn có hai nhóm có hai địa bàn hoạt động riêng, chủ trương công tác riêng. Tình hình này, tất nhiên là làm yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi đó, cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, thực dân Pháp và tay sai tìm mọi cách đàn áp để bóp chết các phong trào đấu tranh. Đặc biệt, chúng tìm mọi cách để tiêu diệt các cơ sở Đảng - đầu não lãnh đạo các cuộc đấu tranh. Thực dân Pháp đang ra sức gây nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ Đảng của tỉnh Gia Định. Vấn đề đặt ra lúc này là phải giải quyết được tình trạng mất đoàn kết giữa hai tỉnh ủy và thống nhất thành một tỉnh ủy duy nhất. Đây thực sự là vấn đề có tính cấp bách, không thể không làm nếu muốn đưa phong trào cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Công tác trọng tâm cấp bách của tỉnh Gia Định là củng cố và phát triển tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng trong căn cứ, đồng thời củng cố và phát triển cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng ở các xã trong toàn tỉnh1.
Đáp ứng yêu cầu lịch sử, tháng 9/1946, tại xã Tân Thới Hiệp (Gò Vấp), Phạm Văn Chiêu và các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Gia Định họp để bàn về việc thống nhất hai tỉnh ủy thành một Tỉnh ủy thống nhất. Đến dự hội nghị có đại diện của Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị thống nhất thành lập Tỉnh ủy Gia Định. Các đồng chí Phạm Văn Chiêu, Phạm Văn Khung, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Văn Đang, Nguyễn Văn Bảo, Tô Ký, Võ Văn Thời, Nguyễn Súng, Phan Văn Giáo, Trịnh Thị Miễng và Nguyễn Oắng được chỉ định tham gia Tỉnh ủy thống nhất2.
Hội nghị không cử Bí thư, nên Khu ủy Khu 7 cử đồng chí Trần Văn Thới xuống làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định3.
Tháng 10-1947, đồng chí Trần Văn Thới chuyển về Mặt trận Việt Minh Nam Bộ; đồng chí Phạm Văn Chiêu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính.
Sự ra đời Tỉnh ủy Gia Định thống nhất là một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự đoàn kết, phát triển của Đảng bộ tỉnh Gia Định và củng cố niềm tin trong nhân dân; hiệu triệu được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh.
Năm 1947, phong trào kháng chiến ở Gia Định ngày càng phát triển, nhất là công tác xây dựng Đảng. Qua đấu tranh cách mạng, nhiều quần chúng kiên trung trưởng thành và được kết nạp Đảng. Tất cả các cơ sở Đảng của Tiền Phong và Giải Phóng trước kia đã có sự thống nhất thực sự. Đây là cơ sở quan trọng để tạo nên những thắng lợi bước đầu của cuộc kháng chiến.
Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Phạm Văn Chiêu chỉ rõ: Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn một số khuyết điểm. Đó là trong phát triển đảng còn nặng về số lượng mà nhẹ về chất lượng. Do đó, một số phần tử xấu chui vào hàng ngũ Đảng phá hoại, gây tổn thất cho phong trào. Tỉnh ủy chưa lãnh đạo một cách toàn diện Huyện ủy Hóc Môn, Huyện ủy Gò Vấp chưa lãnh đạo được một số chi bộ của mình4. Những hạn chế này cần nhanh chóng được khắc phục.
Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (Ảnh tư liệu)
Năm 1951, thực tế trên chiến trường miền Đông Nam Bộ cho thấy, tỉnh nào cũng có một hoặc hai huyện khó liên lạc với tỉnh mà lại gắn liền hơn với một tỉnh lân cận về mặt quân sự, tiếp tế. Do đó, Khu ủy Khu 7 chia lại địa giới hành chính các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho phù hợp hơn với thực tiễn lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Theo đó, tháng 6/1951, tỉnh Gia Định mới (Gia Định - Ninh), gồm các huyện Hóc Môn, Gò Vấp, Đức Hòa Thành, Trung Yên, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và Châu Thành, do đồng chí Phạm Văn Chiêu làm Bí thư, kiêm Chủ tịch.
Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh (6/1951-10/1951)5, đồng chí Phạm Văn Chiêu tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng theo địa giới hành chính mới và thu nhiều kết quả. Đây là sự chuẩn bị chu đáo và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân tỉnh Gia Định Ninh, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Phạm Văn Chiêu.
Từ một nhà giáo, nhà trí thức yêu nước trở thành người cộng sản, dấn thân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho nhân dân. Trong thời gian làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính, Ủy ban Kháng chiến Hành chính, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Ninh, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã có những đóng góp to lớn trong công tác xây dựng và phát triển Đảng. Với những cống hiến đó, năm 1949, đồng chí được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập với thành tích “Đã có công giữ vững và phát triển cơ sở kháng chiến tại một địa phương liền sát địch - Có thành tích vẻ vang” và tặng phẩm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cùng với các đồng chí của mình viết lên bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam và sống mãi trong lòng dân tộc, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trọng Hùng
1, 2, 4 Phạm Văn Chiêu: Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945-1954), Hồi ký, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr.53, 71-72, 88.
3, 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.368, 969.