Châu bản triều Nguyễn là tài liệu đặc biệt quý hiếm bởi đây là kho sử liệu gốc của triều Nguyễn và một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Giá trị của khối tài liệu này đã vượt khỏi tầm quốc gia để trở thành Di sản tư liệu của thế giới. Chính vì vậy rất cần phát huy giá trị của di sản này để phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân và cộng đồng xã hội.
Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa ngày 13 tháng 7 năm Đinh Dậu niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (ngày 13/8/1837)
Châu bản triều Nguyễn – giá trị tư liệu lịch sử
Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945), bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... cùng với bút tích ngự phê trực tiếp của 10 vị Hoàng đế triều Nguyễn gồm Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Đây thực sự là những tư liệu quý báu đặc sắc, bởi không phải triều đại phong kiến nào hay bất cứ vị quân vương của quốc gia nào cũng có được.
Về nội dung, Châu bản triều Nguyễn là hệ thống tư liệu nguyên gốc, chân xác và đáng tin cậy, phản ánh toàn diện giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Châu bản đề cập đến rất nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức hành chính, giáo dục, an ninh quốc phòng, ngoại giao, chính sách khoa cử, tuyển dụng nhân tài, chỉnh đốn quan lại, việc quy hoạch, xây dựng, thuế khóa, đúc tiền, việc quân nhu, bảo vệ biên ải, thưởng phạt, thủy lợi, đê điều, giáo hóa dân chúng về mặt phong tục, tập quán... phản ánh các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của triều đình nhà Nguyễn. Vì thế, Châu bản có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, quảng bá phát huy trên nhiều lĩnh vực.
Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn trong bối cảnh hiện nay
Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn có thể giúp ích cho vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển đảo. Trong Châu bản triều Nguyễn, nội dung không chỉ là hoạt động bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà nói rộng hơn là bảo vệ đất nước từ phía biển với rất nhiều các hoạt động từ công tác tổ chức quân đội, thuyền chiến, vũ khí; các hoạt động như xây hệ thống phòng thủ, công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, vận tải công, hoạt động chống ngoại xâm… Đây đều là những hoạt động quan trọng trong suốt giai đoạn độc lập của triều Nguyễn. Các hoạt động này là của nhà nước, thể hiện quyền làm chủ thực sự, hòa bình và liên tục của triều Nguyễn trên vùng biển.
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo đạt nhiều thành tựu trong đó có việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về bản đồ và tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa. Bộ tư liệu này là những văn bản, tư liệu, bản đồ đã được sao chụp, lựa chọn, nghiên cứu và trình bày có tính hệ thống đưa đến những thông tin căn bản nhất về những giá trị tư liệu lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tư liệu Châu bản về Hoàng Sa, Trường Sa đã đóng góp những chứng minh về quá trình quản lý, khai thác, vẽ bản đồ, chế độ thưởng phạt, cứu hộ khi công vụ trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Cho đến dưới thời Bảo Đại, dù lúc này đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ nhưng về mặt thể hiện chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, có 2 Châu bản thể hiện quyền đại diện về mặt nhà nước đối với công việc liên quan đến Hoàng Sa[1]. Những tài liệu này đã được giới thiệu qua các đề tài nghiên cứu, được sử dụng làm minh chứng cho chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử ở đất liền và biển đảo.
Châu bản triều Nguyễn có nhiều ý nghĩa trong xây dựng bộ máy hành chính nhà nước. Việt Nam vẫn đang tiếp tục công cuộc cải cách hành chính, hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Những nội dung của Châu bản triều Nguyễn liên quan đến vấn đề này rất cần được giới thiệu, phát huy bởi đây vẫn là bài học còn nguyên giá trị đối với tổ chức bộ máy chính quyền ở Việt Nam hiện nay, đơn cử như: Quy định rõ cơ cấu, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, chức danh trong bộ máy nhà nước, tránh chồng chéo công việc; Xây dựng bộ máy hành chính gọn nhẹ từ trung ương đến địa phương; tinh giản đội ngũ quan lại; Quan chức được bổ nhiệm phải là người có tài, đức; Giáo dục phẩm chất đạo đức cho quan lại; Vai trò nêu gương của người đứng đầu; Coi cải cách bộ máy hành chính cấp địa phương là một trọng tâm của công tác phòng chống tham nhũng; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của quan chức để hạn chế tình trạng lạm quyền và lộng quyền…
Châu bản triều Nguyễn có nhiều giá trị trong nghiên cứu văn hóa địa phương. Nghiên cứu lịch sử địa phương hay lịch sử của một vùng đất có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng trong công tác nghiên cứu lịch sử địa phương, cũng giống như nghiên cứu lịch sử dân tộc hay lịch sử thế giới, càng lùi về thời kỳ xa xưa, nguồn sử liệu nguyên thủy càng hiếm gặp. Châu bản triều Nguyễn là một “miền đất lành” trong nghiên cứu lịch sử địa phương. Với tính chất là sử liệu quan phương chính thống và có giá trị pháp lý, Châu bản triều Nguyễn phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương, bổ sung, chi tiết hóa các vấn đề đã được hệ thống sử liệu quan phương triều Nguyễn ghi chép và các bộ danh sử cũng như sử liệu dân gian khác đề cập; cùng với đó Châu bản còn bổ sung tư liệu về nhân vật và các sự kiện lịch sử địa phương; làm sáng tỏ và góp phần đính chính những uẩn khúc lịch sử. Có nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử địa phương theo thời gian bị mờ nhạt do thiếu tư liệu, lâu dần các giai thoại dân gian càng làm biến đổi nhiều hơn, nhiều khi làm sai lạc, tạo ra những uẩn khúc trong lịch sử. Châu bản triều Nguyễn là căn cứ quan trọng giúp đính chính rất nhiều những sai lệch đó, giúp ta có cái nhìn khách quan hơn, trả lại sự thật cho lịch sử. Những năm gần đây công việc nghiên cứu khai thác Châu bản triều Nguyễn tại các địa phương ở Việt Nam có xu hướng phát triển rộng rãi cả về số lượng và chất lượng.
Khép lại bài viết, chúng tôi xin mượn lời của TS. Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam trong lễ trao bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn tại Hà Nội năm 2014: “Các tài liệu này có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ ai đã đọc Châu bản vì chúng đưa bạn ngược dòng lịch sử thông qua những tư liệu về hơn 150 năm phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam. Mặc dù được viết từ nhiều thế hệ trước, nhưng những tài liệu này phản ánh cam kết lâu dài của quốc gia về phát triển giáo dục, văn hóa và khoa học, những cam kết này đến nay vẫn vô cùng mạnh mẽ”.
---------------
Chú thích
1. Đó là 2 tờ phiến:
+ Tờ phiến, ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3.2.1939) do Ngự tiền văn phòng trình vua Bảo Đại về việc xin truy tặng huy chương tứ hạng Long tinh cho ông Louis Fontan - Chánh cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa vì đã có công phòng thủ bảo vệ đảo Hoàng Sa. Châu phê: “Chuẩn y” Nguồn: Ủy ban Biên giới Quốc gia.
+ Tờ phiến, ngày 29 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 16 (24.05.1941) do Ngự tiền văn phòng trình vua Bảo Đại về việc xin thưởng ngũ hạng Long bội tinh cho ông hạm trưởng Benoist, chỉ huy tàu Francis Garnier đã có công trong việc giao thông với quần đảo Hoàng Sa. Châu phê: “Chuẩn y” Nguồn: Ủy ban Biên giới Quốc gia.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Trần Hồng Nhung, Giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời Nguyễn (dẫn theo: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201205/giai-phap-phong-ngua-tham-nhung-thoi-nguyen-291114)
3. Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2013.
Trường Sơn